Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết văn cho học sinh Lớp 5

Môn Tiếng Việt góp phần đắc lực thực hiện mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ ở trường Tiểu học , nhằm đào tạo cho HS năng lực sử dụng Tiếng Việt văn hóa và hiện đại để suy nghĩ và giao tiếp. Thông qua việc dạy Tiếng Việt, nhà trường đã rèn cho các em năng lực tư duy, phương pháp suy nghĩ, giáo dục cho các em những tư tưởng, tình cảm trong sáng, lành mạnh.

 Phân môn Tập làm văn là một trong 5 phân môn Tiếng Việt. Nó góp phần hình thành cho HS những cơ sở ban đầu, sự phát triển đúng đắn lâu dài về tình cảm, trí tuệ và thể chất, có kiến thức kĩ năng cơ bản để HS học tiếp lên Trung học cơ sở. Đây là một phân môn góp phần giúp HS phát triển đầy đủ bốn kĩ năng cơ bản của môn Tiếng Việt (Nghe, nói, đọc, viết ).

 Học các tiết Tập làm văn còn tạo điều kiện giúp HS tiếp cận với vẻ đẹp của con người, thiên nhiên qua các bài văn, đoạn văn điển hình. Khi phân tích đề Tập làm văn, HS lại có dịp hướng tới cái chân, cái thiện, cái mĩ được định hướng trong các đề bài. Đó là cơ hội làm cho tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên, với con người của HS được nảy nở, làm cho tâm hồn trẻ thơ thêm trong sáng, có những mơ ước, hoài bão đẹp. Đó là những nhân tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ.

 Kĩ năng viết bài Tập làm văn nhằm rèn luyện cho HS viết bài văn theo đề bài đã cho và thuộc các thể loại, kiểu bài khác nhau. Bài Tập làm văn viết là sự kết tinh nhiều mặt của kĩ năng, năng lực sử dụng Tiếng Việt của HS được rèn luyện qua từng lớp học.

 Ở phân môn Tập làm văn, bên cạnh việc sử dụng những kĩ năng đã được hình thành và phát triển từ các môn học khác : nghe, nói, đọc, viết ( phân môn Tập đọc); giải nghĩa từ, dùng từ đặt câu (phân môn Luyện từ và câu); viết đúng chính tả, chính âm (phân môn Chính tả) thì phân môn Tập làm văn còn hình thành và phát triển một hệ thống các kĩ năng riêng. Ngoài kĩ năng có tính phổ biến chung cho mọi kiểu bài văn do nội dung chương trình quy định, thì một số kiểu bài văn thuộc các phong cách khác nhau lại có thêm vài kĩ năng có tính đặc thù.

 Mục đích chính của việc mở chuyên đề này nhằm rèn kĩ năng viết văn cho HS lớp 5, giúp HS viết được đầy đủ nội dung của một bài văn, đoạn văn. Bài viết có bố cục rõ ràng, nội dung bài phong phú, câu văn gợi tả, gợi cảm, sinh động, giàu cảm xúc. Biết sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa cho bài văn thêm hấp dẫn, sinh động.

 

doc10 trang | Chia sẻ: Hải Thượng | Ngày: 05/05/2023 | Lượt xem: 842 | Lượt tải: 3Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết văn cho học sinh Lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
các biện pháp thiết thực khắc phục những hạn chế trong quá trình dạy – học . Vận dụng kiểm tra giả thuyết bằng thực tế giảng dạy.
 PHẦN II: PHẦN NỘI DUNG
 I- Nội dung chương trình 
1. Chương trình Tập làm văn lớp 5 được thiết kế như sau:
 - Miêu tả:
 + Miêu tả cảnh 
+ Miêu tả người
+ Miêu tả đồ vật (ôn tập)
+ Miêu tả cây cối ( ôn tập)
+ Miêu tả con vật (ôn tập)
- Kể chuyện (ôn tập)
- Các loại văn bản khác:
+ Báo cáo thống kê
+ Đơn
+ Thuyết trình, tranh luận
+ Biên bản
+ Chương trình hoạt động
+ Tập viết đoạn đối thoại
2. Các loại bài
 - Dạy lí thuyết
 Các bài học làm văn miêu tả và biên bản đều có cấu tạo gồm 3 phần: Nhận xét, Ghi nhớ, Luyện tập.
 - Hướng dẫn thực hành
 Các bài hướng dẫn thực hành thường gồm 2 – 3 bài tập nhỏ hoặc một đề bài tập làm văn kèm theo gợi ý luyện tập theo hai hình thức nói và viết.
3. Với thời lượng hai tiết trong 1 tuần, phân môn Tập làm văn giúp HS rèn luyện kĩ năng làm các kiểu bài văn miêu tả như: tả người, tả cây cối, tả đồ vật, tả con vật thông qua các yêu cầu:
 - Tìm hiểu bài văn tả cảnh; lập dàn ý; dựng đoạn mở bài, kết bài; viết đoạn văn; viết bài văn tả cảnh. Đối tượng của các bài văn tả cảnh mà SGK đưa ra rất phong phú: tả cảnh một cơn mưa, tả cảnh trường em, tả cảnh sông nước, tả một cảnh đẹp ở địa phương, tả cảnh đường phố, tả cảnh căn hộ gia đình hoặc ngôi nhà của em,
 - Tìm hiểu bài văn tả người; lập dàn ý; dựng đoạn mở bài, kết bài; viết đoạn văn; viết bài vă tả người. Dạng bài này yêu cầu HS rèn kĩ năng tả ngoại hình hoặc hoạt động của các đối tượng sau: một người mà em thường gặp, một bạn nhỏ, một em bé ở tuổi tập đi, tập nói; một người em mới gặp 1 lần nhưng để lại trong em ấn tượng sâu sắc, một cụ già, một thầy (cô) giáo , một người thân,
- Tìm hiểu bài văn tả cây cối; lập dàn ý; viết đoạn văn; viết bài văn tả cây cối. Dạng bài này yêu cầu các em HS phải rèn luyện kĩ năng tả các đối tượng sau: tả một bộ phận của cây ( lá, hoa, rễ, quả,), tả một loài hoa mà em thích, tả một loại quả mà em thích, tả một cây non mới trồng, tả một giàn dây leo, tả một cây cổ thụ,
- Tìm hiểu bài văn tả đồ vật; lập dàn ý; viết đoạn văn; viết bài văn tả đồ vật. Dạng bài này yêu cầu HS rèn kĩ năng tả hình dáng, công dụng của các đồ vật: quyển sách Tiếng Việt tập hai của em, cái đồng hồ báo thức, một đồ vật trong nhà, một món quà,
II. Một số biện pháp đã áp dụng
1. Kĩ năng viết bài tập làm văn nhằm rèn luyện cho học sinh khả năng viết bài văn theo đề bài đã cho và thuộc các thể loại, kiểu bài khác nhau. Bài tập làm văn viết là kết tinh nhiều mặt của kĩ năng, năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh được rèn luyện qua từng lớp học.
 Ở phân môn tập làm văn, bên cạnh việc sử dụng các kĩ năng đã được hình thành và phát triển từ các môn học khác như: nghe, nói, đọc, viết (phân môn tập đọc); giải nghĩa từ, dùng từ, đặt câu (phân môn luyện từ và câu); viết đúng chính tả, chính âm (phân môn chính tả)thì phân môn tập làm văn còn hình thành và phát triển một hệ thống các kĩ năng riêng. Ngoài kĩ năng có tính phổ biếnchung cho mọi kiểu bài văn do nội dung chương trình quy định, thì một số kiểu bài văn thuộc các phong cách khác nhau lại có thêm vài kĩ năng có tính đặc thù.
Trong phân môn tập làm văn, kĩ năng làm văn, viết bài văn có thể chia thành các nhóm sau đây:
a. Nhóm kĩ năng giúp học sinh tiếp cận, chuẩn bị cho việc sản sinh ra văn bản gồm có: Kĩ năng phân tích đề bài, kĩ năng tìm ý và lựa chọn ý, kĩ năng xây dựng dàn ý.
b. Nhóm kĩ năng viết văn bản, gồm có các kĩ năng: Dùng từ, đặt câu, viết đoạn, liên kết đoạn văn thành bài văn. Trong bốn kĩ năng này, thì kĩ năng viết đoạn văn và kĩ năng liên kết đoạn thành bài văn là hai kĩ năng đặc trưng, chủ yếu của phân môn tập làm văn.
c. Nhóm kĩ năng kiểm tra kết quả (được dùng trong giai đoạn kiểm tra kết quả bài làm của học sinh), gồm có các kĩ năng sau: kĩ năng phát hiện lỗi, từ lỗi về cách dùng từ, lỗi chính tả, lỗi đặt câu đến lỗi viết văn bản, lỗi về nội dung, cảm xúcđược thể hiện rõ nét trong bài làm của học sinh.
 Như vậy, bài tập làm văn của học sinh (lớp 5) là sản phẩm của sự vận dụng tổng hợp các kiến thức và kĩ năng tiếp nhận được trong quá trình học tập các môn học nói chung. Do vậy, từ việc nắm ý tới việc diễn đạt thành văn, từ văn nói đến văn viết có một khoảng cách khá xa. Vì thế, bên cạnh việc bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn văn, tư tưởng, vốn sống cho học sinh qua các bài học ở các phân môn tiếng Việt; mỗi quý thầy giáo, cô giáo còn phải chú trọng rèn luyện kĩ năng viết bài văn cho các emtheo những yêu cầu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và khả năng tư duy của trẻ.
2.Cụ thể trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần sử dụng những biện pháp nhằm rèn luyện cho học sinh các kĩ năng viết bài tập làm văn như sau:
a. Kĩ năng viết những câu văn sinh động, gợi tả, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu:
Từ cách dẫn dắt, gợi mở của giáo viên và từ một ý cho trước hay từ một câu đơn (chỉ có một cụm chủ ngữ, vị ngữ), giáo viên hướng dẫn học sinh tập mở rộng câu bằng cách thêm các thành phần phụcho câu như: trạng ngữ, bổ ngữ, động từ, tính từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh,Sử dụng các hình ảnh, chi tiết sinh động biểu cảm; các biện pháp nghệ thuật như: nhân hoá, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, hoán dụ, phóng đại,làm cho cách diễn đạt câu văn, đoạn văn, thêm cụ thể, sống động giúp người đọc như cùng cảm nhận với mình.
 Yêu cầu rèn luyện kĩ năng này có thể thực hiện ở các tiết học luyện từ và câu hoặc tiết trả bài tập làm văn. Bài tài tập luyện viết câu sẽ gúp học sinh có ý thức viết văn ngày càng chặt chẽ về ý tứ, sinh động, giàu xúc cảm,từ đó giúp các em thêm hứng thú học tập môn tiếng Việt nói chung và phân môn tập làm văn nói riêng. Sau đây là một số ví dụ (bài tập) về cách dùng từ, viết câu văn sinh động:
*Bài tập 1: Từ những câu văn đã cho, viết lại cho sinh động, gợi cảm xúc bằng cách thêm biện pháp nghệ thuật:
-Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường.
+Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường tựa như một đàn bướm xinh tung tăng bay lượn. (Biện pháp so sánh).
-Bông hoa hồng xinh đẹp.
+Bông hoa hồng xinh đẹp đang tươi cười và thì thầm toả hương thơm. (Biện pháp nhân hoá).
- Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, mặt biển trong xanh dậy sóng và những con thuyền rẽ sóng ra khơi.
+ Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, yêu mặt biển trong xanh dậy sóng và yêu những con thuyền rẽ sóng ra khơi. (Biện pháp điệp từ).
-Xa xa, những cánh buồm nhấp nhô trên sông, mấy người dân chài thấp thoáng, vài cách chim chiều tản mạn bay về tổ.
+Xa xa, nhấp nhô những cánh buồm trên sông, thấp thoáng mấy người dân chài, tản mạn vài cánh chim chiều bay về tổ. (Biện pháp đảo ngữ).
* Bài tập 2: Khoanh tròn vào những từ ngữ có sử dụng biện pháp nhân hóa trong đoạn văn sau:
 Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại rơi mà như nhảy nhót. Hạt nọ tiếp hạt kia đậu xuống lá cây ổi cong mọc lả xuống mặt ao. Mùa đông xám xịt và khô héo đã qua. Mặt đất đã kiệt sức bừng thức dậy, âu yếm đón những giọt mưa ấm áp, trong lành. Đất trở lại dịu mềm, lại cần mẫn tiếp nhựa cho cây cối( xôn xao, phơi phới, nhảy nhót, kiệt sức, bừng thức dậy, âu yếm đón , cần mẫn )
* Bài tập 3: a. Sử dụng biện pháp nhân hóa để viết 3 câu tả cây cối trong mưa:
- VD: + Mưa! Mưa ào xuống, cuốn trôi lớp bụi mỏng trên từng chiếc lá, trên từng cánh hoa. Phút chốc, mưa tráng một lớp pha lê mỏng manh, trong suốt lên hoa lá. Thật diệu kì! Vườn cây thức dậy, hớn hở, lao xao trong gió, trong mưa.
 b. Sử dụng biện pháp nhân hóa hoặc so sánh để viết câu văn tả mặt trời lúc binh minh, lúc hoàng hôn.
 - VD: + Ông mặt trời có lẽ vừa mở mắt sau giấc ngủ dài triền miên bên chiếc chăn mây ấm áp, ông bắt đầu ban phát những tia nắng ấm xuống trần gian.
+ Mặt trời dâng chầm chậm, lơ lửng như một quả bóng bay mềm mại, tỏa ánh sáng muôn hình rẻ quạt xuống trần gian.
+ Ông mặt trời có lẽ đã mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, tỏa những tia nắng yếu ớt, vàng nhạt xuống cánh đồng.
+ Ông mặt trời lững thững đạp xe qua ngọn tre, tỏa ánh nắng vàng nhạt xuống cánh đồng.
*Bài tập 4: Điền thêm từ thích hợp vào chỗ dấu chấm để tạo thành những câu văn gợi tả, gợi cảm:
- Cổng trườngchúng em vào lớp.
+Cổng trường đang giang rộng vòng tay đón chúng em vào lớp. (Biện pháp nhân hoá).
- Chú mèo mướp có đôi mắt tròn đen
+Chú mèo mướp có đôi mắt tròn đen như hai hạt nhãn, bộ râu rung rung trắng như cước. (Biện pháp so sánh).
- Tôi lớn lên bằng
+Tôi lớn lên bằng tình thương của mẹ, tình thương của cha, tình thương chở che của bà con làng xóm. (Biện pháp điệp ngữ).
- Mặt hồ phẳng lặng.
+ Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương bầu dục khổng lồ.
- Cây liễu ven hồ ..
+ Cây liễu ven hồ với mái tóc dài duyên dáng, đang đứng soi bóng mình dưới nước.
- Mặt trời chiều tỏa nắng xuống, mặt nước long lanh như dát bạc.
*Bài tập 5: Diễn đạt lại những câu văn sau đây bằng cách thêm các từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật cho sinh động, gợi cảm.
-Đôi cánh gà mẹ xoè ra rất rộng.
+Đôi cánh gà mẹ xoè ra rất rộng như một chiếc ô vững chãi che chở cho đàn con khỏi mưa.
-Cô Hiền Ngọc bước vào lớp nhẹ nhàng.
+Cô Hiền Ngọc bước vào lớp nhẹ nhàng như làn gió xuân, mắt nhìn cả lớp thật âu yếm và mến thương.
-Chiếc bảng đen xinh xắn.
+Chiếc bảng đen xinh xắn, mỗi khi chúng em lau, cậu ta nhoè nhoẹt  nước mắt nhưng học hành lại rất chăm chỉ.
* Bài tập 6: Viết một đoạn mở bài kiểu gián tiếp và một đoạn kết bài kiểu mở rộng cho một trong những đề bài sau:
1.Tả con đường quen thuộc từ nhà em đến trường.
2.Tả cánh đồng lúa
3.Tả dòng sông quê hương
4.Tả đêm trăng đẹp
5.Hãy tả ngôi trường thân yêu đã gắn bó với em trong nhiều năm qua .
+ VD1:Tả cánh đồng lúa.
 MB: Tuổi thơ của em lớn lên gắn bó với bao cảnh đẹp của quê hương. Đây là con đường làng rợp bóng hàng tre lao xao trong gió. Kia là dong sông uốn lượn nước chảy hiền hoà với triền đê vững chãi. Nhưng hình ảnh đọng lại nhất trong tâm trí em là cánh đồng lúa chín như một biển vàng thắm đượm biết bao mồ hôi công sức của bà con cô bác nông dân.
 KB: Đứng ngắm cánh đồng lúa chín quê em thật thích mắt. Người dân quê em ai đi xa chắc cũng nhớ về cánh đồng làng. Bởi cánh đồng lúa không chỉ mang lại vẻ đẹp cho quê hương mà nó còn đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dù mai đây em có đi xa quê thì cánh đồng lúa sẽ mãi là hình ảnh sâu đậm nhất gợi nhớ về quê hương của em.
+ VD2 : Tả ngôi trường thân yêu đã gắn bó với em trong nhiều năm qua . 
 MB: “ Em yêu trường em
 Với bao bạn thân
 Và cô giáo hiền 
 ”
 Tụi trẻ làng em ai cũng được học trong ngôi trường thân yêu mang tên trường THPH. Trong đó ai cũng có những kỉ niệm đẹp về ngôi trường này. Với Phong Nhã, ngôi trường này sao mà gần gũi và thân thương đến thế. Còn với em, ngôi trường thật giản dị mà đẹp đến lạ lùng.
 KB: Trường THPH là nơi để lại cho em nhiều kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Ở đó có thầy cô luôn yêu thương chúng em, dạy dỗ chúng em nên người. Ngôi trường như ngôi nhà thứ hai của em, thật gần gũi, thân thương và thắm đượm tình người. 
 Ngoài cách viết câu, dùng từ, ngữ nêu trên; trong giảng dạy giáo viên cần hướng dẫn học sinh chú ý đến các đặc điểm cấu tạo của từ tiếng Việt là đa dạng về kiểu loại ( từ đơn, từ ghép, từ láy), phong phú về ý nghĩa (từ một nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm khác nghĩa,), linh hoạt về cách sử dụng (từ dùng trong sinh hoạt, trong sách vở khoa học, từ địa phương, từ nghề nghiệp,).
b.Kỹ năng viết đoạn văn đảm bảo sự liên kết chặt chẽ về ý:
 Để thực hiện tốt kỹ năng này, trước hết cần phải quan sát kĩ đối tượng, tìm được nhiều ý, nhiều chi tiết, biết sắp xếp các ý theo một trình tự rõ ràng, hợp lý,Trong phân môn luyện từ và câu, có một số bài tập rèn kĩ năng viết đoạn văn, cần được giáo viên chú ý để hướng dẫn học sinh lập ý trước khi cho học sinh viết thành lời văn cụ thể, nhằm bổ trợ thiết thực “lô gích”, “đồng tâm” cho phân môn tập làm văn ở tiểu học.
 Ở tiết trả bài tập làm văn, giáo viên cần cho học sinh luyện viết lại phần mở bài, kết bài hay một đoạn của phần thân bài để học sinh tự rút kinh nghiệm sau khi giáo viên đã chữa bài tập trên lớp. Qua luyện tập, giúp học sinh chắt lọc được kiến thức trọng tâm và bước đầu ý thức được sự “ liên kết ý” trong đoạn văn, tức là: Giữa các câu văn có sự liền mạch, có quan hệ về ý với nhau, không rời rạc, lộn xộn. Các ý trong một đoạn văn được diễn tả theo một trình tự nhất định (trình tự về không gian, trình tự về thời gian, trình tự tâm lý) nhằm minh hoạ và cụ thể ý chính. 
 Ngoài việc hướng dẫn học sinh sử dụng phương pháp liên kết các câu, các đoạn văn; cách viết câu mở đoạn, câu kết đoạn, , người GV còn hướng dẫn học sinh hình thành kiến thức, kĩ năng về cách “Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ”. Mà mỗi quý thầy cô giáo cần lưu tâm dạy kĩ, có chiều sâu, để bổ trợ thiết thực cho phân môn Tập làm văn, khi các em luyện viết câu, đoạn, bài trong một kiểu bài cụ thể. Nhằm thực hiện đúng nội dung, chương trình dạy học là “Vòng tròn đồng tâm”. Bên cạnh đó cũng cần lưu tâm để nhận xét kết quả trình bày bài làm của học sinh về ý ( đã đúng, đủ, cụ thể chưa) và về lời (dùng từ, đặt câu, diễn đạt có hay, có chính xác không, bộc lộ cảm xúc như thế nào,).
c. Rèn kĩ năng viết bài văn có bố cục chặt chẽ, có lời văn phù hợp với yêu cầu nội dung, thể loại và kiểu bài:
 Học sinh viết theo dàn bài đã được góp ý, chỉnh sửa từ tiết học trước. Để bài làm của các em có bố cục chặt chẽ, cần hướng dẫn học sinh biết cách liên kết các đoạn văn bằng những từ ngữ như: chẳng bao lâu, từ lâu, tuy vậy, trong khi đó,Nhắc nhở học sinh xuống dòng khi kết thúc đoạn văn, mở đầu đoạn tiếp theo bằng câu nối vào ý khác, làm cho bài văn trong sáng, mạch lạc, khúc chiết. Chữ viết phải rõ ràng và cố gắng rèn viết chữ đẹp. Bài làm cần sáng sủa, sạch sẽ, lưu ý nhắc nhở các em nắm vững các đặc điểm về thể loại, kiểu bài tập làm văn như: “ tả người”- cần lựa chọn những động từ chỉ hoạt động, động từ chỉ trạng thái sát hợp; dùng những tính từ gợi hình ảnh, gợi cảm xúc; những từ tượng thanh, tượng hình thích hợp; dùng các hình ảnh so sánh, ví von sinh độngđể vừa gợi tả cho cụ thể, vừa thể hiện tình cảm, thái độ của mình với người được miêu tả.
 Vẻ đẹp của một bài văn hay, không chỉ ở ý nghĩa nội dung, bộc lộ cảm xúc mà nội dung và cảm xúc đó phải được thể hiện thông qua vẻ đẹp của tiếng Việt. Trong giảng dạy, cần hướng dẫn học sinh tiểu học đi từ những cái cụ thể, chắt lọc những điều quan trọng về kiến thức, kĩ năng để truyền thụ cho các em. Khơi dậy tính kiên trì học hỏi, kiên trì rèn luyện ở các em. Gắn kiến thức, đề tài với vốn sống, vốn hiểu biết của học sinh, đánh thức ở các em những gì các em đang có và “phát triển ” dần lên.
3. Kết quả áp dụng :
 - Mỗi bài văn miêu tả thể hiện trình độ sáng tạo tổng hợp của HS qua những đề tài gây cảm hứng, xúc động trong lòng và kích thích các em biểu lộ thế giới nội tâm của mình.
- Người GV không chỉ tổ chức truyền đạt kiến thức văn học mà cần khuyến khích HS khơi dậy tư duy yêu văn học.
- Từ những kinh nghiệm của bản thân đã rút ra được và áp dụng vào thực tiễn giảng dạy ở lớp , tôi đã thu được kết quả như sau:
 * Trước khi dạy áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, tôi thấy HS học tập còn thụ động, cách trình bày bài và thực hành văn miêu tả còn hạn chế, các em chưa biết nhận xét lẫn nhau
 + Kết quả kiểm tra ban đầu là: 
Sĩ số : 30 HS.
1 HS đạt loại Giỏi
6 HS đạt loại khá
13 HS đạt trung bình
10 HS chư đạt. Với các lỗi chính là: chưa nắm được bố cục, dùng từ đặt câu rời rạc, tả chưa theo trình tự hợp lí, chưa thể hiện được trọng tâm.
 * Khi đã áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này trong năm học thì đến cuối học kì I, tôi đã thu được kết quả khảo sát như sau:
 - 9 HS đạt loại giỏi 
 - 16 HS đạt loại khá
 - 5 HS đạt trung bình
 - Không còn HS chưa đạt.
 Kết quả làm bài của HS có tiến bộ rõ rệt, khả năng quan sát vấn đề của HS nâng cao, các em nhạy bén, có cách nhìn, cách nghĩ bao quát hơn, cách trình bày, sắp xếp ý theo trình tự hợp lí hơn, câu văn giàu hình ảnh, biết vận dụng các biện pháp nghệ thuật trong miêu tả làm cho bài văn sinh động.
PHẦN III: KẾT LUẬN
I. Bài học kinh nghiệm:
 Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi được đúc rút qua quá trình nghiên cứu và thực tế giảng dạy phân môn Tập làm văn nhằm rèn kĩ năng viết văn cho HS lớp 5, tôi đã rút ra được những kinh nghiệm bổ ích sau:
- Cụ thể trong quá trình giảng dạy, GV cần rèn luyện cho HS các kĩ năng viết bài Tập làm văn như sau:
+ Kĩ năng xác định yêu cầu của đề bài.
+ Kĩ năng ghi nhớ cấu tạo của từng thể loại văn miêu tả.
+ Kĩ năng quan sát và sắp xếp ý quan sát (lập dàn ý).
+ Kĩ năng dùng từ diễn đạt ý; kĩ năng viết những câu văn sinh động, gợi tả, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
 - Từ cách dẫn dắt, gợi mở của GV và từ một ý cho trước hay từ một câu đơn 
( chỉ có 1 cụm chủ ngữ, vị ngữ), GV hướng dẫn HS tập mở rộng câu bằng cách thêm các thành phần phụ cho câu như : trạng ngữ, bổ ngữ, động từ, tính từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh, Sử dụng các hình ảnh, chi tiết sinh động biểu cảm; các biện pháp nghệ thuật như: nhân hóa, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, làm cho cách diễn đạt câu văn, đoạn văn thêm cụ thể, sống động giúp người đọc như cùng cảm nhận được với mình.
 - Yêu cầu rèn kĩ năng này có thể thực hiện ở các tiết học Luyện từ và câu hoặc tiết Ôn tập, Luyện tập trong phân môn Tập làm văn. Bài tập luyện viết câu sẽ giúp HS có ý thức viết văn ngày càng chặt chẽ về ý tứ, sinh động, giàu cảm xúc,.. từ đó giúp các em thêm hứng thú học môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng.
- GV phải kiên trì, tỉ mỉ, có lòng yêu nghề, mến trẻ, thực sự có tâm huyết với nghề.
- GV cần xác định đúng vị trí, mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng, nội dung cơ bản trọng tâm của bài dạy.
- Nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy, chẩn bị bài giảng chu đáo.
- Cần phân bố thời gian hợp lí cho các tiết học.
- Thực hiện quy trình dạy học linh hoạt .
- Cung cấp thêm vốn từ cho HS.
- GV cần phải phối kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp để giờ dạy đạt hiệu quả cao.
- Dự tính những khó khăn của HS khi làm bài, những lỗi sai các em mắc để từ đó GV đưa ra các câu hỏi gợi ý, các biện pháp sửa chữa để HS tự làm được bài văn với nội dung đầy đủ, phong phú, câu văn gợi tả, gợi cảm, biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa cho bài văn thêm sinh động.
- GV cần gợi ý, HD HS yếu để làm giảm độ khó của bài tập, cần mở rộng nâng cao kiến thức cho HS K-G để các em không bị nhàm chán khi làm bài.
- Đặc biệt GV cần cung cấp kiến thức nội dung bài song song với việc rèn kĩ năng viết văn cho HS.
II. Kiến nghị: 
Trên đây là một số một số biện pháp rèn kĩ năng viết văn cho học sinh lớp 5 của tôi. Bản sáng kiến kinh nghiệm này chỉ là những ý kiến của riêng tôi, chắc không tránh khỏi những hạn chế. Vậy tôi rất mong được sự chỉ dẫn của các cấp lãnh đạo, của Hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm và toàn thể các đồng nghiệp giúp đỡ, bổ sung ý kiến để đề tài của tôi được hoàn thiện hơn.
 Tôi xin chân thành cảm ơn!

File đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_ren_ki_nang_viet_van_cho_hoc_sinh_lop.doc
Sáng Kiến Liên Quan