Báo cáo sáng kiến Một số biện pháp để dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 4

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng, cấp học mở đầu chương trình giáo dục phổ thông. Cấp Tiểu học là nền móng giúp học sinh học hình thành khả năng giao tiếp, là cơ sở để phát triển tư duy cho trẻ.

Trong nhà trường Tiểu học, cùng với các môn học, môn Tiếng Việt có vị trí rất quan trọng. Bởi vì môn Tiếng Việt có mục tiêu hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt (nghe, đọc, nói, viết) để học tập và giao tiếp; cung cấp kiến thức sơ giản về Tiếng Việt và những hiểu biết về xã hội, tự nhiên và con người; bồi dưỡng tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu này, giáo viên cần phối hợp dạy tốt tất cả các phân môn: Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn, Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập viết. Trong đó phân môn Tập đọc là phân môn giữ vai trò hết sức quan trọng

Trên thực tế, khi dạy một bài tập đọc, muốn học sinh đọc đúng, đọc hay không phải là dễ. Bởi vì nếu chỉ dạy cho học sinh đọc được văn bản thôi thì không phải là quá khó nhưng để có một bài dạy hoàn thiện và đem lại hiệu quả cao thì không đơn giản.

 

doc12 trang | Chia sẻ: duongthao25 | Lượt xem: 2306 | Lượt tải: 6Download
Bạn đang xem tài liệu "Báo cáo sáng kiến Một số biện pháp để dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 4", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g
Trên thực tế, khi dạy một bài tập đọc, muốn học sinh đọc đúng, đọc hay không phải là dễ. Bởi vì nếu chỉ dạy cho học sinh đọc được văn bản thôi thì không phải là quá khó nhưng để có một bài dạy hoàn thiện và đem lại hiệu quả cao thì không đơn giản. 
Dạy Tập đọc chính là dạy một kĩ năng. Vì vậy, nó đòi hỏi người giáo viên phải có phương pháp sáng tạo khi sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên nắm vững và thực hiện đúng các yêu cầu có tính nguyên tắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo sát với thực tế và đối tượng học sinh. Có như vậy mới nâng cao chất lượng giảng dạy tập đọc và góp phần tích cực vào việc đào tạo những con người năng động, sáng tạo trong thời kì công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Đúng như nhà triết học cổ Hy Lạp nói : "Dạy học không phải là chất đầy vào một cái thùng rỗng mà làm bừng sáng lên ngọn lửa".
Vậy dạy Tập đọc như thế nào sẽ mang lại hiệu quả cao cho học sinh Tiểu học? Đó là điều trăn trở của nhiều giáo viên. Là một giáo viên dạy khối bốn, tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Làm thế nào để chữa lỗi phát âm cho học sinh, làm thế nào để các em đọc nhanh hơn, hay hơn, diễn cảm hơn? Làm thế nào để các em hiểu văn bản được đọc, nhất là làm thế nào để hiểu được "văn", làm thế nào để phối hợp đọc thành tiếng và đọc hiểu, để cho những gì đọc được tác động vào chính cuộc sống 
của các em.
Nhận rõ được tầm quan trọng của môn Tập đọc và xuất phát từ tình
hình thực tế với mong muốn các em học sinh sẽ có những tiết học tập đọc thật tốt, tôi đã đi sâu nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp để dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 4”.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
- Tìm hiểu yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học phân môn Tập đọc lớp 4.
- Nắm được bản chất của phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập.
- Nắm được các hoạt động của thầy và trò trên lớp theo phương pháp dạy học mới.
- Đưa ra một số phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả trong các giờ dạy phân môn Tập đọc lớp 4 .
III. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 3 năm 2019
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Nghiên cứu SGK, SGV, các tài liệu tham khảo.
- Điều tra, khảo sát học sinh.
- Thống kê, phân loại.
- Tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học.
PHẦN NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN 
Đọc là một kĩ năng quan trọng hàng đầu của con người. Nhờ biết đọc, con người có thể tự học. Đọc là hoạt động nhận tin. Hoạt động đọc chỉ xảy ra khi người đọc nắm được chữ viết. Đọc là dùng mắt và cơ quan thị giác để chuyển các kí hiệu chữ viết trong văn bản thành dòng âm thanh ngôn ngữ vang lên trong không khí hoặc trong đầu, sau đó dùng các thao tác tư duy để người đọc thông hiểu nội dung văn bản.
Phân môn Tập đọc có nhiệm vụ quan trọng nhất là hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Năng lực đọc được tạo nên từ bốn kĩ năng như là bốn yêu cầu chất lượng của đọc. Đó là đọc thành tiếng (đọc đúng, đọc nhanh), đọc thầm, đọc hiểu, đọc diễn cảm. Chúng được rèn luyện và hỗ trợ cho nhau.
Dạy Tập đọc chính là bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và tâm hồn lành mạnh, trong sáng, tình yêu cái đẹp, cái thiện và thái độ ứng xử đúng mực trong cuộc sống cho các em. Không những thế, đọc đúng, đọc hay, hiểu văn bản cũng giúp học sinh có phương pháp học tốt. Từ đó, các em sẽ có hiểu biết sâu sắc về thực
 tế cuộc sống, văn học, cảm xúc của mỗi người càng thêm phong phú, chân thật . 
II. THỰC TRẠNG VIỆC DẠY VÀ HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC Ở LỚP 4.
 Một số em còn nói giọng địa phương, theo thói quen nói của người lớn trong gia đình và trong giao tiếp tại nơi sinh sống nên chưa hình thành thói quen nói giọng chuẩn.
Tốc độ đọc chưa đúng, có học sinh đọc quá nhanh nhưng cũng có những em đọc quá chậm, chưa biết đọc diễn cảm.
 Học sinh còn chưa hiểu được kĩ nội dung và các giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
 Đồ dùng dạy học và hình thức do giáo viên tổ chức đơn điệu, chưa gây hứng thú với học sinh.
III. KHẢO SÁT ĐẦU NĂM
Ngay từ đầu năm học, sau khi nhận lớp được 1 tháng, tôi đã khảo sát và phân loại học sinh về phân môn Tập đọc như sau:
Phân loại
Số học sinh
Tỷ lệ %
- Số học sinh đọc ngọng, ngắt nghỉ không đúng chỗ, không đúng nhịp
18
37.5%
- Số học sinh đọc chậm và đánh vần
8
16,7%
- Số học sinh đọc đúng
20
41,6%
- Số học sinh đọc hay
2
4,2%
IV. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Qua quá trình giảng dạy, tôi đã tiến hành các biện pháp để dạy tốt phân môn Tập đọc lớp 4 như sau:
1. BIỆN PHÁP 1. CHÚ TRỌNG VIỆC RÈN ĐỌC ĐÚNG CHO HỌC SINH.
Đọc đúng là tiền đề của đọc hay cũng như hiểu nội dung văn bản. Nhờ đọc đúng mà hiểu đúng, hay chính nhờ hiểu đúng mà đọc được đúng. Vì vậy, trong dạy học, không thể xem nhẹ kĩ năng nào, cũng như không thể tách rời chúng. 
1.1. Đối với học sinh đọc chậm, đánh vần từng tiếng, từ, trong các giờ tập đọc, tôi năng gọi các em đọc. Khi các em đó đọc, tôi cố gắng nghe và cô đọc trước rồi gọi các em đọc theo. Đặc biệt, thường xuyên cho các em thực hành nói. Khi đọc, khi giao tiếp, nói đến đâu, tôi sửa sai, sửa ngọng đến đó. Các em được luyện đọc không những trong giờ Tập đọc mà trong các giờ học khác như giờ Luyện từ và câu, Tập làm văn, Kể chuyện, ... Cả ngoài giờ học như giờ ra chơi, giờ truy bài, giờ sinh hoạt tập thể. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giao bài để giúp các em luyện đọc ở nhà. Ngoài ra, tôi còn phân công các em đọc khá giúp bạn đọc yếu. Cứ như vậy, các em đọc chậm, còn đánh vần đã tiến bộ lên rất nhiều.
1.2. Đối với các em đọc còn nhầm lẫn l - n. Để giúp các em sửa ngọng, tôi hướng dẫn các em phát âm và phân tích như sau: Khi đọc âm l, đầu lưỡi cong lên chạm vào răng hàm trên, luồng hơi đi mạnh hơn và thoát ra đằng miệng và hai bên lưỡi. Khi đọc âm n, đầu lưỡi cần chạm vào răng hàm dưới, mặt lưỡi phía trên chạm vào hàm ếch. Khi luồng hơi đi ra, hàm dưới hạ xuống để luồng hơi thoát ra đằng mũi. Sau mỗi lần hướng dẫn, tôi yêu cầu các em đọc từng từ để các em phải đọc đúng. Ngoài ra, tôi còn sửa ngọng cho các em bằng cách trực quan hoá sự mô tả âm vị và hướng dẫn học sinh quan sát, tự kiểm tra mình đang phát âm nào. /n/ là một âm mũi, khi phát âm, sờ tay vào mũi sẽ thấy mũi rung. Còn khi phát âm /l / mũi không rung. Sau đó, luyện cho học sinh phát âm /l/ bằng cách bịt chặt mũi đọc: la, lô, lo, lu, lư. Khi bịt chặt mũi, học sinh không thể phát âm các tiếng: na, nô, no , nu, nư. Hay tôi yêu cầu các em quay mặt vào nhau từng đôi một và đọc các từ có chứa l và n. Học sinh sẽ quan sát lưỡi của bạn khi đọc và sẽ biết bạn đọc đúng hay sai để sửa cho bạn.
Ví dụ 1: Bài “Một người chính trực” - TV 4/tập 1 - trang 36, học sinh thường đọc sai từ: lâm bệnh nặng.
1.3. Đối với học sinh đọc ngắt nghỉ không đúng.
Luyện đọc đúng còn bao gồm cả việc đọc đúng tiết tấu, đọc đúng chỗ ngắt, nghỉ hơi, ngữ điệu câu. Học sinh phải biết dựa vào quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng, từ để ngắt hơi đúng. 
 Ngoài ra, dựa vào quan hệ cú pháp, học sinh phải biết ngắt hơi đúng ranh giới của cụm từ. 
Việc ngắt hơi phải phù hợp với các dấu câu: nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu hơn ở dấu chấm. Tuy nhiên, khi đọc một văn bản, ngoài việc ngắt giọng dựa vào các dấu câu, học sinh còn cần phải nắm được các quan hệ ngữ pháp để đọc đúng chỗ ngắt giọng. 
Ví dụ 1: Bài “Trống đồng Đông Sơn” - TV 4/tập 2 - trang 17, giáo viên cần luyện cho học sinh biết tách giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu "Bên cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy/ là cánh cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng,...” 
Ngoài ra, đọc đúng bao gồm cả một số tiêu chuẩn của đọc diễn cảm như đọc đúng các ngữ điệu câu: lên giọng ở câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng phù hợp với tình cảm cần diễn đạt trong câu cảm. Với câu cầu khiến cần nhấn giọng phù hợp để thấy rõ các nội dung cầu khiến khác nhau. Ngoài ra còn phải hạ giọng khi đọc bộ phận giải thích của câu.
Ví dụ 2: Bài “Chú Đất Nung” - TV 4/tập 1 - trang 134, với các câu hỏi , khi đọc cần cao giọng ở cuối câu.
- Sao chú mày nhát thế?
- Nung ấy ạ?
2. BIỆN PHÁP 2. RÈN CÁCH NGẮT GIỌNG BIỂU CẢM.
Ngoài việc dạy học sinh cách ngắt giọng thể hiện đúng quan hệ ngữ pháp, tôi còn dạy học sinh biết cách ngắt giọng biểu cảm. Đó là chỗ ngừng lâu hơn bình thường hoặc chỗ ngừng không do logic mà do ý đồ của người đọc nhằm gây ấn tượng về cảm xúc. Các dấu câu cũng là biểu hiện ngắt giọng logic. Cũng có khi sự ngừng giọng thể hiện sự ngập ngừng không muốn nói hay thể hiện sự xúc động. Ngắt giọng biểu cảm là phương tiện tác động đến người nghe, thiên về cảm xúc. Ngắt giọng biểu cảm là những chỗ ngừng, chỗ lắng, sự im lặng có tác dụng truyền cảm, tập trung sự chú ý của nghe vào sau chỗ ngừng góp phần tạo hiệu quả nghệ thuật cao.
Ví dụ 1: Bài “Vương quốc vắng nụ cười”- TV 4/tập 2 - trang 143, có hai câu có dấu ba chấm nhưng mỗi chỗ có dấu ba chấm lại đọc một cách khác nhau để thể hiện một dụng ý khác nhau:
- Chẳng hạn, sáng nay, Bệ hạ đã quên...lau miệng ạ. ( giọng ngập ngừng, hơi kéo dài để thể hiện sự sợ hãi).
-Tâu bệ hạ, ban nãy chúa bị quan thị vệ đuổi, cuống quá nên.. đứt dải rút ạ.( đọc giọng ngập ngừng nhưng thể hiện sự hài hước).
3. BIỆN PHÁP 3. SỬ DỤNG HỆ THỐNG CÂU HỎI ĐỂ RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU.
Trong quá trình lên lớp, việc dẫn dắt để học sinh rút ra cho mình cách đọc, cách cảm thụ văn bản là một việc làm đòi hỏi người giáo viên phải biết kết hợp nhiều kĩ năng sư phạm. Trong đó, hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh là một biện pháp hiệu quả. 
Để có hệ thống câu hỏi gợi mở phù hợp, giáo viên phải biết sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các loại câu hỏi.
Việc sử dụng các câu hỏi phải tuân theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ tái hiện đến khái quát.
Ngoài các câu hỏi trong sách, giáo viên cần có thêm các câu hỏi phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình để học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn.	
Tuy nhiên, khi chuẩn bị hệ thống câu hỏi, mỗi giáo viên cần cân nhắc thật kĩ lưỡng sao cho phù hợp trình độ học sinh của từng lớp, tránh quá tải, nặng nề.
4. BIỆN PHÁP 4. SỬ DỤNG ĐỒ DÙNG DẠY HỌC CÓ HIỆU QUẢ VỚI BÀI DẠY.
Đồ dùng dạy học là một trong những phương tiện quan trọng trong dạy tập đọc ở Tiểu học. Nó giúp học sinh hiểu biết cụ thể, sinh động về văn bản được đọc, qua đó còn kích thích học sinh hứng thú học tập.
Đồ dùng dạy học còn là phương tiện để giáo viên dạy kiến thức cho học sinh về câu, từ, hình ảnh. 
Khi khai thác sử dụng đồ dùng cần xác định rõ mức độ yêu cầu của đồ dùng đó đối với bài dạy cụ thể.
Đồ dùng trực quan phục vụ cho phân môn Tập đọc có các loại sau: tranh minh họa, bản đồ, các loại bảng phụ, băng giấy, vật thật, băng hình, ... Có những loại đồ dùng có sẵn, song cũng có những đồ dùng giáo viên tự làm, tự sưu tầm. Ngoài tận dụng những tranh minh họa trong sách giáo khoa, trong bộ đồ dùng được cấp, tôi còn bổ sung cho bộ đồ dùng thêm đa dạng bằng cách đi đâu gặp bất cứ đồ dùng nào như băng hình, tranh ảnh, lịch ... có liên quan đến chương trình Tập đọc lớp bốn là tôi sưu tầm mang về. Tuy nhiên, chỉ chuẩn bị đồ dùng thôi thì chưa đủ mà quan trọng là khai thác, sử dụng đồ dùng đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Trong tất cả các giờ Tập đọc, tôi đều tận dụng tranh ảnh trong sách giáo khoa một cách triệt để. Đặc biệt, tôi lưu ý cách đưa tranh, quan sát tranh, để thu hút sự tập trung của các em. Chính vì thế, các em rất thích được quan sát tranh và mạnh dạn trình bày những cảm nhận của mình trước nội dung của các bức tranh đó. Qua tranh, tôi có thể kết hợp giảng từ, giảng ý cho học sinh. 
Song song với việc sử dụng tranh minh hoạ, tôi còn sử dụng bản đồ Việt Nam để giới thiệu cho học sinh các địa danh liên quan tới bài Tập đọc để học sinh xác định được vị trí, một số địa danh có liên quan đến bài học. Sau khi giới thiệu bài hoặc giới thiệu địa danh xong, tôi cất bản đồ ngay, tránh sự mất tập trung, phân tán của các em. 
Đồ dùng dạy học được sử dụng trong hầu hết các bước của bài dạy và giáo viên không chỉ sử dụng một đồ dùng mà có thể sử dụng nhiều đồ dùng khác nhau để góp phần đem lại hiệu quả cho giờ dạy.
Ví dụ 1: Bài “Trống đồng Đông Sơn” - TV 4/tập 2 - trang 17, tôi sử dụng tranh về trống đồng và bản đồ Việt Nam để giới thiệu bài giúp học sinh hình dung rõ về hình ảnh trống đồng và biết Thanh Hóa ở vị trí nào trên đất nước ta. Ngoài ra, nếu có điều kiện, tôi cho học sinh xem băng giải thích rõ ý nghĩa của các hoa văn trên trống đồng để học sinh hiểu về đời sống sinh hoạt của người Lạc Việt xưa. Trong phần củng cố, tôi cho học sinh xem đoạn băng giới thiệu về các hoa văn và biể tượng trống đồng còn lưu truyền đến ngày nay. 
Như vậy, nhờ chuẩn bị đồ dùng chu đáo, đầy đủ, sắp xếp và khai thác đồ dùng trong mỗi tiết học hợp lý mà học sinh lớp tôi không chỉ hiểu từ ngữ trong bài mà còn tiếp thu bài sâu hơn, thích thú với phân môn Tập đọc hơn.
 5. BIỆN PHÁP 5. MỘT SỐ TRÒ CHƠI ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TIẾT TẬP ĐỌC.
Việc tổ chức hướng dẫn cho học sinh các trò chơi luyện đọc nhằm mục đích đổi mới cách dạy học, tạo không khí vui tươi trong giờ dạy. Đồng thời các trò chơi đó giúp cho việc luyện đọc của học sinh có hiệu quả hơn.
Căn cứ vào đặc điểm của từng thể loại văn bản, tôi đã sử dụng một số các trò chơi sau:
5.1. Trò chơi thi đọc tiếp sức
* Mục đích: Luyện tác phong nhanh nhẹn, tập trung chú ý để phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn trong nhóm với nhau khi đọc thành tiếng.
* Chuẩn bị : + Một đồng hồ để tính thời gian đọc của mỗi nhóm
	 + Lập các nhóm có số người chơi bằng nhau
	 + Cử 1 học sinh làm trọng tài, công bố bài thơ sẽ thi đọc.
* Tiến hành:
a) Trọng tài công bố tên bài đọc, nêu cách chơi và tính điểm
- Mỗi người trong nhóm chỉ đọc 1 đoạn hoặc 1 khổ thơ theo thứ tự từ câu thứ nhất đến câu cuối cùng. Cả nhóm đọc nối tiếp nhau vòng cho hết bài.
- Mỗi dòng thơ đọc chính xác, đúng quy định được 1 điểm. Trừ điểm với các trường hợp sau (mỗi trường hợp sai trừ 1 điểm):
+ Đọc sai , lẫn hay thừa, thiếu tiếng trong dòng thơ.
+ Đọc quá số dòng quy định.
b) Từng nhóm lần lượt đọc tiếp sức như sau:
- Đứng tại chỗ.
- Trọng tài hô "bắt đầu", em số 1 đọc 2 dòng đầu to, rõ ràng chính xác và nhanh. Dứt tiếng cuối cùng, em thứ 2 đọc tiếp. Cứ như vậy cho đến người cuối cùng của nhóm và cho đến hết bài.
	Ví dụ 1: Bài “Chuyện cổ tích về loài người” - TV 4/tập 2 - trang 9.	
	+ Học sinh 1: Khổ thơ 1
	+ Học sinh 2: Khổ thơ 2
	+ .......................................
c) Trọng tài tính thời gian, ghi kết quả số phút đọc xong toàn bài của từng nhóm. Trừ điểm các trường hợp đọc sai từ, đọc thừa hoặc thiếu...
- Giáo viên tổng kết và tuyên dương nhóm thắng cuộc.
5.2. Trò chơi: Thi tìm nhanh - đọc đúng 
*Mục đích : 
+ Rèn kĩ năng đọc thầm nhanh, đọc thành tiếng rõ ràng, rành mạch từng đoạn trong bài tập đọc đã học theo sách Tiếng Việt 4.
+ Luyện phối hợp nhiều giác quan phục vụ cho hoạt động đọc: tai nghe, mắt nhìn, miệng đọc.
* Chuẩn bị:
+ Bài tập đọc trong SGK Tiếng Việt 4.
+ Bốn hoặc năm học sinh xung phong lên đứng trước lớp để thi.
+ Giáo viên chỉ định ban giám khảo từ 2 đến 3 học sinh.
+ 20 bông hoa bằng giấy để làm phần thưởng cho học sinh.
* Cách tiến hành:
Cách 1: Nêu chi tiết - tìm đoạn đọc: Học sinh hoặc giáo viên lần lượt nêu một chi tiết bất kì trong đoạn cần đọc để đố các bạn dự thi tìm và đọc đúng toàn bộ đoạn truyện đó. Ai đọc đúng trước sẽ được tính điểm (được giám khảo gắn 1 bông hoa giấy cạnh tên bạn đó trên bảng). Sau 5 đến 7 lần đố, giám khảo xếp giải Nhất, Nhì, Ba...... dựa vào số bông hoa đạt được của các bạn dự thi.
Ví dụ 1: Bài “Dù sao trái đất vẫn quay” - TV 4/tập 2 - trang 85. Có 5 học sinh tham gia thi đọc các đoạn trong bài. Có thể yêu cầu như sau:
+ Đọc đoạn văn có chi tiết: “ Phát hiện của Cô-péc-ních làm mọi người sửng sốt”
+ Đọc đoạn văn nói về nhà thiên văn học Ga-li-lê cho ra đời cuốn sách mới..	+ ..............
Cách 2: Nêu từ ngữ, hình ảnh, nội dung - tìm khổ thơ cần đọc: HS trong lớp hoặc giáo viên nêu một từ ngữ (hoặc hình ảnh) bất kì trong khổ thơ đó để đó các bạn dự thi tìm và học thuộc lòng toàn bộ khổ thơ đó. Ai đọc đúng trước sẽ được tính điểm (được ban giám khảo gắn 1 bông hoa giấy cạnh tên bạn đó trên bảng). Sau 5 đến 7 lần đố, ban giám khảo xếp giải Nhất, Nhì, Ba, ...... dựa vào số bông hoa đạt được của các bạn dự thi.
Ví dụ 1: Bài “Dòng sông mặc áo” - TV 4/tập 2 - trang 118: Có 5 học sinh tham gia thi đọc thuộc lòng các khổ thơ trong bài thơ. Có thể đưa ra một số các yêu cầu như sau:
+ Đọc thuộc lòng khổ thơ cho biết vẻ đẹp của dòng sông vào buổi trưa, chiều, tối.
+ Đọc thuộc lòng khổ thơ mà em thích và giải thích lí do vì sao em thích khổ thơ đó.
Như vậy, với các trò chơi được thay đổi trong các tiết Tập đọc, học sinh 
rất hứng thú trong học tập và góp phần không nhỏ vào việc đọc đúng, đọc hay, đọc diễn cảm cho học sinh lớp tôi.
V. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Nhờ áp dụng các biện pháp trên vào thực tế giảng dạy phân môn Tập đọc, tôi đã đạt được một số kết quả sau:
- Tất cả học sinh lớp tôi đều yêu thích, hứng thú với phân môn Tập đọc. 
- Các em đều nắm vững bài học, có thói quen luyện đọc kỹ bài, đọc diễn cảm khi tiếp xúc với bài văn, bài thơ,Nhiều học sinh đã bộc lộ được khả năng đọc diễn cảm của mình làm xúc động người nghe.
- Chất lượng đọc của học sinh lớp 4D mà tôi đang trực tiếp giảng dạy có sự tiến bộ rõ rệt so với đầu năm, cụ thể như sau:
 Sĩ số học sinh: 48 em.
Nhóm
Mức độ đạt được
Số lượng
Tỉ lệ %
1
Học sinh đọc đúng, to, rõ ràng, lưu loát và diễn cảm
32 em
66,7%
2
Học sinh đọc đúng , trôi chảy nhưng chưa diễn cảm
15 em
31,2%
3
Học sinh đọc còn ngọng phụ âm l/n
1 em
2,1 %
4
Học sinh đọc còn chậm, chưa rõ ràng, đọc còn thêm bớt từ
0 em
PHẦN KẾT LUẬN
Để dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 4 ở trường Tiểu học, bản thân mỗi giáo viên phải quan tâm đến chất lượng đọc của học sinh. Muốn vậy, người giáo viên phải nắm chắc phương pháp giảng dạy bộ môn. Nắm chắc mục tiêu của việc dạy phân môn Tập đọc ở nhà trường Tiểu học đó là phát triển các kỹ năng đọc và nghe cho học sinh. Học sinh được trau dồi vốn Tiếng Việt, vốn văn học, phát triển tư duy, mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống. Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn lành mạnh, trong sáng góp phần hình thành nhân cách của con người mới. Học sinh có kỹ năng đọc tốt, từ đó các em sẽ ham muốn đọc sách, có khả năng cảm thụ văn bản văn học, cảm thụ vẻ đẹp của Tiếng Việt và tình yêu Tiếng Việt. Được sự đóng góp ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường, của bạn bè đồng nghiệp và sự hợp tác chặt chẽ của học sinh, tôi đã thu được kết quả bước đầu. Qua quá trình dạy Tiếng Việt, đặc biệt là dạy phân môn Tập đọc, tôi nhận thấy để giúp HS học tốt phân môn này, giáo viên cần làm tốt một số việc sau:
- Giáo viên cần nắm vững phương pháp giảng dạy.
- Áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo để gây không khí học tập sinh động nhẹ nhàng vui trong tiết học.
- Giáo viên phải rèn luyện giọng đọc để có giọng đọc hay, diễn cảm.
- Bằng những hệ thống câu hỏi trong giờ tập đọc bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh. Giúp học sinh có kỹ năng đọc tốt, nâng cao cảm xúc
 thẩm mỹ và khám phá ra cái hay, cái đẹp của văn chương. 
- Giáo viên phải kiên trì uốn, sửa cách đọc cho học sinh một cách chân thành. Bồi dưỡng vốn sống, phát huy năng lực cảm thụ văn, tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc chân thật, thơ ngây của học sinh. Đặc biệt là động viên khích lệ mỗi khi học sinh đọc bài tốt.
- Rèn kỹ năng đọc cho học sinh cần được tiến hành thường xuyên và có hệ thống ngay từ lớp 1. 
Chất lượng phân môn Tập đọc tốt sẽ giúp học sinh học tốt môn Tiếng Việt nói riêng và các môn học khác nói chung trong chương trình Tiểu học, là nền tảng cho các cấp học sau này.
Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã áp dụng khi dạy phân môn Tập đọc và đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, do điều kiện chủ quan và khách quan nên không tránh khỏi còn có những thiếu sót, hạn chế. Tôi rất mong được sự giúp đỡ, góp ý chân thành bạn bè đồng nghiệp, của Hội đồng khoa học nhà trường.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phương pháp dạy học Tiếng Việt 2 - Lê phương Nga – Nguyễn Trí – 
 Nhà xuất bản Giáo dục.
Dạy và học môn Tiếng Việt ở Tiểu học theo chương trình mới – Nguyễn Trí – Nhà xuất bản Giáo dục.
Tiếng việt 3 tập 1, tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục.
Sách giáo viên Tiếng Việt 3 -Tập 1, tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục.
Tạp chí Giáo dục Tiểu học số 1 - 2000.
MỤC LỤC

File đính kèm:

  • docbao_cao_sang_kien_mot_so_bien_phap_de_day_tot_phan_mon_tap_d.doc
Sáng Kiến Liên Quan