Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp chỉ đạo phong trào "Giữ vở sạch, viết chữ đẹp" nhằm nâng cao chất lượng phong trào này ở trường Tiểu học

Từ việc tìm hiểu tình hình của đơn vị và thực tế chỉ đạo chúng tôi rút ra được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chỉ đạo và quản lý phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” ở đơn vị như sau:

 Thuận lợi:

 - Đa số giáo viên đã nhận thức tốt về vai trò và tầm quan trọng trong việc rèn chữ viết cho học sinh tiểu học; nhiệt tình, có tinh thần đoàn kết thống nhất cao, có giáo viên chuyên trách, nghiệp vụ sư phạm vững vàng.

 - Những năm gần đây các bậc phụ huynh đã quan tâm, đầu tư nhiều cho con em mình về học tập.

- Nhiều học sinh có ý thức rèn chữ viết, giữ gìn sách vở sạch đẹp.

 Khó khăn:

 - Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học còn thiếu thốn.

 - Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, một bộ phận không nhỏ phụ huynh chưa quan tâm đến việc rèn chữ viết cho con em.

 

doc14 trang | Chia sẻ: lacduong21 | Lượt xem: 1538 | Lượt tải: 5Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp chỉ đạo phong trào "Giữ vở sạch, viết chữ đẹp" nhằm nâng cao chất lượng phong trào này ở trường Tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 chức, cá nhân và phụ huynh trên địa bàn đồng tình.
- Bên cạnh những thành công, còn một số hạn chế: 
+ Một bộ phận giáo viên, phụ huynh và học sinh chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc rèn chữ viết trong giai đoạn hiện nay, chưa tích cực hưởng ứng phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” của lớp, của trường. 
+ Trong quá trình dạy phân môn Tập viết, một số GV chưa chú ý đến các giải pháp kĩ thuật phù hợp để hướng dẫn cho học sinh viết.
+ Cơ sở vật chất phục vụ dạy học tuy có tăng trưởng nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dạy và học, trong đó có dạy phân môn Tập viết.
+ Còn nhiều học sinh chữ viết chưa đẹp, chưa chú ý rèn chữ viết, giữ gìn vở sạch, đẹp.
+ Công tác quản lí, chỉ đạo phong trào “Giữ vở sạch – Viết chữ đẹp” của Lãnh đạo nhà trường đôi lúc chưa quyết liệt.
+ Các giải thưởng phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” đôi lúc chưa khích lệ, lôi cuốn được giáo viên, phụ huynh và học sinh tham gia.
2.2. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO “GIỮ VỞ SẠCH, VIẾT CHỮ ĐẸP” TRONG NHÀ TRƯỜNG
	Trường chúng tôi là một trong hai trường tiểu học trong xã, số lượng học sinh không nhiều so với các trường tiểu học trong cụm. Những năm gần đây trường đã được cấp Uỷ đảng, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đánh giá rất cao về chất lượng giáo dục toàn diện cũng như chất lượng mũi nhọn HSG-HSNK trong các Hội thi cấp huyện, cấp tỉnh. Có được những thành quả như vậy là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, toàn tâm, toàn ý của đội ngũ. Là sự tâm huyết, cố gắng lớn từ lãnh đạo đến giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát, xử lý công việc trong mọi tình huống. Qua thực tiễn chúng tôi rút được những kinh nghiệm trong việc quản lý, chỉ đạo phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” ở trường tôi công tác như sau:
2.2.1. Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc rèn chữ viết
Nhà trường đã tổ chức quán triệt và nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và cha mẹ các em về vai trò của chữ viết, vị trí, tầm quan trọng của việc rèn chữ viết đối với việc hình thành nhân cách, tính kiên trì, tính kỉ luật , chịu khó của các em trong quá trình học tập. Chữ viết đẹp sẽ tạo hứng thú cho học sinh trong việc học các môn học khác.
Đầu năm học, chúng tôi tổ chức họp phụ huynh phổ biến kế hoạch hoạt động của nhà trường trong năm học mới, đồng thời kết hợp tuyên truyền trong phụ huynh về việc cần phải quan tâm rèn chữ viết cho học sinh của phụ huynh, xoá bỏ quan điểm không cần rèn chữ viết khi nền khoa học và công nghệ ngày càng hiện đại. Yêu cầu phụ huynh mua sắm đủ các loại học cụ có chất lượng cho học sinh trong quá trình học tập như: bút, vở, mực, thước kẻ ... Hướng dẫn phụ huynh dựa vào mẫu chữ ở vở tập viết để kiểm tra và thường xuyên quan tâm sửa chữa các sai sót cho con em mình.
Chúng tôi đã quán triệt trong giáo viên tầm quan trọng của phân môn Tập viết, Chính tả, Tập làm văn trong môn Tiếng Việt ở trường tiểu học, để từ đó giáo viên có ý thức trách nhiệm và sự quan tâm đúng mực khi dạy học các giờ này. Chúng tôi cho mỗi giáo viên tự nêu được tầm quan trọng của việc rèn luyện chữ viết cho học sinh đối với chất lượng các môn học khác, từ đó hàng ngày giáo viên thường xuyên có ý thức quan tâm  rèn chữ viết cho các em.
Thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp, hoạt động Đội, Sao nhi đồng tuyên truyền trong học sinh tác dụng của việc rèn chữ viết đẹp đối với các môn học khác và việc hình thành nhân cách của các em sau này. Phát động phong trào học tập gương rèn chữ viết của các học sinh tiêu biểu trong trường.
2.2.2. Biện pháp 2: Chỉ đạo dạy học tốt nội dung phần Tập viết 
Với mục đích, nhiệm vụ quan trọng như vậy nên việc tổ chức dạy học tốt nội dung phần Tập viết được đặt lên hàng đầu đối với mỗi giáo viên. Trước hết để giúp giáo viên tổ chức dạy học tốt Tập viết, chúng tôi đã triển khai chuyên đề “Đổi mới Phương pháp dạy học Tập viết”. Qua chuyên đề đã củng cố cho giáo viên về các biện pháp dạy học chủ yếu trong giờ Tập viết. Đó là phải có các biện pháp kĩ thuật phù hợp để hướng dẫn cho học sinh viết chữ cái, chữ, câu đoạn, bài; cách viết liền mạch, cách đặt dấu thanh; Chấm chữa bài tập viết cho các em một cách cụ thể, giúp các em tự rút ra được ưu, nhược của mình để tự khắc phục.
Ngoài ra, chúng tôi đã đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tích cực tác động hỗ trợ cho giáo viên như xây dựng môi trường học tập giáo dục phù hợp với từng khối lớp đặc biệt là lớp 1, 2, 3; tăng cường thiết bị dạy học; tạo điều kiện cho đội ngũ của mình học tập chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học và giáo dục ... của đội ngũ.
2.2.3. Biện pháp 3: Tiến hành tốt công tác chỉ đạo của ban giám hiệu
Để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh, ngay từ đầu năm học chúng tôi đã tổ chức phát động phòng trào rèn chữ viết đẹp trong toàn trường. Thành lập ban chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, rõ ràng. Phân công trách nhiệm cho các thành viên trong ban chỉ đạo. Đề ra yêu cầu cụ thể trong các đợt kiểm tra. Ngoài ra, yêu cầu mỗi học sinh lớp Một phải có một bảng mẫu chữ thường; học sinh lớp Hai, Ba, Bốn, Năm có một bảng mẫu chữ thường và chữ hoa lồng trong giấy bóng để tập tô theo mẫu chữ. Nhờ đó mà chữ viết của các em mềm mại hơn, đẹp hơn.
Tổ chức kiểm tra theo định kì bốn đợt, trong đó đợt 1 và đợt 3 căn cứ Công văn số 539/QDD-GD&ĐT ngày 14/9/2012 của Phòng GD&ĐT Lệ Thủy về ban hành Quy định đánh giá, xếp loại phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” cấp Tiểu học, giáo viên chủ nhiệm lớp tự kiểm tra và đánh giá, báo cáo kết quả cho nhà trường. Ban chỉ đạo chỉ kiểm tra xác suất một số lớp để nắm tình hình, có sự bổ sung, điều chỉnh kế hoạch. Đợt 2 và 4 chúng tôi yêu cầu ban kiểm tra phải kiểm tra, cân nhắc chặt chẽ để xếp theo thứ tự các lớp, không có sự đồng thứ giữa các lớp, chú ý đến sự tiến bộ về chữ viết của học sinh trong lớp. Phải tìm ra được những ưu điểm và tồn tại, nguyên nhân dẫn đến tồn tại, chỉ ra biện pháp khắc phục cụ thể  cho từng lớp qua mỗi đợt kiểm tra. Tổ chức cho giáo viên nghiên cứu từ thực tế để chọn màu mực phù hợp, chọn bút, vở có chất lượng và được thống nhất trong toàn trường bằng quy chế chuyên môn.
2.2.4. Biện pháp 4: Tổ chức bồi dưỡng biện pháp kĩ thuật cho giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng chữ viết
* Đối với đội ngũ giáo viên:
Chúng tôi yêu cầu mỗi giáo viên phải  tích cực, nhiệt tình, kiên trì, chịu khó, có phương pháp khoa học và kinh nghiệm đã được đúc kết trong quá trình rèn học sinh. Muốn dạy cho học sinh kĩ năng viết chữ đúng yêu cầu, luyện cho học sinh viết chữ ngày càng đẹp; ngoài việc nắm vững nội dung phương pháp dạy học, giáo viên còn cần có năng lực thẩm mĩ để cảm nhận được vẻ đẹp của chữ viết, có khả năng viết chữ đẹp để học sinh noi theo. Vì thế, trong năm học, chúng tôi tổ chức các tiết thao giảng, mở các chuyên đề, hội thảo về phương pháp dạy và học phân môn Tập viết, Chính tả để giáo viên có điều kiện trao đổi tìm ra những biện pháp tối ưu nhất giúp đỡ học sinh viết đúng, viết đẹp.
Để làm gương cho học sinh, ngoài việc yêu cầu giáo viên phải viết đúng, viết đẹp bất kì mọi lúc, mọi nơi;  chúng tôi đã chỉ đạo thống nhất cách trình bày bảng của giáo viên ở từng phân môn và thể loại bài dạy. Cách trình bày ở bảng của giáo viên cũng là cách trình bày ở vở của học sinh. Đây là vấn đề có tính quyết định, là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện phong trào vở sạch chữ đẹp của nhà trường. Việc ghi và trình bày bảng lớp luôn đòi hỏi những yêu cầu về tính khoa học (nội dung chính xác), tính sư phạm (có tác dụng giảng dạy và giáo dục) và tính thẩm mĩ (viết chữ và trình bày đẹp). Muốn thực hiện tốt những yêu cầu trên, chúng tôi khuyến khích giáo viên cần thường xuyên có ý thức luyện tập, rút kinh nghiệm trong viết chữ và trình bày bảng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Mục đích quan trọng của việc dạy viết là học sinh viết đúng mẫu chữ quy định, có kĩ năng viết nhanh, viết đẹp và biết trình bày một bài viết sạch sẽ. Do vậy, trong quá trình tổ chức bồi dưỡng giáo viên chúng tôi đã chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên nắm chắc các yêu cầu sau:
- Tên gọi các nét cơ bản trong khi hướng dẫn học sinh: nét thẳng (thẳng đứng, thẳng ngang, thẳng xiên); nét cong (cong kín, cong hở, cong phải, cong trái); nét móc (móc xuôi trái, móc ngược phải, móc hai đầu); nét khuyết (khuyết xuôi, khuyết ngược) và nét hất.
Biện pháp thực hiện chủ yếu là luyện viết từ dễ đến khó theo từng nhóm chữ. Người giáo viên phải nắm chắc các nhóm chữ viết để rèn luyện dứt điểm,  đúng trọng tâm. Cụ thể như sau:
* Đối với chữ viết chữ thường có thể chia thành các nhóm sau:
+ Nhóm có nét móc: n, m, i, u, ư, v, r, t.
+ Nhóm có nét khuyết: l, b, h, k, g, y.
+ Nhóm có nét cong và có dấu mũ: a, ă, â, o, ô, ơ, e, ê ...
+ Nhóm các chữ ghép: nh, kh, ch, ngh, ng, ph.
*  Các nhóm chữ viết hoa cũng tương tự theo cấu tạo nét giống nhau với mức độ từ dễ đến khó, giáo viên phải lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Ví dụ:
+ Khi dạy nhóm chữ:  A, Ă, Â, N, M.
Nhóm chữ viết hoa này chủ yếu tạo bởi nét cong và sự phối hợp hay biến điệu của những nét cong. Vì vậy khi dạy cần luyện kĩ cách điều khiển đầu bút để tạo nét cong cho đúng mẫu...
* Đối với chữ số: Việc luyện viết chữ số có phần thuận lợi hơn chữ viết vì cấu tạo của các số chỉ gồm các nét thẳng và nét cong là chủ yếu. Giáo viên có thể tiến hành lần lượt các chữ số kiểu 1, kiểu 2 theo mẫu, hoặc luyện viết trước các chữ số ở nhóm có nhiều nét thẳng, sau đó đến nét cong.
Đặc biệt cần tập trung kiểm soát và tăng cường việc bồi dưỡng cho giáo viên cách chấm chữa bài trong vở Tập viết và Chính tả. Việc chấm chữa bài cho học sinh trong vở Tập viết, Chính tả thường phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu đặt ra cho từng bài học theo quy trình, chương trình của từng khối lớp, giáo viên bắt kỹ lỗi các nét cơ bản ở bài tập viết. Ở bài chính tả, ngoài việc bắt lỗi như trên, giáo viên phải kiểm tra chặt chẽ hơn quy trình nối nét, cách đánh dấu thanh, các dấu phụ, cách trình bày của học sinh.
Qua việc chấm bài, giáo viên giúp học sinh tự nhận thức được những ưu điểm để phát huy, thấy rõ những thiếu sót để khắc phục, sửa chữa; kịp thời động viên những cố gắng nỗ lực của từng học sinh khi viết chữ. Bên cạnh việc chấm (bắt lỗi quy trình, nối nét, cách đánh dấu thanh, dấu phụ) giáo viên cần chú ý kết hợp chữa lỗi và đồng thời ghi lời nhận xét (ngắn gọn) để thể hiện sự biểu dương hay góp ý, yêu cầu về chữ viết đối với học sinh. Đây là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt của nhà trường buộc giáo viên phải thực hiện.
* Đối với học sinh:
Chúng tôi yêu cầu giáo viên thường xuyên làm tốt công tác giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức rèn chữ viết cho học sinh, thông qua công tác chủ nhiệm lớp, các hoạt động của Đội và Sao nhi đồng Bồi dưỡng cho các em tính kiên trì, chịu khó trong học tập cũng như việc luyện chữ viết. Thường xuyên chăm lo rèn luyện cho các em nền nếp viết chữ rõ ràng và sạch đẹp.
Chúng tôi hướng dẫn giáo viên cần thường xuyên quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở các em một số mặt chủ yếu dưới đây:
- Chuẩn bị và sử dụng hợp lí các đồ dùng học tập như: bảng con, phấn trắng, khăn lau, vở Tập viết, bút chì, bút mực, .
- Thực hiện đúng quy định khi viết chữ từ tư thế ngồi viết, cách cầm bút, cách để vở, xê dịch vở khi viết,  cho đến cách trình bày bài.
Trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên, các em thường xuyên rèn luyện tư thế của mình khi viết. Ngồi viết phải ngay ngắn, lưng thẳng, không tì ngực vào mép bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách mặt vở 25 - 30 cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái vở, bàn tay trái tì vào mép vở giữ vở không xê dịch khi viết. Cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn... Khi viết, các em phải cầm bút và điều khiển bút viết bằng ba ngón tay (Ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa) của bàn tay phải. Đầu ngón tay trỏ đặt ở phía trên, đầu ngón tay cái giữ bên trái. Phía bên phải của đầu bút tựa vào cạnh đốt đầu ngón tay giữa. Khi viết đặt vở nghiêng so với mép bàn một góc khoảng 30 0 nghiêng về bên phải.
2.2.5. Biệp pháp 5: Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc rèn chữ viết của học sinh và giáo viên
Rèn kĩ năng viết cho học sinh là một quá trình lâu dài, phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt là kĩ năng viết chữ đẹp. Đây là một kĩ năng không phải tự nhiên mà có, đòi hỏi sự chăm lo rèn luyện thường xuyên cho các em, phải dạy cho các em một cách có định hướng và có kế hoạch.
Ngoài những biện pháp nói trên, học sinh còn cần có những điều kiện thuận lợi khác hỗ trợ. Đó là:
Đối với nhà trường: Phòng học có đủ ánh sáng cho mọi học sinh ngồi học theo quy định của vệ sinh học đường. Để đảm bảo đủ ánh sáng trong mùa đông, chúng tôi đã bắt 8 bóng đèn/phòng học.
Bàn ghế đúng quy cách, vừa tầm với học sinh, mỗi bàn chỉ có hai chỗ ngồi. Bảng lớp đạt tiêu chuẩn chống loá, treo ở độ cao vừa phải, cạnh dưới của bảng ngang tầm đầu của học sinh ngồi trong lớp.
Trang bị cho mỗi lớp một tủ đựng sách vở, học cụ dùng chung.
Đối với giáo viên: Có bảng mẫu chữ viết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có bộ chữ mẫu để giáo viên minh hoạ.
Đối với học sinh: Đồ dùng học tập phải đầy đủ như giấy, vở, bút, bảng con, phấn, thước... đạt tiêu chuẩn quy định. Thống nhất sử dụng một loại mực (mực xanh); một loại bút viết (bút viết nét hoa), một loại vở  có chất lượng cao, không bị nhoè khi viết. Mỗi học sinh có một bảng chữ mẫu để tô được lồng trong giấy bóng theo quy định cụ thể cho từng khối lớp.
 2.2.6. Biệp pháp: Tiến hành tốt phong trào thi đua và tổ chức Hội thi viết chữ đẹp cấp trường
Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ dạy chữ qua các giờ học chính khoá thì mới chỉ dừng lại ở mức độ rèn học sinh viết đúng. Muốn học sinh có chữ viết đẹp, giáo viên cần phải sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp để tổ chức cho học sinh tự rèn luyện chữ viết của mình. Đồng thời phải xây dựng được phong trào thi đua Viết chữ đẹp trong toàn trường. Chính vì thế nên đầu năm học nhà trường phối kết hợp với Liên đội tổ chức phát động phong trào thi đua " Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" trong toàn trường. Phong trào được duy trì trong suốt năm học. Tổ chức kiểm tra theo các đợt kiểm tra định kì và đột xuất. Hàng tuần, hàng tháng thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt tập thể, hội họp  có những nhận xét đánh giá cụ thể về phong trào luyện viết chữ trong giáo viên, học sinh. Chọn những học sinh có chữ viết đẹp để nhà trường nhân bản gửi về các lớp để các em có điều kiện tham khảo, học tập chữ viết của bạn. Bên cạnh đó, các bài chữ viết đẹp còn dùng để trưng bày trong giang trưng bày sản phẩm của Ngày hội học sinh tiểu học được tổ chức hằng năm.
Nhà trường tổ chức Phần thi “Nét chữ - Nết người” trong Ngày hội học sinh tiểu học, qua đó đánh giá phong trào “Giữ vở sạch – Viết chữ đẹp của các lớp và tuyển chọn những bài đạt giải Nhất của các khối tham gia dự thi cấp tỉnh. Hằng năm, trường đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
2.2.7. Biện pháp 7: Tăng cường công tác quản lí chỉ đạo trong phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” 
Chúng tôi chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thực hiện nghiêm túc công tác chấm chữa theo TT 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các phân môn Tập viết, Chính tả và Tập làm văn. Sau đó ghi kết quả của từng học sinh ở mỗi tuần vào sổ theo dõi chấm chữa và có công bố rõ ràng cho học sinh để các em kịp thời sửa chữa, khắc phục sai sót đồng thời động viên, khích lệ tính thi đua của học sinh. Ban giám hiệu nhà trường kiểm tra thường xuyên bằng nhiều hình thức: nghe báo cáo, kiểm tra đột xuất bài viết; kiểm tra chữ viết thông qua kiểm tra vở Tập viết, Chính tả, Luyện viết chữ đẹp của giáo viên và học sinh để nắm bắt chính xác những thông tin, kịp thời tuyên dương những em có chữ viết đẹp, có sự tiến bộ trong các giờ chào cờ đầu tuần để động viên phong trào. Tổ chức đánh giá phong trào "Vở sạch chữ đẹp" theo từng đợt, từng học kì và cả năm học một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Trong đó tiêu chí đánh giá về chất lượng chữ viết được đặt lên hàng đầu. Kết thúc mỗi năm học, giáo viên, tổ chuyên môn và nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm, chọn những bài tập viết đẹp lưu giữ lại phòng truyền thống của nhà trường để làm tư liệu nhân rộng phong trào cho những năm tiếp theo.
2.3. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
	 Áp dụng một số kinh nghiệm này trường chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm học 2018 – 2019, đó là: 
	Về nhận thức: Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh đã thấy rõ vai trò quan trọng của việc rèn chữ viết và tích cực hưởng ứng phòng trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” của trường. Việc phối hợp giữa các tổ chức trong và ngoài nhà trường nhằm hướng tới hội thi “Nét chữ, nết người” của các cấp ngày càng chặt chẽ có hiệu quả. 
Về kết quả:
Bảng 4. Kết quả chất lượng chữ viết cuối năm của học sinh lớp 2,3,4,5 (kĩ năng chính tả)
Kĩ năng 
Số lượng học sinh
Tỷ lệ ( %)
Tốc độ đạt yêu cầu
227
96,2
Chữ viết rõ ràng, viết đúng cỡ chữ, kiểu chữ
210
89,0
Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp 
226
95,8
Viết đúng chính tả
223
94,5
Bảng thống kê cho thấy: Số học sinh viết đảm bảo tốc độ 227 em (tăng 31 em), tỉ lệ 96,2% (tăng 13,1%), tuy nhiên số học sinh viết chưa đảm bảo tốc độ vẫn còn 9 em (giảm 31 em) tỉ lệ 3,8% (giảm 13,19%). Số học sinh chữ viết rõ ràng, viết đúng cỡ chữ, kiểu chữ 210 em (tăng 37 em), tỉ lệ 89,0% (tăng 15,7%), số em chữ viết chưa rõ ràng, chưa viết đúng cỡ chữ, kiểu chữ 26 em (giảm 37 em), tỉ lệ 11% (giảm 15,7%). Số em trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp 226 em (tăng 25 em), tỉ lệ 95,8% (tăng 10,6%), số em trình bày chưa đúng quy định, bài viết còn bẩn 10 em, tỉ lệ 4,2% (giảm 10,6%). Số em viết đúng chính tả 223 em (tăng 32 em), tỉ lệ 94,5% (tăng 13,6%), số em viết còn sai từ, chưa đúng chính tả 13 em (giảm 32 em), tỉ lệ 5,5% (giảm 13,6%). Kết quả thống kê phản ánh chất lượng chữ viết của học sinh bước đầu có tiến bộ so với kết quả khảo sát đầu năm, điều này cho thấy các biện pháp chúng tôi áp dụng bước đầu có hiệu quả.
- Kết quả kiểm tra, đánh giá phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” cuối năm học 2018 – 2019 của Ban kiểm tra nhà trường: Có 12/12 lớp đạt chuẩn phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp”, tỉ lệ 100%.
	- Có 99 học sinh và 12 tập thể lớp đạt giải trong Ngày hội viết chữ đẹp cấp trường 
- Có 02 giải nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 01 giải Khuyến khích Hội thi “Nét chữ, nết người” cấp tỉnh
- Có 01 giải Khuyến khích cuộc thi “Nét chữ, nết người” cấp Quốc gia
3. PHẦN KẾT LUẬN
3.1. Ý nghĩa của sáng kiến
Trường Tiểu học là cái nôi đầu tiên giáo dục trẻ em khi các em bước vào tuổi đi học. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải coi trọng việc rèn luyện cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là việc rèn chữ viết. Bởi vì, nét chữ là nết người, một khi đã trở thành thói quen viết không đúng thì sau này lớn lên khó sửa chữa được. Sáng kiến này nhằm mục đích nói trên.
Qua triển khai sáng kiến ở cơ sở bước đầu đã thu được những kết quả sau:
- Đã đưa ra được một số biện pháp chỉ đạo phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt và đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt và sáng tạo của học sinh.
- Việc áp dụng các biện pháp nêu trên cho thấy bước đầu các biện pháp này đã đem lại hiệu quả và có tính khả thi.
Song bên cạnh đó, sáng kiến này còn một số hạn chế nhất định :
Các biện pháp trên mới chỉ áp dụng tại đơn vị mà tôi đang công tác. Những kết quả đạt được chỉ là những kết quả bước đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp nhằm góp phần đưa chất lượng phong trào “Giữ vở sạch – Viết chữ đẹp” của nhà trường ngày một nâng cao.
3.2. Đề xuất
Nên chăng cần tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn về rèn chữ viết để trao đổi, rút kinh nghiệm (trong tổ, trong trường hoặc liên trường)
Những kết quả đạt được của sáng kiến mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để khắc phục những hạn chế và mở rộng phạm vi ứng dụng của sáng kiến. Rất mong được sự trao đổi, góp ý của chuyên môn các cấp, đồng nghiệp và bạn bè để giúp tôi hoàn thiện sáng kiến này.
Xin chân thành cảm ơn !

File đính kèm:

  • docSáng_kiến_cải_tiến_kỹ_thuật_ _Một_số_biện_pháp_chỉ_đạo_phong_trào_ _Giữ_vở_sạch,_viết_chữ_đẹp_ _ở_tr.doc
Sáng Kiến Liên Quan