Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp học sinh giải bài toán có lời văn lớp 2
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN
“Một số biện pháp giúp học sinh giải bài toán có lời văn lớp 2”
1. Cơ sở lý luận :
Môn toán là một trong những môn học có nhiệm vụ rất quan trọng ở tiểu học. Học toán giúp các em bước đầu hình thành khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa, kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo đa dạng và phong phú. Với sự hướng dẫn, gợi mở đúng mức, đúng lúc của các thầy cô, học sinh tự phát hiện và tự giải quyết các vấn đề của bài học, tự chiếm lĩnh nội dung học tập, thực hành.
CHƯƠNG I TỔNG QUAN “Một số biện pháp giúp học sinh giải bài toán có lời văn lớp 2” 1. Cơ sở lý luận : Môn toán là một trong những môn học có nhiệm vụ rất quan trọng ở tiểu học. Học toán giúp các em bước đầu hình thành khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa, kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo đa dạng và phong phú. Với sự hướng dẫn, gợi mở đúng mức, đúng lúc của các thầy cô, học sinh tự phát hiện và tự giải quyết các vấn đề của bài học, tự chiếm lĩnh nội dung học tập, thực hành. Trong các bài học của môn Toán thì dạng bài giải toán có lời văn giữ một vai trò rất quan trọng. Thông qua việc giải toán ở tiểu học các em bắt đầu làm quen với nhiều khái niệm toán học cơ bản ban đầu, biết được mối quan hệ giữa các sự kiện, giữa cái đã cho và cái phải tìm. Qua việc giải toán, rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy, ý thức vượt khó khăn, đức tính cẩn thận, thói quen làm việc có kế hoạch, xét đoán có căn cứ, thói quen tự kiểm tra kết quả công việc mình làm. Đồng thời qua việc giải toán của học sinh mà giáo viên có thể dễ dàng phát hiện những ưu điểm, thiếu sót của các em về kiến thức, kĩ năng, tư duy để giúp học sinh phát huy những ưu điểm và khắc phục những mặt còn hạn chế trong học tập và trong các hoạt động giáo dục khác. Ở lớp 2, các em còn nhỏ, ham chơi, vừa học, vừa chơi, chưa chú ý tập trung học tập. Với đặc điểm tâm sinh lý học sinh tiểu học là dễ nhớ nhưng mau quên, các em ham chơi và chơi nhiều hơn học, sự tập trung chú ý trong giờ học toán chưa cao, trí nhớ chưa bền vững thích học nhưng chóng chán. Vì vậy giáo viên phải làm thế nào để khắc sâu kiến thức cho học sinh và tạo ra không khí sẵn sàng học tập, chủ động tích cực trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu không được hướng dẫn phương pháp học tập đúng mức, hợp lý, nhất là đối với những dạng bài toán có lời văn, thì các em không hoàn thành được bài tập hoặc làm bài không đúng với dạng toán được học. Nếu không hiểu cách làm hoặc thường làm bài sai các em sẽ chán nản dẫn tới kết quả học tập sẽ ngày càng sút kém. Các em không hiểu bài dẫn đến mất gốc kiến thức. Không xác định được cách học, cách làm, các em thường chán dẫn tới lì lợm, dửng dưng, không hợp tác học tập trong các tiết học. 2. Phương pháp tiếp cận tạo ra sáng kiến : Để nâng cao chất lượng học tập thì đổi mới phương pháp dạy học là thực sự cần thiết. Đòi hỏi người giáo viên phải luôn luôn tìm tòi sáng tạo, tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất để đạt kết quả cao nhất. Là giáo viên giảng dạy trực tiếp ở lớp 2, tôi nhận thấy chưa có nhiều học sinh giỏi môn toán, còn có nhiều học sinh học yếu môn toán so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định. Có nhiều em chưa giải được các dạng toán có lời văn trong chương trình học, tính toán chậm, hay nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để giúp đỡ học sinh giài tốt các bài toán có lời văn để nâng cao hơn chất lượng học môn Toán? Đó là băn khoăn suy nghĩ của tôi. Qua một năm tìm tòi, áp dụng những phương pháp dạy học các dạng toán cần thiết trong môn Toán, tôi thấy bước đầu đã thu được kết quả. Tôi xin mạnh dạn trình bày, trao đổi cùng đồng nghiệp một số kinh nghiệm nhỏ của tôi trong việc giúp đỡ học sinh giải bài toán có lời văn lớp 2 ở trường Tiểu học và THCS Lập Chiệng để đồng nghiệp tham khảo. 3. Mục tiêu cần đạt được : Học sinh biết giải và trình bày bài giải đúng các dạng toán: - Bài toán về nhiều hơn. - Bài toán về ít hơn. - Giải bài toán có một phép nhân. - Giải bài toán có một phép chia. - Tính chu vi hình tam giác, hình tứ giác. CHƯƠNG II MÔ TẢ SÁNG KIẾN 1. Vấn đề của Sáng kiến : Từ đầu năm học, qua khảo sát và giảng dạy thực tế thấy rằng: số học sinh ham học toán và học giỏi môn toán còn hạn chế. Số học sinh học yếu môn toán so với chuẩn kiến thức kĩ năng còn nhiều. Có em có kết quả học tập môn toán thất thường, lúc lên, lúc xuống. Học sinh chưa thực sự thích học môn toán. Còn có em lười suy nghĩ khi làm bài nhất là giải các bài toán có lời văn... Để khắc phục tình trạng học sinh học yếu môn toán ở tiểu học là vấn đề quan tâm không những của giáo viên mà còn là sự quan tâm của các cấp các ngành, cha mẹ học sinh. Thực tế ở lớp, qua kết quả quan sát học sinh học môn toán đầu năm : - Nhiều em tính toán chậm. chưa giải được các bài toán, dạng toán đơn giản trong chương trình học. - Chưa biết trình bày cách giải một bài toán cho đúng, đẹp và khoa học. - Có đến 70% học sinh trong lớp còn lúng túng khi gặp bài toán có lời văn. Đa số các em chưa nắm được đầy đủ quy trình các bước tiến hành giải một bài toán. Nhiều em mới chỉ biết bắt chước dạng bài làm mẫu giáo viên đã hướng dẫn. Các em chưa tích cực suy nghĩ, chưa tự giác làm bài. Vì vậy nên khi gặp bài toán khác với mẫu một chút là các em lúng túng, không biết làm phép tính gì, không biết cách tìm câu lời giải phù hợp với bài toán, dạng toán. 2. Giải pháp thực hiện sáng kiến : 2.1. Nguyên nhân : 2.1.1. Nhận thức chậm, tư duy kém. Những học sinh này không thuộc được bảng cộng trừ hoặc nhân chia đã học. Không vận dụng được các bảng tính đã học vào làm tính, giải toán. Tính toán phải đếm bằng tay mất nhiều thời gian mà kết quả vẫn sai. Không nhớ được cách thực hiện các phép tính, vừa làm bài xong đã quên, nhất là cộng trừ có nhớ. Đây là những đối tượng học sinh có kết quả học tập chưa đạt so với chuẩn kiến thức kĩ năng. Trong các bài toán các em chỉ lấy hai số có trong bài toán rồi cộng hoặc trừ. Các em không đọc bài toán hoặc đọc một lần không hiểu gì là ngồi chơi hoặc làm bừa phép tính. 2.1.2 Chưa có phương pháp học tập đúng. Với đối tượng này, các em thường lơ đãng trong giờ học. Giờ này làm việc khác, giờ toán lại giở tập đọc ra đọc. Giờ thầy cô hướng dẫn thì cắm cúi làm bài vào vở hoặc ngồi vẽ bậy để chơi. Có những em tay lúc nào cũng để trong ngăn bàn để nghịch một cái gì đó. Cả buổi học tìm kiếm trong cặp sách lúc thì cái bút, lúc thì quyển sách, lúc tìm thước kẻ Đây thường là những học sinh bướng bỉnh, mải chơi nên kết quả làm bài thường kém hoặc không hiểu cách làm, không hoàn thành hết bài tập. Về nhà không xem lại bài, không chuẩn bị bài và sách vở đồ dùng học tập trước khi đến lớp. Chưa có thói quen gọn gàng ngăn nắp, học xong bỏ sách vở không đúng nơi quy định nên hay quên. Đến lớp thiếu sách vở, thiếu phương tiện học tập và có kết quả học tập chưa tốt. Các đối tượng này cũng thường xuyên không học bài, thiếu sách vở, đồ dùng học tập, sách vở bẩn, nhàu nát. Gia đình chưa quan tâm nhắc nhở con em học tập ở nhà, chưa tạo điều kiện cho các em học tập. Học sinh chưa có góc học tập riêng. 2.1.3. Không đọc kĩ bài toán, lười phân tích, suy luận tìm ra cách giải. Những học sinh này thường hay làm bài ẩu dẫn tới sai sót hoặc chỉ đọc bài qua loa nên không biết làm thế nào cho đúng. Có trường hợp ngồi chờ cô giáo chữa bài hoặc bạn giải trên bảng để chép và rồi bài tập sau vẫn không làm được bài. 2.2. Hiệu quả của sáng kiến : Qua một năm học tìm hiểu, thấy được một số nguyên nhân cơ bản trên, nên tôi đã tiến hành các biện pháp giúp các em làm tốt hơn các dạng bài toán có lời văn như sau: 2.2.1. Đối với đối tượng học sinh nhận thức chậm, tư duy kém: Với những học sinh yếu này giáo viên cần lên kế hoạch giúp đỡ các em vào các tiết học chính khóa và vào các tiết buổi 2, các tiết ôn tập thêm cho học sinh yếu. Lúc nào cũng để mắt đến các em, nhắc nhở, hướng dẫn các em kịp thời. Sử dụng thường xuyên đồ dùng trực quan (Que tính, các hình vuông, hình tròn) nhắc đi nhắc lại cách tính hoặc cách làm một dạng toán để các em ghi nhớ được cách làm. Giáo viên cần phải hướng dẫn học sinh ôn lại một số kiến thức, kỹ năng đã biết để tìm hiểu kiến thức cần học mới. Để hiểu được biện pháp mới, học sinh đã biết gì, cần ôn lại kiến thức nào, điều gì là mới cần dạy kỹ. Các kiến thức, kỹ năng cũ sẽ hỗ trợ cho kiến thức, kỹ năng mới, hay ngược lại dễ gây nhầm lẫn cần giúp học sinh phân biệt. Cách củng cố tốt nhất, không phải là yêu cầu học sinh nhắc lại bằng lời mà cần tạo điều kiện để học sinh vận dụng biện pháp. Qua giải các bài toán, để học sinh độc lập chọn phép tính và làm tính. Lúc này không nên cho những bài toán quá phức tạp, mà chỉ nên chọn bài toán đơn giản dùng đến phép tính hay quy tắc vừa học. Việc ôn luyện, củng cố những biện pháp tính khác, quy tắc khác sẽ làm trong giờ luyện tập, ôn tập. 2.2.2. Đối với đối tượng học sinh chưa có phương pháp học tập đúng: Giáo viên tạo cho các em có nề nếp học tập từ đầu năm học như: Sử dụng các kí hiệu trong giờ học yêu cầu học sinh thực hiện như: N: nghe và nhìn; S: mở sách giáo khoa; V: ghi bài, làm bài vào vở ghi; VBT: làm bài vào vở bài tập. Lấy đủ đồ dùng, sách vở cần dùng của môn học để trước mặt theo thứ tự cần dùng. Ví dụ: Giờ toán cần có bút, thước kẻ, bút chì, bảng con, phấn, vở ghi, sách giáo khoaGiáo viên yêu cầu các em xếp theo thứ tự dùng trước sau như: Vở ghi dùng sau để dưới cùng, rồi đến sách giáo khoa, bảng phấn để trên cùng vì được sử dụng trước, hộp bút để bên cạnh. Giáo viên thường xuyên bao quát lớp, nhắc nhở tư thế ngồi học và sự tập trung chú ý học tập của học sinh. Cho học sinh thi đua thực hiện các nề nếp học tập giữa các tổ trong lớp. Tuyên dương và tặng thưởng những đồ vật nhỏ như: cái bút, quả bóng baycác em rất phấn khởi và tạo được phong trào thi đua giữa các tổ nhómPhong trào học tập được thúc đẩy, kết quả học tập được nâng lên. 2.2.3. Đối với những học sinh không đọc kĩ bài toán, lười phân tích, suy luận tìm ra cách giải: Mỗi bài toán có lời văn là một tình huống có vấn đề buộc các em phải tư duy, suy luận và phân tích tổng hợp để giải quyết vấn đề. Nếu các em không đọc kĩ bài toán sẽ không hiểu được bài toán thuộc dạng nào, bài toán yêu cầu làm gì, cần làm phép tính gì để có đáp số đúng. Các em không hiểu hết các từ quan trọng trong bài toán để phân tích, suy luận tìm ra cách giải. Vì muốn giải được bài toán có lời văn thì các em phải hiểu lời văn thì mới làm được phép tính đúng. Khi làm phép tính thì phải hiểu lời giải này trả lời cho câu hỏi nào. Để khắc phục được tình trạng trên tôi tôi tiến hành hướng dẫn các em giải các bài toán theo các bước như sau: Bước 1: Tìm hiểu nội dung bài toán Tập trung chú ý đến yêu cầu của bài toán. Trước hết giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh đọc kỹ đề bài, xác định cho được bài thuộc dạng toán nào, đâu là cái đã cho, đâu là cái phải tìm. Để giải đúng một bài toán, các em cần đọc thật kỹ đề bài. Bởi đã có rất nhiều học sinh giải toán sai, không phải đề toán khó mà nguyên nhân là do học sinh vừa đọc đề xong đã vội vàng bắt tay vào giải ngay. Trong bất kỳ bài toán nào cũng có hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất là những điều đã cho, bộ phận thứ hai là cái phải tìm. Bắt buộc phải xác định cho được, cho đúng những cái đã cho, những cái phải tìm trong bài toán. Cần nắm rõ những gì thuộc về bản chất của đề toán, những gì không thuộc về bản chất đề toán để hướng sự chú ý vào những chỗ cần thiết. Từ nào chưa hiểu hết ý nghĩa thì phải nắm hiểu ý nghĩa của nó. Bước 2: Phân tích, tóm tắt bài toán Dùng câu hỏi gợi mở, giúp học sinh thiết lập mối quan hệ giữa cái đã cho và cái phải tìm bằng cách tóm tắt bài toán dưới dạng sơ đồ, hình vẽ hoặc ngôn ngữ ngắn gọn. Đây là bước quan trọng để thể hiện phần trọng tâm và toát lên những cái phải tìm của đề bài. Khi tóm tắt bài toán cần gạt bỏ những gì là thứ yếu, lặt vặt trong đề toán và hướng học sinh tập trung suy nghĩ vào những thứ chính yếu của đề toán, tìm cách biểu hiện bằng hình vẽ. Trong trường hợp khó vẽ được những điểm chính ấy thì cần dùng ngôn ngữ, kỹ hiệu ngắn gọn để ghi lại thật vắn tắt, thật cô đọng. Bước 3: Tìm cách giải bài toán Cần phân tích các giữ liệu, điều kiện và câu hỏi của bài toán nhằm xác lập mối liên hệ giữa chúng và tìm được các phép tính thích hợp. Lập kế hoạch giải bài toán, có hai hình thức thể hiện: - Đi từ câu hỏi của bài toán đến các số liệu. - Đi từ số liệu đến các câu hỏi của bài toán. Bước 4: Trình bày bài giải Dựa vào kết quả phân tích đề toán ở bước 3, xuất phát từ những điều đã cho trong đề toán, giáo viên giúp học sinh lần lượt viết lời giải và thực hiện các phép tính để tìm ra đáp số, viết danh số, đơn vị phù hợp. Cần chú ý thử lại sau khi làm xong từng phép tính cũng như thử lại đáp số xem có phù hợp với đề toán hay không; cũng cần kiểm tra lại các lời giải của các phép tính xem đã phù hợp, đủ ý và ngắn gọn hay chưa Bước 5: Khai thác bài toán Bước này dành cho học sinh năng khiếu. Sau khi giải xong bài toán cần suy nghĩ xem còn những cách ghi lời giải nào khác nữa không? Cách ghi lời giải đó có phù hợp yêu cầu bài toán, phù hợp với phép tính không, ... 2.3. Kết quả Qua một năm thực hiện một số biện pháp giúp học sinh giải bài toán có lời văn lớp 2, tôi thấy việc áp dụng các biện pháp có hiệu quả. Bước đầu học sinh có sự chuyển biến về ý thức học tập, phương pháp học tập và chất lượng học tập. Học sinh đã nhớ được cách xác định các dạng toán, cách tóm tắt, phân tích và hướng giải các dạng toán, kết quả học môn toán được nâng lên rõ rệt. Nhiều em làm giải toán nhanh, yêu thích học môn toán. Kết quả cuối năm môn toán đạt được như sau: Giỏi: 8 em – 40 % Khá: 8 em – 40 % Trung bình: 4 em – 20 % Không còn học sinh yếu kém về môn toán. Từ kết quả đạt được trên, tôi nhận thấy phương pháp dạy học của tôi phù hợp với học sinh lớp mình phụ trách. Chất lượng học môn toán được nâng lên, cùng với môn học khác giúp các em hoàn thành chương trình lớp học. 3. Khả năng áp dụng nhân rộng sáng kiến : Kinh nghiệm của tôi đơn giản, dễ thực hiện. Tất cả giáo viên trong trường tiểu học Lập Chiệng và các trường vùng khó khăn khác trong huyện đều có thể áp dụng để giúp học sinh giải được các bài toán có lời văn lớp 2, từ đó giúp các em học tốt hơn môn Toán lớp 2. CHƯƠNG III KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ 1. Kết luận : Để đạt được mục tiêu dạy - học và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học thì việc tìm tòi sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế giảng dạy của người giáo viên là thực sự cần thiết. Qua mỗi bài học, mỗi môn học, người giáo viên lại rút được kinh nghiệm thiết thực cho bản thân để bài học sau giảng dạy tốt hơn bài học trước. Thấy được việc nào cần làm, cần hướng dẫn học sinh như thế nào để học sinh hiểu bài, nắm bắt được kiến thức một cách có hệ thống, chính xác và kết quả học tập của học sinh ngày càng tốt hơn. Trong đó, dạy giải toán có lời văn là một bộ phận quan trọng của chương trình toán tiểu học. Nó được kết hợp chặt chẽ với nội dung của các kiến thức về số học, các yếu tố đại số, các yếu tố hình học. Dạy giải toán là một hoạt động khó khăn, phức tạp về mặt trí tuệ, do đó khi giải toán có lời văn đòi hỏi học sinh phải phát huy trí tuệ một cách tích cực linh hoạt, chủ động và sáng tạo. Qua việc giải toán của học sinh, giáo viên dễ dàng phát hiện ra những ưu điểm và thiếu sót để giúp các em khắc phục và phát huy. 2. Đề xuất/kiến nghị : 1. Đối với nhà trường Thường xuyên tổ chức các chuyên đề trong tổ, và toàn trường để cùng nhau bàn biện pháp giảng dạy tốt nhất. Tìm ra các phương pháp hữu hiệu bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu, đặc biệt là môn toán. Tổ chức cho giáo viên đi thăm và học hỏi kinh nghiệm dạy tốt của các đơn vị tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. 2. Đối với giáo viên Soạn bài và chuẩn bị kĩ bài dạy trước khi lên lớp. Bài dạy cần thể hiện rõ nội dung yêu cầu cần đạt đối với từng đối tượng học sinh và phương pháp dạy từng đối tượng học sinh đó. Sáng tạo trong giảng dạy, bài dạy hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tham gia các hoạt động học tập. Kích thích học sinh tư duy suy nghĩ xây dựng bài. Tạo không khí học tập vui vẻ, hợp tác giữa các bạn trong nhóm học tập của học sinh. Thường xuyên giữ vững liên lạc hai chiều với gia đình học sinh. Thăm gia đình học sinh để hiểu rõ điều kiện hoàn cảnh của từng học sinh. Kiểm tra việc học bài buổi tối của học sinh đặc biệt là đối tượng học sinh yếu. 3. Đối với học sinh Xác định rõ mục đích và nhiệm vụ học tập của từng môn học. Xây dựng cho mình tói quen học hỏi và phương pháp học tập đúng đắn, nghiêm túc. Có đủ sách vở, đồ dùng học tập của từng môn học. Giữ gìn, bảo quản đồ dùng sách vở sạch đẹp, bền lâu. Mạnh dạn, tự tin hợp tác cùng các bạn trong các hoạt động học tập. Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ của tôi trong một năm giảng dạy và rút kinh nghiệm trực tiếp ở lớp 2. Kinh nghiệm của tôi có những ưu điểm có thể áp dụng có kết quả trong giảng dạy, giáo dục và bồi dưỡng học sinh học yếu môn toán lớp 2. Song cũng không thể tránh khỏi những tồn tại. Rất mong hội đồng khoa học các cấp góp ý, bổ sung cho những kinh nghiệm của tôi được hoàn thiện hơn, giúp ích được nhiều hơn cho việc dạy học. Giúp nhiều người có thể áp dụng vào giảng dạy cho học sinh lớp mình đạt hiệu quả. Tôi xin cảm ơn. Lập Chiệng, ngày 3 tháng 5 năm 2017 XÁC NHẬN CỦA ĐƠN VỊ TÁC GIẢ SÁNG KIẾN Bùi Thị Khuyến ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CỦA HỘI ĐỒNG SÁNG KIẾN CÁC CẤP
File đính kèm:
- SÁNG KIẾN KHUYEN NH 16-17.doc