Đề xuất biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số trường tiểu học số 2 Thượng trạch - Bố trạch - Quảng Bình

1. Lý do chọn đề tài.

 Nghề dạy học luôn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý: Dạy con trẻ thành người! Như lời Bác Hồ căn dặn: “ Thầy giáo và học sinh phải thật thà. Sống thật, nói thật, làm thật để cống hiến thật sự, để lời nói đi đôi với việc làm, làm có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho xã hội, cho chính bản thân mình”.

 Là một nhà giáo trong tương lai hơn ai hết em hiểu rất rõ sứ mệnh, trọng trách cao cả và không kém nhọc nhằn của mình. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi vì người thầy giáo tốt, người thầy giáo có thể lưu trữ được hình ảnh của mình trong ký ức của học trò, không những là người thầy phải giỏi nghề, mà người thầy ấy còn phải dạy học trò bằng cả tâm huyết, lòng nhiệt huyết đối với nghề!

Cùng với sự phát triển của xã hội, Đảng và nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với ngành giáo dục nói chung và nền giáo dục tiểu học nói riêng. Đảng đã nhận định “ Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Hiện nay, ở tiểu học, với mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ ngay từ những bước đi đầu tiên, các em được học 9 môn học. Trong đó, môn Tiếng Việt là môn học chính, môn học cơ bản nhằm hình thành ở học sinh cấp tiểu học các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động. Đặc biệt, môn Tiếng Việt có vai trò quan trọng đối với học sinh dân tộc thiểu số. Trong phân môn của Tiếng Việt, môn Tập đọc không những có nhiệm vụ rèn kĩ năng đọc và giúp học sinh trau dồi kiến thức ở nhiều phân môn khác mà còn giúp học sinh biết cách sử dụng kĩ năng viết chữ trình bày, kĩ năng sử dụng tiếng Việt, diễn đạt ngôn ngữ rõ ràng mạch lạc, giúp học sinh biết cách viết đúng, hạn chế được các lỗi trong phân môn chính tả. Ở phân môn kể chuyện, tiếng Việt giúp học sinh biết cách kể, cách nói có ngữ điệu biết cách chọn lọc từ ngữ chính xác làm hấp dẫn người nghe hơn. Đặc biệt ở phân môn Tập đọc việc rèn phát âm cho HS là một phần quan trọng của tiếng Việt. Sửa lỗi phát âm cho học sinh tiểu học được thực hiện chủ yếu qua quá trình học Tập đọc và ở nhiều phân môn khác giúp học sinh nắm vững cách phát âm đúng và rèn kĩ năng đọc. Nói cách khác, nó giúp học sinh hình thành năng lực và thói quen phát âm chuẩn.

 

docx58 trang | Chia sẻ: myhoa95 | Lượt xem: 7124 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Đề xuất biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số trường tiểu học số 2 Thượng trạch - Bố trạch - Quảng Bình", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ụ thể:
Trò chơi “ Câu cá”.
- Mục đích: 
+ Rèn tính kiên nhẫn, khả năng khéo léo của HS. 
+ Nhận diện, phát âm, ghi nhớ các vần đã ôn. 
Chuẩn bị: 
+ 20 con cá bằng nhựa ép mang các vần ôn hoặc tên cá như: cá rô, cá diếc, cá tràu. Ở miệng cá có móc câu bằng thép. 
+ 6 cần câu mỗi cần dài 20cm, cột sợi dây dài 40cm đầu dây là khoen tròn để đảm bảo cá được câu lên phải đọc đúng tên vần cần ôn hoặc tên cá mang trên mình cá. 
Luật chơi: 
HS nào câu được cá lên phải đọc đúng tên vần hoặc tên cá mang trên mình cá. 
Tổ chức chơi: 
Cho 2 nhóm lên chơi. Mỗi nhóm 3 em, khi cô phát lệnh các em sẽ câu những con cá lên bằng cách đưa khoen vào móc thép ở miệng cá giật lên kết hợp đọc đúng vần (tên của cá) mang trên mình cá. Sau khi hết cá cho lớp đếm nhóm nào câu được nhiều cá hơn là thắng. 
Lưu ý: 
GV có thể chuẩn bị nhiều cần câu và cá cho nhiều nhóm được chơi. 
Trên mình cá có đính băng dính để có thể thay đổi vần ôn hoặc tên cá. 
2. Qui trình sửa lỗi phát âm 
a. Sửa lỗi phát âm phụ âm đầu 
- Quy trình sửa lỗi phát âm phụ âm đầu 
Tùy theo mức độ mắc lỗi các phụ âm đầu của HS mà chúng ta lựa chọn cách sửa chữa khác nhau, chính vì vậy khi chữa lỗi phụ âm đầu cho HSDTTS chúng ta có thể tuân theo các bước sau: 
+ Xác định nguyên nhân của việc mắc lỗi:
Thông thường, người ta có thể thấy nguyên nhân của việc mắc lỗi là do HS khó phân biệt các phụ âm đầu do chúng có cách phát âm gần giống nhau hoặc do những điểm tương đồng 
Ví dụ: người nói đã đồng nhất 2 âm vang là /n/ và /l/ về tính chất mũi ( tiếng “làm” phát âm thành “nàm”, từ “ Việt Nam” phát âm thành “ Việt Lam”) không phân biệt /n/ là âm vang mũi còn /l/ là âm vang bên. 
Âm /p/ thành /b/ (từ “Sa Pa” phát âm thành “Sa Ba”) 
+ Xác định phương pháp sửa lỗi: 
Khi xác định phương pháp sửa lỗi cần định hướng phương pháp chính và phương pháp bổ sung. Trong quá trình sửa lỗi phát âm phụ âm đầu, người ta thường sử dụng luyện theo phát âm mẫu. Tuy nhiên, tùy theo từng lớp mà chúng ta xác định phương pháp chính và phương pháp bổ sung, đối với những lớp đầu tiểu học nhất là lớp 1 người ta sử dụng phương pháp luyện phát âm theo mẫu, bổ sung phương pháp cấu âm. 
+ Thực hiện việc sửa lỗi theo quy trình của các phương pháp:
Tùy vào nội dung từng bài học và đối tượng HS mà GV lựa chọn các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp chủ yếu được sử dụng để sửa lỗi phụ âm đầu là phương pháp luyện theo phát âm mẫu. 
 Quy trình thực hiện phương pháp luyện theo phát âm mẫu: 
 Bước 1: Cung cấp mẫu phát âm 
 Bước 2: HS phát âm theo âm chuẩn 
 Bước 3: Nhận xét, sửa chữa 
 Bước 4: Đưa âm đã sửa vào ngữ cảnh 
 Quy trình thực hiện phương pháp phân tích cấu âm:
 Bước 1: GV cho HS phát âm tự nhiên 
 Bước 2: Tổ chức cho HS phân tích, phân loại kết quả phát âm tự nhiên của HS ( sai/ đúng) chỉ ra lỗi phát âm, nguyên nhân và cách khắc phục. 
 Bước 3: HS luyện phát âm theo mẫu, nhận xét, sửa chữa, điều chỉnh 
 Bước 4: Luyện tập đưa âm đã sửa vào ngữ cảnh 
+ Đưa âm đã sửa vào ngữ cảnh, nhân rộng phạm vi sửa lỗi 
Đây là yêu cầu bắt buộc trong việc sửa lỗi. Yêu cầu này xuất phát từ cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn sau đây: 
Thứ nhất: Đơn vị ngôn ngữ trong giao tiếp không phải là âm, tiếng, thậm chí không phải là từ. Đơn vị thấp nhất trong giao tiếp là câu. 
 Thứ hai: Trong thực tế, HS có thể sửa được các âm nhưng khi đưa âm đó vào tiếng, từ, vào câu thì sẽ xảy ra hai trường hợp. Một là, HS không phát âm đúng âm đã sửa do mối quan hệ giữa các yếu tố trong tiếng và các tiếng trong từ, các từ trong câu. Hai là, vì cố tình phát âm âm đã sửa cho đúng nên phát âm từ, câu có thể sai. 
+ Một số ví dụ sửa lỗi phát âm phụ âm đầu 
* Sửa lỗi phát âm từ âm /b/ thành âm /p/ 
Nguyên nhân của việc mắc lỗi là do /b/ và /p/ là hai phụ âm gần giống nhau về cấu âm: âm tắc, nhưng khác nhau về thanh /p/ là phụ âm vô thanh, /b/ là phụ âm hữu thanh. 
Hình vẽ mô tả cách phát âm /b/ như sau: 
Để sửa lỗi này GV cần hướng dẫn HS đặt lòng bàn tay trước miệng, một tay đặt lên thanh quản khi phát âm âm /b/ HS cảm nhận được độ rung nhẹ của thanh quản và không thấy luồng hơi thoát ra.
 Đối với âm /p/ GV hướng dẫn HS bậm hai môi lại, bật hơi qua môi mạnh hơn tạo thành âm /p/. Tiếp tục phát âm như trên với các tiếng “pin”, “pí pa pí pô”,... rồi đưa vào các từ “Sa Pa”, “đèn pin” 
Với các âm khác như /b/ và /v/, /l/ và /đ/ GV hướng dẫn HS sửa lỗi phát âm theo vị trí các bộ phận của cách phát âm như: điểm đặt lưỡi, vị trí của lưỡi, độ mở của miệng khi bắt đầu hoặc kết thúc. 
GV có thể hướng dẫn HS một số thao tác cơ bản để phát âm chuẩn một số âm dễ lẫn như: 
Tr: Cong đầu lưỡi lên chạm vào vòm miệng, mặt lưỡi hơi uốn xuống( nên còn gọi là phụ âm quặt lưỡi) luồng hơi bật ra tương đối mạnh, miệng há. 
Ch: Nâng lưỡi lên, lưỡi trước chạm vào lợi của hàm răng trên, mặt lưỡi thẳng đẩy luồng hơi ra nhè nhẹ, miệng há nhẹ. 
 X: Đầu lưỡi chạm vào phần lợi của hàm răng trên, đẩy luồng hơi ra nhẹ nhưng có đọ xuýt của âm gió. 
 S: Đưa đầu lưỡi cong lên chạm vào vòm miệng, mặt lưỡi uốn xuống đẩy luồng hơi ra mạnh nhưng cũng có độ xuýt của âm gió. 
 N: Đầu lưỡi cong lên tựa vào phần lợi của răng cửa của hàm răng trên trong lúc mặt lưỡi hơi lõm xuống, đẩy luồng hơi đi qua mũi nên có độ vang ở mũi. 
Nếu bịt mũi lại sẽ không phát âm được. 
 L: Uốn lưỡi cong lên, đầu lưỡi chạm vào vòm miệng, khi đẩy hơi ra lưỡi bật thẳng, luồng hơi đi ra theo hai bên rìa lưỡi. 
 D: Đầu lưỡi đưa lên chạm vào lợi ở hàm răng trên đẩy hơi ra miệng há nhẹ. 
 Gi: Đầu lưỡi uốn lên chạm vào phần lợi của hàm răng trên, miệng hơi khép. 
R: Đầu lưỡi uốn cong lên vòm miệng đẩy luồng hơi ra mạnh để tạo độ rung của lưỡi. 
B: Hai môi mím lại, bật hơi ra tương đối mạnh, miệng há hơi rộng. 
 V: Hàm răng trên chạm vào môi dưới, đẩy hơi ra ngoài tạo âm gió, miệng há 
 Ph: Hàm răng trên cũng chạm vào môi dưới như âm V nhưng bật hơi ra mạnh hơn, miệng há. 
 Th: Đưa đầu lưỡi lên chạm vào chân hàm răng trên bật hơi lưỡi thẳng. 
 b. Sửa lỗi phát âm phần vần 
- Quy trình sửa lỗi phát âm phần vần: 
+ Xác định nguyên nhân của việc mắc lỗi 
Như đã trình bày sự biến đổi yếu tố trong phần vần của thổ âm rất đa dạng và phong phú có khi trong âm tiết do sự kéo dài của trường độ âm chính, chẳng hạn như “đau tay” thành “ đau tai”, “chau mày” thành “chao mài”, “máy bay” thành “mái bai”(chủ yếu gặp ở dân tộc Ma Coong) có khi do sự đơn hóa nguyên âm đôi như “ muối” thành “múi”. Có khi không phân biệt được các phụ âm cuối: “luôn luôn” thành “luông luông”. 
+ Xác định phương pháp sửa lỗi 
Để chữa lỗi phần vần người ta thường sử dụng phương pháp luyện tập tổng hợp - phân tích là phương pháp chính. Vì sự biến đổi phần vần rất phong phú đa dạng nên dùng phương pháp luyện tập tổng hợp - phân tích giúp chúng ta kết hợp được các yếu tố ngữ âm, chính tả, ngữ nghĩa của tiếng, từ cần sửa. 
+ Thực hiện việc chữa lỗi theo quy trình các phương pháp 
Để chữa lỗi phần vần, chúng ta thường sử dụng phương pháp luyện tập tổng hợp - phân tích kết hợp một số phương pháp khác. Có thể thực hiện theo quy trình sau: 
Bước 1: HS phát âm theo mẫu 
Bước 2: Tổ chức cho HS phân tích cấu âm 
Bước 3: HS phát âm theo âm mẫu, GV tiến hành nhận xét, sửa chữa, điều chỉnh 
Bước 4: Luyện tập đưa âm đã sửa vào ngữ cảnh 
Đưa các âm, vần đã sửa vào ngữ cảnh là bước quan trọng của quá trình sửa lỗi phần vần. Hơn nữa, việc đưa các vần vào trong tiếng, trong từ giúp các em nâng cao được ý thức sửa lỗi. 
+ Một số ví dụ về sửa lỗi phát âm phần vần: 
Chữa lỗi đơn hóa nguyên âm đôi: HSDTTS thường mắc lỗi đơn hóa nguyên âm đôi, các tiếng có nguyên âm đôi các em thường phát âm chỉ còn âm đơn. Ví dụ “muối” thành “múi”.để chữa lỗi trên, trước hết GV cần cho HS nghe phát âm mẫu, kết hợp với chữ viết 
Ví dụ: muối = m + uô + i + dấu sắc 
 Tay = t + ay 
Với cách phát âm như trên HS sẽ tri giác và so sánh được các trường hợp trên với nhau từ đó thấy được nguyên nhân của việc mắc lỗi. 
GV hướng dẫn HS phát hiện đặc điểm ngữ âm của các vần cần sửa và giúp các em sửa lỗi phần vần. Chẳng hạn: khi phát âm vần “uôi” miệng rộng hơn khi phát âm vần “ui” 
Cuối cùng cho HS phát âm.
Ví dụ: hạt muối à mẹ em đang thu hoạch muối. 
Chữa các lỗi phụ âm cuối: để chữa lỗi này GV giúp HS phân biệt cách phát âm các phụ âm cuối. GV cung cấp mẫu sau đó hướng dẫn HS phát âm theo mẫu. 
c. Sửa lỗi phát âm về thanh điệu 
- Quy trình sửa lỗi phát âm về thanh điệu:
+ Xác định nguyên nhân của việc mắc lỗi 
+ Xác định các phương pháp sửa lỗi 
Để chữa lỗi về thanh điệu cho HSDTTS GV có thể sử dụng phương pháp luyện tập theo mẫu 
+ Thực hiện quy trình sửa lỗi 
- Phương pháp luyện tập phát âm theo mẫu có thể tiến hành theo quy trình sau: 
 Bước 1: Cung cấp mẫu phát âm 
 Bước 2: HS phát âm theo âm chuẩn 
 Bước 3: GV nhận xét, sửa chữa 
 Bước 4: Đưa âm, vần đã sửa vào ngữ cảnh 
 * Chú ý 
Tiếng có thanh hỏi: GV hướng dẫn cho HS phát âm trầm, hơi luyến giọng, lên cao kéo dài hơi. Có thể kèm theo động tác ngửa cổ hướng mắt lên trên Ví dụ: đi ngủ, củ sả,... 
Tiếng có thanh nặng: Phát âm thấp giọng và nặng, dứt khoát không kéo dài, khi phát âm có thể làm động tác gật đầu. 
Những tiếng có thanh ngã: Đọc nhấn mạnh, hơi kéo dài, luyến giọng lên cao giọng. 
Những tiếng có thanh sắc: Đọc nhẹ nhàng hơn tiếng có thanh ngã, hơi ngắn, đọc nhanh không kéo dài. 
d. Một số biện pháp khác 
 Luyện khả năng tri giác âm thanh ngôn ngữ cho HS 
 Khái niệm 
Khi nghe phát âm, âm thanh ngôn ngữ truyền đến tai HS tạo ra những xung động ở bán cầu đại não khiến HS nhận biết và phân biệt được các âm thanh ngôn ngữ khác nhau. Hoạt động đó được gọi là sự tri giác âm thanh ngôn ngữ. 
Trẻ chỉ có thể phát âm lại khi các em nghe được một cách chính xác, rõ ràng, vì vậy việc luyện kĩ năng nghe cho trẻ là hết sức quan trọng. 
 Vai trò 
Môn TV ở tiểu học là dạy cho HS cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc , viết 
Với HSDTTS việc rèn kĩ năng nghe là yêu cầu quan trọng hàng đầu bởi nghe có vai trò hết sức quan trọng. Nếu không nghe tốt, HS không thể nhận diện được âm, vần, tiếng, từ, câu để phát âm lại. HS phải nghe và hiểu tốt mới có thể tiếp thu bài học và có thể giao tiếp được. 
Yêu cầu 
Để có những kĩ năng này cần phải có một số bài tập bổ trợ, đặc biệt là lớp đầu tiểu học. Nội dung các bài tập đó là: 
Nghe và phân biệt các thanh trong từ có âm vần giống nhau. Ví dụ: be, bè, bé, bẻ, bẽ, bẹ,... 
Nghe và nhận biết các vần có trong tiếng, từ ... 
Để HS nhận biết chính xác các âm thanh ngôn ngữ đòi hỏi việc phát âm mẫu của GV phải chuẩn xác, tròn vành, rõ tiếng, HS được thực hành luyện tập nghe nhiều và thường xuyên. 
 Luyện vận động các bộ phận của cơ quan phát âm 
Cơ quan phát âm gồm: phổi, các dây thanh, lưỡi, răng, môi, ngạc cứng, ngạc mềm. Các âm được phát âm ra chuẩn chỉ trên cơ sở các bộ phận của bộ máy phát âm hoàn chỉnh và HS có khả năng điều khiển bộ máy phát âm. Một trong những bộ phận nào đó của cơ quan phát âm có khuyết tật như lưỡi ngắn, môi hớt, răng thưa,... sẽ làm cho sự phát âm trở lên khó khăn, các âm được phát ra sẽ thiếu chính xác. 
Trước khi hướng dẫn HS phát âm GV cần phát âm mẫu nhiều lần thật chậm để HS quan sát khuôn miệng cũng như cách cử động của môi, lưỡi, hàm của GV. GV hướng dẫn HS vận động các bộ phận của cơ quan phát âm như: độ uốn của lưỡi, độ mở của miệng, hình dạng của môi, độ mạnh của hơi ... trước khi tập phát âm một âm, vần cụ thể nào đó. 
 Luyện giọng để phát âm tròn vành rõ tiếng 
Cường độ âm thanh khi phát âm rất quan trọng để phát âm tròn vành rõ tiếng. Phát âm nhỏ luồng hơi không thoát ra hết sẽ rất khó nghe. Phát âm quá to sẽ gây cảm giác chói tai khó chịu cho người nghe mà vẫn không rõ. 
Cần luyện giọng phát âm vừa phải, phát âm bằng chính giọng thật của mình không lí nhí trong cổ họng, không the thé ... 
Muốn cho HSDTTS phát âm đúng cần luyện cho các em cách lấy hơi, bật hơi, há miệng,... chuẩn xác. 
3. Thực nghiệm dạy học 
a. Mục đích thực nghiệm 
 Thực nghiệm dạy học là một phương pháp đặc biệt cho phép tác động lên đối tượng nghiên cứu một cách chủ động, can thiệp có ý thức vào quá trình diễn biến tự nhiên để hướng quá trình ấy diễn ra theo mục đích mong muốn của người nghiên cứu. 
 Với ý nghĩa như trên, xuất phát từ mục đích nghiên cứu của đề tài là một số biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học nói chung, xuất phát từ thực trạng phát âm của học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch – Bố Trạch- Quảng - Bình, chúng tôi tiến hành thực nghiệm để kiểm nghiệm tính khả thi và sự hiệu quả của những biện pháp đã đề xuất. 
b. Đối tượng, thời gian, địa bàn thực nghiệm. 
Đối tượng 
 Đối tượng mà đề tài lựa chọn thực nghiệm là 9 HS lớp 1 trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình. 
Thời gian, địa bàn thực nghiệm 
 Thời gian các bài giảng thực nghiệm được tiến hành trong học kì 2, năm học 2014 – 2015. 
 Địa bàn thực nghiệm: trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình.
c. Nội dung thực nghiệm 
 Chúng tôi tiến hành dạy 2 bài thực nghiệm: 
Bài 99: UƠ - UYA 
Bài 102 : UYNH - UYCH 
 Chúng tôi chia lớp 1 thành 2 lớp nhỏ 1A và 1B. Chọn lớp 1A gồm 4 HS để tiến hành thực nghiệm và lớp 1B gồm 4 HS để đối chứng. Lớp thực nghiệm và lớp đối chứng có số lượng, chất lượng, trình độ ngang nhau và được kiểm tra chất lượng ban đầu để khẳng định điều đó. 
 Lớp thực nghiệm được tổ chức thực nghiệm bằng những nhân tố thực nghiệm: đưa phương pháp mới, trò chơi,... vào dạy học phát âm để xem xét sự diễn biến, thay đổi trong quá trình nhận thức của HS theo đúng giả thuyết hay không. Lớp đối chứng chúng tôi không thay đổi bất cứ điều gì khác thường, nó là cơ sở để so sánh, kiểm chứng hiệu quả những thay đổi ở lớp thực nghiệm. 
d. Kết quả thực nghiệm 
 Sau khi tiến hành thực nghiệm giảng dạy, chúng tôi đã thu được kết quả nhất định như sau: 
Tiêu chí phát âm 
Lớp thực nghiệm (%) 
Lớp đối chứng (%) 
Phụ âm đầu 
 90 
 70 
Phần vần 
 92 
 72 
Thanh điệu 
 91 
 65 
Hứng thú học tập 
 100 
 75 
Từ kết quả thực nghiệm, chúng ta có thể nhận thấy rằng: việc sử dụng các phương pháp dạy học đã đề xuất đã giúp cho giờ Học vần tạo hứng thú, lôi cuốn, thu hút được các em HS tham gia học tập giúp cho việc dạy và học phát âm được nâng cao góp phần làm cho kết quả của quá trình sửa lỗi phát âm được tăng lên rõ rệt. Nếu như lớp đối chứng chỉ có 70% HS phát âm đúng phụ âm đầu thì ở lớp thực nghiệm kết quả đạt 90%. Thông qua sử dụng trò chơi thu hút được HS vào nội dung bài học và HS được phát âm nhiều lần, kết hợp với giáo viên sửa lỗi giúp HS phát âm đúng.
 Đối với sửa lỗi phát âm phần vần, ở lớp đối chứng chỉ có 72% HS phát âm đúng thì ở lớp thực nghiệm có tới 92% HS phát âm đúng. Cùng với việc sử dụng các phương pháp dạy học như: luyện phát âm theo mẫu, phương pháp cấu âm, phương pháp luyện tập tổng hợp – phân tích cách phát âm đã tránh được tình trạng HS phát âm sai vần, bỏ sót âm cuối của vần. 
 Về sửa lỗi phát âm thanh điệu, HS phát âm đúng khi kết quả thu được ở lớp thực nghiệm đạt 91% HS phát âm đúng, ở lớp đối chứng chỉ có 65% HS phát âm đúng. Đa số các em HS khi đã phát âm đúng phụ âm đầu, phần vần thì việc sửa lỗi phát âm về thanh điệu sẽ dễ dàng hơn. 
 Như vậy qua phần thực nghiệm và phân tích kết quả như trên, chúng tôi nhận thấy: việc sử dụng những biện pháp mà đề tài đã đề xuất vào sửa lỗi phát âm TV cho HS lớp 1 DTTS trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch– Bố Trạch – Quảng Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Hi vọng đó sẽ là những ý kiến tham khảo cho các bạn sinh viên, các GV đang trực tiếp giảng dạy lớp 1 nhằm góp phần sửa lỗi phát âm nói riêng, dạy học vần nói chung cho HS lớp 1 DTTS trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch. 
PHẦN KẾT LUẬN 
 Trong quá trình làm đề tài: “Đề xuất biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch– Bố Trạch – Quảng Bình”, tôi đã rút ra một số kết luận sau: 
1. Từ trẻ mẫu giáo trở thành HS tiểu học là một bước ngoặt lớn trong đời sống của trẻ. Sự thay đổi về môi trường học tập với những nề nếp học tập mới, sự thay đổi về tâm sinh lí đã khiến trẻ gặp không ít khó khăn. Để giúp trẻ bước qua ngưỡng cửa lớp 1, GV có thể sử dụng những biện pháp dạy học mới giúp các em có thể nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường mới, tạo hiệu quả cho quá trình sửa lỗi phát âm nói riêng, dạy Học vần nói chung. 
2.Qua khảo sát thực trạng phát âm của HS lớp 1 trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có thể nhận thấy: đối tượng HS lớp 1 của trường số 2 Thượng Trạch có đặc điểm giống nhiều trường tiểu học nằm trong địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nổi bật hơn cả là đa số HS là người dân tộc thiểu số dẫn đến khó khăn, hạn chế trong học TV và sửa lỗi phát âm. Vì thế mà chất lượng cũng như kết quả học tập còn chưa cao, HS ít có hứng thú với môn học. Qua phân tích chúng tôi thấy được thực trạng và một số nguyên nhân dẫn đến HS phát âm sai, để từ đó đưa ra những biện pháp sửa lỗi phát âm sao cho phù hợp. 
3. Dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn khảo sát thực trạng phát âm của HS lớp 1 người dân tộc thiểu số, chúng tôi đưa ra một số biện pháp sửa lỗi phát âm như sau: 
 * Sử dụng một số phương pháp thông dụng dạy học sinh lớp 1 cách phát âm: phương pháp trò chơi học tập, phương pháp cấu âm, phương pháp luyện tập phát âm theo mẫu, ... 
Sửa lỗi phát âm phụ âm đầu 
Sửa lỗi phát âm phần vần 
Sửa lỗi phát âm về thanh điệu 
 4. Từ những biện pháp đã đề xuất, chúng tôi tiến hành thực nghiệm dạy học và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả của việc sửa lỗi phát âm cho HS. 
Việc tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất biện pháp dạy học cho đối tượng HS lớp 1 DTTS trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch ở một phân môn cụ thể là sửa lỗi phát âm trong phân môn Học vần. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và các bạn sinh viên để đề tài được bổ sung và hoàn thiện. 
LỜI CẢM ƠN!
Hoàn thành bài Tiểu luận này em xin chân thành cảm ơn cô Mai Thị Liên Giang đã hết sức nhiệt tình và chu đáo trong quá trình hướng dẫn em làm bài Tiểu luận “Đề xuất biện pháp sửa lỗi phát âm cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch- Bố Trạch- Quảng Bình”.
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo trong khoa Tiểu học - Mầm non, những người đã dạy dỗ và dìu dắt em trong 4 năm học vừa qua. Cảm ơn sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch trong quá trình khảo sát, tìm hiểu thực tế, thực nghiệm.
Đồng thời em xin gửi lời cảm ơn đến giảng viên chủ nhiệm và các bạn trong lớp CĐ Giáo dục Tiểu học A- K54 đã động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho em thực hiện đề tài này.
Em xin chân thành cảm ơn !
Đồng Hới, ngày 30 tháng 3 năm 2015. 
 Sinh viên 
	Phạm Thị Kiều Giang
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
Lê A – Thành Thị Yên Nữ - Lê Phương Nga – Nguyễn Trí – Cao Đức Tiến. “Phương pháp dạy học Tiếng Việt” (1996). Giáo trình chính thức đào tạo Giáo viên Tiểu học hệ Cao đẳng Sư phạm và 12 + 2. NXB Giáo dục. 
Đặng Thị Lanh (chủ biên). “ Tiếng Việt 1”, tập 1+2 (2006). NXB Giáo dục. 
Đặng Thị Lanh (chủ biên). “ Sách giáo viên tiếng việt 1”, tập 1+2 (2010). NXB Giáo dục. 
Nguyễn Bá Minh (chủ biên). “ Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm” (2007). Dự án phát triển GV Tiểu học. NXB Giáo dục. 
Lê Phương Nga – Lê A – Lê Hữu Tỉnh – Đỗ Xuân Thảo – Đặng Kim Nga. “ Phương pháp dạy học Tiếng Việt 1” (2003). NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. 
Lê Phương nga – Đặng Kim Nga. “ Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học” (2007). Dự án phát triển giáo viên Tiểu học. NXB Giáo dục. 
Lê Phương nga – nguyễn trí. “Phương pháp dạy học tiếng việt ở Tiểu học” (1999). Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 
Cù Đình Tú – Hoàng Văn Thung – Nguyễn Nguyên Trứ. “ Ngữ âm học tiếng việt hiện đại” (1978). NXB Giáo dục. 
Nguyễn Trí. “ Dạy và học Tiếng Việt ở Tiểu học theo chương trình mới” (2003). NXB Giáo dục. 
Dự án phát triển giáo viên tiểu học. “Phương pháp dạy học Tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp Tiểu học” (2006). NXB Giáo dục. 

File đính kèm:

  • docxbien_phap_sua_loi_cho_hs_lop_2_tieu_hoc_thuong_trach_quang_binh_2125.docx
Sáng Kiến Liên Quan