Sáng kiến kinh nghiệm Giảng dạy văn bản Nhật dụng ở trường THCS

 Hiện nay học sinh có xu hướng xem nhẹ học những môn xã hội nói chung, môn ngữ văn nói riêng. Cũng chính vì thế mà chất lượng học văn có chiều hướng giảm sút. Học sinh không say mê, yêu thích môn học mà say mê vào những môn mang xu hướng thời cuộc như tiếng Anh, Tin học . Chính vì thế lại càng đòi hỏi người Giáo viên đặc biệt là Giáo viên Ngữ văn phải tạo được giờ học thu hút học sinh, làm cho học sinh mong chờ đến giờ học. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có tâm huyết với nghề nghiệp, tìm ra được những thuận lợi - khó khăn trong giờ học để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm cho mình.

 Chương trình SGK THCS đưa vào học một số văn bản mới, đó là văn bản Nhật dụng. Văn bản này chiếm số lượng không nhiều (chỉ chiếm 10% trong chương trình SGK THCS), nhưng trước đó lí luận dạy học chưa từng đặt vấn đề PPDH văn bản nhật dụng. Cho nên giờ giảng dạy và học tập văn bản nhật dụng gặp không ít khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng: “chất văn” trong văn bản nhật dụng không nhiều, nếu không chú ý dễ biến giờ Ngữ văn thành bài thuyết minh về một vấn đề lịch sử, sinh học hay pháp luật, dẫn đến hiệu quả các tiết dạy học các loại văn bản này chưa cao.

 Bản thân tôi đã trực tiếp giảng dạy chương trình Ngữ văn thay sách 21 năm, tôi nhận thấy mình và các đồng nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế cả về phương pháp và kiến thức, nhất là phương pháp dạy các văn bản Nhật dụng.

 

doc8 trang | Chia sẻ: Hải Thượng | Ngày: 04/05/2023 | Lượt xem: 603 | Lượt tải: 0Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Giảng dạy văn bản Nhật dụng ở trường THCS", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG GIẢNG DẠY VĂN BẢN NHẬT DỤNG Ở TRƯỜNG THCS 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
 Văn bản nhật dụng là gì? Văn bản Nhật dụng không phải là một khái niệm chỉ thể loại hay kiểu văn bản. Nói đến văn bản Nhật dụng trước hết là nói đến tính chất nội dung của văn bản. Đó là những bài viết có nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng xã hội hiện đại như: thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý... Văn bản Nhật dụng có thể dùng tất cả các thể loại cũng như các kiểu văn bản.
 Mục tiêu của môn Ngữ văn: góp phần hình thành những con người có trình độ học vấn phổ thông cơ sở, chuẩn bị cho họ ra đời hoặc tiếp tục cho họ học lên bậc cao hơn. Đó là những người có ý thức tự tu dưỡng, biết yêu thương, qúy trọng gia đình, bạn bè; có lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, biết hướng tới những tư tưởng, tình cảm cao đẹp như lòng nhân ái, tinh thần tôn trọng lẽ phải, sự công bằng, lòng căm ghét cái xấu, cái ác. Đó là những con người biết rèn luyện để có tính tự lập, có tư duy sáng tạo, bước đâu có năng lực cảm thụ các giá trị chân, thiện, mĩ trong nghệ thuật, có năng lực thực hành và năng lực sử dụng Tiếng Việt như một công cụ để tư duy, giao tiếp. Đó cũng là những người có ham muốn đem tài trí của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc
	 Những đổi mới đồng bộ về giáo dục THCS và việc xây dựng chương trình biên soạn lại SGK các môn học theo tư tưởng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đổi mới phương pháp dạy học.
 Đặc biệt trong chương trình Ngữ văn THCS được xây dựng theo tinh thần tích hợp. Các văn bản được lựa chọn theo tiêu chí kiểu văn bản và tương ứng với kiểu văn bản là thể loại tác phẩm chứ không phải là sự lựa chọn theo lịch sử văn học về nội dung. Ngoài yêu cầu về tính tư tưởng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi THCS còn có nội dung là tính cập nhật, gắn kết với đời sống, đưa học sinh trở lại những vấn đề quen thuộc, gần gũi hàng ngày, vừa có tính lâu dài mà mọi người đều quân tâm đến.
 Văn bản Nhật dụng trong chương trình ngữ văn THCS mang nội dung “gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại”, hướng người học tới những vấn đề thời sự hằng ngày mà mỗi cá nhân, cộng đồng đều quan tâm như môi trường, dân số, sức khoẻ cộng đồng quyền trẻ em... Do đó những văn bản này giúp cho người dạy dễ dàng đạt được mục tiêu: tăng tính thực hành, giảm lý thuyết, gắn bài học với thực tiễn.	
 Xuất phát từ những lý do trên, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Một số kinh nghiệm trong giảng dạy văn bản Nhật dụng ở trường THCS” để góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy văn bản Nhật dụng và để học sinh yêu thích giờ học văn.
II. NỘI DUNG
	 Hiện nay học sinh có xu hướng xem nhẹ học những môn xã hội nói chung, môn ngữ văn nói riêng. Cũng chính vì thế mà chất lượng học văn có chiều hướng giảm sút. Học sinh không say mê, yêu thích môn học mà say mê vào những môn mang xu hướng thời cuộc như tiếng Anh, Tin học .... Chính vì thế lại càng đòi hỏi người Giáo viên đặc biệt là Giáo viên Ngữ văn phải tạo được giờ học thu hút học sinh, làm cho học sinh mong chờ đến giờ học. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có tâm huyết với nghề nghiệp, tìm ra được những thuận lợi - khó khăn trong giờ học để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm cho mình. 
 Chương trình SGK THCS đưa vào học một số văn bản mới, đó là văn bản Nhật dụng. Văn bản này chiếm số lượng không nhiều (chỉ chiếm 10% trong chương trình SGK THCS), nhưng trước đó lí luận dạy học chưa từng đặt vấn đề PPDH văn bản nhật dụng. Cho nên giờ giảng dạy và học tập văn bản nhật dụng gặp không ít khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng: “chất văn” trong văn bản nhật dụng không nhiều, nếu không chú ý dễ biến giờ Ngữ văn thành bài thuyết minh về một vấn đề lịch sử, sinh học hay pháp luật, dẫn đến hiệu quả các tiết dạy học các loại văn bản này chưa cao.
 Bản thân tôi đã trực tiếp giảng dạy chương trình Ngữ văn thay sách 21 năm, tôi nhận thấy mình và các đồng nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế cả về phương pháp và kiến thức, nhất là phương pháp dạy các văn bản Nhật dụng. 
 1. Thực trạng
	 Trong quá trình giảng dạy và dự giờ các đồng nghiệp, tôi nhận thấy một số thực trạng sau:
	 + GV coi các văn bản này là một thể loại cụ thể giống như truyện, kí ...
 + Giáo viên thuờng chú ý khai thác và bình giá trên nhiều phương diện của sáng tạo nghệ thuật như: cốt truyện, nhân vật, cách kể mà chưa chú trọng đến vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản gần gũi với học sinh.
 + Quá nhấn mạnh yêu cầu gắn kết tri thức trong văn bản với đời sống mà giáo viên chú ý nhiều tới liên hệ thực tế, dẫn đến việc khai thác kiến thức cơ bản chưa đầy đủ.
 + Vốn kiến thức của GV còn hạn chế ,thiếu sự mở rộng .
	 + GV chưa vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học cũng như các biện pháp tổ chức dạy học nhằm gây hứng thú cho HS.
 + Về phương tiện dạy học mới chỉ dừng lại ở việc dùng bảng phụ, tranh ảnh minh hoạ trong khi đó có một số văn bản nếu học sinh được xem những đoạn băng ghi hình sẽ sinh động hơn rất nhiều. Ví dụ như văn bản “Động Phong Nha”, “ca Huế trên sông Hương”... Nhưng hầu hết GV không chú ý đến vấn đề này.
	 + GV còn có tâm lý phân vân không biết có nên sử dụng phương pháp giảng bình khi dạy những văn bản này không và nếu có thì nên sử dụng ở mức độ như thế nào?
 + Giờ dạy tẻ nhạt, không thực sự thu hút sự chú ý của học sinh.
 2. Nguyên nhân của thực trạng trên là:
 - Văn bản nhật dụng mới được đưa vào giảng dạy, số lượng văn bản không nhiều nên GV còn thấy rất mới mẻ, ít có kinh nghiệm, lúng túng về phương pháp.
 - GV chưa có kĩ năng sử dụng máy chiếu nên việc mở rộng kiến thức cho các em bằng hình ảnh rất hạn chế. 
 - Chưa xác định đúng mục tiêu đặc thù của bài học văn bản Nhật dụng.
 - Chưa có ý thức sưu tầm tư liệu có liên quan đến văn bản như tranh ảnh, văn thơ để bổ sung cho bài học thêm phong phú
 3. Đề xuất giải pháp
	 Trước những thực trạng và nguyên nhân trên tôi xin đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy như sau:
 * Xác định mục tiêu đặc thù của bài học văn bản nhật dụng
 Nhấn mạnh vào hai khía cạnh chính: Trang bị kiến thức và trau dồi tư tưởng , tình cảm thái độ cho học sinh. Nghĩa là qua văn bản, cung cấp và mở rộng hiểu biết cho học sinh về những vấn đề gần gũi, bức thiết đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện đại, từ đó tăng cường ý thức công dân đối với cộng đồng.
 VD: Với văn bản “Ca Huế trên sông Hương”, mục tiêu bài học được xác định như sau:
 HS hiểu từ văn bản “Ca Huế trên sông Hương”:
 - Ca Huế với sự phong phú về nội dung, giàu có về làn điệu, tinh tế trong biểu diễn và thưởng thức là một nét đẹp của văn hoá cố đô Huế, cần được giữ gìn và phát triển.
 - Từ đó mở rộng vốn hiểu biết về văn hoá Huế và âm nhạc dân gian các vùng miền, bồi đắp tình yêu đối với xứ Huế và các giá trị văn hoá dân tộc.
	 -Văn bản nhật dụng có thể được viết ở dạng thuyết minh kết hợp với nghị luận ,miêu tả, bộc lộ cảm xúc.
 * Chuẩn bị
	 Về kiến thức: GV không chỉ xác dịnh đúng mục tiêu kiến thức của văn bản mà còn phải trang bị thêm cho mình những kiến thức mở rộng, hỗ trợ cho bài giảng như thu thập các tư liệu có liên quan đến bài giảng trên các nguồn thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, mạng Internet, báo chí, sách vở, tranh ảnh, âm nhạc...)
 VD: Khi dạy bài “Ca Huế trên sông Hương”, GV còn phải tạo thêm nguồn tư liệu bổ sung cho bài học trên các kênh âm nhạc dân gian các vùng miền, các bài hát về Huế, các bài báo và tranh ảnh về Huế. Đồng thời giao cho học sinh sưu tầm tư liệu có liên quan đến nội dung văn bản .
	 Về phương tiện dạy học: Các phương tiện dạy học truyền thống như: SGK, bảng đen, phấn trắng chưa thể đáp ứng đựơc hết yêu cầu dạy học văn bản nhật dụng. GV có thể chuẩn bị thêm các tư liệu khác như: đĩa nhạc CD, phim ảnh và nếu được thu thập, thiết kế và trình chiếu trên các phương tiện dạy học điện tử sẽ khiến các em hào hứng hơn trong giờ học.
 VD: Khi thiết kế bài học “Động Phong Nha” được cài đặt thêm các hình ảnh hoặc các đoạn phim ghi hình những đặc sắc của hang động này trên nền nhạc êm ả, mở rộng tới hình ảnh hang động nổi tiếng của Quảng Ninh (như động Thiên Cung - Hạ Long) thì sẽ thu hút sự chú ý của học sinh.
 - Khi thiết kế bài “Ca Huế trên sông Hương” GV cần chuẩn bị đĩa nhạc CD về tiếng hát của các làn điệu dân ca Huế và các làn điệu dân ca đặc sắc trên các miền đất nước( như chèo, dân ca Nam Bộ, dân ca quan họ).
	=> Có thể nói khi dạy học văn bản nhật dụng, GV có nhiều cơ hội hơn cho đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, nhờ đó mà các bài học văn bản Nhật dụng sẽ khắc phục được tính thông tin tẻ nhạt đơn điệu. Từ đó, hiệu quả dạy học văn bản nhật dụng sẽ tăng lên.
 * Phương pháp dạy học:
 Dạy học phù hợp với phương thức biểu đạt của mỗi văn bản
 Trong dạy học văn bản ,không thể hiểu nội dung tư tưởng văn bản nếu không đọc từ các dấu hiệu hình thức của chúng. Nên dạy học văn bản nhật dụng cũng phải theo nguyên tắc đi từ dấu hiệu hình thức tới khám phá mục đích giao tiếp trong hình thức ấy.
	 VD: Văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” được tạo theo phương thức biểu đạt tự sự thì hoạt động dạy học sẽ được tiến hành theo các yếu tố tự sự đặc trưng như: sự việc, nhân vật, lời văn, ngôi kể; từ đó hiểu chủ đề nhật dụng đặt ra trong văn bản này là vấn đề quyền trẻ em trong cuộc sống của gia đình thời hiện đại .
	 - Còn khi văn bản được tạo lập bằng phương thức thuyết minh như “Ôn dịch, thuốc lá” thì hoạt động dạy học tương ứng sẽ là tổ chức cho học sinh tìm hiểu nội dung văn bản từ các dấu hiệu hình thức của bài thuyết minh khoa học như: tiêu đề bài văn (Em hiểu như thế nào về đầu đề “Ôn dịch ,thuốc lá”? Có thể sửa nhan đề này thành “Ôn dịch thuốc lá” hoặc “Thuốc lá là một loại ôn dịch” được không? Vì sao?); vai trò của tác giả trong văn bản thuýêt minh( Theo em,tác giả có vai trò gì trong văn bản này); đặc điểm của lời văn thuyết minh (Đoạn văn nào nói về tác hại của thuốc lá đến sức khoẻ con người? Tác hại này được phân tích trên những chứng cớ nào?Các chứng cớ được nêu có đặc điểm gì? Từ đó cho thấy mức độ tác hại như thế nào của thuốc lá đến sức khoẻ con người? ở đây tri thức nào về tác hại của thuốc lá hoàn toàn mới lạ đối với em?)...
	 - Mặc dù các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản nhật dụng là thuyết minh và nghị luận nhưng các văn bản này thường đan xen các yếu tố của phương thức khác như: tự sự ,biểu cảm. Khi đó GV cũng cần chú ý đến yếu tố này.
 - Ví dụ: Văn bản thuyết minh “Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử” có lời văn giàu cảm xúc và hình ảnh thì người dạy sẽ nhấn vào các chi tiết miêu tả và biểu cảm cụ thể như:
 + Những cuộc chiến tranh nào đã đi qua trên cầu Long Biên?
 + Việc nhắc lại những câu thơ của Chính Hữu gắn liền với những ngày đầu năm 1947- Ngày trung đoàn Thủ đô vượt cầu Long Biên đi kháng chiến- đã xác nhận ý nghĩa chứng nhân nào của cầu Long Biên?
 + Số phận của cầu Long Biên trong những năm chống Mĩ được ghi lại như thế nào?
 + Lời văn miêu tả trong đoạn này có gì đặc biệt?
 + Từ đó cầu Long Biên đóng vai trò chứng nhân chiến tranh như thế nào?
	+ Tác giả đã chia sẻ tình cảm như thế nào đối với cây cầu chứng nhân này?
	- Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” có kết hợp phương thức lập luận với biểu cảm thì người dạy sẽ chú ý phân tích lí lẽ và chứng cớ, từ đó tìm hiểu thái độ của tác giả, ví dụ khi phân tích phần cuối của văn bản:
	- Phần cuối của văn bản có hai đoạn. Đoạn nào nói về “chúng ta” chống vũ khí hạt nhân? Đoạn nào là thái độ của tác giả về việc này?
	- Em hiểu thế nào về “bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hoà bình ,công bằng”?
	- Ý tưởng của tác giả về việc mở “một nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm hoạ hạt nhân” bao gồm những thông điệp gì?
	- Em hiểu gì về thông điệp đó của ông?
	- GV có thể giảng tóm tắt: 
	- Bản đồng ca ....đó là tiếng nói của công luận thế giới chống chiến tranh, là tiếng nói yêu chuộng hoà bình của nhân dân thế giới.
	- Thông điệp về một cuộc sống đã từng tồn tại trên trái đất và về những kẻ đã xoá bỏ cuộc sống trên trái đất này bằng vũ khí hạt nhân.
	- Tác giả là người yêu chuộng hoà bình, quan tâm sâu sắc đến vũ khí hạt nhân với niềm lo lắng và công phẫn cao độ.
 * Vận dụng linh hoạt các phương pháp đặc trưng của phân môn văn học như: Phương pháp đàm thoại, đọc diễn cảm, giảng bình. Trong đó chú trọng nhất phương pháp đàm thoại bằng hệ thống câu hỏi dẫn dắt theo mức độ từ dễ đến khó rồi liên hệ với đời sống. 
 VD: trong bài “Ca Huế trên sông Hương”(có thể đặt các câu hỏi: Cách biểu diễn thưởng thức ca Huế có gì giống và khác so với dân ca quan họ miền Bắc? Từ tác động của ca Huế, em nghĩ gì về sức mạnh của dân ca nói chung đối với tâm hồn con người?)
 Khi dạy văn bản nhật dụng, GV không nên quá coi trọng phương pháp giảng bình. Bởi bình văn là tỏ lời hay ý đẹp về những điểm sáng thẩm mĩ trong văn chương, đối tượng bình phải là những tác phẩm mang vẻ đẹp văn chương. Theo tôi, một số văn bản giàu chất văn chương (như: Mẹ tôi, Cổng trường mở ra, Ca Huế trên sông Hương, Cuộc chia tay của những con búp bê) giáo viên có thể sử dụng lời bình giảng nhưng không nên đi quá sâu. Còn đối với những văn bản nhật dụng không nhằm cảm thụ văn chương thẩm mĩ (như Bài toán dân số, Thông tin về ngày trái đất năm 2000; Ôn dịch, thuốc lá) thì GV không thể bình phẩm đựơc những vẻ đẹp hình thức nào cũng như những nội dung sâu kín nào trong đó.Do vậy, khi dạy GV cần chú ý điều này để tránh sa vào tình trạng khai thác kĩ lưỡng văn bản mà giảm đi tính chất thực tiễn, gần gũi và cập nhật của văn bản Nhật dụng.
 Mục đích của việc dạy văn bản nhật dụng là giúp học sinh hoà nhập hơn nữa với đời sống xã hội nên GV phải tạo ra không khí giờ học dân chủ, sôi nổi,kích thích sự hào hứng của học sinh.
 VD :khi dạy bài Ca Huế trên sông Hương GV có thể cho học sinh nghe một làn điệu dân ca Huế, cuối giờ có thể tổ chức cho học sinh thi hát các làn điệu dân ca ba miền. Thi sưu tầm vẻ đẹp của văn hoá Huế ...
III, KẾT LUẬN
	 1. Kết luận trong quá trình nghiên cứu:
 Như vậy để giờ dạy văn bản nhật dụng đạt kết quả cao, đáp ứng mục tiêu bài học, người giáo viên cần phải đa dạng hoá các biện pháp dạy học, các cách tổ chức dạy học, các phương tiện dạy học theo hướng hiện đại hoá: thu thập, sưu tầm các nguồn tư liệu để minh hoạ và mở rộng kiến thức. Coi trọng đàm thoại cá nhân và nhóm, chú ý tới câu hỏi liên hệ ý nghĩa văn bản với hoạt động thực tiễn của cá nhân và cộng đồng xã hội hiện nay. Sáng tạo trò chơi dạy học đơn giản, nhanh gọn để minh hoạ cho chủ đề của văn bản. Tăng cường phương tiện dạy học điện tử như máy chiếu để gia tăng lượng thông tin trong bài học, tạokhông khí dân chủ, hào hứng trong giờ học
	 2. Kiến nghị
	 - Thư viện nhà trường nên có tranh ảnh, băng đĩa phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy các văn bản nhật dụng.
 - Thời gian nghiên cứu không nhiều nên tôi rất mong sự nhận xét, đóng góp của các đồng nghiệp để sáng kiến của tôi có chất lượng hơn.	
 Người Viết	
 Nguyễn Ngọc Tiến	

File đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_giang_day_van_ban_nhat_dung_o_truong_t.doc
Sáng Kiến Liên Quan