Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm

1. Cơ sở lí luận :

Trong những năm gần đây, nền giáo dục nước nhà đã có những đổi mới, những chuyển biến thật mạnh mẽ và quyết liệt. Sự đổi mới ấy tất yếu kéo theo những đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn. Điều này đã được thể hiện ngay trong việc chúng ta lựa chọn tên gọi các giờ học.Ví dụ: giờ “đọc - hiểu tác phẩm” thay thế cho giờ “giảng văn” trước đây. Theo tôi đó là một sự chuyển mình rất đáng ghi nhận.

 Thực ra sự thay đổi trong tên gọi của giờ học đã bao hàm sự thay đổi trong quan niệm và phương thức tổ chức giờ học. Theo đó, người học muốn hiểu được bài, muốn chiếm lĩnh được kiến thức, muốn cảm sâu sắc tác phẩm thì phải đọc, phải cảm và từ đó mới hiểu tác phẩm. Vì thế việc đọc tác phẩm được nâng lên đúng tầm của nó trong một giờ dạy - học Ngữ văn.

 2. Cơ sở thực tiễn :

 Nếu trước đây, trong giờ dạy, giáo viên - người thầy, gần như chiếm ngôi vị độc diễn. Nghĩa là giáo viên phải đọc tác phẩm ở nhà, soạn giáo án và giảng trên lớp cho học sinh nghe. Việc đọc tác phẩm, với học sinh (HS), chỉ dừng lại ở những đoạn quan trọng, đọc lướt như là một thủ tục, một sự minh họa. Chủ yếu là giáo viên giảng cho học sinh nghe cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà bản thân mình cảm nhận được, hiểu được và tâm đắc. Thế mà nhiều giáo viên còn cảm thấy thời lượng 45 phút cho một tiết học với dung lượng kiến thức mà thầy phải truyền đạt và trò phải tiếp thu là quá hạn hẹp. Nay, giờ “đọc - hiểu tác phẩm” lại coi trọng yếu tố đọc. Để cảm và hiểu tác phẩm thì đòi hỏi HS cần phải đọc, thậm chí phải đọc kĩ, đọc sáng tạo. Vì thế đọc mới là hoạt động quan trọng của giờ học. Tuy nhiên thời lượng cho mỗi tiết học không thể tăng lên, trong khi dung lượng kiến thức mà học sinh cần phải lĩnh hội (chủ yếu là tự lĩnh hội) lại không thể giảm. Cũng vì thế mà thời gian vài tiết trên lớp để đọc hiểu một tác phẩm với cả người dạy và người học là không đơn giản. Là người trực tiếp dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT, tôi thấm thía sâu sắc khó khăn này.

 Chính vì thế tôi chọn đề tài “Một số biện pháp khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm”. Đó là cách ra câu hỏi định hướng cho việc đọc hiểu tác phẩm ở nhà của HS. Trong khuôn khổ đề tài này, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đồng nghiệp. Mong rằng sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ cũng như những góp ý để kinh nghiệm nhỏ này trở nên hoàn thiện hơn.

 

doc12 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 4021 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. PHẦN MỞ ĐẦU
 I.  LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
    1. Cơ sở lí luận : 
Trong những năm gần đây, nền giáo dục nước nhà đã có những đổi mới, những chuyển biến thật mạnh mẽ và quyết liệt. Sự đổi mới ấy tất yếu kéo theo những đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn. Điều này đã được thể hiện ngay trong việc chúng ta lựa chọn tên gọi các giờ học.Ví dụ: giờ “đọc - hiểu tác phẩm” thay thế cho giờ “giảng văn” trước đây. Theo tôi đó là một sự chuyển mình rất đáng ghi nhận.
    	Thực ra sự thay đổi trong tên gọi của giờ học đã bao hàm sự thay đổi trong quan niệm và phương thức tổ chức giờ học. Theo đó, người học muốn hiểu được bài, muốn chiếm lĩnh được kiến thức, muốn cảm sâu sắc tác phẩm thì phải đọc, phải cảm và từ đó mới hiểu tác phẩm. Vì thế việc đọc tác phẩm được nâng lên đúng tầm của nó trong một giờ dạy - học Ngữ văn.
 2. Cơ sở thực tiễn : 
    	Nếu trước đây, trong giờ dạy, giáo viên - người thầy, gần như chiếm ngôi vị độc diễn. Nghĩa là giáo viên phải đọc tác phẩm ở nhà, soạn giáo án và giảng trên lớp cho học sinh nghe. Việc đọc tác phẩm, với học sinh (HS), chỉ dừng lại ở những đoạn quan trọng, đọc lướt như là một thủ tục, một sự minh họa. Chủ yếu là giáo viên giảng cho học sinh nghe cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà bản thân mình cảm nhận được, hiểu được và tâm đắc. Thế mà nhiều giáo viên còn cảm thấy thời lượng 45 phút cho một tiết học với dung lượng kiến thức mà thầy phải truyền đạt và trò phải tiếp thu là quá hạn hẹp. Nay, giờ “đọc - hiểu tác phẩm” lại coi trọng yếu tố đọc. Để cảm và hiểu tác phẩm thì đòi hỏi HS cần phải đọc, thậm chí phải đọc kĩ, đọc sáng tạo. Vì thế đọc mới là hoạt động quan trọng của giờ học. Tuy nhiên thời lượng cho mỗi tiết học không thể tăng lên, trong khi dung lượng kiến thức mà học sinh cần phải lĩnh hội (chủ yếu là tự lĩnh hội) lại không thể giảm. Cũng vì thế mà thời gian vài tiết trên lớp để đọc hiểu một tác phẩm với cả người dạy và người học là không đơn giản. Là người trực tiếp dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT, tôi thấm thía sâu sắc khó khăn này.
    Chính vì thế tôi chọn đề tài  “Một số biện pháp khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm”. Đó là cách ra câu hỏi định hướng cho việc đọc hiểu tác phẩm ở nhà của HS. Trong khuôn khổ đề tài này, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đồng nghiệp. Mong rằng sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ cũng như những góp ý để kinh nghiệm nhỏ này trở nên hoàn thiện hơn. 
 II. MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU : 
	- Nhằm nâng cao khả năng tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm của học sinh.
	- Phương pháp nghiên cứu : Phương pháp thực nghiệm (hoạt động dạy học trên lớp, củng cố, ra bài tập về nhà kết hợp với kiểm tra đánh giá).
 III. GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI : 
	Đề tài chỉ nghiên cứu một số biện pháp giúp học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm trong môn ngữ văn ở trường THPT.
 IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN :
	Đề tài thực hiện từ tháng 01 năm 2012 đến tháng 05 năm 2013
B. PHẦN NỘI DUNG
 I. CƠ SỞ LÍ LUẬN : 
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng: “ Mối quan hệ giữa văn bản - bạn đọc - học sinh thực chất là mối quan hệ giữa sự tác động của văn bản đến sự tiếp nhận của bạn đọc”, từ đó xác định GV là “chủ thể tác động và định hướng quá trình tiếp nhận những tác động thẩm mĩ của một văn bản văn học cho HS”. “Hoạt động định hướng của GV, theo tác giả là hoạt động hai chiều: định hướng dạy và định hướng học. Định hướng dạy để dẫn dắt, khêu gợi, định hướng những rung động thẩm mĩ của HS nhằm giúp các em tiếp nhận các tác động cụ thể của một văn bản văn học, uốn nắn những sự hiểu sai, hiểu lệch lạc, phát triển và nâng cao năng lực tiếp nhận của HS. Định hướng học nhằm hoàn thành tốt ba nhiệm vụ: giáo dục, giáo dưỡng, và phát triển”.
 Như vậy, đọc một tác phẩm (TP) văn học, dù ở mức độ nào thì cuối cùng vẫn phải đi đến mục đích chung là hiểu văn. Khái niệm “hiểu” ở đây không chỉ là nhận ra kí hiệu và nghĩa của kí hiệu mà còn phán đoán ra ý muốn biểu đạt của tác giả, tức là đồng cảm và nắm được những thông điệp nghệ thuật mà nhà văn muốn nói, muốn gửi gắm tới người đọc. Có những lúc nhận ra nghĩa của kí hiệu và hiểu ý muốn biểu đạt không khó, nhưng trong nhiều trường hợp, để hiểu đúng văn là không đơn giản.
 II. CƠ SỞ THỰC TIỄN : 
Trong lí luận dạy học Ngữ văn nói riêng và trong lí luận dạy học nói chung, hoạt động học tập ở nhà của HS đã và đang rất được coi trọng. Ở môn Ngữ văn, họat động này được thể hiện trong hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài ở cuối mỗi bài học. Đó là những câu hỏi định hướng việc học bài và soạn bài của HS. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi mà sách tham khảo tràn ngập thị trường thì không khó khăn gì để HS tìm được những cuốn sách tham khảo có trả lời sẵn những câu hỏi trong SGK. Vì thế các em chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng mua về để chép vào vở soạn là xong. Bài soạn cũng vì thế mà luôn “hoàn thành” nhưng HS thậm chí không cần biết mình viết gì và khi được hỏi thì thậm chí ghép nhầm tên tác giả này với tác phẩm kia, hoặccũng không thể phân biệt nhân vật như “A phủ” với “A Sử” ...
    	Cũng như tôi, nhiều bạn đồng nghiệp hết sức đau lòng trước vấn đề này. Gần đây, không ít bài báo nêu lên những “chuyện lạ mà có thật” trong bài văn của HS. Chẳng hạn như: Sau khi cởi trói cho A Phủ, Mị đã lấy nước giải khát Côcacôla cho anh uống, và đưa xe đạp địa hình để A Phủ trốn khỏi Phiềng Xa!!!. Hoặc chuyện nhầm nhân vật Mị (trong Vợ chồng  A Phủ - Tô Hoài) với nhân vật Đào (trong Mùa lạc- Nguyễn Khải), hay phân tích thơ của Huy Cận mà lại chép câu thơ của Hàn Mặc Tử làm dẫn chứng...Những nhầm lẫn ấy trên thực tế chỉ là chuyện thường ngày ở bài làm của HS.
 III. THỰC TRẠNG CỦA ĐỀ TÀI 
 1. Thuận lợi :  
       	- Môn ngữ văn là một trong những môn học được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường. 
	- Đa phần các em học sinh chăm ngoan, chịu khó trong học tập. 
	- Giáo viên bộ môn Văn tích cực trong giảng dạy, chịu khó tìm tòi những biện pháp mới để nâng cao chất lượng giảng dạy.
	- Giáo viên trong tổ đoàn kết, đóng góp, giúp đỡ nhau trong giảng dạy và học tập.
  2. Khó khăn : 
    	- Một số HS có sở trường các môn tự nhiên hưởng ứng không thật nhiệt tình vì các em phải mất nhiều thời gian ở nhà cho môn học mà lâu nay không phải là sở trường của mình.
    	- Một bộ phận học sinh ý thức tự học còn kém, ham chơi, nên khả năng tự đọc, tự hiểu tác phẩm chưa cao.
	- Giáo viên giảng dạy tích cực nhưng đôi khi chưa có những biện pháp thực sự hữu hiệu cho từng đối tượng học sinh.
 IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN VÀ NHỮNG VÍ DỤ CỤ THỂ
    Trong thực tế dạy - học, tôi đã chia tác phẩm ra thành từng nhóm khác nhau theo tiêu chí của riêng mình để có định hướng cụ thể cho các em ở mỗi bài, mỗi thời điểm (câu hỏi chuẩn bị bài mới, câu hỏi ôn tập bài cũ, ...) và thậm chí ở mỗi đối tượng HS . Cụ thể:
 1. Nhóm những tác phẩm dài:
    Đây là những tác phẩm có dung lượng câu chữ lớn. Trong chương trình Văn học THPT, những tác phẩm được coi là dài có thể thấy như: Chí Phèo - Nam Cao; Hạnh phúc của một tang gia- Vũ Trọng Phụng; Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài; Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, ...
    Đây là những tác phẩm không hoặc ít khi được đọc kĩ, đọc trọn vẹn trên lớp. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để HS có thể “tiếp cận gần hơn” với tác phẩm. Vì thế ở những tác phẩm này, để thuận lợi cho việc đọc hiểu trên lớp, theo tôi nên có những định hướng để các em đọc trước tác phẩm ở nhà, từ đó có thể nắm được những nét cơ bản nhất về nội dung của tác phẩm. Chẳng hạn muốn các em nắm được nội dung cốt truyện tôi có thể yêu cầu HS tóm tắt tác phẩm ở nhà.
   Ví dụ:
    1. Đọc và tóm tắt truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài trong khoảng 30 dòng.
    2. Phải chăng lần đầu tiên nhân vật Chí Phèo xuất hiện trong tác phẩm là khi hắn vừa ở tù  về, uống rượu say và vừa đi vừa chửi? Hãy thuật lại cuộc đời đầy cơ cực của hắn? (Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao).
    Đó là những câu hỏi dành cho những tác phẩm tự sự dài có cốt truyện tương đối rõ ràng (dễ nắm bắt, dễ tóm tắt). Còn với những tác phẩm dài nhưng cốt truyện không rõ ràng, không dễ nắm bắt thì giáo viên có thể định hướng cho HS qua những câu hỏi cụ thể hơn như yêu cầu tái hiện một phần nội dung của tác phẩm.
   Ví dụ:
    1. Trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân ,để khẳng định sự hiểu biết của người lái đò về đối thủ trên “mặt trận sông Đà”, nhà văn khẳng định: “Sông Đà đối với người lái đò ấy như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng”. Điều này được thể hiện qua những chi tiết nào của tác phẩm?
    2. Hãy liệt kê niềm hạnh phúc của từng thành viên trong gia đình đại tang gia của “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng).
    3. Phác họa một cách đơn giản nhất 3 trùng vi thạch trận trên Sông Đà (Sự bố trí hệ thống các cửa tử, cửa sinh) - Tác phẩm Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân.
    Đây là những câu hỏi vừa có tác dụng buộc các em phải đọc tác phẩm vừa hướng các em vào việc chọn lọc những chi tiết phù hợp với yêu cầu của giáo viên, lại vừa có tác dụng hướng bài soạn của HS tiến gần hơn tới nội dung sẽ được đọc hiểu ở trên lớp để khi cần các em có thể huy động ngay vào bài học. Và hơn hết là cũng từ đó rèn luyện cho các em thói quen biết lựa chọn một cách đúng nhất, trúng nhất hệ thống dẫn chứng cho bài làm văn.
    Mặt khác, ở nhóm tác phẩm này, khi yêu cầu HS đọc bài trước ở nhà, giáo viên cũng nên để các em thử tìm cách lí giải một số tín hiệu nghệ thuật đặc sắc để từ đó đánh thức khả năng tự đọc sáng tạo của HS.
    Ví dụ:
    1. Trong “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng), Phán mọc sừng đã có một hành vi đạo đức giả để che đậy hành động bỉ ổi . Đó là hành vi nào?
       2. Hãy bình về câu thơ được em coi là hay nhất trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận?
    Đây là dạng câu hỏi đòi hỏi các em phải vừa đọc vừa suy ngẫm, thậm chí còn phải tìm đọc có lựa chọn một số tài liệu tham khảo để tự tìm ra cách lí giải mà các em cho là thích hợp nhất. Trong quá trình ấy, các em có thể phát hiện ra nhiều hơn nữa những tín hiệu nghệ thuật, những điều hấp dẫn khác của tác phẩm mà bản thân các em không ngờ tới. Đó là điều mà giáo viên mong muốn nhất.
 2. Nhóm những tác phẩm có sự tương đồng nào đó về nội dung và nghệ thuật:
     Trong chương trình Văn học THPT, có khá nhiều tác phẩm có sự tương đồng. Ví dụ: Đôi mắt (Nam Cao) - Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên); Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) - Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến); ...
    Đối với những tác phẩm này, cần nhất là khơi dậy ở HS khả năng liên tưởng, xâu chuỗi, hệ thống kiến thức, vừa là để khắc sâu thêm những kiến thức cần nhớ, vừa cho thấy sự tương đồng nhất định, sự “gặp gỡ” tự nhiên mang tính nhân văn, nhân bản ở những tác giả lớn về cách nhìn cuộc đời, nhìn con người, ... Đây là những câu hỏi chủ yếu nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức, do vậy tôi thường sử dụng trong phần củng cố sau mỗi bài học hay những liên tưởng ngay trong giờ học trên lớp.
      Ví dụ: Khi hướng dẫn HS đọc hiểu bài thơ Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) đến câu: 
“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
  Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”
    Chúng ta có thể hỏi HS: thông điệp của Chế Lan Viên ở hai câu thơ này nói riêng và cả bài thơ nói chung có gì gần gũi với thông điệp mà Nam Cao muốn gửi tới độc giả qua “Đôi mắt”?
     Hoặc khi HS đọc- hiểu bài thơ “Thương vợ”  của Tú Xương đến câu thơ: Lặn lội thân cò khi quãng vắng, chúng ta cũng nên hỏi các em hình ảnh thân cò ở đây có gì giống và khác với những hình ảnh, hình tượng con cò trong ca dao, từ đó em có nhận xét gì về nghệ thuật sử dụng chất liệu văn học dân gian một cách sáng tạo của nhà thơ?
    Trên đây là những câu hỏi vừa có ý nghĩa gợi nhắc cho HS nhớ lại những kiến thức cũ, vừa rèn luyện thói quen so sánh liên tưởng trong học văn và làm văn. Từ đó các em nắm được kiến thức sâu hơn .
    Tương tự như vậy, khi kết thúc một bài đọc- hiểu tác phẩm, trên cơ sở những tác phẩm có sự gần gũi về nội dung hay nghệ thuật thì người thầy có thể định hướng cho các em cách suy nghĩ tiếp về bài vừa học.
   Ví dụ:
     Nét chung và riêng trong cảm hứng về Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm?
    Ở dạng câu hỏi này, mức độ liên tưởng được đẩy lên cao hơn bởi đây là biện pháp quan trọng góp phần rèn luyện thói quen tư duy tích cực cho HS - giúp HS nhớ tốt hơn nhờ khả năng liên tưởng tốt.  
 3. Nhóm những tác phẩm cần khơi gợi ở hs những cảm xúc, những suy nghĩ, những liên tưởng độc lập, mới mẻ:
    Trong chương trình Văn học THPT, những cảm xúc, những suy nghĩ, những liên tưởng độc lập, mới mẻ có thể được hình thành ở HS qua những tác phẩm như: Thương vợ - Tú Xương; Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến;Hai đứa trẻ-Thạch Lam ;Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu...
    Ở những tác phẩm này, chúng ta có thể định hướng HS bằng những câu hỏi để các em có cơ hội bộc lộ năng lực văn chương với những khả năng sáng tạo, cách kiến giải thông minh và đặc biệt rèn luyện năng lực tư duy mạch lạc, khả năng lập luận chặt chẽ, lôgic để thể hiện tốt nhất quan điểm, thái độ của mình, góp phần đắc lực trong việc nghị luận có cảm xúc, có chiều sâu. Đây cũng là những câu hỏi tạo điều kiện để các em thể hiện cái tôi cá nhân của mình qua từng trang viết (Đây là điều ít thấy trong cách dạy học văn truyền thống). Việc vận dụng một cách có hiệu quả hệ thống câu hỏi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc nâng cao năng lực cảm thụ mà còn giúp các em chủ động hơn, sáng tạo hơn trong những bài kiểm tra và bài thi - phần nào đáp ứng được cách thức ra đề ở dạng mở - xu thế tất yếu của đề văn hiện đại.
   Ví dụ:
    - Khi đọc hiểu bài thơ “Thương vợ”, giáo viên có thể hỏi: Bà Tú là người hạnh phúc hay bất hạnh? Ông Tú là người đáng thương hay đáng giận?.Vì sao?
    - Khi đọc hiểu bài thơ “Tây Tiến” đến hai câu thơ:
                                     “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                           Heo hút hồn mây súng gửi trời”
    Chúng ta có thể yêu cầu: Bằng một đoạn văn hoặc một bức phác họa, em hãy thể hiện cảm nhận của mình về bức tranh được vẽ nên bởi hai câu thơ trên.
    Đây là dạng câu hỏi nhằm rèn luyện kĩ năng lập luận cho người học, cũng là dạng câu hỏi có thể khơi dậy ở các em miền rung cảm riêng tư và những cảm xúc chân thành, khả năng cảm nhận những tín hiệu thẩm mĩ đặc biệt mới mẻ của tác phẩm...
    Một dạng khác của câu hỏi này mà giáo viên có thể hỏi khi củng cố cuối bài là:
   Ví dụ:
    - Từ bài thơ “Khóc Dương Khuê”của Nguyễn Khuyến,em hãy viết một bài văn với chủ đề tình bạn.    
    - Hãy tưởng tượng mình là người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”của Nguyễn Minh Châu,hãy nêu những cảm xúc về niềm vui,nỗi buồn của cuộc đời mình?
    Ở những câu hỏi này, mục đích lớn nhất là vừa để các em phát huy trí tưởng tượng, đặt mình vào vị trí một nhà văn, thậm chí thử làm một nhân vật trong tác phẩm để tái hiện lại những sự kiện, những diễn biến của tình cảm của nhân vật, từ đó (từ việc thâm nhập sâu vào tác phẩm), HS có thể hiểu sâu hơn, đồng thời những liên tưởng, những suy nghĩ của các em vì thế cũng thật hơn. Đây là việc là tương đối mới mẻ đối với các em, do đó gây được hứng thú đặc biệt. Trên thực tế, nhiều bài viết và cách lí giải của các em đã làm cho người viết bài này ngạc nhiên và tâm đắc.
    V. CÁCH THỨC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ
 1. Nhận xét chung:
    Trong quá trình thực hiện, tôi cho rằng phần khó khăn và cực nhọc cũng như đòi hỏi nhiều tâm huyết của người thầy và cũng là chìa khóa cho sự thành công là khâu kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy - học. Bởi vấn đề then chốt của phương pháp này không chỉ là những câu hỏi có khả năng định hướng việc học ở nhà của HS  mà còn phải biết hướng các em dần tới con đường tự học, tự đọc như một nghĩa vụ thành tự đọc, tự học ở nhà như một thói quen  và hơn nhất là coi việc tự học , tự đọc ở nhà như một nhu cầu tự thân, một niềm đam mê. Có thể nói đây là một công việc cực kì khó khăn bởi nó đòi hỏi tính tự giác và niềm yêu thích của HS. Vì vậy, để có hiệu quả, tôi đã áp dụng một số phương pháp vừa để kiểm tra, vừa để khích lệ và bước đầu kéo được các em lại gần hơn với môn Ngữ văn.
 2. Định lượng hệ thống câu hỏi:
    Việc đầu tiên là khâu phân loại HS, hệ thống câu hỏi đưa ra phải có tính chọn lọc.
    - Đối với HS các lớp sở trường tự nhiên và các lớp  học sinh cơ bản: câu hỏi thường dễ, yêu cầu thường đơn giản. Chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ tái hiện lại tác phẩm (nắm được tình tiết, cốt truyện, nhân vật, ...) và số câu hỏi ít hơn, thưa hơn.
    - Đối với HS các lớp học thiên về các môn xã hội: câu hỏi thường đa dạng hơn, yêu cầu cao hơn và tất nhiên cũng thường xuyên hơn, dày hơn.
    Tuy nhiên điểm chung trong cả hai nhóm này là các câu hỏi đều có xu hướng tăng dần cả về số lượng và mức độ khó qua mỗi bài, mỗi tiết.
 3. Linh hoạt khâu kiểm tra đánh giá:
    Một trong những điều kiện tiên quyết để câu hỏi phát huy tác dụng của nó phải là chọn thời điểm và hình thức để kiểm tra. 
   Ví dụ:
    - Ở nhóm câu hỏi số 1: nên kiểm tra vào đầu mỗi buổi học, hoặc kết hợp kiểm tra trong giờ “đọc- hiểu tác phẩm” ấy.
    - Ở nhóm 2 và nhóm 3: có thể kiểm tra bằng nhiều cách như: kiểm tra cuối bài, đầu mỗi buổi học hoặc có thể kiểm tra bằng cách cho các em làm bài tập dưới dạng một bài văn ngắn - giáo viên chấm lấy điểm 15 phút, 1 tiết hay thậm chí là điểm cho bài 2 tiết về nhà. Đây là việc làm cần thiết vì trong phân phối chương trình thường không dành cho bài viết hệ số 1 và cũng có bài 2 tiết về nhà. Hơn nữa bài về nhà thì tối kị việc HS chép tài liệu. Dạng câu hỏi này phần nào hạn chế tệ nạn đó.
 VI. HIỆU QUẢ ÁP DỤNG : 
Trong thời gian tôi đã áp dụng đề tài trên phạm vi các lớp 11 và 12 mà tôi giảng dạy ở Trường THPT Tân An
    Kết quả thu được, theo tôi cũng khá khả quan:
   + Tỷ lệ học sinh soạn bài đầy đủ tuy không tăng lên nhiều so với những năm học trước và cách dạy học truyền thống nhưng các em đều đã hiểu, hay ít nhất là đã đọc tác phẩm.
   + Tỷ lệ học sinh phát biểu xây  bài trên lớp tăng đáng kể: từ 10 - 20% trước đây lên khoảng 30 ® 50%.
   + Khả năng tư duy, diễn đạt của các em dần được tăng lên (trong vấn đáp  kiểm tra bài cũ, kiểm tra viết), khả năng khái quát hóa, hệ thống hóa của học sinh cũng tốt hơn so với các năm trước và các lớp vẫn được dạy học theo phương pháp thông thường
C. PHẦN KẾT LUẬN
 I. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIẢNG DẠY, HỌC TẬP
	- Đối với giáo viên : đề tài này giúp giáo viên đứng lớp có thể chỉ cho học sinh cách tự đọc, tự hiểu tác phẩm qua đó nâng cao được chất lượng giảng dạy.
	- Đối với học sinh : giúp các em nâng cao ý thức tự học, có cách học tập đúng đắn nhất là việc tìm hiểu tác phẩm và cảm thấy yêu thích bộ môn ngữ văn.
 II. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG : 
	Đề tài có thể được áp dụng trong việc hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, tự hiểu tác phẩm môn ngữ văn ở nhà trường phổ thông.
 III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM : 
	1. Về phía giáo viên : cần tích cực trong việc lựa chọn các câu hỏi phù hợp với từng đối tượng học sinh, khuyến khích động viên kịp thời những học sinh tích cực, kiên trì trong việc hướng dẫn học sinh yếu.
	2. Về phía học sinh : phải có ý thức tự học, chịu khó, tích cực trong việc đọc hiểu tác phẩm nhất là trong thời gian ở nhà. Tham khảo các tài liệu liên quan trên sách, báo, mạng internet.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa Văn học 10.
     Tác giả: Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Lộc (chủ biên) - NXB Giáo dục 
2. Sách giáo khoa Văn học 11.
     Tác giả: Nguyễn Đình Chú - Trần Hữu Tá (chủ biên) - NXB Giáo dục 
3. Sách giáo khoa Văn học 12.
     Tác giả: Hoàng Như Mai - Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) - NXB Giáo dục 
4. Trên đường bình văn.
            Tác giả: Vũ Dương Quỹ - NXB Giáo dục 

File đính kèm:

  • docSKKN_Kim_Loan.doc
Sáng Kiến Liên Quan