Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8

Lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc vốn là hai bộ phận riêng biệt, mỗi phần có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên đây lại là hai bộ phận không tách rời nhau. Những sự kiện lịch sử xảy ra ở mỗi quốc gia ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của lịch sử thế giới và những chuyển biến của lịch sử thế giới sẽ tạo nên xu hướng phát triển chung cho các quốc gia.

 Mối quan hệ tác động qua lại giữa lịch sử thế giới với lịch sử dân tộc là điều không ai có thể phủ nhận. Vì vậy, nếu chúng ta hiểu rõ được tình hình đang diễn ra trên thế giới thì chúng ta có thể giải thích được các sự kiện đang xảy ra trong nước tại thời điểm đó và sẽ dự đoán được một phần tương lai phát triển của một quốc gia, dân tộc mình.

 Hiểu rõ tầm quan trọng trong mối quan hệ qua lại giữa hai bộ phận lịch sử: thế giới và dân tộc nên trong các bộ sách giáo khoa lịch sử phổ thông (cả THCS và THPT) các nhà biên soạn sách đã sắp xếp phần lịch sử thế giới học trước phần lịch sử Việt Nam, nhằm giúp cho các em có một cách nhìn tổng quan trước khi đi tìm hiểu lịch sử dân tộc. Theo tôi đây là một cách sắp xếp khoa học và hợp lý có tính chất định hướng tư duy cho cả giáo viên và học sinh.

 Tuy nhiên trên thực tế, nhiều em học sinh và một số giáo viên vẫn luôn coi lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam là hai bộ phận tách biệt. Các em học sang phần lịch sử Việt Nam thì quên lịch sử thế giới. Vì thế, khi học đến lịch sử Việt Nam, các em không hiểu được sự phát triển của các sự kiện cũng như không tìm thấy được nguyên nhân sâu xa tác động từ tình hình thế giới đến Việt Nam.

 

doc18 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 5568 | Lượt tải: 2Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ệ qua lại giữa hai bộ phận: lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; từ đó có phương pháp riêng bản thân để vận dụng linh hoạt hai kiến thức này với nhau tạo ra hứng thú học tập môn sử cho các em học sinh.
5. Phương pháp nghiên cứu:
Trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã sử dụng hai phương pháp chuyên ngành chủ yếu là phương pháp lịch sử và lôgic. Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp bổ sung như so sánh, thống kê, phân tích
6. Nguồn tài liệu
	- Đây là bản sáng kiến trình bày một số kinh nghiệm thực tế của bản thân. Do đó cơ sở chính để hoàn thành bản sáng kiến này chủ yếu là những ý kiến chủ quan của bản thân đã được tích lũy và kiểm nghiệm thực tiễn qua 5 năm giảng dạy.
	- Ngoài ra để hoàn thành bản sáng kiến này, tôi cũng đã tham khảo một số cuốn sách chuyên ngành có liên quan như: 
 + Sách giáo khoa lịch sử các lớp 6, 7, 8, 9, NXB Giáo dục.
 + Đại cương lịch sử (tập 3), NXB Giáo dục, 2001.
 + Sách giáo viên lịch sử 8, NXB Giáo dục,2003
 + Sách: Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử THCS, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009
7. Bố cục của đề tài: 
Đề tài bao gồm 18 trang, ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung chính của đề tài gồm:
Cơ sở lý luận của đề tài.
Thực trạng việc vận dụng kiến thức lịch sử thế giới trong dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8 trường THCS Sơn Điện – Quan Sơn – Thanh Hóa.
Những kinh nghiệm trong việc vận dung kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8
 B. PHẦN NỘI DUNG
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
	Bước vào lớp 6, các em học sinh sẽ được học một môn khoa học độc lập đó là môn Lịch sử. Theo một cấu trúc định sẵn ở bậc THCS thường học hết phần lịch sử thế giới mới đến phần lịch sử Việt Nam. Và niên đại của các sự kiện thế giới bao giờ cũng tồn tại song song hoặc gần với thời gian diễn ra các sự kiện trong lịch sử dân tộc.
Ví dụ:
	Phần lịch sử lớp 6: các em được học 4 bài (từ bài 3 đến bài 6), là những kiến thức khái quát nhất về sự tiến hóa của loài người trên trái đất và những quốc gia đầu tiên trên thế giới. Sang phần lịch sử Việt Nam các em học trong 20 bài (từ bài 8 đến bài 27) là toàn bộ phần lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc (sự xuất hiện của con người trên đất nước ta) đến thế kỷ X.
	Phần lịch sử lớp 7: Các em được học về lịch sử thế giới trung đại trong 7 bài đầu và phần lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỷ XIX cũng là thời kì phong kiến giai đoạn trung đại ở Việt Nam
	Phần lịch sử 8: Với 23 bài các em được học phần lịch sử thế giới cận đại và 8 bài lịch sử Việt Nam (từ năm 1858 đến năm 1918) tương ứng với thời kì cận đại trên thế giới. 
	Lớp 9: Phần thế giới 13 bài là toàn bộ lịch sử xảy ra ở thời hiện đại, và 21 bài lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay.
	Khi nhìn vào cơ cấu sách như vậy có người sẽ đặt ra một câu hỏi: Tại sao không học lịch sử Việt Nam trước lịch sử thế giới? Nếu bỏ qua phần lịch sử thế giới mà chỉ học mình phần lịch sử Việt Nam thì có được không?
Có thể nói rằng: Đây không phải là một sự sắp xếp ngẫu nhiên tùy hứng của các nhà biên soạn sách giáo khoa, mà là một nghiên cứu khá khoa học và lôgic theo sự phát triển của tư duy con người nói chung và của khoa học lịch sử nói riêng. 
Về mặt lôgic thì chúng ta thấy khi đánh giá một sự kiện, hiện tượng thì con người thường có hai kiểu tư duy: Nhìn cái tổng quát để hiểu cái cụ thể hoặc ngược lại (nhìn từ cái cụ thể để thấy được cái tổng quát). Trong lịch sử thì: mỗi quốc gia là một phần của thể giới vì thế các sự kiện sảy ra ở các quốc gia tạo ra xu thế phát triển của thế giới và chính phần lịch sử thế giới cũng đã tác động đến xu hướng phát triển của từng quốc gia. 
Vì thế có thể nói: trong việc dạy và học lịch sử Việt Nam thì phần lịch sử thế giới là rất quan trọng. Việc vận dụng linh hoạt các kiến thức cơ bản của phần lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam sẽ giúp các em có được cachs lý giải khoa học nhất các sự kiện đang diễn ra của dân tộc mình tại thời điểm đó.
II. THỰC TRẠNG VIỆC VẬN DỤNG KIẾN THỨC LỊCH SỬ THẾ GIỚI TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM Ở LỚP 8 TRƯỜNG THCS SƠN ĐIỆN – QUAN SƠN – THANH HÓA.
	Nhìn chung việc dạy và học lịch sử ở trường THCS Sơn Điện luôn đảm bảo chương trình, theo đúng tiến độ và thực hiện nghiêm túc theo phân phối chương trình mà Sở GD – ĐT Thanh Hóa đã đề ra. Tuy nhiên, việc học và dạy là quá trình động, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trực tiếp là người dạy (giáo viên) và người học (học sinh), kết quả cuối cùng là người học đã hiểu, vận dụng được gì từ cái học trước vào phân tích cái đang học cũng như vận dụng vào cuộc sống hàng ngày của các em. 
	Thực tế, hầu hết các em học sinh đều chưa hiểu hết mối quan hệ qua lại giữa phần lịch sử thế giới với phần lịch sử Việt Nam. Do đó, trong tư duy của các em đây là hai phần độc lập, học hết phần lịch sử thế giới thì có thể bỏ qua theo kiểu (song thì cất đi), các em chưa có một sự vận dụng nhất định trong quá trình tư duy và học phần lịch sử Việt Nam.
	Ví dụ: Ở bài 24: “Cuộc kháng chiến từ năm 1958 đến năm 1873” (SGK Lịch sử 8) các em học về quá trình xâm lược của thực dân Pháp vào Việt Nam tại Đà Nẵng (1858), Gia Định (1859)các em sẽ không thể lý giải được các câu hỏi của lịch sử đề ra như: Tại sao mãi đến năm 1858 thực dân Pháp mới chính thức xâm lược Việt Nam? Quá trình này có phải là một tất yếu hay không?. Nếu như các em không còn nhớ kiến thức lịch sử thế giới đã học ở bài 2 (Cách mạng tư sản Pháp) và bài 3 (Chủ nghĩa tư bản xác lập trên phạm vi toàn thế giới).
 	Bài 25: “Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc (1873 – 1884)”, kết thúc bài là hiệp ước Pa-tơ-nốt đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình nhà Nguyễn. Nước ta từ một nước độc lập trở thành nước: thuộc địa nửa phong kiến. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Việc nhà Nguyễn để mất nước vào tay thực dân Pháp ở cuối thế kỷ XIX có phải là một tất yếu lịch sử không? Để lý giải vấn đề này buộc học sinh phải vận dụng kiến thức đã học ở bài 10 (Trung Quốc giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) và bài 12 (Nhật Bản giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
	Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Ánh đã cõng rắn cắn gà nhà? Đánh giá công và tội thực sự của nhà Nguyễn với nước ta như thế nào? 
 	Các em sẽ thật sự lúng túng và thậm chí sẽ không thể có được câu trả lời nếu các em không nhớ và nắm được phần lịch sử thế giới cận đại nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XIX, khi mà các nước tư bản phương Tây như: Anh, Pháp, Ý, Mỹ lần lượt chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.
	Bài 28: “Trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX”. Các em sẽ lý giải như thế nào về vấn đề: Tại sao nhà Nguyễn lại không chấp nhận cải cách, canh tân đất nước mà vẫn duy trì đường lối bảo thủ để nước ta phải rơi vào tay thực dân Pháp?
	Bài 29: “Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam”. Các em sẽ được tìm hiểu về quá trình xây dựng bộ máy thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp ở Việt Nam, sự khai thác bóc lột của Pháp về kinh tế, sự nô dịch về văn hóa, giáo dụcCâu hỏi đặt ra là: Tại sao khi thực dân Pháp tiến hành khái thác thuộc địa ở Việt Nam chúng lại rất chú ý đến khai thác nông nghiệp?...Câu hỏi này sẽ được trả lời nếu các em nhớ lại kiến thức bài 6 (Các nước Anh, Pháp, Đức Mĩ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
	Ở Bài 30: “Phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918”, câu hỏi đặt ra cần các em giải thích là: Tại sao trong con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc lại khác hẳn về hướng đi so với các sĩ phu yêu nước trước đó như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh?....
	Có thể nói rằng: để trả lời các câu hỏi được đặt ra như trên không phải dễ dàng nhất là khi các em chưa nắm chắc được các sự kiện lịch sử thế giới đã xảy ra trong khoảng thời gian tương đương ấy. Ngược lại thì các em sẽ có được cái nhìn sâu sắc, toàn diện và giải thích rõ ràng các câu hỏi trên nếu các em có được kiến thức lịch sử xuyên suốt và khái quát của phần lịch sử thế giới cận đại.
	Về phía giáo viên dạy: đa số các thầy cô giáo khi lên lớp đều rất tâm huyết với nghề nghiệp, cố gắng truyền thụ, hướng dẫn các em những kiến thức cần thiết. Tuy nhiên do thời gian một tiết học có hạn (45 phút) trong khi đó lượng kiến thức của bài học mới thường dài, vì thế hầu hết các giáo viên đã không có nhiều thời gian để ôn tập, củng cố và hệ thống kiến thức cho các em. Giáo viên đã chưa thể tạo ra và khắc sâu mối liên hệ chặt chẽ giữa phần lịch sử thế giới với phần lịch sử Việt Nam. 
	Tóm lại: Trong việc dạy học lịch sử ở trường THCS Sơn Điện, mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam hầu hết vẫn chưa được đánh giá đúng, do đó việc vận dụng kiến thức lịch sử thế giới vào dạy và học lịch sử Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều hạn chế. Chính hạn chế này là một trong những nguyên nhân không tạo ra được hứng thú học tập môn lịch sử cho các em học sinh. Các em không thể lý giải các câu hỏi của phần lịch sử Việt Nam đặt ra do chưa nắm được quy luật vận động và phát triển của lịch sử thế giới, từ đó gây tâm lý chán nản, khó hiểu và ngại học môn lịch ở cho các em học sinh. Và đây cũng là lý giải cho câu hỏi: Vì sao học sinh Việt Nam lại ngại học lịch sử dân tộc mình.
III. KINH NGHIỆM CỦA BẢN THÂN RÚT RA TỪ THỰC TẾ GIẢNG DẠY.
	Tuy số năm công tác cũng chưa thực sự nhiều song bản thân tôi đã hiểu rất rõ tầm quan trọng trong việc vận dụng các kiến thức lịch sử thế giới vào dạy và học lịch sử Việt Nam. Vì vậy, tôi mạnh dạn đưa ra kinh nghiệm của bản thân trong việc “Vận dụng các kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8” như sau:
	1. Giáo viên phải luôn trang bị cho học sinh những kiến thức lịch sử mang tính hệ thống khái quát ngay từ đầu năm học, đầu chương mới hoặc một phần lịch sử mới. 
	Ví dụ: Ngay đầu những bài học lịch sử 8 đầu tiên giáo viên nên nhắc lại kiến thức: 
	 - Phần lịch sử thế giới thường chia làm 4 giai đoạn:
 + Lịch sử cổ đại: từ khi loài người xuất hiện đến khoảng thế kỷ thứ V (lịch sử lớp 6).
+ Phần lịch sử trung đại: từ khoảng thế kỷ thứ V đến khoảng thế kỷ XV (lịch sử lớp 7).
 + Lịch sử cận đại: Từ khoảng thế kỷ XVI đến năm 1917 (lịch sử lớp 8).
 + Lịch sử hiện đại: từ khoảng năm 1917 đến nay (lịch sử lớp 9).
	- Lịch sử Việt Nam cũng được chia làm các giai đoạn tương ứng như sau:
+ Giai đoạn cổ đại: từ khi con người xuất hiện đến khoảng thế kỷ X (lịch sử lớp 6).
+ Giai đoạn trung đại: từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX (lịch sử lớp 7).
+ Giai đoạn cận đại: Khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX (Lịch sử lớp 8).
+ Giai đoạn hiện đại: Từ năm 1945 đến nay (lịch sử 9).
	Do sự phát triển của lịch sử dân tộc mang đặc điểm riêng nên trong cách phân chia giai đoạn giữa lịch sử Việt Nam với phần lịch sử thế giới không tương đương nhau song các sự kiện lịch sử dân tộc đều có liên quan đến phần lịch sử thế giới và phần lịch sử thế giới luôn tác động đến sự phát triển của lịch sử dân tộc ta.
	2. Giới thiệu cho các em biết phần lịch sử lớp 8 mà các em chuẩn bị học là nằm ở giai đoạn chung nào: Đó là phần lịch sử thế giới cận đại (từ khoảng thế kỷ XVI đến năm 1917) và tương đương là phần lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Qua phần giới thiệu khái quát đó các em mới hình dung được cái mà các em đang được tìm hiểu là nằm ở chương, mục và giai đoạn nào.
	3. Trong từng bài học của phần lịch sử Việt Nam, giáo viên cũng nên có khái quát, liên hệ cụ thể để các em có sự hình dung, so sánh hai chiều các sự kiện đang xảy ra trong cùng thời điểm giữa lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Từ đó, các em có thể hiểu và lý giải cặn kẽ các vấn đề lịch sử đặt ra trong từng bài. Cụ thể như sau:
Bài học
Nội dung lịch sử Việt Nam
Kiến thức lịch sử thế giới có liên quan, ảnh hưởng đến LSVN
Bài 24: Cuôc kháng chiến từ 1858 đến năm 1873
- Từ giữa thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh việc xâm chiếm các nước phương Đông, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ xâm lược của tư bản Pháp
- Ngày 1/9/1858 quân Pháp, Tây Ban Nha tiến hành xâm lược Việt Nam.
- Ngày 17/2/1959, quân Pháp chuyển vào đánh Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Kì.
- Năm 1789 Pháp tiến hành cuộc cách mạng tư sản.
- Sau thắng lợi của cách mạng tư sản, nước Pháp còn diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX với những tiến bộ về kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải.
- Sau cuộc cách mạng tư sản và cách mạng công nghiệp, kinh tế Pháp phát triển nhanh chóng, đặt ra yêu cầu cần mở rộng lại thị trường và cung cấp nguyên liệu, tư bản Pháp tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược ở các nước phương Đông, trong đó Việt Nam là mục tiêu xâm lược
Bài 25: Kháng chiến lan rộng ta toàn quốc
- Ngày 20/11/1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, chính thức đánh chiếm Bắc Kì. Quân triều đình dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương cố gắng cản giặc nhưng bị thất bại. Quân Pháp tỏa đi đánh chiếm các tỉnh Hưng Yên, Phủ Lý.
- Quân và dân Hà Nội đứng dậy chống Pháp mạnh mẽ và đã giành được chiến thắng ở trận Cầu Giấy lần thứ nhất (12/1973).
- Sau hiếp ước Giáp Tuất (1874) tư sản Pháp phát triển mạnh, cần rất nhiều tài nguyên khoáng sản ở Bắc Kỳ nên chúng quyết tâm xâm chiếm bằng được Bắc Kì.
- Nhân dân ta, nhất là ở Hà Nội đã dũng cảm đứng dậy chống Pháp và làm nên trận Cầu Giấy lần hai (5/1883), quân Pháp hoang mang nhưng triều đình Huế lại chủ trương thương lượng với Pháp
- Quân Pháp lợi dụng triều đình Huế lục đục đã nổ súng đánh thẳng vào Thuận An, buộc triều đình Huế kí hiệp ước Hác-măng (1883) và hiệp ước Pa-ta-nốt (1884).
- Năm 1870 chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra trong điều kiện không có lợi cho Pháp.
- Năm 1871, Công xã Pa-ri nổ ra mạnh mẽ, chính phủ tư sản Pháp rất vất vả đối phó với tình hình trong nước cũng như ở các nước thuộc địa.
- Do hậu quả của cuộc chiến tranh Pháp- Phổ (1870 – 1871) mà nhịp độ phát triển công nghiệp của Pháp chậm lại, công nghiệp Pháp từ hàng thứ hai trên thế giới đã tụt xuống hàng thứ tư sau Mỹ, Đức, Anh (vào cuổi thế kỷ XIX).
- Sau năm 1870, nền cộng hòa thứ 3 của Pháp được thành lập, chính phủ cộng hòa thi hành các chính sách đàn áp nhân dân, tích cực chạy đua vũ trũ trang và tăng cường xâm lược thuộc địa. Pháp có hệ thống thuộc địa đứng hàng thứ hai thế giới bằng 1/3 diện tích thuộc địa của Anh.
- Các nước Đông Nam Á từ giữa thế kỷ XIX trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây. Anh xâm lược Mã Lai, Miến Điện. Pháp chiếm Việt Nam- Lào - Campuchia, Bồ Đào Nha thôn tính In- đô- nê- xi-a Chỉ có Xiêm là thoát khỏi tình trạng nước thuộc địa nhờ ngoại giao khôn khéo.
Bài 28: Trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX
- Vào những năm 60 của thế kỉ XIX, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Nam Kì, chuẩn bị tấn công đánh chiếm cả nước, thì triều đình Huế thi hành chính sách nội trị ngoại giao lỗi thời, lạc hậu khiến cho kinh tế, xã hội Việt Nam khủng hoảng nghiêm tịa phương trọng.
- Bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trở nên mục ruỗng, mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, các trào lưu cải cách Duy Tân ra đời.
- Ở Nhật Bản diễn ra cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân (1868). Giữa thế kỷ XIX các nước tư bản phương Tây (Mỹ, Nga, Anh) ngày càng can thiệp vào Nhật Bản đòi mở cửa. Nhật Bản đứng trước hai con đường: hoặc tiếp tục duy trì chế độ phong kiến mục nát trở thành miếng mồi cho thực dân phương Tây, hoặc canh tân để phát triển đất nước.
- Tháng 1/1868 sau khi lên ngôi, Thiên hoàng Minh Trị đã chọn con đường cải cách tiến bộ nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Đó là cuộc cải cách Minh Trị được tiến hành trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quân sự
Bài 29: Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam
- Sau khi căn bản hoàn thành công cuộc bình định thuộc địa, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam trên quy mô lớn.
- ở Trung Quốc: Sau cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894 – 1895), các nước đế quốc giành được quyền xây dựng các xí nghiệp, mở ngân hàng kinh doanh đường sắt, khai thác hầm mỏVì vậy các nước đế quốc đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc bằng cách cho chính phủ Mãn Thanh vay tiền. Đồng thời, các nước đế quốc còn trực tiếp kinh doanh lũng đoạn quyền trên xây dựng đường sắt, tích cực đầu tư khai thác hầm mỏ ở Trung Quốc.
	Như vậy, mỗi bài lịch sử Việt Nam trong chương trình lớp 8 đều có sự liên hệ chặt chẽ với các bài ở phần lịch sử thế giới. Đây cũng chính là một trong những mục đích của các nhà biên soạn sách nhằm muốn học sinh có mối liên hệ hai chiều; từ đó, có cái nhìn tổng quát, biết lí giải các vấn đề mà lịch sử Việt Nam đặt ra một cách cặn kẽ, lôgic và đánh giá nó đúng với sự thật khách quan. Vì vậy việc giáo viên hướng dẫn học sinh biết vận dụng kiến thức lịch sử thế giới vào học lịch sử Việt Nam là rất quan trọng.
 C. PHẦN KẾT LUẬN
1. Kết luận chung:
	- Để học sinh có thể vận dụng tốt kiến thức lịch sử thế giới vào học lịch sử Việt Nam ở bậc THCS nói chung và lớp 8 nói riêng thì bản thân giáo viên trực tiếp giảng dạy phải có phương pháp, kĩ năng hướng dẫn học sinh học.
	- Để việc vận dụng kiến thức lịch sử thế giới vào học lịch sử Việt Nam thành kĩ năng thường xuyên của học sinh thì ngay từ đầu (đầu cấp - lớp 6, đầu năm học, đầu học kì, đầu chương) giáo viên phải khái quát hóa, hệ thống hóa các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan đến phần lịch sử Việt Nam sắp học. Từ đó các em hình dung ra được việc học của mình sắp tới, vị trí bài, thời gian lịch sử các em đang học và sắp học. Nếu giáo viên dạy không làm tốt được khâu này (hệ thống hóa và khái quát hóa) thì khi vào các bài học lịch sử Việt Nam cụ thể, học sinh sẽ bị “lạc” vào “rừng” các sự kiện lịch sử mà không biết vị trí mình đang đứng.
	- Đối với học sinh bặc THCS, do tư duy và kiến thức hiểu biết của các em chưa rộng nên trong quá trình dạy trên lớp giáo viên nên chọn lọc các sự kiện lịch sử thế giới có liên quan đến lịch sử Việt Nam một cách ngắn gọn để giảng. Tránh tình trạng đưa tràn lan, quá nhiều vì như thế sẽ dẫn đến loãng hoặc rối kiến thức, học sinh khó hiểu.
	Trên đây là toàn bộ những kinh nghiệm mà tôi đã nghiên cứu, tích lũy và vận dụng trong thời gian qua và kết quả thu được từ bài thi môn lịch sử của học sinh lớp 8 trường THCS Sơn Điện qua 2 năm học với số điểm như sau: 
	Năm học 2009 – 2010: Có: 9% số học sinh đạt điểm giỏi
 Có: 36,5% đạt loại khá
 Có: 52,7% đạt loại trung bình
 Còn lại: 18 % số học sinh loại yếu kém
 Học kì I năm học 2010 – 2011: Có: 4/42 học sinh giỏi, chiếm 9,5 %
 Có: 22/42 học sinh khá, chiếm 52,4 %
 Có: 16/42 học sinh trung bình, chiếm 38,1 %
 Không có học sinh yếu, kém.
 Qua thực tế trên lớp và bằng kết quả từ các bài kiểm lịch sử định kì, thi cuối kì, cuối năm thì số bài đạt điểm khá giỏi được tăng lên đáng kể. Kết quả đó cho thấy: số học sinh hiểu bài chiếm một tỷ lệ cao và việc vận dụng các kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam ở lớp 8 đã có hiệu quả. 
 2. Kiến nghị và đề xuất.
	- Trên đây là kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình đứng lớp và trực tiếp giảng dạy phần lịch sử lớp 8. Mong các đồng nghiệp tham khảo và góp ý kiến.
	- Rất mong các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn lịch sử bậc THCS nói chung và khối lớp 8 nói riêng bằng kinh nghiệm của bản thân, vận dụng linh hoạt các kiến thức lịch sử thế giới vào dạy học lịch sử Việt Nam để tạo ra hứng thú học môn lịch sử cho học sinh.
	- Nên tạo tính hệ thống, xuyên suốt giữa các phần, các chương để học sinh có thể hiểu vấn đề một cách lôgic bởi lịch sử có tính lôgic: các sự kiện xảy ra ngày hôm nay sẽ dự báo hướng phát triển của ngày mai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục và Đào tạo (2003), “Lịch sử lớp 6”, NXB Giáo dục.
2. Bộ giáo dục và Đào tạo (2004), “Lịch sử lớp 7”, NXB Giáo dục.
3. Bộ giáo dục và Đào tạo (2005), “Lịch sử lớp 8”, NXB Giáo dục.
4. Bộ giáo dục và Đào tạo (2010), “Lịch sử lớp 9”, NXB Giáo dục.
5. Bộ giáo dục và Đào tạo (2009), “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử - trung học cơ sở”, NXB Giáo dục Việt Nam.
6. Bộ giáo dục và Đào tạo (2004), “Lịch sử lớp 8 – Sách giáo viên”, NXB Giáo dục.
7. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (2000), “Đại cương lịch sử Việt Nam” – tập 2, NXB Giáo dục.

File đính kèm:

  • docSKKN MON LICH SU.doc
Sáng Kiến Liên Quan