Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả

Việc tổ chức các hoạt động dạy học từ lâu đã được chú trọng với mục đích chung là giúp học sinh nắm được kiến thức bài học một cách hiệu quả nhất. Trong trường học, để thực hiện được vấn đề này không phải là dễ mà cần có một quá trình và dựa vào mỗi giáo viên chúng ta. Việc tổ chức dạy học có vai trò vô cùng to lớn trong việc truyền tải nội dung dạy học đến với học sinh, đảm bảo cho các em tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy để tổ chức một tiết dạy hiệu quả, thành công cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Là một giáo viên tiểu học, chúng ta cần phải biết sáng tạo, năng động, kết hợp các phương pháp, biện pháp giáo dục để tạo môi trường học tập tốt giúp học sinh hứng thú, từ đó học sinh mới tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Thực trạng của vấn đề:

Thuận lợi:

- Giáo viên tích cực, hoạt bát, thích ứng nhanh với các kế hoạch mới, cập nhật công nghệ thông tin tốt

- HS ngoan, chủ động tiếp thu kiến thức

- GV và HS có đủ các phương tiện để tham gia học tập trực tuyến

- Được sự quan tâm, ủng hộ của PHHS và BGH nhà trường

Khó khăn:

- Một số gia đình bố mẹ chưa có thời gian để theo sát việc học tập của con

- Một số HS còn rụt rè, chưa mạnh dạn

 

doc13 trang | Chia sẻ: haitina33 | Lượt xem: 32531 | Lượt tải: 2Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Năm học 2019-2020 là năm học có nhiều biến động do dịch Covid-19 (SARS-CoV-2) gây ra. Như các thầy cô đã nắm được, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Học sinh cả nước nghỉ học từ ngày 3/2/2020 đến ngày 4/5/2020 mới bắt đầu quay trở lại trường học. Trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trong những ngày nghỉ dịch. Ngày 27/3/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Công văn số 967 về việc hướng dẫn dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến, theo đó cho phép các nhà trường kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh. Qua đây, các thầy cô cũng tiếp cận gần hơn với hình thức dạy học trực tuyến. 
Là giáo viên chắc hẳn các thầy cô cũng đã từng trăn trở làm thế nào để giờ học diễn ra hiệu quả, không khí lớp học diễn ra thoải mái nhẹ nhàng với mình cũng như học sinh và làm thế nào để học sinh có hứng thú trong việc học?
Đối với một giờ học trên lớp, trong không gian lớp học, thầy và trò được trao đổi trực tiếp, các hoạt động diễn ra nhịp nhàng đôi khi vẫn không tránh khỏi sự nhàm chán hay hoạt động dạy – học chưa thực sự hiệu quả. Vậy khi học sinh học tập trực tuyến, không gian học tập bị hạn chế, tương tác giữa thầy cô và học sinh bị giảm đi đáng kể, làm thế nào để tiết học vẫn diễn ra một cách hiệu quả, học sinh có hứng thú học tập và phát huy được tính tích cực của mình hẳn là một bài toán mà các thầy cô quan tâm. Với vốn kinh nghiệm còn ít ỏi của mình, cùng với việc thực hiện giảng dạy trực tuyến trong thời gian vừa qua, tôi mạnh dạn nghiên cứu: “Một số biện pháp giúp tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả” nhằm giúp các thầy cô có cách làm phù hợp để giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất khi tham gia học trực tuyến.
2. Mục đích nghiên cứu
 Đưa ra một số biện pháp giúp giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Một số biện pháp giúp tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả
- Phạm vi nghiên cứu: Học sinh lớp 4A5 trường Tiểu học Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp quan sát, nhận xét
- Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu
- Phương pháp thực nghiệm
NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận và thực trạng
Việc tổ chức các hoạt động dạy học từ lâu đã được chú trọng với mục đích chung là giúp học sinh nắm được kiến thức bài học một cách hiệu quả nhất. Trong trường học, để thực hiện được vấn đề này không phải là dễ mà cần có một quá trình và dựa vào mỗi giáo viên chúng ta. Việc tổ chức dạy học có vai trò vô cùng to lớn trong việc truyền tải nội dung dạy học đến với học sinh, đảm bảo cho các em tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy để tổ chức một tiết dạy hiệu quả, thành công cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Là một giáo viên tiểu học, chúng ta cần phải biết sáng tạo, năng động, kết hợp các phương pháp, biện pháp giáo dục để tạo môi trường học tập tốt giúp học sinh hứng thú, từ đó học sinh mới tiếp thu kiến thức hiệu quả.
Thực trạng của vấn đề:
Thuận lợi: 
- Giáo viên tích cực, hoạt bát, thích ứng nhanh với các kế hoạch mới, cập nhật công nghệ thông tin tốt
- HS ngoan, chủ động tiếp thu kiến thức
- GV và HS có đủ các phương tiện để tham gia học tập trực tuyến
- Được sự quan tâm, ủng hộ của PHHS và BGH nhà trường
Khó khăn:
- Một số gia đình bố mẹ chưa có thời gian để theo sát việc học tập của con
- Một số HS còn rụt rè, chưa mạnh dạn
2. Các biện pháp đã thực hiện
2.1. Xây dựng nội quy lớp học
Cũng giống như tổ chức tiết học trên lớp, thầy cô cần đặt ra nội quy để học sinh thực hiện, như vậy hiệu quả học tập sẽ cao hơn. Việc xây dựng nội quy lớp học khi học tập trực tuyến lại càng quan trọng. Qua đó, học sinh thực hiện và phối hợp với giáo viên để việc học đạt kết quả cao nhất. Thầy cô nhờ đó mà quản lí được học sinh cũng như có các biện pháp để nắm được tình hình học tập của học sinh kịp thời.
Dưới đây là một số nội quy mà tôi đã đặt ra cho lớp học trực tuyến của mình:
*Đối với học sinh:
1. Đọc sách giáo khoa và thực hiện các hoạt động trước buổi học theo yêu cầu của giáo viên.
2. Chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ trước khi giờ học bắt đầu.
3. Vào lớp học đúng giờ, đăng nhập trước từ 2-5 phút để đảm bảo kết nối sẵn sàng trước khi buổi học bắt đầu.
4. Luôn bật camera và tắt micro trong suốt thời gian học, chỉ bật micro khi được giáo viên cho phép để phát biểu.
5. Ngồi học ngay ngắn và tập trung như khi học trên lớp, không làm việc riêng, giải quyết nhu cầu cá nhân vào giờ giải lao, trang phục lịch sự.
6. Hiểu và thực hiện đúng bộ kí hiệu của phần mềm dạy học trực tuyến.
7. Không bật các thiết bị, chương trình khác trên máy tính hoặc làm việc riêng trong khi học.
8. Bảo mật ID lớp học, không cho người khác thông tin để đăng nhập vào lớp học của mình.
*Đối với phụ huynh học sinh:
Với đối tượng học sinh tiểu học, để nội quy lớp học đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự nghiêm túc thực hiện của HS cũng cần sự phối hợp của PHHS. Cha mẹ sẽ hướng dẫn cũng như hỗ trợ con về nhiều mặt để việc học của con đạt kết quả tốt. GV đưa ra một số nội quy đối với PHHS như sau:
1. Sắp xếp vị trí ngồi học cho con trong một không gian phù hợp: yên tĩnh, riêng tư, thoải mái.
2. Hướng dẫn và hỗ trợ con chuẩn bị bài, thực hiện các hoạt động trước buổi học theo yêu cầu của giáo viên.
3. Chuẩn bị đầy đủ thiết bị, đảm bảo đường truyền internet. Hỗ trợ kĩ thuật trước và trong khi các con học (nếu cần).
4. Nếu phụ huynh tham gia học cùng con, vui lòng ngồi ở vị trí phù hợp và giữ yên lặng trong suốt buổi học.
5. Chủ động trao đổi với giáo viên để được hỗ trợ trong trường hợp con không vào được lớp học trực tuyến hoặc con cần được giảng giải thêm. 
Việc PHHS phối hợp với GV thực hiện nội quy lớp học là vô cùng quan trọng. Bởi vì các con học sinh còn nhỏ, chưa thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính hoặc điện thoại thông minh, đôi khi không xử lí được các tình huống xảy ra như: không vào được lớp học, không có âm thanh hoặc không thấy hình ảnh,...Khi đó, GV và HS rất cần sự có mặt của PHHS giúp con xử lí kịp thời. Hay đôi khi, cô dặn con chuẩn bị bài nhưng con lại quên, lúc này lời dặn dò của cha mẹ thật sự hữu ích, giúp con một lần nữa nhớ lại nhiệm vụ học tập của mình. Nhờ việc đưa ra những nội quy trên với PHHS mà chất lượng học tập khi HS tham gia học trực tuyến được nâng lên đáng kể. 
*Đối với giáo viên:
GV là người tổ chức buổi học, người có vai trò và nhiệm vụ quan trọng nhất tạo nên thành công của buổi học. Bản thân tôi cũng đặt ra một số nội quy cho chính mình để giờ học trực tuyến phát huy hết giá trị.
1. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, giáo án, đồ dùng dạy học trước khi giờ học bắt đầu.
2. Truy cập vào lớp học trước 10-15 phút để kiểm tra đường truyền internet cũng như các vấn đề phát sinh.
3. Chuẩn bị không gian giảng dạy phù hợp: yên tĩnh, riêng tư. Trang phục lịch sự.
4. Thực hiện điểm danh đầu và cuối giờ học.
5. Hướng dẫn học sinh hiểu và nắm được cách sử dụng bộ kí hiệu của phần mềm dạy học trực tuyến cũng như hướng dẫn HS các thao tác cơ bản khi tham gia lớp học.
6. Giữ liên lạc với PHHS để hỗ trợ trong trường hợp con không vào được lớp học hoặc con chưa hiểu bài cần được giảng giải thêm.
Trên thực tế, vai trò của GV tổ chức lớp học rất quan trọng. Nhất là trong những buổi đầu khi học sinh bắt đầu tham gia học trực tuyến. Thầy cô, học sinh và phụ huynh đều bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp cận với cách học qua internet. Khi đó, GV cần nắm chắc cách sử dụng phầm mềm để hướng dẫn PH và HS kịp thời. Có học sinh không vào được lớp học do đường truyền internet kém, PH chưa biết cách đăng nhập, HS chưa biết đổi tên thiết bị khi đăng nhập, chưa biết thao tác tắt/ bật camera/ micro,... Trong buổi học đầu tiên, GV dành nhiều thời gian để hướng dẫn các con sử dụng thành thạo. Như vậy, từ những buổi học sau không còn mất nhiều thời gian để hướng dẫn nữa, HS có nhiều thời gian để tiếp thu kiến thức của bài học hơn. 
2.2. Tổ chức các hoạt động học tập phong phú
Thành công của một tiết học được quyết định bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là học sinh hào hứng tham gia các hoạt động học tập, tiếp thu bài có hiệu quả và nắm được kiến thức bài học. 
Và để giúp học sinh đạt được hiệu quả học tập tối đa cần đến sự chuẩn bị của GV. Trước khi lên lớp, mỗi giáo viên đều phải chuẩn bị bài giảng của mình. Có chuẩn bị chu đáo thì kiến thức mới vững vàng, lời giảng mới hấp dẫn, phương pháp mới sinh động, song muốn tạo được sự chú ý và gây hứng thú học tập cho học sinh để không khí vui tươi nhẹ nhàng trong giờ học là cả một nghệ thuật.
Ngoài các phương pháp giảng dạy như: Quan sát, đàm thoại, thảo luận, thí nghiệm, và các hình thức: học nhóm - cá nhân - cả lớp, liệu giáo viên có thể tạo ra một hình thức học khác để học sinh “Học mà chơi – chơi mà học” hay không? Điều đó chắc chắn là được. Đó chính là “Tổ chức các trò chơi học tập”.
Nếu giáo viên biết tổ chức tốt, hợp lí “Các trò chơi học tập” thì đây sẽ là một hình thức học tập hết sức hứng thú đối với học sinh. Những hình thức này chỉ tiến hành vài phút nhưng hấp dẫn học sinh, học sinh học tập kiến thức mới và ôn tập củng cố kiến thức cũ trong một không khí thoải mái, không gò bó và giúp học sinh biết ứng dụng những trò chơi đã học vào hoạt động tự vui chơi hàng ngày.
Tuy nhiên, khi học tập trực tuyến, việc tổ chức các trò chơi học tập bị hạn chế nên giáo viên cần thay đổi cách thức tổ chức các trò chơi học tập cho học sinh. Thay vì các trò chơi hành động được tổ chức trực tiếp, GV thiết kế trò chơi qua powerpoint để học sinh tham gia. Các trò chơi được phân bố hợp lí trong suốt tiết học, chủ yếu ở phần ôn bài cũ để giúp học sinh có hứng thú trước khi vào bài học mới và ở phần củng cố để giúp học sinh có hứng thú đến tận cuối bài học. 
Ngoài việc thiết kế các trò chơi trên powerpoint, GV có thể sử dụng ngay các trò chơi trên ứng dụng Violet đã được thiết kế sẵn. Tuy nhiên, để tăng sự hứng thú cho HS, GV cần hướng dẫn HS cách thao tác để HS sử dụng và chọn đáp án trên màn hình chia sẻ của GV. Khi HS được thao tác trực tiếp trên màn hình sẽ hứng thú hơn khi HS chọn đáp án và GV thao tác. 
GV cần thiết kế các hoạt động học tập sao cho HS được tương tác với GV một cách nhiều nhất vì khi học trực tuyến, HS phải lắng nghe và quan sát GV qua màn hình đòi hỏi HS phải tập trung cao hơn mà đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học không tập trung được quá lâu. Lúc này, GV cần sát sao nhắc nhở kịp thời để HS tiếp thu bài học một cách tốt nhất. GV cần bao quát được lớp học để kịp thời nhắc nhở, động viên nếu HS xao nhãng hoặc làm việc riêng để HS tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Trong quá trình giảng dạy, nếu GV chia sẻ màn hình powerpoint mình đang dạy thì sau khi mỗi hoạt động nhỏ kết thúc, GV sẽ thoát màn hình chia sẻ để quan sát lại bộ HS cả lớp để động viên kịp thời. Hoặc ngay khi giảng bài, khi lắng nghe HS phát biểu, GV cũng có thể dùng các thanh công cụ của phần mềm để kiểm soát tình hình học tập HS. 
Ví dụ minh họa: Bài: Luyện tập chung (trang 136) – Toán 4
1. Ôn bài cũ: GV tổ chức trò chơi “Ai nhanh ai đúng?”
Mục tiêu: Giúp HS ôn lại kiến thức của bài học trước
Cách chơi: GV đưa ra các câu hỏi, HS trả lời bằng cách giơ tay hoặc thao tác giơ tay bằng nút kí hiệu trên phần mềm, GV mời bạn giơ tay nhanh nhất trả lời.
Minh họa Câu hỏi 1 của trò chơi Ai nhanh ai dúng?
2. Củng cố: GV tổ chức trò chơi “Rung chuông vàng”
Mục tiêu: Giúp HS củng cố lại những kiến thức đã học 
Cách chơi: Tương tự như cách chơi của trò chơi “Ai nhanh ai đúng?” tuy nhiên HS có thể tự chọn các câu hỏi theo ô số mà HS yêu thích.
Minh họa Câu hỏi 1 của trò chơi Rung chuông vàng
2.3. Chú trọng và đề cao kịp thời hành động của học sinh
Để việc học tập đạt hiệu quả, GV cần chú trọng đến những việc học sinh làm được.
Với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi tiểu học, HS rất dễ hứng thú khi được khen ngợi, được thầy cô và các bạn công nhận sự cố gắng của mình. Khi học ở trên lớp, việc thầy cô quan sát được những tiến bộ của học sinh là rất rõ thông qua các hoạt động học tập trong ngày. Khi học trực tuyến, góc nhìn của thầy cô trở nên hạn hẹp hơn nhưng không vì thế mà thầy cô bỏ qua việc khích lệ học sinh đúng lúc. Thông qua những việc làm nhỏ của HS mà thầy cô đưa ra những khen thưởng, động viên kịp thời để HS hứng thú hơn khi tham gia học trực tuyến, nhờ đó phát huy được tính tích cực của mình. Cụ thể, bản thân tôi đã áp dụng những việc làm sau:
Khen thưởng động viên kịp thời:
1. HS vào học đúng giờ khi cô giáo điểm danh: tặng 1 sao
2. HS chuẩn bị đầy đủ sách vở trước khi vào học: tặng 1 sao
3. HS xung phong đọc bài, trả lời câu hỏi xây dựng bài: tặng 1-5 sao
4. HS trả lời đúng câu hỏi/ tham gia trò chơi: tặng 5 sao
5. HS gửi bài cho cô đúng hạn: tặng 5 sao
6. HS hoàn thành bài đúng trước hạn/ có ý kiến sáng tạo: tặng 10 sao
Những sao khen thưởng này được tổng hợp lại để đổi lấy phiếu khen hoặc phần thưởng khi HS quay trở lại trường học.
Đặc biệt, GV chú ý lưu tâm hơn đến những HS còn rụt rè hay nhút nhát, cố gắng đảm bảo trong giờ học trực tuyến mỗi HS được gọi 1 lần. 
Ngoài ra, để khích lệ tinh thần của HS và để HS có thể theo dõi được sự tiến bộ của mình, GV có thể lập bảng thống kê khen thưởng. GV thiết kế một bảng tên học sinh của mình trong lớp, nếu học sinh làm một điều gì đó đặc biệt (trả lời chính xác, thắng một trò chơi, giúp đỡ các bạn khác, có sáng kiến đối với bài học,...) sẽ nhận được một điểm, điểm được tượng trưng bằng một con tem hay một cái dấu trên bảng tên của con. Kết thúc buổi học, bạn nào có nhiều điểm nhất sẽ được một phần thưởng lớn hơn do giáo viên đã quy định từ trước. Tuy nhiên, giáo viên hãy đảm bảo mỗi buổi một học sinh khác nhau được nhận thưởng. (Phụ lục)
2.4. Huy động sự đồng hành của PHHS
Như đã nêu ở phần nội quy dành cho PHHS khi HS tham gia học trực tuyến, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của PHHS khi HS tham gia học tập. Trong thời gian nghỉ dịch, cha mẹ như người thầy thứ hai của con, phối hợp cùng GV chỉ dạy cho con các kiến thức của bài học. Việc huy động sự đồng hành của PHHS là vô cùng cần thiết. Thầy cô sẽ nắm được tình hình học bài làm bài của các con thông qua phản hồi của PHHS.
GV cần hướng dẫn, tư vấn cho PHHS cách sử dụng các phần mềm để học trực tuyến, luôn giữ liên lạc với PHHS để hỗ trợ PHHS kịp thời. 
Hàng ngày sau khi học bài, GV giao nhiệm vụ học tập cho HS sau đó PHHS gửi lại cho GV qua Zalo hoặc Gmail. Nhờ đó mà GV nắm được tình hình học tập của HS. GV kịp thời giải đáp những khúc mắc của PHHS để GV và PH có cùng hướng nhìn, cùng đồng hành trong mọi hoạt động học tập của HS.
2.5. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất là điều kiện cần để giờ học trực tuyến có thể diễn ra một cách hiệu quả. Cụ thể ở đây là các thiết bị như: máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng...; đường truyền internet. Và không thể không kể đến các phần mềm giúp thầy cô dạy học trực tuyến. Cụ thể trong thời gian vừa qua, các thầy cô chủ yếu sử dụng phần mềm Zoom. Một số thầy cô sử dụng các phần mềm khác như: MS Team, Class, SkyperMỗi phần mềm đều có ưu nhược điểm riêng biệt. 
Tôi xin được chia sẻ hiểu biết của mình về phần mềm Zoom. Đây là phần mềm được nhà cung cấp cho người dùng sử dụng miễn phí với nhiều tiện ích. Tuy nhiên, nó cũng có một số bất cập như: giới hạn thời gian truy cập (40 phút). Sau khi hết 40 phút, GV và HS sẽ bị thoát ra khỏi phần mềm và phải đăng nhập lại để vào lớp học. Mỗi lần như vậy tuy không mất quá nhiều thời gian nhưng khiến tiết học bị ngắt quãng làm giảm sự chú ý của HS, chưa kể đến việc một số HS không thể đăng nhập lại sau khi đã bị thoát ra khỏi lớp học.
Để khắc phục vấn đề này tôi xin đưa ra cách giải quyết đã áp dụng ở lớp học của tôi như sau: 
Thầy cô có thể huy động sự đóng góp/ ủng hộ của PHHS để mua bản quyền phần mềm Zoom giúp quá trình học của HS được ổn định hơn, duy trì được nề nếp giờ học, từ đó mà hiệu quả học tập cũng được nâng lên. Tùy vào điều kiện và sự ủng hộ của PHHS mà lớp có thể đăng kí mua gói bản quyền từng tháng, khi sử dụng hết sẽ đăng kí mua thêm gói mới: kinh phí từ 250.000đ - 350.000đ/ 1 tháng.
Nếu như trường hợp không huy động được sự đóng góp của PHHS, thầy cô có thể tham khảo một số cách trên mạng internet để thời gian của 1 tiết học không bị giới hạn trong 40 phút. 
3. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm
Bằng việc áp dụng các biện pháp trên, tôi nhận thấy nhiều kết quả khả quan:
- Học sinh vào học đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập trước khi vào học. HS thi đua cùng phấn đấu để nhận được nhiều sao khen thưởng của thầy cô.
- HS sử dụng thành thạo các thiết bị cũng như thao tác tốt khi được cô mời trả lời.
- HS thực hiện tốt nề nếp lớp học, không làm việc riêng, không xin đi vệ sinh hay uống nước giữa giờ. Các con đều thực hiện những việc làm cá nhân vào khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ.
- Nhờ sự phối hợp của PHHS, số lượng HS tham gia học tập từ buổi thứ 3 trở đi ổn định mở mức 47,48/ 50 học sinh tham gia học tập (những em còn lại không tham gia được đều có lí do cụ thể mà PH đã thông báo lại với thầy cô).
- HS tích cực tham gia các hoạt động học tập, hăng hái phát biểu xây dựng bài, tập trung tốt trong suốt buổi học. 
KẾT LUẬN
Qua quá trình thực hiện, đề tài đem lại hiệu quả khá cao. Tôi thấy đề tài này không chỉ áp dụng cho học sinh lớp tôi mà còn có thể áp dụng cho học sinh ở các khối lớp khác trong trường, không chỉ ở năm học này mà còn có thể áp dụng cho những năm học tiếp theo. 
Qua vận dụng thực tế, bản thân tôi nhận thấy một số bài học kinh nghiệm sau:
- Giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nâng cao chuyên môn, học hỏi để ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy
- Những buổi đầu học trực tuyến, GV cần sát sao với lớp, nắm bắt được những ưu nhược điểm để khắc phục kịp thời
- GV cần kết hợp chặt chẽ với PHHS để thắt chặt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Tuy tình hình dịch bệnh đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực nhưng kể từ đây thầy cô có thể áp dụng thường xuyên hình thức dạy học trực tuyến để giúp học sinh củng cố kiến thức. Việc học trực tuyến đã có thể áp dụng một cách thường xuyên hơn. Hiệu quả của một tiết học trực tuyến được nâng lên dựa vào những biện pháp mà bản thân tôi đã đúc kết được và nêu ra ở trên.
Trong thời gian qua bản thân tôi đã vận dụng vào thực tế giảng dạy và chất lượng học sinh đã nâng lên rõ rệt. 
 Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài này sẽ không tránh khỏi những mặt hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, tôi mong đươc sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến quý báu của cấp trên và đồng nghiệp để đề tài này được hoàn thiện và đạt kết quả cao hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 5 năm 2020
 Người viết
 Đinh Thị Bích Huệ
PHỤ LỤC
Minh họa bảng thống kê sao khen thưởng trong 1 buổi học trực tuyến
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt
Chữ viết đầy đủ
GV
Giáo viên
HS
Học sinh
PHHS
Phụ huynh học sinh
MỤC LỤC

File đính kèm:

  • docskkn-toan-4hue-4-19-20_24082020.doc
Sáng Kiến Liên Quan