Sáng kiến kinh nghiệm Kĩ năng làm văn kiểu đề liên hệ - So sánh trong đề thi THPT quốc gia

 Kì thi THPT Quốc gia là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục Viêt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015. Kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Một trong những nhiệm vụ của giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn ở cấp THPT là phải bồi dưỡng cho học sinh kiến thức và hướng dẫn học sinh bộc lộ năng lực thể hiện kiến thức để giải quyết các vấn đề cụ thể. Để có thể làm tốt bài thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn với hình thức tự luận, học sinh không chỉ cần nắm vững kiến thức về các tác giả, tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa mà còn phải có kĩ năng viết văn tốt.

 Theo cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục Đào tạo năm 2018, phần kiến thức của lớp 12 chiếm 70%, còn kiến thức lớp 10,11 chiếm 30%, vì thế ở phần Làm văn, kiểu đề Liên hệ - So sánh trở thành kiểu đề quan trọng bởi nó có thể bao quát được nhiều phần kiến thức. Đây cũng là kiểu đề xuất hiện trong đề thi minh họa và đề thi chính thức của Bộ giáo dục Đào tạo năm 2018. Tuy nhiên đây là dạng đề chưa phổ biến nên vẫn còn nhiều mới mẻ đối với học sinh THPT hiện nay. Hầu hết các đề kiểm tra, bài tập, đề thi cấp trường, cấp địa phương chủ yếu còn xoay quanh những vấn đề trong một tác phẩm cụ thể ví dụ nhân vật, tình huống, bài thơ, đoạn thơ Còn các kiểu đề liên hệ so sánh tổng hợp giữa các tác phẩm còn ít được chú ý, nên gặp kiểu đề này, phần lớn học sinh đại trà đều cảm thấy vướng mắc.

 

docx27 trang | Chia sẻ: Mạc Dung | Ngày: 06/12/2023 | Lượt xem: 187 | Lượt tải: 0Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Kĩ năng làm văn kiểu đề liên hệ - So sánh trong đề thi THPT quốc gia", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hiện sự xót thương, đồng cảm trước những số phận ấy. Hai nhân vật được giới thiệu ở đầu tác phẩm đều xuất hiện trong trạng thái cô đơn, lạc lõng, bị lu mờ khi đặt trong mối quan hệ với những người xung quanh. Từ sự xuất hiện đó hé lộ số phận đầy bi kịch của Mị và Chí Phèo: bị tha hóa, bị lãng quên trong dòng đời, tồn tại mà như không, cuộc sống vô nghĩa, không phải là đang sống mà là đang kéo dài những ngày chưa chết. 
	+ Hai tác giả thể hiện thái độ phê phán những thế lực chèn ép, đẩy số phận con người vào bước đường cùng. Ẩn sau sự xuất hiện của hai nhân vật là sự lên án tố cáo các thế lực tàn bạo như cường hào, địa chủ, phong kiến chúa đất, những thế lực nắm quyền lực lợi dụng địa vị, luật rừng, sự lạc hậu kém hiểu biết của người nông dân mà đẩy số phận biết bao người vào bi kịch. 
* Điểm khác nhau
- Nghệ thuật miêu tả nhân vật: 
+ Biện pháp nghịch lí trong đoạn văn Vợ chồng A Phủ được sử dụng dày đặc hơn trong Chí Phèo. 
+ Bối cảnh xuất hiện của hai nhân vật khác nhau: Mị xuất hiện trong không gian khung cảnh miền núi Tây Bắc, tại nhà thống lí Pá Tra đầy nương rẫy, thuốc phiện, tàu ngựaChí Phèo xuất hiện ở làng quê, vùng đồng bằng Bắc bộ.
+ Lựa chọn điểm nhìn trần thuật khác nhau: Ở đoạn này, Mị được miêu tả từ điểm nhìn bên ngoài nên nhân vật hiện ra như một dấu chấm hỏi, một bí ẩn cần được giải mã. Còn ở Chí Phèo thì điểm nhìn di chuyển linh hoạt, khi bên ngoài khi bên trong nên hình tượng nhân vật vừa hiện ra một cách khách quan, lạnh lùng, nhưng vừa thấm đẫm tình cảm yêu thương của nhà văn. 
+ Ngôn ngữ trần thuật ở đoạn văn Vợ chồng A Phủ đậm chất miền núi; ngôn ngữ Chí Phèo đa thanh, phức điệu, giàu tính hiện thực,..
- Tư tưởng nhân đạo 
+ Cùng hướng ngòi bút và niềm xót thương đến số phận con người bi kịch nhưng cách khám phá và miêu tả về con người cô đơn, bi kịch của hai nhà văn khác nhau: Mị tự tách mình ra khỏi những người xung quanh, câm lặng không nói điều gì, như con rùa lầm lũi nuôi trong xó cửa, lẫn vào các đồ vật vô tri, nghĩa là nhân vật có xu hướng bị vật hóa. Còn Chí Phèo thì ngược lại, muốn tiếp cận, giao tiếp với đồng loại, nhưng đồng loại chối bỏ, nên hắn phải dùng kênh giao tiếp tiêu cực là chửi để thiết lập mối quan hệ giao tiếp với người đời. Cho nên điểm khác nhau trong nỗi cô đơn của hai nhân vật là Chí Phèo bị cô đơn (cô đơn cá thể), còn Mị tự cô đơn (cô đơn bản thể). 
	+ Nam Cao từ nhân vật Chí Phèo đặt ra vấn đề con người bị tha hóa trong môi trường hoàn cảnh phi nhân tính, muốn thay đổi con người phải bắt đầu từ sự thay đổi môi trường, hoàn cảnh sống đó. Tô Hoài từ nhân vật Mị đặt ra vấn đề con người cần phải được sống cho ra sống, sống ý nghĩa, sống hạnh phúc với những nhu cầu khát vọng nhân bản. 
* Lý giải sự khác nhau 
- Tô Hoài là nhà văn của miền núi, hồn hậu,viết về con người và đời sống miền Tây Bắc sinh động phong phú. Nam Cao viết về những cái nhỏ nhặt nhưng khái quát lên nhiều vấn đề nhân sinh; có biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật đặc biệt là các trạng thái tâm lí có tính lưỡng phân; giọng điệu chua chát, lạnh lùng nhưng đầy thương cảm, yêu thương. 
 	 - Hoàn cảnh ra đời của hai tác phẩm khác nhau: Vợ chồng A Phủ được sáng tác sau cách mạng tháng Tám còn Chí Phèo lại ra đời trước cách mạng tháng Tám. Nhà văn sáng tác trong hai giai đoạn khác nhau, nên tư tưởng nhân đạo cũng có những biểu hiện khác nhau. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài là tư tưởng nhân đạo kiểu mới, chịu sự chi phối của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn tư tưởng nhân đạo của Nam Cao là tư tưởng nhân đạo trước CM bởi Nam Cao là nhà văn hiện thực, của trào lưu hiện thực phê phán trước cách mạng. 
2.4.3. Liên hệ - so sánh hai chi tiết/ tình tiết 
2.4.3.1. Các ý cần triển khai 
	Ở dạng đề liên hệ - so sánh hai chi tiết/ tình tiết, trước hết phải nắm được lý thuyết về ý nghĩa, vai trò của chi tiết trong văn bản. Thông thường chi tiết/ tình tiết được chọn để ra đề thường là những chi tiết/tình tiết quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với việc thể hiện nhân vật hay tư tưởng của nhà văn. Đề ra cũng có thể linh hoạt, ví dụ yêu cầu phân tích ý nghĩa chi tiết/tình tiết nhưng chỉ để làm nổi bật hoặc nhận xét về một hoặc một vài khía cạnh nào đó của hai văn bản. Ở đề tài sáng kiến kinh nghiệm này, chúng tôi cũng xin đề xuất một phương án gợi ý triển khai phần liên hệ so sánh hai chi tiết/ tình tiết như sau: 
* Điểm giống nhau
- Giống nhau về vị trí của chi tiết/tình tiết trong tác phẩm (ở phần đầu hay phần cuối; phần giới thiệu hay phần phát triển, cao trào; phần mở đầu hay kết thúc tác phẩm): Mỗi chi tiết nghệ thuật đắt giá đều có một vị trí không thể thay thế trong cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật. 
- Giống nhau trong đặc điểm, diễn biến của chi tiết/tình tiết: Ví dụ chi tiết tĩnh hoặc động; ngoại cảnh hoặc nội tâm; trạng thái, tính chất hoặc hành động; thiên nhiên tạo vật hay con người.
- Giống nhau về ý nghĩa của chi tiết/tình tiết đối với việc thể hiện đối tượng liên quan (nhân vật hoặc sự vật)
- Giống nhau về ý nghĩa của chi tiết đối với việc thể hiện tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
- Giống nhau về ý nghĩa của chi tiết đối với việc thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm và phong cách nghệ thuật của tác giả. 
* Điểm khác nhau
	- Khác nhau về vai trò, vị trí của chi tiết/ tình tiết trong tác phẩm
	- Khác nhau về đặc điểm, diễn biến của chi tiết/tình tiết với các mức độ, biểu hiện cụ thể.
	- Khác nhau về ý nghĩa của chi tiết/ tình tiết đối với việc thể hiện đối tượng liên quan (nhân vật hoặc sự vật)
	- Khác nhau về ý nghĩa của chi tiết/ tình tiết đối với việc thể hiện tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn. 
	- Khác nhau về ý nghĩa của chi tiết đối với việc thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật, phong cách nghệ thuật của nhà văn. 
2.4.3.2. Ví dụ minh họa
	Đề ra: Phân tích chi tiết tiếng sáo gọi bạn tình trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Liên hệ với hình ảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, từ đó nhận xét về nghệ thuật miêu tả và tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn Tô Hoài và Thạch Lam. 
* Điểm giống nhau: 
 - Cả hai chi tiết tiếng sáo gọi bạn tình và chuyến tàu đêm đi qua phố huyện đều là những hình ảnh chi tiết mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng, xuất hiện như là những yếu tố của ngoại cảnh nhưng lại có tác dụng làm nổi bật thế giới nội tâm, tính cách. 
- Hai chi tiết đều tạo ra những biến động lớn trong thế giới nội tâm của các nhân vật với nhiều trạng thái cung bậc khác nhau: nhớ nhung, hoài niệm, khao khát, chán ngán, buồn thương...
- Hai chi tiết được xây dựng như là những phương tiện giúp Tô Hoài và Thạch Lam gọi tên được những trạng thái mơ hồ, chập chờn bên trong tiềm thức nhân vật, thể hiện tài năng miêu tả tâm lý con người của hai nhà văn. 
- Hai chi tiết đều tạo ra chất thơ, chất trữ tình cho thiên truyện, bởi đều là những chi tiết có ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng.
- Từ hai chi tiết có thể thấy được sự khám phá, phát hiện tinh tế của hai nhà văn với vẻ đẹp nội tâm của các nhân vật. Đó là khát vọng sống mãnh liệt, thấm thía, dù lúc này hay lúc khác bị hoàn cảnh vùi dập nhưng vẫn le lói, vẫn âm ỉ cháy bên trong họ. 
- Từ việc phát hiện những khát vọng đó, các nhà văn đều hướng tới ngợi ca những con người dù bất cứ hoàn cảnh nào vẫn không mất đi niềm khao khát được sống, ý thức về cuộc sống có ý nghĩa, không chấp nhận sự tẻ nhạt, câm lặng, vô vị. Đây cũng là tư tưởng nhân văn sâu sắc của hai nhà văn. 
* Điểm khác nhau
- Tiếng sáo gọi bạn tình xuất hiện ở phần giữa tác phẩm, trở đi trở lại nhiều lần với nhiều cung bậc, trạng thái khác nhau. Khi xa khi gần, khi từ bên ngoài vọng lại thiết tha bồi hồi, khi chợp chờn bên trong tâm trí, khi đầy mời gọi, khi đầy tiếc nuối...; Còn hình ảnh đoàn tàu xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, xuất hiện một lần duy nhất trong một khoảnh khắc ngắn đi qua phố huyện nhưng lại được miêu tả rất kĩ với rất nhiều những chi tiết về âm thanh, ánh sáng, không khí. Hình ảnh đoàn tàu được miêu tả từ xa đến gần rồi lại từ gần đến xa, được cảm nhận bằng tất cả các giác quan...
- Cùng là những chi tiết/ tình tiết tạo ra những biến động lớn trong đời sống nội tâm của các nhân vật nhưng tiếng sáo gọi bạn tình không chỉ tác động đến tâm lý mà còn thay đổi hành động của Mị. Tô Hoài có ý thức coi đây là sự trỗi dậy bước đầu của sức sống tiềm tàng bên trong Mị, là bước chuẩn bị cho sự nổi loạn hành động ở phần sau của tác phẩm; Hình ảnh đoàn tàu gắn liền với thói quen đợi tàu của chị em Liên trên phố huyện tối tăm, vô vị. Đoàn tàu khơi dậy trong Liên về những khao khát mơ hồ về một cuộc sống khác nhưng Liên chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm gì để thay đổi cuộc sống vì trước sau cô vẫn chỉ là một đứa trẻ mà thôi. 
- Hai chi tiết có vai trò khác nhau trong việc tạo ra vẻ đẹp cho thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Tiếng sáo gọi bạn tình gợi ra vẻ đẹp văn hoá của vùng cao Tây Bắc. Còn đoàn tàu gợi nhớ đến quê ngoại Cẩm Giàng của Thạch Lam với cuộc sống phố thị, phố huyện, ga xép nhỏ nghèo nàn, xơ xác trước cách mạng. 
- Từ những điểm khác nhau của hai chi tiết, có thể thấy được sự khác nhau trong tư tưởng nhân đạo của hai nhà văn. Thạch Lam là nhà văn lãng mạn trước cách mạng, với sở trường là truyện ngắn trữ tình. Tác giả chỉ dừng lại ở việc khẳng định khát khao mơ tưởng hướng tới tương lại đẹp đẽ nhưng rốt cuộc vẫn chưa tìm thấy hướng đi thay đổi số phận cuộc đời. Cho nên kết thúc truyện ngắn thường thấm đượm màu sắc bi quan, bế tắc; Tô Hoài là nhà văn hiện thực CM, không chỉ dừng lại ở việc khám phá vẻ đẹp tâm hồn mà còn thấy được khả năng cách mạng tiềm tàng có thể thay đổi số phận hoàn cảnh của con người đau khổ. 
* Lý giải điểm khác:
- Hai đứa trẻ được viết trước cách mạng, và Vợ chồng A Phủ được viết sau cách mạng; Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn trước cách mạng; Tô Hoài là nhà văn hiện thực Cách mạng. 
2.4.4. Liên hệ so sánh hai nhân vật
2.4.4.1. Cách triển khai các ý
	Ở dạng đề liên hệ so sánh hai nhân vật ở hai tác phẩm của hai tác giả khác nhau, chúng ta cần nắm chắc lý luận về nhân vật trong tác phẩm văn học; các phương diện phân tích nhân vật mới triển khai được các ý liên hệ so sánh.
*Điểm giống nhau
- Giống nhau về: giới tính/nghề nghiệp/vị trí xã hội/ xuất thân...
- Giống nhau về hoàn cảnh sống, thân phận, số phận...
- Giống nhau về đặc điểm tính cách, đời sống nội tâm, tâm lý...
- Giống nhau về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn
- Giống nhau trong tư tưởng nhà văn gửi gắm qua nhân vật.
* Điểm khác nhau: 
- Giống nhau trong về vị trí xã hội/ xuất thân...nhưng khác nhau về hoàn cảnh, thân phận, số phận...
- Giống nhau về hoàn cảnh, số phận thì khác nhau về biểu hiện, mức độ...
- Giống nhau trong đặc điểm tính cách, nội tâm nhưng khác nhau trong biểu hiện, trạng thái, mức độ...
- Khác nhau ở một số bút pháp, phương tiện xây dựng nhân vật. 
- Một số tư tưởng nghệ thuật khác nhau, biểu hiện của tư tưởng khác nhau...
2.4.4.2. Ví dụ minh hoạ
     Đề ra:  Phân tích nhân vật nghệ sĩ Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, từ đó nhận xét quan niệm của hai nhà văn về sứ mệnh người nghệ sĩ trước cuộc sống. 
* Điểm giống nhau
- Phùng và Vũ Như Tô đều được xây dựng như những người nghệ sĩ tài hoa, đam mê cái đẹp và sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật. 
- Cả hai người nghệ sĩ đều có khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Vũ Như Tô ấp ủ giấc mộng Cửu Trùng Đài “tranh tinh xảo với hoá công, cho dân ta nghìn thu còn kiêu hãnh”, còn Phùng phục kích nhiều ngày đêm để có thể thu vào ống kính "một cảnh đắt trời cho" làm tấm ảnh cho bộ lịch năm sau. Đó đều là những sản phẩm nghệ thuật kết tinh những tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ.
- Tuy nhiên đến cuối cùng, cả hai người nghệ sĩ đều có một kết cục đáng buồn. Bởi tác phẩm nghệ thuật của họ lại là những trở thành cái đẹp vô nghĩa, xa xỉ, phù phiếm, không có ích cho cuộc đời, cho con người. Cửu Trùng Đài bị đốt cháy ngay khi chưa hoàn thành, bản thân Vũ Như Tô bị đưa ra pháp trường. Bức ảnh thuyền và biển bị chính chủ nhân của nó chối bỏ, và Phùng trăn trở, day dứt, ám ảnh mãi về sau. 
- Từ những điểm giống nhau trong hình tượng người nghệ sĩ có thể thấy được sự giống nhau trong quan niệm nghệ thuật của hai nhà văn: Người nghệ sĩ thực sự chỉ có tài năng thôi chưa đủ mà còn phải có một trái tim biết yêu thương con người. Họ cần ý thức được sứ mệnh của nghệ thuật chân chính là vì con người. Nghệ thuật rời xa cuộc sống và không vị nhân sinh, nghệ thuật sẽ chết. 
* Điểm khác nhau
- Cùng là những người nghệ sĩ tài hoa có khát vọng nghệ thuật chân chính nhưng khát vọng của Vũ Như Tô chủ yếu bắt nguồn từ dục vọng cá nhân muốn khẳng định mình, thể hiện tài năng của mình. Còn Phùng chụp bức ảnh cho bộ lịch năm sau trước hết là do sự chỉ đạo của trưởng phòng, sau mới là do ý thức cá nhân. 
- Cả hai người nghệ sĩ đều có những ngộ nhận về chân lí nghệ thuật nhưng cuối cùng Phùng đã vỡ lẽ, đã được thức tỉnh, giác ngộ, hiểu được đâu mới là chân lí nghệ thuật, đời sống. Còn Vũ Như Tô đến phút cuối vẫn còn u mê, mù quáng, không hiểu được vì sao bản thân mình lại rơi vào kết cục bi thảm. 
- Cả hai nghệ sĩ đều say mê sáng tạo nghệ thuật nhưng khi bị đặt vào tình huống buộc phải lựa chọn nghệ thuật hay sự sống của con người thì sự lựa chọn của họ khác nhau. Phùng sẵn sàng vứt máy ảnh, hi sinh nghệ thuật, để cứu giúp con người. Còn Vũ Như Tô sẵn sàng dùng sinh mạng của con người để thực hiện giấc mộng nghệ thuật cá nhân ích kỉ. 
- Kết cục của hai người nghệ sĩ đều đáng buồn nhưng mức độ khác nhau. Với Vũ Như Tô là kết cục bi kịch đến bi thảm. Vũ Như Tô phải chết như là sự đền tội cho nhân dân, Cửu Trùng Đài bị thiêu trụi thành đống tro tàn. Còn Phùng, sau chuyến đi thực tế đã được thức tỉnh nhiều điều về sứ mệnh nghệ thuật chân chính, hứa hẹn về sau Phùng có thể sáng tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật đích thực hơn. 
- Từ những sự khác nhau trong cách miêu tả người nghệ sĩ, thấy được sự khác nhau trong quan niệm của hai nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa cái Đẹp và cái Thiện, Nghệ sĩ và Nhân dân. Nghệ sĩ là tinh hoa của Nhân dân nên khát vọng của Nghệ sĩ không thể đối lập với lợi ích thiết thực của Nhân dân. Còn Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh sự phê phán đối với thứ nghệ thuật tô hồng, mĩ lệ hoá cuộc sống, hoặc thứ nghệ thuật mô phỏng, “chụp ảnh” hiện thực, chỉ phản ánh được vẻ bề ngoài của sự sống. 
 	* Lí giải điểm khác
	- Nguyễn Huy Tưởng viết tác phẩm Vũ Như Tô thời kì trước Cách mạng khi đời sống nhân dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến vô cùng cực khổ, đặc biệt thân phận nghệ sĩ cũng rất bọt bèo bởi “gánh nặng áo cơm ghì sát đất ” không thể tỏa sáng tài năng. Ông xây dựng hình tượng Vũ Như Tô với niềm trăn trở day dứt về số phận nghệ sĩ và thân phận của nghệ thuật trong một hiện thực đầy nghiệt ngã. 
	- Nguyễn Minh Châu viết Chiếc thuyền ngoài xa thời kì hậu chiến. Văn học Việt Nam có những bước chuyển mình trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người, trong đó vấn đề lựa chọn giữa văn học tô hồng, mĩ lệ hóa cuộc sống hay văn học miêu tả bản chất bên trong với tất cả những gì tốt- xấu của nó đang là vấn đề được quan tâm nhất. Nguyễn Minh Châu đã viết Chiếc thuyền ngoài xa để nhằm thể hiện những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của ông. 
3. Kết luận
3.1. Bài học kinh nghiệm
Đây là kiểu đề còn khá mới mẻ so với phần lớn học sinh và giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn. Trong quá trình giảng dạy, từ chỗ nắm chắc các đặc trưng thể loại, tôi cố gắng hình thành các mô hình dàn ý đối với các khía cạnh liên hệ - so sánh khác nhau. Mô hình này, về cơ bản như là một “công thức” giúp các em học sinh lập ý, tìm ý. 
Tôi thử nghiệm trên rất nhiều đề thi, bao quát mọi khía cạnh khác nhau, có cả dạng so sánh tương đồng và so sánh tương phản đối lập, thậm chí liên hệ so sánh giữa các văn bản không cùng thể loại để các em rèn luyện thao tác tư duy. 
Bản thân tôi trong quá trình giảng dạy rèn luyện kĩ năng cho học sinh cũng tìm được nhiều giải pháp cách thức hiệu quả hướng dẫn cho học sinh tự tìm thấy vấn đề liên hệ so sánh ở các văn bản, tự mình triển khai dàn ý để tăng khả năng tư duy độc lập.
Cuối cùng, tôi cũng khẳng định một kinh nghiệm trong giảng dạy Ngữ Văn là mọi vấn đề, công thức hay mô hình đều chỉ có tính tương đối, cần phải rất linh hoạt vận dụng sáng tạo thì đề tài mới có ý nghĩa. 
3.2. Ý nghĩa
3.2.1. Liên hệ so sánh không chỉ là một kĩ năng cần thiết để giải quyết các đề thi THPT quốc gia mà còn là một thao tác lập luận quan trọng trong hầu hết các bài văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội. Hình thành kĩ năng này cho học sinh có ý nghĩa quyết định trong việc tạo lập những bài làm văn có chất lượng trong tất cả mọi kì thi. 
3.2.2. Từ việc cung cấp một số khái niệm lý thuyết làm công cụ, sáng kiến kinh nghiệm thực hiện triển khai các dạng đề liên hệ so sánh thường gặp: liên hệ so sánh hai đoạn thơ; liên hệ so sánh hai đoạn văn; liên hệ so sánh hai chi tiết; liên hệ so sánh hai nhân vật...Ở mỗi dạng đề, đều có hai phần, phần thứ nhất là gợi ý một số cách lập ý, phần thứ 2 là ví dụ minh hoạ. Tuy nhiên trong văn học thì mọi ví dụ đều chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi vì ở từng đối tượng văn học cụ thể, người viết có thể có nhiều ý khác bổ sung. 
3.3. Khả năng ứng dụng và triển khai
	3.3.1. Đề tài này đã được triển khai trong buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ Ngữ Văn năm 2017-2018, được đánh giá là đề tài có ý nghĩa thiết thực, cấp thiết. Các giáo viên tổ bộ môn đều phải đảm đương nhiệm vụ dạy học, ôn luyện cho các em học sinh khối 12. Vì vậy, trước sự thay đổi liên tục đề minh họa môn Văn của Bộ giáo dục và đào tạo thì chuyên đề này giúp cho các thành viên trong tổ có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình đổi mới ra đề cho phù hợp với yêu cầu của kì thi. 
3.3.2. Chúng tôi đã áp dụng chuyên đề này cho cả học sinh hệ chuyên lẫn hệ không chuyên trong năm học 2017- 2018 và đã thu được rất nhiều hiệu quả. Sau khi thực hiện chuyên đề, các em học sinh đã nắm vững kĩ năng làm kiểu đề liên hệ so sánh, biết cách triển khai các ý ở phần liên hệ so sánh, đảm bảo cấu trúc hoàn chỉnh của một bài văn. Các em học sinh không còn cảm thấy lúng túng, khó khăn khi đứng trước đề liên hệ so sánh, mà tự tin hơn, làm bài tốt hơn. Kết quả điểm thi bộ môn Ngữ Văn ở trường THPT tác giả đang giảng dạy năm học 2017- 2018 đã chứng minh rõ ràng cho điều đó. Điểm trung bình môn Ngữ Văn ở lớp 12V là 9,0đ; lớp 12SD là 8,72; lớp 12A2 là 8,54 và nhiều lớp khác cũng trên 8,0đ. Đây là những thông tin chính xác có thể kiểm chứng từ số liệu của Sở giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh.
3.3.3. Chúng tôi cũng đã áp dụng một phần kiến thức của chuyên đề này vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi Tỉnh và học sinh giỏi Quốc gia. Kết quả cho thấy các em học sinh trong đội tuyển được trang bị thêm kiến thức nâng cao về so sánh liên hệ, rèn luyện tư duy so sánh để phát hiện được nhiều vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của các đối tượng có chung đề tài, cũng như biết nhận ra nhiều khám phá sáng tạo của nghệ sĩ thể hiện trong từng tác phẩm cụ thể. Kết quả học sinh giỏi Quốc gia bộ môn Ngữ Văn của Tỉnh Hà Tĩnh năm qua cũng là minh chứng thuyết phục cho điều đó. 
3.4. Kiến nghị và đề xuất
3.4.1 Để phát huy tốt những kinh nghiệm từ chuyên đề này, giáo viên và học sinh cần phải tự mình tìm kiếm những vấn đề có thể kết nối, xâu chuỗi lại với nhau ở nhiều tác phẩm, luyện tập nhiều dạng, nhiều kiểu để hình thành năng lực tư duy  so sánh một cách vững vàng nhất. Từ đó, có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề so sánh liên hệ đặt ra ở bất cứ trường hợp nào, không chỉ riêng trong đề thi THPT Quốc gia. 
3.4.2. Về phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ dừng lại ở đối tượng liên hệ so sánh là hai tác phẩm văn học thuộc hai tác giả khác nhau. Cho nên đề tài này vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều vấn đề để các bạn đồng nghiệp phát triển, mở rộng thêm ở những chuyên đề khác. Trong khuôn khổ một sáng kiến kinh nghiệm, chúng tôi chỉ đưa ra một số đề xuất như vậy, rất mong nhận được sự góp ý của bạn bè đồng nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phương Lựu chủ biên (2002), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục
2. Chu Văn Sơn (2003), Chuyên đề truyện ngắn, Hà Nội
3. Phan Huy Dũng (2007), Chuyên đề Kết cấu trong thơ trữ tình, Vinh. 

File đính kèm:

  • docxsang_kien_kinh_nghiem_ki_nang_lam_van_kieu_de_lien_he_so_san.docx
Sáng Kiến Liên Quan