Hướng dẫn và quy định việc thực hiện Đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương

Đề tài, sáng kiến kinh nghiệm giáo dục (SKKN) là kết quả lao động sáng tạo của cán bộ, giáo viên. SKKN có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong giáo dục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy các đơn vị cần hết sức coi trọng việc mở rộng, nâng cao chất lượng SKKN và phổ biến, áp dụng SKKN vào việc đổi mới công tác quản lý giáo dục và giảng dạy.

Khuyến khích việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng, nghiên cứu sâu về chuyên môn của cá nhân hoặc nhóm tác giả nhằm phát huy tối đa sức mạnh tập thể; đề tài được in thành sách để phổ biến rộng rãi trong toàn ngành.

 

doc8 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 8968 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Hướng dẫn và quy định việc thực hiện Đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG	CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
	SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO	Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
	Số: 1680/SGDĐT-VP	 Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 10 năm 2010
V/v: Hướng dẫn và quy định việc thực hiện đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương.
Kính gửi:
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo;
Các Trung tâm Giáo dục;
Các Trường Trung học Phổ thông;
Các Trường Trung cấp Chuyên nghiệp.
Căn cứ Luật Thi đua-Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng ( 2005); căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng”; 
Căn cứ nhiệm vụ năm học của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện đề tài, sáng kiến kinh nghiệm năm học 2010- 2011 và các năm học tiếp theo như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
Đề tài, sáng kiến kinh nghiệm giáo dục (SKKN) là kết quả lao động sáng tạo của cán bộ, giáo viên. SKKN có tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong giáo dục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy các đơn vị cần hết sức coi trọng việc mở rộng, nâng cao chất lượng SKKN và phổ biến, áp dụng SKKN vào việc đổi mới công tác quản lý giáo dục và giảng dạy. 
Khuyến khích việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng, nghiên cứu sâu về chuyên môn của cá nhân hoặc nhóm tác giả nhằm phát huy tối đa sức mạnh tập thể; đề tài được in thành sách để phổ biến rộng rãi trong toàn ngành.
II. NỘI DUNG – CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI, SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM: 
1. Nội dung đề tài, sáng kiến kinh nghiệm: 
Nội dung đề tài nghiên cứu, SKKN cần tập trung vào những lĩnh vực như: đổi mới hoạt động quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy-học và giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ, hiệu quả hoạt động của chuyên môn, của các bộ phận chức năng, hiệu quả các hoạt động phong trào thi đua của đơn vị...cụ thể như sau: 
- Đề tài, SKKN về đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong nhà trường. 
- Đề tài, SKKN về đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cho điểm học sinh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. 
- Đề tài, SKKN về hoạt động tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; về việc triển khai, bồi dưỡng giáo viên thực hiện giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới ở đơn vị. 
- Đề tài, SKKN trong tổ chức hoạt động của các phòng bộ môn, phòng thư viện, phòng thực hành thí nghiệm, phòng thiết bị; về xây dựng cơ sở vật chất...
- Đề tài, SKKN trong việc ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động ở đơn vị; kinh nghiệm xây dựng các phần mềm tin học, bài giảng điện tử, phương pháp sử dụng hiệu quả các đồ dùng dạy học và thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy. 
- Đề tài, SKKN về công tác chủ nhiệm lớp, hoạt động đoàn thể và công tác xây dựng Đảng; về đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, cách thức quản lý các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp; về việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh. 
- Đề tài, SKKN trong tổ chức học 2 buổi/ngày; tổ chức bán trú trong nhà trường; về việc nâng cao chất lượng giảng dạy Tin học và thí điểm tiếng Anh tăng cường . 
- Đề tài về cải tiến và nâng cao hiệu quả của công tác Thi đua-Khen thưởng trong đơn vị.
Các đề tài nghiên cứu khoa học tham dự hội thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh trở lên và được xếp giải có giá trị tương đương như một đề tài do Hội đồng khoa học ngành thẩm định. 
2. Về cấu trúc:
a/ Đặt vấn đề : 
- Nêu rõ lý do, sự cần thiết tiến hành đề tài, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo; cơ sở của đề tài nhằm giải quyết vấn đề gì, được xuất phát từ yêu cầu thực tế nào...; 
- Tổng quan những thông tin liên quan về những vấn đề cần nghiên cứu, thực trạng vấn đề; 
- Khẳng định tính mới về khoa học của vấn đề trong điều kiện thực tế của ngành và của địa phương. 
b/ Nội dung: 
- Nêu thực trạng của vấn đề. 
- Mô tả và giới thiệu các nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện ( phần trọng tâm)
 - Các phương pháp hoạt động thực hiện sáng kiến kinh nghiệm như: thu thập thông tin, điều tra khảo sát, thử nghiệm thực tế, hội thảo. . . 
- Những kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra, những sản phẩm chính của đề tài. 
- Khả năng ứng dụng, triển khai kết quả của sáng kiến kinh nghiệm. 
c/ Kết luận: 
- Khẳng định được những giá trị của đề tài, SKKN như : tính mới, tính khoa học, tính ứng dụng thực tiễn, tính hiệu quả 
- Những kiến nghị, đề xuất ( nếu có )
III. ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI ĐỀ TÀI, SKKN:
1.Về nội dung: Đạt tối đa 90 điểm 
a/ Tính mới: (20 điểm )
Trên cơ sở kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy, giáo dục...phát hiện và xây dựng được nội dung, phương pháp mới, có tính đột phá, phù hợp và nâng cao được hiệu quả, chất lượng trong quá trình thực hiện công tác của mình 
b/ Tính khoa học: (25 điểm )
có luận đề: Đặt vấn đề gọn, rõ ràng ( giới thiệu được khái quát thực trạng, mục đích ý nghĩa cần đạt, những giới hạn cần có...)
có luận điểm: Những biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể 
có luận cứ khoa học, xác thực: thông qua các phương pháp hoạt động thực tế
có luận chứng: những minh chứng cụ thể ( số liệu, hình ảnh...) để thuyết phục được người đọc
toàn bộ nội dung được trình bày hợp lý, có quan hệ chặt chẽ giữa các vấn đề được nêu, có sử dụng các phương pháp để phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát được mục tiêu, vấn đề nêu ra; phù hợp với qui luật, với xu thế chung, không phải là ngẫu nhiên .
c/ Tính ứng dụng thực tiễn: (20 điểm )
Mang tính khả thi, có khả năng ứng dụng đại trà trong toàn ngành giáo dục; được các CB-GV trong ngành vận dụng vào công việc của mình đạt kết quả cao. 
 d/Tính hiệu quả: (25 điểm )
Đem lại hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy và giáo dục; trong việc tiếp nhận tri thức khoa học hay hình thành kỹ năng thực hành của học sinh. Áp dụng trong thực tế đạt được hiệu quả cao nhất, với lượng thời gian và sức lực được sử dụng ít nhất, tiết kiệm nhất. 
2. Về hình thức: (10 điểm: 05 điểm cho mỗi mục ) 
a/ Trình bày nội dung theo bố cục đã nêu trên, từ ngữ và ngữ pháp được sử dụng chính xác, khoa học; các kiến thức được hệ thống hóa một cách chặt chẽ phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay. 
b/ Đề tài được soạn thảo và in trên máy vi tính, trang trí khoa học, đóng bìa đẹp. Bìa sáng kiến kinh nghiệm phải được ghi rõ ràng theo trật tự sau: tên cơ quan chủ quản, tên đơn vị, tổ, phòng (khoa); tên đề tài; tên tác giả; chức danh; năm thực hiện
3. Đánh giá, xếp loại : 
- Loại A: Đạt từ 85 - 100 điểm 
- Loại B: Đạt từ 65 - 84 điểm 
- Loại C: Đạt từ 50 - 64 điểm 
- Không xếp loại: Đối với các đề tài đạt dưới 50 điểm. 
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
	1. Đối với các phòng Giáo dục và Đào tạo 
	Các phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường THCS, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn huyện, thị xã cụ thể như sau: 
	- Phát động phong trào viết và áp dụng SKKN, phổ biến các yêu cầu về nội dung, hình thức và tiêu chuẩn chấm xét theo quy định của Sở để các đơn vị tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài và tiến độ thực hiện. 
	- Thành lập Hội đồng Khoa học để chấm xét các đề tài, SKKN của đơn vị mình. 
*Lưu ý:
	Sau khi chấm xét xong; các trường THCS, Tiểu học, Mầm non chọn lọc những SKKN xếp loại A,B; lập “ Tờ trình” và “ Biên bản” của HĐKH trường để gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng Khoa học (do UBND huyện, thị ra quyết định thành lập) và tổ chức chấm xét các đề tài xếp loại A,B cấp trường. 
Sau khi có kết quả; HĐKH các phòng Giáo dục và Đào tạo công nhận các SKKN và chọn lọc những SKKN xếp loại A,B; lập “ Tờ trình” và “ Biên bản” của HĐKH gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để Hội đồng Khoa học của ngành xét chọn cấp ngành ( có giá trị bảo lưu và đề nghị CSTĐ cấp tỉnh) . 
	2. Đối với các trường THPT, TCCN, các TT Giáo dục trực thuộc : 
	- Hiệu trưởng (Giám đốc) phát động phong trào viết và áp dụng SKKN, phổ biến các yêu cầu về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn chấm xét SKKN theo quy định của Sở GD&ĐT, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký đề tài và tiến độ thực hiện. 
	- Thành lập Hội đồng Khoa học trường (trung tâm) do Giám đốc Sở GDĐT ra quyết định thành lập để chấm xét các SKKN của đơn vị mình. 
	- Sau khi có kết quả; HĐKH các trường (trung tâm) công nhận các SKKN của đơn vị mình và chọn lọc những SKKN xếp loại A,B; lập “ Tờ trình” và “ Biên bản” của HĐKH gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để Hội đồng Khoa học của ngành xét chọn cấp ngành (có giá trị bảo lưu và đề nghị CSTĐ cấp tỉnh) . 
	3. Đối với Sở Giáo dục-Đào tạo: 
	- Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện đề tài, SKKN cho các cơ sở giáo dục, các đơn vị trong toàn ngành quán triệt về mục đích yêu cầu, nội dung, hình thức, tiêu chuẩn, biện pháp tổ chức thực hiện ...theo quy định của ngành
	- Thành lập Hội đồng khoa học ngành và Ban Giám khảo để chấm xét đề tài, SKKN của các đơn vị;
	- Thành lập Tổ thẩm định để thẩm định các đề tài, SKKN xếp loại A 
	- Thông báo kết quả chấm xét các đề tài, SKKN của các đơn vị theo đúng thời gian qui định để các đơn vị có cơ sở bình xét danh hiệu thi đua của đơn vị, tập thể, cá nhân cuối năm học 
4. Qui định về thành phần Hội đồng Khoa học chấm xét đề tài, SKKN và thời gian nộp hồ sơ, SKKN : 
	4.1- Thành phần Hội đồng Khoa học:
 	a/ Đối với các phòng Giáo dục và Đào tạo thành phần Hội đồng gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, cán bộ phụ trách công tác thi đua, cán bộ phụ trách mảng chuyên môn; do Trưởng phòng làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Trưởng phòng và Chủ tịch Công đoàn làm phó Chủ tịch Hội đồng. Cán bộ phụ trách công tác thi đua có trách nhiệm tham mưu để thành lập tổ Thư ký, giúp việc cho Hội đồng chấm xét 
	b/ Đối với các trường THPT,TCCN và các trung tâm giáo dục thành phần Hội đồng gồm: Hiệu trưởng (Giám đốc), các Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), Chủ tịch Công đoàn, tổ trưởng các bộ môn và các thành viên am hiểu những vấn đề đặt ra trong đề tài. Hiệu trưởng (Giám đốc) làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc) và Chủ tịch Công đoàn làm Phó Chủ tịch Hội đồng. 
	Thư ký Hội đồng trường (CB phụ trách thi đua) có trách nhiệm tham mưu để thành lập tổ Thư ký, giúp việc cho Hội đồng Khoa học chấm xét 
	c/ Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phần Hội đồng gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn ngành, Chánh Văn phòng Sở, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng các phòng thuộc Sở, Thường trực thi đua và các chuyên gia am hiểu những vấn đề đặt ra trong các đề tài. Giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn ngành làm Phó Chủ tịch Hội đồng. 
	Tổ thẩm định đề tài, SKKN xếp loại A gồm: Phó Giám đốc phụ trách khối (Tổ trưởng), Trưởng phòng chuyên môn, chức năng ( Tổ phó), Thường trực thi đua ngành (ủy viên thư ký), các thành viên am hiểu về đề tài, SKKN
	Thường trực thi đua ngành có trách nhiệm tham mưu để thành lập tổ Thư ký, giúp việc cho Hội đồng. 
* Lưu ý:
	- Nếu vấn đề nêu ra trong các đề tài có thể áp dụng trong đơn vị nhưng lại liên quan đến lĩnh vực chuyên môn khác mà đơn vị chưa có người am hiểu, thì phải mời các chuyên gia ngoài đơn vị am hiểu về lĩnh vực chuyên môn đó tham gia Hội đồng chấm chọn. 
	- Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo các Tổ trưởng chuyên môn trong thực hiện việc viết, áp dụng, nhân rộng đề tài SKKN và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của đề tài SKKN trước Hội đồng thi đua các cấp. 
	- Trong trường hợp phát hiện các đề tài mang tính chất sao chép, Tổ trưởng chuyên môn và Thủ trưởng các đơn vị sẽ liên đới chịu trách nhiệm; cá nhân người thực hiện đề tài SKKN sẽ bị cắt Thi đua, phê bình hoặc xử lý kỷ luật trong toàn ngành.
	4.2. Thời gian nộp hồ sơ, SKKN:
Việc viết và áp dụng đề tài SKKN được tiến hành thường xuyên trong mỗi năm. Hàng năm các cá nhân, tập thể có nhu cầu thực hiện đề tài, SKKN phải đăng ký và thông qua Hội nghị Cán bộ-Viên chức ở đơn vị. Các đơn vị tổng hợp và báo cáo về Sở GDĐT vào cuối tháng 10 (cùng với hồ sơ đăng ký các danh hiệu thi đua của đơn vị). Văn bản báo cáo về Sở thực hiện theo mẫu (đính kèm) thông qua địa chỉ Email thiduasgdbd@gmail.com. 
Trên cơ sở danh mục đề tài của các cá nhân đã đăng ký, Thường trực Thi đua ngành sẽ kết hợp với các phòng, ban chức năng thuộc Sở, phòng Giáo dục tiến hành kiểm tra, hổ trợ cho các đơn vị về các biện pháp tổ chức thực hiện.
a- Thời gian gửi hồ sơ, đề tài, SKKN về Sở Giáo dục và Đào tạo: 
Để đảm bảo thời gian cho các cơ sở giáo dục, các đơn vị có cơ sở để bình xét các danh hiệu thi đua của đơn vị, tập thể, cá nhân do cấp mình quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường THPT, TCCN, các Trung tâm Giáo dục trực thuộc Sở phải gửi hồ sơ và đề tài, SKKN của CB-GV trong đơn vị mình quản lý theo thời điểm quy định như sau: 
- Đối với các Phòng giáo dục và Đào tạo huyện, thị: trước ngày 20/03 hàng năm. 
- Đối với các trường THPT, TCCN, các Trung tâm Giáo dục trực thuộc: trước ngày 15/03 hàng năm. 
- Thường trực Thi đua ngành tiếp nhận hồ sơ, đề tài, SKKN của các đơn vị có ký giao nhận cụ thể. Phân loại, tổng hợp, tham mưu với Hội đồng Khoa học ngành ra Quyết định thành lập Ban Giám khảo (BGK) chấm xét đề tài, SKKN bắt đầu từ đầu tháng 04 hàng năm. Sau khi BGK đã chấm xét xong, Thường trực Thi đua tổng hợp kết quả trình HĐKH ngành, HĐKH ngành tiến hành thành lập Tổ thẩm định để thẩm định các đề tài SKKN xếp loại A . 
- HĐKH ngành họp Tổng kết và thông báo kết quả chính thức về các đơn vị vào trung tuần tháng 05 hàng năm 
b/ Hồ sơ, đề tài, SKKN gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo gồm : 
- Tờ trình đề nghị chấm xét SKKN của đơn vị ( theo mẫu )
- Biên bản họp xét của Hội đồng chấm xét SKKN của đơn vị ( theo mẫu ) 
- Bảng thống kê danh sách các đề tài, SKKN kèm theo đĩa mềm hoặc đĩa CD chứa file nội dung (theo mẫu). 
- Các đề tài SKKN được in và đóng tập (01 tập) theo quy cách, kèm theo đĩa mềm hoặc đĩa CD chứa file nội dung đề tài. 
- Phiếu chấm xét SKKN của Hội đồng chấm xét sáng kiến kinh nghiệm của đơn vị ( theo mẫu ). 
Lưu ý : 
Vì số lượng đề tài, SKKN của các phòng GDĐT, các đơn vị quá lớn; yêu cầu CB phụ trách thi đua của các phòng GDĐT huyện, thị và Tổ Thư ký của các các đơn vị trường, trung tâm phải tự phân loại, đánh số thứ tự theo danh sách trên từng đề tài, SKKN khi giao nộp về Sở.
Các đơn vị cử CB về nộp hồ sơ, SKKN yêu cầu phải nộp đủ hồ sơ hợp lệ, đúng thời gian, địa điểm qui định ( liên hệ Bà. Hồ Thị Kim Ngân – CV Văn phòng ) có ký giao nhận cụ thể 
Ban Giám đốc Sở sẽ phê bình, kiểm điểm lãnh đạo các phòng GDĐT huyện thị, các trường THPT, TCCN, các Trung tâm Giáo dục trực thuộc về những vi phạm khi thực hiện không đúng yêu cầu chỉ đạo của Sở . 
V. PHỔ BIẾN, ÁP DỤNG ĐỀ TÀI, SKKN 
	Các Phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường THPT, TCCN, các Trung tâm Giáo dục trực thuộc Sở phải quan tâm đẩy mạnh việc tổ chức phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình. 
Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, SKKN và xem đây là một trong những hoạt động trong phong trào thi đua của năm học. Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động phổ biến, ứng dụng SKKN một cách cụ thể vào cuối mỗi năm học. 
Các đơn vị có thể áp dụng phối hợp các hình thức sau để phổ biến ứng dụng:
- Tổ chức hội thảo theo các chuyên đề NCKH, SKKN; 
- Tổ chức báo cáo, trao đổi thảo luận trong tổ chuyên môn; 
- Tổ chức thử nghiệm các hoạt động quản lý, giảng dạy mới; 
- Các đề tài, SKKN của các đơn vị sau khi đã được BGK chấm xong, HĐKH ngành tổng kết sẽ được lưu tại văn phòng Sở trong thời hạn một năm học, sau đó sẽ gởi lại về đơn vị để lưu tại hệ thống thư viện các cấp cho CB-GV có điều kiện nghiên cứu, tham khảo. Thư viện đơn vị tổ chức các hoạt động giới thiệu đề tài, SKKN của đơn vị mình;
- Sở GDĐT sẽ phổ biến các đề tài, SKKN loạiA và một số đề tài, SKKN loại B tiêu biểu ở các ngành học, bậc học trên website của Sở (sogiaoducbd@gmail.com) để các CB-GV của ngành có cơ hội tham khảo, học tập 
VI. KHEN THƯỞNG VÀ CHẾ ĐỘ BẢO LƯU ĐỀ TÀI, SKKN
	1. Đối với cá nhân: 
1.1. Khen thưởng SKKN: 
Những SKKN được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại thì được khen thưởng theo qui định hiện hành. 
Việc thưởng cho SKKN được xếp loại A, B, C chỉ được thực hiện một lần vào năm học mà SKKN được xếp loại. 
1.2. Bảo lưu các SKKN:
Việc bảo lưu kết quả SKKN đã xếp loại cụ thể như sau : 
- SKKN được xếp loại A cấp Sở, có giá trị 03 năm học kể cả năm học thực hiện SKKN. 
- SKKN được xếp loại B cấp Sở, có giá trị 02 năm học kể cả năm học thực hiện SKKN. 
	2. Đối với tập thể :
Việc bình xét thi đua đối với các đơn vị, tập thể; tiêu chuẩn về đề tài, SKKN được qui định cụ thể:
- Tỉ lệ đề tài, SKKN của đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại trên tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị (tiêu chuẩn này vừa thể hiện phong trào viết SKKN của đơn vị, vừa thể hiện chất lượng SKKN). 
- Tổ chức tốt các hoạt động phổ biến, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và SKKN ở đơn vị (thể hiện ở số buổi tổ chức, hình thức tổ chức, hiệu quả). 
- Thực hiện đủ, đúng và có chất lượng qui trình chấm xét đề tài, SKKN ở đơn vị. Đảm bảo gửi SKKN về Sở Giáo dục và Đào tạo đúng thời hạn (thể hiện ở biên bản chấm và xét duyệt SKKN của đơn vị, thời gian gửi SKKN). 
Nhận được công văn này, yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Trong quá trình triển khai, nếu có gì phát sinh, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn cụ thể./.
Nơi nhận: 	GIÁM ĐỐC 
Như trên;
UBND tỉnh Bình Dương;	(Đã ký)
Ban TĐ-KT tỉnh;
UBND các huyện, thị xã;	Dương Thế Phương
Ban Giám Đốc;
Các phòng, ban thuộc sở GD&ĐT;
Lưu: VT,VP.

File đính kèm:

  • docHD_THUC_HIEN_SKKN.doc
Sáng Kiến Liên Quan