Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp dạy phần âm môn Tiếng Việt Lớp 1 - Công nghệ giáo dục

* Ưu điểm:

Giáo viên sử dụng phương pháp đọc mẫu, luyện tập thực hành, luyện tập củng cố, hỏi đáp (đặt câu hỏi để học sinh tự tìm và phát hiện âm mới, tiếng mới). Bản thân giáo viên phải nắm vững phương pháp dạy học, phát âm chuẩn, đọc mẫu tốt, coi trọng dạy phần âm. Giáo viên ở lớp đầu cấp rất coi trọng phần luyện phát âm, đọc tiếng, đọc từ. Khi dạy phần âm theo CGD, tôi nhận thấy phần lớn các em chú ý sửa lỗi phát âm, luyện đọc tiếng, từ. Các em trong nhóm tự nhận xét đánh giá nhau rất tốt, bước đầu biết sửa chữa cho bạn cùng nhau tiến bộ. Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại sau:

*Nhược điểm:

Hiện nay một bộ phận nhỏ giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Việc định hướng cách học cho trẻ còn hạn chế nên khi tìm hiểu về âm trẻ không chủ động trong hoạt động học của mình, thiếu tự tin khi đọc bài, viết bài trước lớp. Đôi khi cô còn chủ quan cho rằng trẻ đã biết nên lơ là việc giám sát, chưa thường xuyên kiểm tra nhắc lại luật chính tả.

Trình độ nhận thức của các em chưa đồng đều, khả năng ghi nhớ âm còn chậm, học trước quên sau. Trẻ từ trường Mầm non lên, một số em chưa thuộc hết bảng chữ cái, chưa biết phân biệt nguyên âm, phụ âm nên việc bắt nhịp với môi trường học tập mới rất khó khăn, hơn nữa trẻ còn rụt rè, nhút nhát.

Nhiều phụ huynh phó mặc việc dạy dỗ cho cô giáo hoặc có quan tâm nhưng không thường xuyên liên tục. Một bộ phận dạy con theo chương trình hiện hành dẫn đến cách đánh vần, phát âm và cả kĩ năng viết chưa thống nhất với cô. Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi đã áp dụng một số giải pháp sau:

 

doc10 trang | Chia sẻ: lacduong21 | Lượt xem: 2217 | Lượt tải: 2Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp dạy phần âm môn Tiếng Việt Lớp 1 - Công nghệ giáo dục", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN
Kính gửi: Hội đồng xét sáng kiến sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Ninh Bình. 
Chúng tôi gồm:
STT
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Nơi 
công tác
Chức danh
Trình độ chuyên môn
Tỷ lệ (%) đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến
1
Bùi Thị Thanh Hoa
05/11/1972
Trường Tiểu học Thị trấn Me
Giáo viên
Đại học Sư phạm
50 %
2
Hoàng Thị Minh Châu
03/10/1975
Cao đẳng Sư phạm
50 %
Là nhóm tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: "MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY PHẦN ÂM MÔN TIÊNG VIỆT LỚP 1 - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC."
I. Lĩnh vực áp dụng của sáng kiến: 
1. Lĩnh vực áp dụng: Sáng kiến áp dụng trong việc dạy cho học sinh lớp 1 ghi nhớ âm, đọc và viết đúng tốc độ theo quy định.
2. Vấn đề mà sáng kiến giải quyết: 
Tiếng Việt 1 - CGD là một môn học giúp học sinh nắm bắt được ngữ âm trong Tiếng Việt, phần "âm" là công cụ hỗ trợ đắc lực chiếm tỉ lệ trọng yếu. Vì vậy học sinh cần phải thuộc tất cả các chữ cái trong bảng, nắm được cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt, biết phân biệt nguyên âm và phụ âm, phân tích âm, tiếng. Nhớ luật chính tả mỗi khi viết, có như vậy thì các em mới phát âm, ghép vần, đọc tiếng, từ và câu đúng. Ngoài ra tạo cơ hội cho trẻ có khả năng tư duy sáng tạo trong các tiết học, các em sẽ là người chủ động đọc trơn, đọc hay và viết đẹp.
II. Mô tả bản chất của sáng kiến:
1. Nội dung của sáng kiến:
1.1. Thực trạng giải pháp: 
* Ưu điểm: 
Giáo viên sử dụng phương pháp đọc mẫu, luyện tập thực hành, luyện tập củng cố, hỏi đáp (đặt câu hỏi để học sinh tự tìm và phát hiện âm mới, tiếng mới). Bản thân giáo viên phải nắm vững phương pháp dạy học, phát âm chuẩn, đọc mẫu tốt, coi trọng dạy phần âm. Giáo viên ở lớp đầu cấp rất coi trọng phần luyện phát âm, đọc tiếng, đọc từ. Khi dạy phần âm theo CGD, tôi nhận thấy phần lớn các em chú ý sửa lỗi phát âm, luyện đọc tiếng, từ. Các em trong nhóm tự nhận xét đánh giá nhau rất tốt, bước đầu biết sửa chữa cho bạn cùng nhau tiến bộ. Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại sau:
*Nhược điểm:
Hiện nay một bộ phận nhỏ giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Việc định hướng cách học cho trẻ còn hạn chế nên khi tìm hiểu về âm trẻ không chủ động trong hoạt động học của mình, thiếu tự tin khi đọc bài, viết bài trước lớp. Đôi khi cô còn chủ quan cho rằng trẻ đã biết nên lơ là việc giám sát, chưa thường xuyên kiểm tra nhắc lại luật chính tả.
Trình độ nhận thức của các em chưa đồng đều, khả năng ghi nhớ âm còn chậm, học trước quên sau. Trẻ từ trường Mầm non lên, một số em chưa thuộc hết bảng chữ cái, chưa biết phân biệt nguyên âm, phụ âm nên việc bắt nhịp với môi trường học tập mới rất khó khăn, hơn nữa trẻ còn rụt rè, nhút nhát.
Nhiều phụ huynh phó mặc việc dạy dỗ cho cô giáo hoặc có quan tâm nhưng không thường xuyên liên tục. Một bộ phận dạy con theo chương trình hiện hành dẫn đến cách đánh vần, phát âm và cả kĩ năng viết chưa thống nhất với cô. Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi đã áp dụng một số giải pháp sau:
1.2. Một số giải pháp thực hiện.
Giải pháp 1: Phân loại đối tượng học sinh:
Khi nhận lớp, chúng tôi điều tra nắm đối tượng để phân loại học sinh. Sắp xếp chỗ ngồi phù hợp, quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, tạo cơ hội để học sinh được tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học. Chú trọng đến những em phát âm chưa đúng, ghi nhớ bài còn chậm từ đó chia các nhóm cụ thể như sau:
Nhóm 1: Học sinh phát âm tốt, đọc lưu loát, mạch lạc, khi giao tiếp biết thể hiện lời nói biểu cảm, lịch sự. Những em này được phân làm nhóm trưởng, nhân vật nòng cốt trong các giờ luyện đọc trên lớp, trong các giờ tự học của lớp.
Nhóm 2: Học sinh phát âm tương đối rõ ràng, đọc trôi chảy, nhưng chưa thể hiện được ngữ điệu đọc.
Nhóm 3: Học sinh nhút nhát, khả năng đọc chậm còn đánh vần, ít khi sử dụng lời nói lịch sự trong giao tiếp, nói năng cộc lốc, chưa diễn đạt trọn ý. 
	Trên cơ sở đó, chúng tôi lập kế hoạch luyện đọc riêng cho phù hợp với các nhóm. Chuyển nhóm cho các em nếu có nhiều tiến bộ, từ đó khích lệ các em khác cố gắng.
Giải pháp 2: Dạy tốt phần âm theo quy trình 4 việc.
Ở hai tuần 0 cùng với việc phân loại đối tượng chúng tôi giúp các em làm quen với môi trường học tập mới, rèn nề nếp, phương pháp học tập. Thực hiện nhiệm vụ học tập theo CGD: Các ký hiệu B (bảng), S (sách), V (vở), N (nhóm); Thao tác đọc trơn, phân tích, .
VD: Khi cô chỉ vào (S) là lấy sách; chỉ vào (N) là đọc trong nhóm;.
Phần âm dạy học trong 9 tuần (mẫu ba là quan trọng nhất). Dạy phần âm, giáo viên phải phát âm chính xác, thực hiện nghiêm túc theo quy trình 4 việc. Cụ thể: 
Việc 1: Chiếm lĩnh ngữ âm: 
Học sinh phát âm tiếng chứa âm mới, nhận ra âm mới là nguyên âm hay phụ âm và phát âm theo 4 mức độ, vẽ được mô hình phân tích tiếng. Cô lắng nghe sửa lỗi triệt để cho từng cá nhân, giúp trẻ nhớ âm, phát âm đúng, viết đẹp, nhanh, học đâu chắc đó.
Việc 2: Viết chữ ghi âm.
a, Hướng dẫn viết bảng:
Cho học sinh quan sát chữ in để nhớ mẫu chữ vừa học. Giáo viên giới thiệu và hướng dẫn chữ viết thường theo đúng quy trình viết với 3 điểm tọa độ: điểm bắt đầu, điểm chuyển hướng bút, điểm kết thúc. Cần chú ý tư thế đứng sao cho trẻ quan sát rõ tay cô và phải viết đẹp. Học sinh tập viết bảng, cô kiên trì sửa chữa những điểm viết chưa chính xác, nhận xét và khen kịp thời những em có tiến bộ. Khi trẻ viết tiếng mới, chúng tôi đã lưu ý cách ghi các nét nối và vị trí đánh dấu thanh của tiếng.
b, Hướng dẫn viết vở Em tập viết:
Học sinh đọc và nêu nội dung bài viết, quan sát kỹ mẫu chữ, cỡ chữ (hướng dẫn cách tô chữ, khoảng cách giữa các chữ theo điểm đặt bút trong vở, nét nối giữa các con chữ, khoảng cách giữa các tiếng trong một từ). Giáo viên kiểm soát quá trình viết để biết được các em đã nhớ chắc âm chưa và chỉnh sửa ngay khi chưa thành thói quen.
Việc 3: Đọc.
a. Đọc trên bảng. 
- Đọc từ dễ đến khó (đọc âm - tiếng có thanh ngang - tiếng có dấu thanh) 
- Giáo viên chọn âm, tiếng tùy vào đối tượng trong lớp mình và sửa sai bằng các hình thức khác nhau: học sinh tự sửa khi nhận ra mình đọc sai, sửa cho bạn cùng bàn. Nếu học sinh không sửa được cô phải hướng dẫn cách phát âm.
*Đọc phân tích để “kiểm tra” đọc trơn. Đọc trơn để “thẩm định” đọc phân tích.
b. Đọc trong sách giáo khoa. 
* Chú ý: Sử dụng nhiều hình thức đọc (cá nhân, cặp đôi, nhóm, tổ, cả lớp) ở các mức độ đọc (T- N- N- T) phát huy tốt vai trò của hội đồng tự quản.
Việc 4: Viết chính tả:
a. Viết trên bảng. Giáo viên thực hiện đúng theo quy trình mẫu:
- Bước 1: Phát âm lại (đồng thanh).
- Bước 2: Phân tích (bằng thao tác tay).
- Bước 3: Viết
- Bước 4: Đọc lại
* Chú ý: Kỹ thuật rê phấn, nhẩm thầm khi viết cho đúng, đều và đẹp.
b. Viết vào vở chính tả: 
Khi đọc cho học sinh viết bắt buộc cô phải phát âm chuẩn. Muốn trẻ ghi nhớ bài và đồng thời để kiểm tra mức độ học của trẻ cô cần đọc cho học sinh viết lại âm, cũng có thể giáo viên viết nguyên âm, phụ âm vào bảng con học sinh đọc lại. Cô ôn lại những âm đã học ở mọi lúc mọi nơi để giúp trẻ ghi nhớ thường xuyên.
Giải pháp 3: Giúp học sinh nắm vững luật chính tả. 
Khi dạy phần âm TV1 - CGD phải dạy cho học sinh nắm vững luật chính tả thì các em mới đọc, viết đúng. Dạy Tiếng Việt là dạy chữ ghi âm, nghe sao viết vậy, học sinh phải được nhìn, nghe và luyện phát âm đúng. Với những âm được ghi bằng hai, ba, bốn chữ cái: ch, ng, ngh, gh, nh,  nếu học sinh không nhớ giáo viên phải nhắc lại và cho các em nhẩm theo 4 mức độ T-N-N-T đồng thời cho học sinh nêu luật chính tả. Điểm khác biệt là dạy âm /cờ/ theo CGD có ba cách viết (c/k/q) học sinh dễ nhầm lẫn vì thế cô phải coi trọng luật chính tả thì sẽ khắc phục được. Ban đầu phụ huynh cũng có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng vì thấy trẻ đọc không đúng theo cách học trước kia, các chữ cái c/k/q đều đọc là “cờ”, cách đánh vần cũng khác trước. Tuy nhiên, sau khi nghe chúng tôi chia sẻ thì cha mẹ các em rất yên tâm, kết thúc học kỳ I, các em đã đọc tốt, viết chính tả chính xác. 
Giải pháp 4: Sửa lỗi cho cá nhân học sinh.
	- Lỗi về phát âm: Khi sửa lỗi phát âm chúng tôi đã dùng phương pháp luyện theo mẫu ngay từ tiết dạy âm.
VD: Học sinh phát âm nhầm âm /p/ với âm /b/ chúng tôi đã hướng dẫn trẻ bậm 2 môi lại và bật mạnh hơi ra tạo âm /p/ câm. Sau đó cho làm lại như trên nhưng bật ra tiếng âm /p/ - tiếng /pin/ - /đèn pin/... Khi phát âm yêu cầu đặt tay lên thanh hầu và lòng bàn tay trước miệng từ đó trẻ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa /b/ và /p/. Vì khi phát âm /p/ dây thanh rung mạnh và luồng hơi đi ra lòng bàn tay mạnh hơn thì các em sẽ không phát âm sai nữa.
Để học sinh phát âm đúng, hạn chế nói ngọng chúng tôi cho luyện theo cặp, theo nhóm ngay trong các tiết dạy âm. Cho thi nói nhanh tiếng có âm mà em đó nói ngọng. Với lòng nhiệt tình giảng dạy, tận tâm với nghề tôi đã giúp học trò của mình dần dần phát âm đúng, đọc bài hay.
	- Lỗi về chữ viết: Để viết đúng và đẹp, chúng tôi đã cho các em so sánh chữ viết của mình với chữ mẫu tìm ra cách điều chỉnh. Những em viết chưa đẹp, cô cầm tay tập nét lượn cho trẻ tự tin hơn. Từ đó sẽ hiệu quả hơn khi ta sửa theo nhóm chữ.
	Nhóm 1: Viết nét khuyết thiếu độ cao, chưa đúng điểm dừng bút,
	Nhóm 2: Viết nét cong không đúng độ rộng và không cong đều,...
	Nhóm 3: Viết nét thắt không đúng vị trí, kích thước.
	Nhóm 4: Viết nét móc không đều, dừng bút tự do. 
	Giáo viên quan tâm đến việc rèn thường xuyên cho các em ở mọi nơi, mọi lúc, học âm mới không quên nhắc lại âm cũ. Trong từng mẫu cần kiểm tra cá nhân để điều chỉnh kịp thời. Chúng tôi đã sử dụng những biện pháp như: kể những tấm gương tốt có thực để khích lệ cho các em thi đua cùng nhau tiến bộ; theo dõi sát sự tiến bộ của trẻ để động viên kịp thời, truyền cho trẻ niềm đam mê môn học; tổ chức thi đọc, thi viết tại lớp theo từng thời điểm thích hợp vì đây chính là động lực để các em rèn luyện, phấn đấu. Trưng bày những bài viết đẹp của các bạn trong lớp, của các anh chị năm học trước để các em học tập. Việc cô theo sát các em viết rất quan trọng vì như thế sẽ dễ dàng nhận ra trẻ đã nhớ âm chưa. Một điều nữa là chúng tôi không yêu cầu viết nhiều âm mà cần phải chú ý đến chất lượng thực, không giao nhiều bài viết để trẻ ngại học. Đặc biệt với những em học tốt chúng tôi định hướng cho cha mẹ cần các em biết rõ mức độ cần đạt được ở từng thời điểm để phối kết hợp chặt chẽ hơn.
Giải pháp 5: Tổ chức các hoạt động vui học giúp học sinh ghi nhớ kiến thức một cách bền vững:
Đây là một hoạt động rất quan trọng giúp cho người giáo viên đo được kết quả học tập của học sinh sau một quá trình dạy học. Thông qua hoạt động “chơi mà học, học mà chơi” các em biết chia sẻ với nhau kinh nghiệm học tập, biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn và giúp nhau cùng tiến bộ. Các em ham thích đến trường và yêu thích môn học này. Thường xuyên thay đổi các hình thức tổ chức trò chơi khác nhau: trò chơi gây hứng thú trong học tập, trò chơi ghi nhớ kiến thức bài học, thi tìm tên một một bạn trong lớp, tên một loại hoa, có âm mới học. Như thế, trẻ sẽ nhanh chóng ghi nhớ âm và nhớ luật chính tả mỗi khi dùng âm. 
VD: dạy bài âm /ch/ cho học sinh thi tìm tên con vật bắt đầu bằng âm “ch”.
Giải pháp 6: Giáo dục lồng ghépmột số kĩ năng sống:
Kĩ năng nhận thức: 
Cho các em tự nhìn nhận về mình ở góc độ đơn giản như là nói lên suy nghĩ của mình. Em ghi nhớ và đọc đúng âm đã học chưa, còn yếu ở điểm nào. từ đó trẻ sẽ chủ động hơn trong giao tiếp với cô, với bạn bè.
Kĩ năng thể hiện sự tự tin: 
Cô hỏi “Em nào có thể lên bảng đọc mẫu, viết mẫu âm mà ta vừa học cho cả lớp quan sát?” sau đó yêu cầu em tự đánh giá. Thông qua đó giáo viên sẽ dễ dàng nhận thấy sự tự tin của các em. Đây là yếu tố cần thiết trong giao tiếp.
Kĩ năng giao tiếp: 
Học sinh bày tỏ ý kiến của mình khi bạn đọc bài mà em không tán thành thì hãy lắng nghe rồi có ý kiến trao đổi lại với thái độ chân thành, cởi mở thì sẽ không làm tổn thương đến bạn. Kĩ năng này giúp cho các em có mối quan hệ tốt với bạn bè và sẽ vui hơn mỗi ngày đến trường.
Kĩ năng lắng nghe: 
Khi bạn bày tỏ ý kiến về chữ viết hay bài đọc của em thì phải tập trung chú ý (thể hiện ở ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt,) biết đưa ra ý kiến phản hồi hợp lý hoặc lời cảm ơn với bạn. Đây là một kĩ năng rất quan trọng trong cuộc sống sau này của học sinh.
Kĩ năng hợp tác: 
Tổ chức và cho học sinh hoạt động nhóm 2, nhóm 4, tương tác giữa các nhóm, tạo không khí nhẹ nhàng trong học tập, khuyến khích các em hỏi lại điều không hiểu qua đó giúp giáo viên phát hiện đúng chỗ chưa hiểu để giảng, nếu cần phải giảng riêng cho từng em, chấm bài tay đôi với từng em để chỉ ra những nét viết chưa được, giúp các em tìm được cách sửa. 
Giải pháp 7: Kết hợp linh hoạt một số hình thức tổ chức học theo mô hình VNEN. 
Đầu năm học, chúng tôi đã giúp học sinh bầu hội đồng tự quản của lớp, rèn cho các em sự tự tin, mạnh dạn ở mọi nơi mọi lúc có thể được. Thực tế chỉ những em đọc tốt sẽ nói tốt trước tập thể từ đó thúc đẩy việc luyện đọc của các em.
Chúng tôi đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nhà trường, đặc biệt với hội cha mẹ học sinh, chúng tôi tham mưu việc trang trí lớp học, vệ sinh lớp học để tạo môi trường học tập thân thiện. Lớp tôi đã được các bậc phụ huynh ủng hộ nhiệt tình về sức người, sức của: mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho lớp (đặt báo nhi đồng, báo chăm học, báo vui cười; lắp điều hòa, kết nối mạng Internet phục vụ cho việc dạy và học đạt kết quả cao). 
Mời phụ huynh tham gia dự giờ nhằm thống nhất phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 CGD; tham gia vào việc đánh giá học sinh. Trao đổi tình hình học tập và rèn luyện của học sinh với cha mẹ các em một cách tế nhị. 
2.Tính mới và tính sáng tạo: 
Kinh nghiệm cho thấy để dạy tốt môn Tiếng Việt 1 - CGD phần âm thì theo chúng tôi, giáo viên cần dùng Công nghệ học để tổ chức và kiểm soát tiết học. Đối với bài lập mẫu giáo viên phải làm tốt quy trình 4 việc trong từng tiết học một cách hiệu quả nhất. Bởi lập mẫu là bước nhảy từ không sang có: lần đầu tiên có thêm một cái mới cấp cho trí tuệ. Đến các bài sau chỉ dùng mẫu: thực hiện các bước đi từ có ít đến có nhiều. Để làm được điều này, người giáo viên chỉ nhiệt tình giảng dạy là không đủ mà còn phải sử dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; phải biết kích thích lòng say mê học tập của các em, đồng thời lưu ý đến điều kiện thực tế ở lớp mình.
Giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 1 theo CGD đã thực sự tạo cho các em tư duy khoa học và tính kỷ luật cao, đồng thời giúp cho giáo viên nắm vững kỹ thuật dạy học theo hướng tích cực, tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng. Với phương pháp này, học sinh dễ hiểu, biết đánh vần ngay, học đâu chắc đấy. Đặc biệt học sinh viết đúng chính tả, các em tự sáng tạo, tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.
	Rèn đọc cũng như rèn người vì thế đòi hỏi người giáo viên phải thật kiên trì, lắng nghe để kèm cặp uốn nắn kịp thời. Giáo viên phải thường xuyên rèn giọng đọc để khi đọc mẫu cho các em thực sự là mẫu đúng và hay. Giọng đọc truyền cảm không chỉ thể hiện thái độ tôn trọng người nghe, mà còn toát lên tình yêu quê hương đất nước. Chính tình yêu ấy đã nối dài sự liên kết gắn bó giữa những người cùng nặng lòng với ngôn ngữ Việt và góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh hơn. 
	Nắm vững điểm yếu của từng học sinh trong lớp để có hướng bù khuyết cho trẻ. Quá trình hướng dẫn học sinh luyện đọc, giáo viên cần hết sức lưu ý rèn các thói quen cho học sinh như không đọc bỏ tiếng, thêm tiếng, ngắt nghỉ tự do.... Giáo viên dùng ngôn ngữ cụ thể, dễ hiểu, phát huy tính tích cực của học sinh, tác động đến mọi đối tượng học sinh, sửa chữa ngay những sai sót, động viên kịp thời sự tiến bộ của học sinh.
	Ngoài ra, để luyện viết đạt hiệu quả cao, giáo viên cần phải tổ chức thi viết theo từng giai đoạn. Khuyến khích học sinh đọc báo, đọc chuyện thể hiện ngữ điệu đọc theo các vai giúp giọng đọc của các em hoàn hảo hơn. Như thế, các em sẽ đọc tốt không chỉ trong tiết đó mà còn đọc tốt trong các giờ học khác nữa. Khi ấy, lời cô giảng thấm vào lòng, kho tàng kiến thức mở ra, sức mạnh tri thức sẽ giúp các em có cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn trong quãng đời học sinh, bản lĩnh hơn khi bước vào đời.
3. Khả năng áp dụng.
Sáng kiến này được áp dụng vào việc dạy phần âm - môn Tiếng Việt 1 -CGD ở trường Tiểu học Thị trấn Me, có thể áp dụng rộng rãi trong các trường Tiểu học nói chung.
4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến.
Để dạy tốt phần âm môn Tiếng Việt lớp 1- CGD, đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và rèn luyện. Phải nắm vững cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt cũng như luật chính tả. Giáo viên phải luôn khen ngợi kịp thời, nhắc nhở nhẹ nhàng, tế nhị và động viên các em trong quá trình học tập. Từ đó tạo được mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, tăng cường động cơ học tập, làm nảy sinh những hứng thú mới, khích lệ phong trào đọc sách báo, giúp học sinh tự giác học, phát huy được các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. 
5. Đánh giá lợi ích thu được. 
5.1. Hiệu quả kinh tế.
Vận dụng sáng kiến, chúng tôi tự mình tìm tòi, sáng tạo ra các biện pháp đơn giản nhưng đã mang lại hiệu quả cao, nhiều lợi ích kinh tế: Tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức.
5.2. Hiệu quả xã hội.
Năm học 2016 – 2017, chúng tôi áp dụng biện pháp trên thu được kết quả cao. Các em ghi nhớ âm rất tốt 100% học sinh đọc thông viết thạo, biết đọc ngắt, nghỉ đúng. Chữ viết của các em tiến bộ từng ngày, nhiều em viết và trình bày bài đẹp ở tất cả vở. Đặc biệt là phong trào đọc được các em tích cực tham gia, các bậc phụ huynh ủng hộ nhiệt tình, phát huy tốt ích lợi của góc thư viện của lớp.
Áp dụng sáng kiến trong quá trình giảng dạy Tiếng Việt 1 - CGD, học sinh nhớ âm, nhớ luật chính tả một cách chắc chắn. Đặc biệt là bồi dưỡng học sinh viết chữ đẹp chúng tôi nhận thấy đa số học sinh ham mê luyện viết hơn. Thực sự với các em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày tiến bộ". Niềm vui ấy đọng mãi trong kí ức của tuổi học trò. Từ đó, học sinh yêu quý môn Tiếng Việt hơn, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cũng được cải thiện đáng kể.
Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xác nhận của Trường Tiểu học
Thị trấn Me
Gia Viễn, ngày 22 tháng 4 năm 2017
Nhóm tác giả
Bùi Thị Thanh Hoa Hoàng Thị Minh Châu
Xác nhận của phòng Giáo Dục huyện Gia Viễn
PHỤ LỤC
	Bằng kinh nghiệm của mình, cô đã truyền cho các em ngọn lửa đam mê đọc sách mọi nơi, mọi lúc, tạo nên ra bầu không khí thoải mái, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học.
Giờ ra chơi, Khôi Nguyên say sưa với báo “chăm học” đúng như cái tên các bạn đặt cho em.
Nhóm siêng năng đang cùng nhau đọc truyện
Phong trào đọc sách được các em trong lớp tham gia rất sôi nổi ở các giờ giải lao.
 Từ việc đọc tốt âm, vần, tiếng các em đã nghe viết đúng, nhiều em viết rất đẹp. Đây là một số bài thi viết của các em học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thị trấn Me

File đính kèm:

  • doc15. PGD GV MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY PHẦN ÂM MÔN TIÊNG VIỆT LỚP 1 - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC.doc
Sáng Kiến Liên Quan