Chuyên đề Phương pháp giúp học sinh hứng thú học môn Lịch sử ở trường THCS Vĩnh Thịnh

Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Lịch sử ở trường THCS Vĩnh Thịnh:

1. Thuận lợi:

 - Đội ngũ giáo viên trẻ, khoẻ, nhiệt tình, tận tâm trong giảng dạy. Có những giáo viên có kinh nghiệm nên thông qua công tác dự giờ, thao giảng đã đóng góp ý kiến giúp cho bản thân rút nhiều kinh nghiệm quý báu để vận dụng khi lên lớp.

 - Đa số học sinh chăm ngoan, lễ phép.

 - Nhà trường trang bị sách tham khảo, phòng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc giảng dạy.

 2. Khó khăn:

- Mặc dù đã cải cách chương trình giảng dạy nhưng vẫn còn một số bài quá dàn trải dẫn đến tình trạng “quá tải” kiến thức đối với việc truyền thụ của giáo viên lẫn việc lĩnh hội kiến thức của học sinh. Giáo viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu chắt lọc những kiến thức trọng tâm để bài dạy có hiệu quả.

- Nhiều học sinh hoàn cảnh còn khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập.

- Đa số các em vẫn còn thói quen học vẹt, không nắm sâu được kiến thức vì vậy sẽ mau quên kiến thức cũ, hoặc có nhớ thì cũng không thực sự chính xác các sự kiện lịch sử.

- Trang thiết bị (lược đồ, tranh ảnh ) chưa đủ đáp ứng nhu cầu dạy học bộ môn.

 - Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên vào dạy học lịch sử còn có những hạn chế nhất định.

 

doc7 trang | Chia sẻ: Hải Thượng | Ngày: 05/05/2023 | Lượt xem: 805 | Lượt tải: 2Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề Phương pháp giúp học sinh hứng thú học môn Lịch sử ở trường THCS Vĩnh Thịnh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 PHÒNG GD - ĐT HÒA BÌNH
 TRƯỜNG THCS VĨNH THỊNH 
CHUYÊN ĐỀ: PHƯƠNG PHÁP GIÚP HỌC SINH
HỨNG THÚ HỌC MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THCS VĨNH THỊNH
I. Phần mở đầu:
Lịch sử là một trong những môn khoa học rất quan trọng, vì môn Lịch sử giúp học sinh biết được quá trình phát triển của lịch sử loài người, nhất là quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là một quá trình lao động cần cù, sáng tạo và chiến đấu lâu dài, gian khổ, hi sinh của các thế hệ người Việt Nam. Qua việc học lịch sử, giúp các em hiểu được giá trị của cuộc sống và bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, sự biết ơn những người có công với nước, từ đó các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, môn Lịch sử còn cung cấp cho học sinh nhiều kĩ năng quan trọng khác như: phân tích, nhận xét, tổng hợp, đánh giá quá khứ, hiện tại, tương lai một cách đúng đắn phù hợp với thời cuộc. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy chất lượng học môn Lịch sử của học sinh còn nhiều điều đáng phải bàn. Chúng tôi thiết nghĩ một trong những yếu tố quyết định chất lượng của dạy học môn Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung là sự hứng thú đối với môn học của học sinh. Tuy nhiên, đối với học sinh, các em không thích học môn Lịch sử vì cho rằng đó là môn phụ, không quan trọng lại có quá nhiều mốc thời gian và sự kiện khô khan, khó nhớ. Phương pháp của giáo viên lại chưa đủ để thu hút các em yêu thích môn học hơn. Vì vậy các em không hứng thú trong việc học môn này, hoặc chỉ học qua loa đối phó. Vậy phải làm sao để học sinh có hứng thú và chuyên tâm hơn trong học môn Lịch sử?
Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Phương pháp giúp học sinh hứng thú học môn Lịch sử” để quý đồng nghiệp cùng bàn bạc và đóng góp ý kiến làm cho môn học không trở nên nặng nề, khô khan, nhàm chán, từ đó nâng cao dần chất lượng bộ môn.
	II. Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Lịch sử ở trường THCS Vĩnh Thịnh:
1. Thuận lợi:
 	- Đội ngũ giáo viên trẻ, khoẻ, nhiệt tình, tận tâm trong giảng dạy. Có những giáo viên có kinh nghiệm nên thông qua công tác dự giờ, thao giảng đã đóng góp ý kiến giúp cho bản thân rút nhiều kinh nghiệm quý báu để vận dụng khi lên lớp.
	- Đa số học sinh chăm ngoan, lễ phép. 
	- Nhà trường trang bị sách tham khảo, phòng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc giảng dạy.
	2. Khó khăn:
- Mặc dù đã cải cách chương trình giảng dạy nhưng vẫn còn một số bài quá dàn trải dẫn đến tình trạng “quá tải” kiến thức đối với việc truyền thụ của giáo viên lẫn việc lĩnh hội kiến thức của học sinh. Giáo viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu chắt lọc những kiến thức trọng tâm để bài dạy có hiệu quả. 
- Nhiều học sinh hoàn cảnh còn khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập.
- Đa số các em vẫn còn thói quen học vẹt, không nắm sâu được kiến thức vì vậy sẽ mau quên kiến thức cũ, hoặc có nhớ thì cũng không thực sự chính xác các sự kiện lịch sử.
- Trang thiết bị (lược đồ, tranh ảnh) chưa đủ đáp ứng nhu cầu dạy học bộ môn.
 - Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên vào dạy học lịch sử còn có những hạn chế nhất định. 
	III. Một số phương pháp giúp học sinh hứng thú học môn Lịch sử
Môn lịch sử là một môn học giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, góp phần hình thành ở học sinh thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động và thái độ ứng xử đúng đắn trong cuộc sống xã hội. Vì vậy phương pháp dạy học môn Lịch sử rất phong phú, đa dạng, bao gồm các phương pháp hiện đại (thảo luận nhóm, đóng vai...) và các phương pháp truyền thống (trực quan, kể chuyện...). Để việc dạy học có hiệu quả, người giáo viên phải biết lựa chọn các phương pháp phù hợp với bài học, với đối tượng học sinh nhằm tạo cho học sinh hứng thú học tập. Sau đây chúng tôi xin nêu ra một số phương pháp tiêu biểu:
1. Phương pháp trực quan
Với phương pháp này, học sinh được quan sát trực tiếp sự vật, hình ảnh thực của sự vật, hình ảnh trừu tượng hóa của sự vật như: hiện vật, tranh ảnh, mô hình, bản đồ, sơ đồ 
Phương pháp trực quan góp phần tạo biểu tượng lịch sử , hình ảnh sự vật khắc sâu vào trí nhớ của học sinh, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, thẩm mĩ, gây hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên để phát huy hết tác dụng của phương pháp này, giáo viên cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Căn cứ vào nội dung, yêu cầu giáo dưỡng, giáo dục của bài học để chọn đồ dùng trực quan thích hợp.
- Có phương pháp thích hợp đối với việc sử dụng đồ dùng trực quan.
- Phát huy tính tích cực của học sinh khi dùng đồ dùng trực quan.
- Kết hợp lời nói và trình bày các đồ dùng trực quan, đồng thời rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh.
- Tùy theo yêu cầu bài học, loại hình đồ dùng trực quan mà có cách sử dụng khác nhau.
2. Phương pháp thảo luận nhóm
Đây là một phương pháp tốt nhất để thực hiện việc dạy học phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh. Với hình thức học này, học sinh được lôi cuốn vào các hoạt động học tập, tiếp thu kiến thức bằng chính khả năng của mình dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. 
Phương pháp thảo luận nhóm giúp cho các thành viên trong nhóm chia sẻ những băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân cùng nhau xây dựng nhận thức mới bằng cách nói ra những điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về vấn đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Qua cách học này, bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là quá trình tiếp nhận thụ động từ giáo viên. Trong hoạt động nhóm, tính tích cực của học sinh được phát huy và quan trọng hơn là học sinh sẽ được rèn luyện năng lực hợp tác. Thông qua hoạt động thảo luận nhóm như vậy các em sẽ được nắm vững, nhớ sâu kiến thức bài học. Đồng thời giúp các em rèn luyện và phát triển kĩ năng làm việc và giao tiếp, tạo thói quen giúp đỡ lẫn nhau; phát huy vai trò, trách nhiệm trên cơ sở hợp tác.
Tùy vào mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, giáo viên có thể chia học sinh thành các nhóm lớn, nhỏ khác nhau (2, 4, 6). Để hoạt động nhóm có hiệu quả, các thành viên phải biết rõ nhiệm vụ của mình . Vì vậy giáo viên phải phân công công việc cụ thể cho các em. Mỗi nhóm phải có nhóm trưởng để điều khiển hoạt động của nhóm.
Muốn phương pháp dạy học thảo luận nhóm có hiệu quả tốt, cần có những điều kiện thiết yếu sau:
- Các thành viên trong nhóm điều hiểu biết công việc của nhóm và bản thân; cùng hợp tác, giúp đỡ nhau và có trách nhiệm với công việc chung.
- Chọn kiểu nhóm phù hợp với yêu cầu thảo luận.
- Mọi thành viên phải tích cực tham gia hoạt động nhóm và sẵn sàng đưa ra ý kiến của mình, cùng tranh luận, trao đổi một cách thoải mái trước khi đi đến ý kiến thống nhất chung, tránh trường hợp chỉ có nhóm trưởng làm việc.
- Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn giáo viên cần phải lập kế hoạch kĩ càng, chu đáo.
3. Kể chuyện lịch sử
Đặc trưng của môn Lịch sử là các sự kiện, các nhân vật đều diễn ra trong quá khứ nên để nhận thức lịch sử người học phải thông qua sự kiện lịch sử để tạo biểu tượng lịch sử từ đó hình thành khái niệm, rút ra quy luật và bài học lịch sử rồi vận dụng vào thực tiễn. Muốn tái hiện bức tranh quá khứ một cách sinh động chúng ta phải dựa trên cơ sở tài liệu tham khảo trong đó có những câu chuyện, những giai thoại lịch sử. Thông qua việc lồng kể các câu chuyện, các giai thoại lịch sử trong bài dạy, học sinh có thêm cơ sở để nắm vững bản chất sự kiện và hứng thú hơn với môn học.
Để sử dụng các câu chuyện, các giai thoại lịch sử trong dạy học lịch sử một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hứng thú học tập cho học sinh, đòi hỏi giáo viên phải xác định đúng những câu chuyện có liên quan đến các sự kiện mà bài học cần đáp ứng. Nội dung câu chuyện đưa vào dạy học phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh và trình độ nhận thức của học sinh. Ngôn ngữ phải trong sáng, dễ hiểu, biểu cảm. 
4. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Lịch sử
Qua thực tế và kinh nghiệm giảng dạy, chúng tôi có thể khẳng định rằng: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ dạy học là phương pháp đem lại hiệu quả cao. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hình thành kiến thức cho học sinh trong dạy học lịch sử sẽ làm cho giờ học trở nên sinh động không bị khô khan, tẻ nhạt, lôi cuốn được học sinh tham gia học tập tích cực, chủ động, tạo cho các em động cơ và không khí học tập thoải mái. Đây là nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức khoa học lịch sử một cách hiệu quả, qua đó giáo dục và phát triển toàn diện học sinh và nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Công nghệ thông tin làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các phương pháp dạy học khác, cho nên giáo viên có thể ứng dụng nó để hỗ trợ cho việc tường thuật, hoặc miêu tả các sự kiện, hiện tượng lịch sử... kết hợp với lời trình bày sinh động của giáo viên. Giáo viên cũng có thể chiếu một đoạn phim tài liệu hoặc tư liệu tham khảo để các em đọc và tìm hiểu. 
Để ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học Lịch sử đòi hỏi người giáo viên có một ít kiến thức về sử dụng máy vi tính, biết sử dụng phần mềm trình chiếu, biết truy cập Internet, có khả năng sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa ảnh, cắt phim, cắt file âm thanhCó như thế thì người giáo viên mới có thể chủ động trong quá trình chuẩn bị và giảng dạy trên lớp. Bên cạnh đó, khi ứng dụng trên lớp, chúng ta cần phải lựa chọn tư liệu phù hợp, vừa đủ với nội dung, mục tiêu của bài.
5. Sử dụng yếu tố văn thơ, âm nhạc trong dạy học Lịch sử
 Trong thực tế, rất nhiều môn học có thể hỗ trợ cho nhau. Việc sử dụng yếu tố văn thơ và âm nhạc để tạo hứng thú cho học sinh trong môn học Lịch sử không phải là mới . Nhưng cũng không nhiều giáo viên biết tận dụng lợi thế của chúng để gây hứng thú cho học sinh trong giờ dạy Lịch sử. Một bài thơ hay với giọng đọc truyền cảm, một bài hát hay với giọng hát ngọt ngào cùng những chiến công vĩ đại sẽ dễ nhớ, dễ đi vào lòng người hơn là một bài giảng khô khan, đơn điệu.
Để làm được điều này, giáo viên phải biết sưu tầm các bài thơ, bài hát có liên quan đến các sự kiện lịch sử và biết sử dụng một cách hợp lí, có hiệu quả. Khi sử dụng thơ vào dạy học lịch sử cần chú ý, phải chọn lọc những đoạn, những câu phù hợp với bài học, phù hợp với khả năng hiểu biết của các em, không nên đọc hết một bài thơ quá dài vừa làm mất nhiều thời gian của giờ học, vừa làm cho các em cảm thấy nhàm chán. Sau mỗi bài thơ, bài hát giáo viên cần đặt câu hỏi khắc sâu kiến thức cho học sinh. Giáo viên không nên tham lam, sử dụng quá nhiều thơ và bài hát vào dạy học lịch sử, cũng tránh phân tích quá sâu làm sai mục đích của việc sử dụng kiến thức liên môn. Giáo viên cần chú ý đọc diễn cảm, thể hiện ngữ điệu phù hợp với từng câu thơ. Vì vậy giáo viên phải rèn luyện cách đọc thơ, nếu đọc không hay cũng không thể tạo hứng thú cho học sinh.
IV. Kết quả
Qua quá trình tìm tòi, vận dụng các phương pháp trên vào trong thực tiễn giảng dạy, tuy còn những hạn chế nhất định, nhưng chúng đã góp phần tạo hứng thú học môn Lịch sử ở học sinh. Đây là cơ sở để học sinh học tốt hơn môn học. Tuy nhiên, mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Điều quan trọng là người giáo viên phải biết sử dụng các phương pháp dạy học một cách hợp lí, chủ động, sáng tạo thì mới đem lại hiệu quả cao. 
V. Kết luận: 
Trên đây là những kinh nghiệm nhỏ mà chúng tôi đã đúc rút được qua quá trình thực dạy. Chúng tôi nhận thấy rằng chuyên đề này vẫn chưa hoàn chỉnh nên qua đây xin được sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô để việc dạy học môn Lịch sử của trường THCS Vĩnh Thịnh nói riêng và của huyện nhà nói chung ngày càng có hiệu quả hơn.
 Vĩnh Thịnh, ngày 23 tháng 11 năm 2018
 NHÓM BỘ MÔN LỊCH SỬ
 TRƯỜNG THCS VĨNH THỊNH

File đính kèm:

  • docchuyen_de_phuong_phap_giup_hoc_sinh_hung_thu_hoc_mon_lich_su.doc
Sáng Kiến Liên Quan