Trao đổi kinh nghiệm trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi
- Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của BGH, sự tạo điều kiện giúp đỡ của nhà trường, tổ chuyên môn.
- Sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là Hội cha mẹ học sinh.
- Giáo viên giảng dạy bộ môn có kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng; đa số em học sinh ngoan, chăm học; Học sinh trong đội tuyển yêu thích bộ môn.
Trao đổi kinh nghiệm trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi (Tham luận tại Hội nghị sinh hoạt chuyên môn liên trường năm học 2015 - 2016) Người xưa đã từng nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vì vậy bồi dưỡng học sinh giỏi là công tác mũi nhọn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương nói riêng và cả đất nước nói chung. Tại trường THCS Hào Phú thì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Như các đồng chí đã biết: Bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) là công việc rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức của cả thầy và trò. Trong một vài năm gần đây, trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi đội tuyển Toán và giải Toán trên máy tính cầm tay trường THCS Hào Phú đã đạt được một số thành công nhất định; góp phần vào kết quả chung của nhà trường. Trong Hội nghị sinh hoạt chuyên môn liên trường ngày hôm nay, được sự giới thiệu của nhà trường, tôi xin thay mặt cho các đồng chí giáo viên bồi dưỡng HSG mạnh dạn trình bày một số kinh nghiệm trong công tác phát hiện và BD-HSG để mọi người cùng tham khảo và trao đổi. Kính thưa toàn thể Hội nghị! Bản tham luận của tôi gồm có 2 nội dung lớn: Thứ nhất là: Thực trạng của công tác Bồi dưỡng học sinh giỏi (BD HSG) tại trường THCS Hào Phú. Thứ hai là: Một số kinh nghiệm có tính giải pháp để nâng cao chất lượng BD HSG. I. Thực trạng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia hiện nay ở trường THCS Hào Phú 1. Thuận lợi - Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của BGH, sự tạo điều kiện giúp đỡ của nhà trường, tổ chuyên môn. - Sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là Hội cha mẹ học sinh. - Giáo viên giảng dạy bộ môn có kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng; đa số em học sinh ngoan, chăm học; Học sinh trong đội tuyển yêu thích bộ môn. 2. Khó khăn 2.1. Về phía giáo viên - Thời gian bồi dưỡng còn hạn hẹp vì kiến thức rất rộng; việc thành lập đội tuyển ở một số môn rất khó do tâm lý phụ huynh không muốn cho con học vi không coi trọng bộ môn đó. - Một số đội tuyển vừa khó thành lập, vừa có học sinh không ổn định về tâm lý nên quyết tâm chưa cao, học chưa đều. Đôi khi còn bỏ học đội tuyển để đi ôn đại trà môn khác. - Đội ngũ dạy đội tuyển còn thiếu về số lượng và chưa mạnh về chất lượng; lực lượng kế cận chưa mạnh và quyết tâm cao. Đầu năm còn phải dạy nhiều tiết, kiêm nhiệm nhiều việc. - Ngân sách chi cho bồi dưỡng HSG chưa đủ mạnh để tạo điều kiện hết mức cho giáo viên dạy. - Đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn, một số đồng chí còn cả công tác kiêm nhiệm; do đó việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế. - Công tác tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy học sinh giỏi đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết. Cùng với đó trách nhiệm lại nặng nề, áp lực công việc lớn cũng là những khó khăn không nhỏ với các thầy cô giáo tham gia BD HSG . - Ngoài ra, không phải không có trường hợp: Có những Thầy (cô) giáo giỏi những chưa thật mặn mà với công tác BD HSG vì nhiều lí do khác nhau. 2.2. Về phía học sinh - Một số ít phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, khi nhà trường chọn vào đội tuyển lại chưa quan tâm cho đi bồi dưỡng. - Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bồi dưỡng còn thiếu chưa theo kịp sự phát triển chung và yêu cầu của công việc. - Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng nhưng chưa thật cố gắng nên kết quả thi HSG chưa cao. Trước những thuận lợi và khó khăn như trên và qua một vài năm tham gia công tác bồi dưỡng HSG, chúng tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này cần thực hiện tốt những công việc sau đây. II. Một số kinh nghiệm có tính giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả BD HSG 1. Đối với đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng Phẩm chất, uy tín, năng lực của người thầy có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Thầy cô là yếu tố hàng đầu đóng vai trò quyết định trong việc bồi dưỡng năng lực học tập, truyền hứng thú, niềm say mê môn học cho các em. Để dạy được học sinh có khả năng và phương pháp tự học thì bản thân thầy cô cũng phải tự đào tạo, cố gắng hoàn thiện về năng lực chuyên môn, có am hiểu về kiến thức chuyên sâu, có phương pháp truyền đạt khoa học, tâm huyết với công việc, yêu thương học trò, giúp đỡ đồng nghiệp. Để thực hiện được quá trình nêu trên rất cần một đội ngũ giáo viên ổn định, thường xuyên được bồi dưỡng, việc tổ chức bồi dưỡng tại chỗ được coi là yếu tố quan trọng nhất. Các hình thức có thể là: - Giao chuyên đề dạy lớp ôn HSG giáo viên phải tự đọc, tự học để đáp ứng nhiệm vụ đang đảm nhận; giáo viên tự soạn nội dung giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Nội dung giảng dạy được tổng hợp, bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu: Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, đề thi trong nướcđề thi Olympic ... - Bồi dưỡng qua phân công nhiệm vụ chuyên môn: Mỗi giáo viên dạy một số chuyên đề cho học sinh giỏi; hướng dẫn học sinh nghiên cứu bài học. - Bồi dưỡng qua giao lưu, học hỏi với các tổ CM trong trường, với tổ CM ở trường chuyên khác... - Mời các chuyên gia có kinh nghiệm về bồi dưỡng đội ngũ, bồi dưỡng ĐT. 2. Công tác đánh giá, phát hiện học sinh giỏi - Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khâu đầu tiên là khâu phát hiện và tuyển chọn học sinh, khâu này quan trọng chẳng khác gì khâu “chọn giống của nhà nông". - Phương châm giảng dạy là “Phải làm cho học sinh yêu thích môn học của mình, truyền ngọn lửa yêu thích môn học thì mới có hiệu quả trong giảng dạy” vì vậy trong các bài giảng bên cạnh việc cung cấp các kiến thức thầy cô cần dạy cho học sinh lối sống, kỹ năng và những ứng dụng của kiến thức được học vào thực tế cuộc sống. - Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi là quá trình đầu tư nhiều công sức, đòi hỏi năng lực và tâm huyết của các thầy cô giáo. Quá trình phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi giống như việc tìm ngọc trong đá. Ở đó các em giống như những viên đá còn thô, phải được mài giũa thì đá mới thành ngọc, ngọc mới tinh và tỏa sáng. Điều này cần có thời gian và sự đầu tư bài bản, lâu dài. Trong điều kiện thực tế của nhà trường, việc phát hiện học sinh giỏi chủ yếu thông qua đánh giá thường xuyên của giáo viên trực tiếp giảng dạy và kết quả các học tập. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần khơi gợi để học sinh tự khám phá, bộc lộ cách tiếp cận vấn đề mới, từ đó GV đánh giá được tư chất và năng lực của học sinh. Một số biểu hiện thường thấy ở những học sinh có tư chất thông minh là: + Năng lực tư duy mô hình hóa, sơ đồ hóa các khái niệm, các mối quan hệ; kĩ năng thao tác giải quyết vấn đề và sáng tạo cái mới; kĩ năng thực hành, tổ chức sắp xếp công việc. + Năng lực phản biện. Trước mỗi tình huống, học sinh có khả năng phản biện hay không? Có biết thay đổi giả thiết, thay đổi hoàn cảnh để tạo ra tình huống mới hay không? + HS có tinh thần vượt khó và bản lĩnh trước tình huống khó khăn. Có khả năng tìm tòi phương hướng giải quyết vấn đề khó, biết tự bổ sung kiến thức, phương tiện để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Có sự nhạy cảm đón bắt ý tưởng từ những người xung quanh, biết lắng nghe, có khả năng tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp ý kiến từ những người xung quanh. Từ những biểu hiện trên GV đưa ra phương pháp bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, tài liệu... để HS nhanh chóng tiếp cận. 3. Công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi - Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. - GV có thể giảng dạy theo các mảng kiến thức, kĩ năng; rèn cho HS kĩ năng làm bài ở từng dạng, từng chủ đề. Sau khi trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản của bộ môn, giáo viên chú ý nhiều hơn đến việc dạy học sinh phương pháp tự học. Cụ thể là: + Giao chuyên đề, hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu + Tổ chức cho học sinh báo cáo theo chuyên đề, thảo luận, phản biện + Kiểm tra việc tự học, tự đọc tài liệu của học sinh; rút kinh nghiệm kịp thời. + Sử dụng các thiết bị giảng dạy phù hợp; tăng cường thời gian thực hành với các đề thi cụ thể. + Đa dạng các hình thức đánh giá: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá nhau và học sinh tự đánh giá. 3.1. Về chương trình bồi dưỡng - Tất cả giáo viên tham gia dạy đội tuyển phải có khả năng soạn, dạy chuyên đề chuyên sâu. - Đội ngũ này phải được phân công cụ thể, rõ ràng để phát huy khả năng và thế mạnh của từng người. - Có sự phân công chuyên môn một cách hợp lí. - Biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng mảng kiến thức. - Giáo viên đầu tư đào sâu chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ dạng thức đề thi về kỹ năng ở các đề thi đã qua. 3.2. Về xây dựng phương pháp học tập của học sinh giỏi - Tôi cho rằng hướng dẫn HS tự học là điều rất quan trọng, vì con đường ngắn nhất để HS đạt được kết quả học tập tốt là phải tự học, tự nghiên cứu. Nhưng động lực để giúp các em tự học, tự nghiên cứu chính là niềm say mê, hứng thú đối với môn học. Vậy làm sao để khơi gợi được niềm say mê, hứng thú học tập của học sinh? Chúng tôi cho rằng người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài việc học và làm các bài tập GV yêu cầu HS phải thường xuyên tự đọc và nghiên cứu các loại sách mà GV đã giới thiệu hoặc hướng dẫn và có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. - Trong công tác BD HSG, GV BD là người quản lí chính việc tự học của các em trên lớp trong thời gian không có buổi học đội tuyển. Chính trong thời gian này các em nghiên cứu tài liệu, bổ sung kiến thức, trao đổi phương pháp giải bài tập, từ đó hoàn thành việc trả bài cho thầy cô được đầy đủ hơn. - Ngoài ra thì việc chăm lo cho các HS từ khi các em vào đội tuyển cũng đóng góp không nhỏ vào thành công của các kỳ thi. Thường xuyên liên lạc với gia đình , những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình đặc biệt rất cần sự động viên thường xuyên của thầy, cô và các bạn bè trong lớp để các em yên tâm học tập. Tóm lại: Muốn đạt được kết quả tốt trong công tác BD HSG thì người giáo viên phải thường xuyên học hỏi, tự trau dồi nâng cao trình độ, phải liên tục cập nhật nâng cao kiến thức để theo kịp những đổi mới về phương pháp giảng dạy cũng như các yêu cầu của các kỳ thi học sinh giỏi. Ngoài ra việc tổ chức chọn lựa chính xác và thành lập đội tuyển học sinh giỏi sớm, có kế hoạch cụ thể cho việc bồi dưỡng đội dự tuyển, rồi đội tuyển chính thức cũng là khâu hết sức quan trọng để đạt được thành công. Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ của chúng tôi đã rút ra được trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của mình. Chắc chắn rằng các đồng chí, đồng nghiệp, có những ý kiến và giải pháp khác quí giá hơn rất nhiều. Rất mong được sự trao đổi và giúp đỡ của các đồng chí, đồng nghiệp, để chúng tôi có thể làm tốt hơn công việc của mình góp phần vào thành tích của Nhà trường và sự nghiệp giáo dục của địa phương. Cuối cùng tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, các đồng chí tham dự hội nghị hôm nay luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành công trong công tác, chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
File đính kèm:
- Kinh_nghiem_boi_duong_hoc_sinh_gioi_toan_THCS.doc