Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu cho học sinh Lớp 3 trong giờ Tập đọc

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC RÈN ĐỌC CHO HS:

 1. Học sinh:

 - Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh Tiểu học còn nhỏ, sự tự giác trong học tập chưa cao, trình độ đọc còn yếu (chưa rành mạch, còn ấp úng, ngân nga, nhát gừng, chưa thật thông hiểu văn bản). Các em còn có thói quen đọc thiếu ý thức (đồng thanh nhiều, ít được nhắc nhở uốn nắn nên đọc ê a như "cầu kinh", liến thoắng, vội vã, hấp tấp). Có em còn tự đọc bớt tiếng hoặc thêm tiếng và không biết ngắt nghỉ, nhấn giọng ở chỗ nào; việc đọc phân vai của các em còn rất lúng túng.

 - Do ảnh hưởng cách phát âm của phương ngữ tại địa phương như phát âm không chuẩn xác phụ âm đầu: l/n.

 2. Giáo viên:

 Trong giảng dạy, giáo viên đã bước đầu thực hiện được những vấn đề cơ bản của môn học. Song do các bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 3 đa dạng về hình thức, văn bản lại dài, khó. Đặc biệt là đối với loại văn bản hành chính, giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn học sinh luyện đọc. Cho nên việc dạy Tập đọc ở lớp 3 đáp ứng được yêu cầu rèn 3 kĩ năng: nghe - nói - đọc cho học sinh đạt kết quả chưa cao. Một số ít giáo viên chưa thường xuyên quan tâm tới việc rèn đọc đúng, đọc chuẩn nên còn phát âm sai (l / n), trong quá trình giảng dạy chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy tính tích cực của học sinh, không gây hứng thú học tập cho các em. Còn một số giáo viên đã quan tâm chú trọng rèn đọc cho học sinh trong mỗi giờ Tập đọc nhưng việc rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh còn hạn chế.

 

doc7 trang | Chia sẻ: Hải Thượng | Ngày: 05/05/2023 | Lượt xem: 446 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu cho học sinh Lớp 3 trong giờ Tập đọc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHUYÊN ĐỀ 2: RÈN KĨ NĂNG ĐỌC ĐÚNG, ĐỌC HAY, ĐỌC HIỂU
CHO HS LỚP 3 TRONG GIỜ TẬP ĐỌC 
Người triển khai lý thuyết: Đ/c Nguyễn Thị Hạnh
Ngày triển khai: 12/12/2019
	I. LÝ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ:
 Tập đọc là một phân môn có vị trí quan trọng hàng đầu trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học. Dạy tốt phân môn Tập đọc không những rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc mà còn phát triển cho các em vốn từ ngữ phong phú tạo điều kiện để các em học tốt các phân môn khác góp phần đắc lực thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Thông qua môn Tập đọc rèn cho các em kĩ năng đọc như: Đọc đúng, đọc nhanh, đọc chính xác, rõ ràng, diễn cảm để học sinh có những hiểu biết về kiến thức văn học, ngôn ngữ và ngược lại. Đầu tiên trẻ phải học đọc sau đó trẻ phải đọc để học. Đọc giúp các em lĩnh hội được ngôn ngữ, dùng trong giao tiếp và hoạt động học tập. Nó là điều kiện để cho học sinh có khả năng tự học và tinh thần học tập cho cả đời. Phân môn Tập đọc còn trau dồi cho học sinh kiến thức Tiếng Việt, kiến thức văn học, kiến thức đời sống giáo dục tình cảm, thẩm mĩ. Tập đọc là môn khởi đầu, đồng thời cũng là công cụ học tập không chỉ trong nhà trường mà còn trong cuộc sống nói chung. Trước hết môn tập đọc giúp cho học sinh rèn kĩ năng đọc đúng, ngắt giọng, nhấn giọng , đọc diễn cảm một bài văn, khổ thơ làm tiền đề cho việc tìm hiểu bài. Các quá trình đó có liên quan mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Qua việc đọc, học sinh chiếm lĩnh được tri thức văn hóa của dân tộc, tiếp thu nền văn minh của mỗi người thông qua sách vở, biết đánh giá cuộc sống xã hội, tư duy. Qua hoạt động học, tình cảm thẩm mĩ của các em được nâng cao nên tầm hiểu biết để nhìn ra thế giới xung quanh và quá trình nhận thức của các em có chiều sâu hơn. Đọc đúng, đọc hay cũng là kĩ năng của ngôn ngữ văn học. Qua đó có tác dụng tình cảm, đạo đức cao đẹp cho người học sinh. Đồng thời phát huy óc sáng tạo và khả năng tư duy như quá trình phân tích tổng hợp cho các em.
 Dạy Tập đọc có ý nghĩa to lớn ở Tiểu học, nó trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với mỗi người đi học. Học sinh đọc tốt, đọc một cách có ý thức sẽ giúp các em hiểu biết nhiều hơn, bồi dưỡng các em lòng yêu cái thiện, cái đẹp, dạy các em biết suy nghĩ một cách lôgic cũng như có hình ảnh, những kỹ năng này các em sẽ sử dụng suốt đời. Như vậy dạy đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó bao gồm các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển.
 Nhưng trong thực tế, việc rèn đọc trong tiết dạy Tập đọc cho HS còn gặp không ít lúng túng và khó khăn trong phương pháp. Vì vậy, qua quá trình giảng dạy - học tập của GV - HS, GV khối 3 chúng tôi đã thảo luận, giải quyết một số vấn đề đi đến thống nhất và có một số biện pháp "Rèn kĩ năng đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu cho HS lớp 3 trong giờ Tập đọc " đạt hiệu quả tốt.
	II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC RÈN ĐỌC CHO HS:
 1. Học sinh: 
 - Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh Tiểu học còn nhỏ, sự tự giác trong học tập chưa cao, trình độ đọc còn yếu (chưa rành mạch, còn ấp úng, ngân nga, nhát gừng, chưa thật thông hiểu văn bản). Các em còn có thói quen đọc thiếu ý thức (đồng thanh nhiều, ít được nhắc nhở uốn nắn nên đọc ê a như "cầu kinh", liến thoắng, vội vã, hấp tấp). Có em còn tự đọc bớt tiếng hoặc thêm tiếng và không biết ngắt nghỉ, nhấn giọng ở chỗ nào; việc đọc phân vai của các em còn rất lúng túng.
 - Do ảnh hưởng cách phát âm của phương ngữ tại địa phương như phát âm không chuẩn xác phụ âm đầu: l/n.
 2. Giáo viên: 
 Trong giảng dạy, giáo viên đã bước đầu thực hiện được những vấn đề cơ bản của môn học. Song do các bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 3 đa dạng về hình thức, văn bản lại dài, khó. Đặc biệt là đối với loại văn bản hành chính, giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn học sinh luyện đọc. Cho nên việc dạy Tập đọc ở lớp 3 đáp ứng được yêu cầu rèn 3 kĩ năng: nghe - nói - đọc cho học sinh đạt kết quả chưa cao. Một số ít giáo viên chưa thường xuyên quan tâm tới việc rèn đọc đúng, đọc chuẩn nên còn phát âm sai (l / n), trong quá trình giảng dạy chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy tính tích cực của học sinh, không gây hứng thú học tập cho các em. Còn một số giáo viên đã quan tâm chú trọng rèn đọc cho học sinh trong mỗi giờ Tập đọc nhưng việc rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh còn hạn chế.
	III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
 Để việc rèn kĩ năng đọc trong giờ Tập đọc cho HS lớp 3 " đạt hiệu quả tốt, GV cần làm tốt các công việc sau:
 1. Nắm chắc nội dung chương trình và mục tiêu cần đạt của môn học 
 Việc nắm nội dung chương trình và mục tiêu cần đạt của môn học là rất cần thiết vì các phân môn trong môn Tiếng Việt có sự hỗ trợ qua lại với nhau: đọc tốt giúp các em viết tốt, viết tốt giúp các em ghi nhớ âm, vần, thanh tốt hơn, từ đó lại hỗ trợ cho các em trong việc đọc văn bản, học tốt từ và câu sẽ giúp các em nắm được cách trả lời một số dạng câu hỏi Vì sao?, Để làm gì?, nắm chắc dấu câu giúp các em ngắt nghỉ tốt khi đọc, ngắt nghỉ tốt khi đọc lại giúp các em dùng dấu câu đúng,  Vì vậy GV cần tìm hiểu để nắm chắc nội dung chương trình và mục tiêu cần đạt của các phân môn trong môn Tiếng Việt lớp 3. Việc này giúp GV biết được ở mỗi tuần, mỗi giai đoạn HS học những nội dung nào, mục tiêu cần đạt là gì và các phân môn trong từng tuần, từng giai đoạn có thể hỗ trợ nhau thế nào đê trong quá trình dạy GV khai thác giúp cho việc dạy và học đạt hiệu quảcaao nhất.
 2. Phân loại, nắm chắc đối tượng học sinh.
Để giúp học sinh hiểu được văn bản, trước hết cần giúp học sinh đọc đúng các tiếng, từ, cụm từ, câu trong văn bản, ngắt nghỉ hơi đúng. Vì nếu các em đọc sai tiếng, từ, ngắt nghỉ hơi sai sẽ dẫn đến hiểu không đúng nội dung văn bản. Muốn vậy, ngay từ khi nhận lớp giáo viên cần trao đổi với giáo viên chủ nhiệm năm trước để nắm được đặc điểm đọc thành tiếng của lớp: các em hay đọc sai những gì?, em nào đọc tốt, em nào đọc chưa tốt và đặc điểm đọc của những em đọc chưa tốt là gì?,  Sau khi đã có thông tin từ giáo viên chủ nhiệm năm trước, giáo viên cần kết hợp với việc dạy trên lớp của mình trong phân môn tập đọc và các môn học khác để tiếp tục theo dõi phân loại lỗi của học sinh lớp mình và có biện pháp phù hợp để giúp đỡ học sinh.
 3. Chuẩn bị tốt cho giờ dạy - học Tập đọc:
 * Đối với giáo viên: 
 - Đọc bài trước để nắm được nội dung bài Tập đọc.
 - Xác định giọng điệu của cả bài như thế nào? 
 - Dự tính những lỗi có thể mắc phải khi phát âm (tiếng khó đọc, ngắt nhịp câu khó, từ ngữ nhấn giọng cần bộc lộ cảm xúc).
 - Bài cần đọc trong thời gian bao lâu? 
 - Cần xét hệ thống câu hỏi trong sách HS để có sự điều chỉnh phù hợp với đối tượng HS.
 - Cách khai thác từ ngữ, nội dung như thế nào cho HS dễ hiểu.
 * Đối với HS: 
 - Biết chuẩn bị bài đọc nhiều lần.
 - Tìm hiểu các từ ngữ phần chú giải. 
 - Trả lời các câu hỏi trong SGK, xác định được nội dung của bài.
 - Xác định được các tiếng, từ khó phát âm.
 4 . Tổ chức tốt các hoạt động dạy học trên lớp phát huy tính tích cực theo đối tượng HS:
 2.1. Giới thiệu bài: 
 - Có thể dùng tranh ảnh, đặt câu hỏi nêu vấn đề để gây hứng thú tạo nhu cầu đọc bài ở học sinh. 
 - Phần giới thiệu không nên dài dòng và nêu hết nội dung bài vào. 
 2.2. Phần đọc mẫu: 
 Bước này rất quan trọng vì muốn học sinh đọc đúng, phải giới thiệu cho các em mẫu đúng. Giáo viên đọc mẫu đúng và hay có tác dụng định hướng cách đọc cho học sinh, đồng thời giúp các em nhận thức đúng hơn nội dung bài đọc và tự phát hiện ra cách đọc của câu, đoạn, bài. Do đặc điểm của học sinh Tiểu học, nhất là với học sinh lớp 3, các em học tập chủ yếu bằng hình ảnh trực quan, các em "bắt chước" thầy cô giáo theo mẫu như một cách sao chép nguyên vẹn. Vì vậy khi đọc mẫu: 
 - GV phải đọc chuẩn, đọc đúng giọng điệu. 
 - Phải ổn định trật tự lớp, tạo cho HS tâm thế nghe đọc và yêu cầu HS đọc thầm theo.
 - Khi đọc GV cần đứng ở vị trí bao quát được cả lớp, không đi lại trong khi đọc, đọc đủ lớn để em xa nhất cũng nghe rõ và thỉnh thoảng mắt phải rời sách nhìn xuống HS mà không làm cho bài đọc bị gián đoạn rời rạc.
 2.3. Phần luyện đọc: 
 * Luyện đọc nối tiếp câu:
 Khi tổ chức cho học sinh luyện đọc nối tiếp từng câu, yêu cầu mỗi học sinh đọc một câu, các học sinh còn lại đọc thầm và theo dõi, lắng nghe bạn đọc để phát hiện những tiếng, từ, cụm từ khó đọc, dễ lẫn để luyện phát âm đúng chuẩn hoặc những tiếng, từ, cụm từ bạn đọc sai để giúp bạn sửa. Khi đó giáo viên cần "Biết nghe học sinh đọc" để nếu có tiếng, từ, cụm từ nào mà phần lớn học sinh trong lớp đọc sai thì giáo viên ghi ngay tiếng, từ, cụm từ ấy lên bảng và cho học sinh luyện phát âm đúng chuẩn.
 - Nếu học sinh đọc sai lỗi phụ âm đầu (đặc biệt là phụ âm l /n): GV phân tích cho các em thấy sự khác biệt của phát âm đúng và phát âm sai mà các em mắc phải. 
 Cụ thể: + Khi phát âm tiếng có phụ âm đầu "l": Lưỡi cong lên chạm vào lợi để hơi đi ra hai bên rìa lưỡi.
	 + Khi phát âm tiếng có phụ âm đầu "n": Đầu lưỡi chạm lợi (thẳng lưỡi) hơi thoát ra cả miệng và mũi.
 - Nếu học sinh đọc ngọng thanh ngã thành thanh sắc: Trong trường hợp này, khi sửa lỗi cũng gặp rất nhiều khó khăn, giáo viên phải kiên trì, không những hướng dẫn học sinh đọc theo mẫu, luyện đọc nhiều lần mà còn mô tả bằng đường nét để học sinh trực quan.
 Việc rèn phát âm đúng chuẩn cho học sinh, chủ yếu dựa vào phương pháp trực giác và nghe nhìn. Học sinh nghe giáo viên phát âm mẫu đồng thời nhìn khuôn miệng của giáo viên khi phát âm rồi đọc theo và tự điều chỉnh theo mẫu, giáo viên nghe và sửa luôn cho học sinh.
 Rèn phát âm đúng chuẩn là cả một quá trình lâu dài nên phải được diễn ra thường xuyên, liên tục thì mới có hiệu quả. Nếu các em phát âm chưa đúng chuẩn trong giờ Tập đọc, GV cần phải luyện thêm cho các em vào giờ học buổi chiều, thời gian đầu giờ học hoặc cuối buổi học, lúc ra chơi hoặc ngoài giờ lên lớp bằng biện pháp trực tiếp hoặc huấn luyện cho các em đọc phát âm đúng chuẩn kèm cặp, giúp đỡ các bạn phát âm chưa chuẩn.
 * Luyện đọc nối tiếp đoạn:
 - Trước khi luyện đọc đoạn, GV cho các em luyện đọc câu dài, khó bằng cách cho học sinh tự phát hiện những câu văn dài, câu văn (thơ) khó đọc. (Với trường hợp, học sinh không phát hiện được thì giáo viên ghi câu dài (khó) lên bảng phụ) rồi yêu cầu các em tự nêu cách ngắt nghỉ hơi, cách ngắt nhịp (với dòng thơ), cách nhấn giọng và bổ sung cho nhau. Nếu học sinh nêu chưa đủ, chưa đúng, giáo viên mới hướng dẫn, gợi ý về cách đọc. Sau khi thống nhất, 1 - 2 học sinh thể hiện cách đọc, học sinh khác nhận xét, góp ý sửa cho bạn. Giáo viên chỉnh sửa cho các em những gì khó khăn nhất. Có thể tổ chức cho vài học sinh thi đọc câu dài (khó); cả lớp nhận xét, bình chọn người đọc đúng và hay nhất để tạo bầu không khí thi đua trong lớp.
 * Với những câu có từ ngữ, hình ảnh gợi tả, gợi cảm, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc nhấn giọng ở những từ ngữ, hình ảnh đó.
 * Với những câu có dấu chấm hỏi, dấu chấm cảm, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc lên giọng ở cuối câu, thể hiện giọng người hỏi và sắc thái biểu cảm.
 * Những câu có dấu chấm lửng, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc giọng kéo dài.
 * Đối với những văn bản truyện kể có lời đối thoại, giáo viên cần hướng dẫn học sinh bằng cách: Khi nghe giáo viên đọc mẫu, học sinh phải tìm ra được cách đọc của từng nhân vật và lời người kể, sau đó cho học sinh thể hiện đúng giọng đọc các nhân vật đó dưới hình thức sắm vai.
 * Với những văn bản thông thường, để học sinh đọc tốt loại bài này, giáo viên cần cho học sinh trực quan văn bản thật trong cuộc sống (phóng to ra) và hướng dẫn học sinh đọc to, rõ ràng, rành mạch từng con số, từng mục, từng dòng.
 * Khi gặp những bài thơ, để học sinh đọc hay, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc đúng nhịp điệu bài thơ, ngắt đúng nhịp thơ.
 Cứ như vậy, qua nhiều bài, học sinh tự biết ngắt nghỉ ý trong câu văn dài, ngắt nhịp trong dòng thơ,..., biết bổ sung, góp ý cho bạn về cách ngắt, nghỉ, nhấn giọng tương đối hợp lí.
 - Khi hướng dẫn học sinh luyện đọc đúng câu, đoạn, GV cần kết hợp hướng dẫn học sinh lắng nghe, đọc thầm theo để tìm và phát hiện những từ, ngữ mới cần giải nghĩa. 
 - Trong quá trình luyện đọc đoạn, nếu lúc nào giáo viên cũng gọi từng em hay chỉ định theo thứ tự thì học sinh dễ nhàm chán. Vì thế, GV cần tạo bầu không khí vui vẻ như thi đua giữa các bàn hay từng nhóm 2 - 3 học sinh thi đọc tiếp sức, đọc truyền điện....Ngoài ra, có thể tổ chức cho học sinh đọc câu, đoạn theo chủ đề. Làm như vậy, học sinh rất thích thú, em nào cũng mang hết khả năng để rèn đọc và những em khác thì chú ý lắng nghe để nhận xét, đánh giá bạn đọc.
 - Sau khi luyện đọc đoạn, giáo viên cần tổ chức cho học sinh đọc đồng thanh một lần (một đoạn hoặc cả bài) để giúp các em hoà nhập với tập thể về cả âm lượng, tốc độ đọc và em nào cũng được đọc.
 Nhưng với một số văn bản có nội dung buồn, cần đọc với giọng nội tâm sâu lắng và một số văn bản thông thường không nên cho học sinh đọc đồng thanh mà cho 1, 2 học sinh đọc to cả bài trước lớp, cả lớp đọc thầm theo.
 Khi hướng dẫn học sinh luyện đọc, giáo viên phải chú ý đến các đối tượng học sinh. Đặc biệt, cần phải quan tâm nhiều đến những học sinh đọc còn đánh vần, đọc nhát gừng, đọc ê a, đọc sai chuẩn và phải thường xuyên rèn luyện cho các em để dần dần các em đọc phát âm đúng chuẩn, đọc rõ ràng, trôi chảy. Bởi vì, ở bước này chủ yếu giúp các em đọc đúng, đọc hay văn bản.
 2.4. Phần hướng dẫn tìm hiểu bài:
 Đây là bước giúp học sinh tìm hiểu văn bản để từ đó đọc hiểu, đọc hay được văn bản. GV hướng dẫn HS đọc thầm và tìm hiểu bài dựa theo câu hỏi trong SGK. GV cần dẫn dắt, gọi mở, điều chỉnh cho sát với đối tượng HS cụ thể.
 - Có thể cho HS đọc thầm, đọc thành tiếng đoạn đến nội dung cần tìm hiểu, sau đó GV nêu câu hỏi hoặc để HS tự nêu câu hỏi yêu cầu HS khác trả lời nhằm kích thích khả năng tư duy, tạo sự đối tác giữa thầy và trò, trò và trò.
 - Để làm toát lên nội dung của bài qua từng đoạn, GV có thể hỏi thêm câu hỏi phụ. Những câu hỏi này giúp các em tư duy trong quá trình suy nghĩ để trả lời, phần nhiều có thể dành cho HS có năng lực học tập tốt.
 - Dùng nguyên văn câu hỏi trong SGK hoặc có thể chia tách thành 2, 3 ý nhỏ để HS thực hiện dễ dàng hơn, để HS dễ trả lời.
 - Đối với câu hỏi khó có thể bổ sung thêm những câu hỏi phụ khai thác nội dung không vượt quá yêu cầu bài và phù hợp với trình độ HS. 
 - Có thể tổ chức HS tìm hiểu bài dưới nhiều hình thức: 
 * Làm việc cá nhân đối với những câu hỏi đơn giản.
 * Làm việc theo cặp, theo nhóm đối với những câu hỏi khó.
 - Sau khi HS trả lời ý kiến – HS khác nhận xét ý kiến bổ sung, GV sơ kết ngắn gọn, nhấn mạnh ý chính, dùng câu chuyển tiếp để chuyển sang ý khác và tiếp tục như vậy cho đến khi khai thác hết nội dung của bài. GV chú ý rèn HS cách trả lời câu hỏi diễn đạt ý bằng câu văn gọn, rõ.
 Việc rèn kĩ năng đọc và tìm hiểu bài được tiến hành thường xuyên ở các bài tập đọc và trong cả các môn học khác như Luyện từ và câu, Tập làm văn, Kể chuyện.
	 2.5. Phần Luyện đọc lại: 
 - Luyện đọc lại được thực hiện sau khi HS nắm được nội dung bài học. Hình thức tổ chức HS luyện đọc lại là thi đọc (giữa các cá nhân), yêu cầu chính của phần này là luyện cho HS đọc trôi chảy, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ. Riêng với một số lớp HS có trình độ đọc khá tốt, GV có thể giúp HS bước đầu có ý thức đọc diễn cảm với yêu cầu cụ thể như sau: 
 + Thể hiện giọng của từng nhân vật.
 + Thể hiện tình cảm của người viết. 
 - Khâu luyện đọc lại được thực hiện theo các bước sau: 
 GV lưu ý về giọng điệu của từng nhân vật hoặc toàn bộ bài văn, đoạn văn.
 - Để gây hứng thú học tập và củng cố kiến thức, kĩ năng đọc cho học sinh, GV tổ chức cho HS thi đọc cá nhân kết hợp tổ chức cho các em thi đọc đoạn, bài hoặc đọc theo vai dưới hình thức các trò chơi như: Thi đọc tiếp sức; Thi đọc phân vai; Thi đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu.
 - Đối với bài HTL thì GV hướng dẫn cách học thuộc lòng theo hình thức xoá dần hoặc có thể cho học sinh nhìn hình ảnh trong tranh hoặc lấy một số từ ngữ làm điểm tựa để luyện học thuộc lòng. Giáo viên tổ chức cho học sinh thi đọc thuộc lòng từng khổ thơ hay cả bài thơ dưới hình thức hái hoa hoặc đọc tiếp sức sao cho nhẹ nhàng, gây hứng thú cho học sinh.
 Như vậy, qua mỗi bài tập đọc, giáo viên đồng thời rèn cho học sinh nhiều kĩ năng dưới nhiều hình thức: đọc từng câu, từng đoạn, đọc cả bài, đọc cá nhân, đọc trong nhóm, đọc phân vai. Do đó học sinh được luyện tập kỹ lưỡng với nhiều vòng hoạt động (100% học sinh trong lớp được tham gia đọc). Từ đó phát triển kĩ năng đọc (đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc hiểu, đọc hay), nghe, nói cho học sinh một cách hiệu quả mà giờ học lại nhẹ nhàng tránh sự nhàm chán, từ đó phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong quá trình luyện đọc.
	 2.6. Phần Củng cố dặn dò: 
 - Lưu ý về nội dung bài, về cách đọc, nhận xét giờ học và dặn HS việc cần làm ở nhà. 
 - GV có thể nêu câu hỏi bao quát để củng cố nội dung bài đọc. Ví dụ: Bài TĐ muốn nói với chúng ta điều gì? 
	 5. Kết hợp dạy đọc đúng ở tất cả các môn học.
 Phân môn Tập đọc là công cụ để các em học tập các môn học khác. Ngược lại các môn học khác lại củng cố kiến thức môn Tập đọc. Các môn học có quan hệ mật thiết với nhau, tác động hỗ trợ lẫn nhau. Trong các giờ kể chuyện học sinh được kể lại câu chuyện đã học ở giờ Tập đọc. Để kể được các câu chuyện thì học sinh phải đọc kĩ bài tập đọc và nhớ được cốt truyện. Nếu không hiểu nội dung câu chuyện thì làm sao kể lại được. Muốn làm được bài toán các em phải đọc đúng đề toán thì mới hiểu được nội dung của bài toán từ đó mới phân tích và có hướng giải đúng. Nếu đọc đề bài toán sai thì dẫn tới không hiểu nội dung thì làm sao giải đúng được bài toán. Việc đọc đúng, đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Toán. Với môn học Âm nhạc giáo viên phải cho học sinh đọc lời bài hát trước khi dạy hát để các em hiểu nội dung, ý nghĩa giáo dục của bài hát. Từ đó mới hát hay, hát đúng nhịp điệu được. Dạy học sinh đọc đúng, đọc hiểu ở tất cả các môn học là chúng ta rèn cho học sinh có thói quen nghe - nói - đọc - viết đúng Tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt.
 6. Phải biết phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình.
 Tuy rằng các em được học 2 buổi/ngày ở trường song thời gian các em sinh hoạt ở nhà vẫn chiếm một thời gian đáng kể. Các em thường giao tiếp với mọi người trong gia đình, cộng đồng nên chịu tác động khá lớn của giáo dục ở gia đình, xã hội. Chính vì vậy, ngay từ những tuần đầu của năm học, GV nên tổ chức họp toàn bộ phụ huynh của học sinh lớp chủ nhiệm để thông báo đặc điểm, tình hình của lớp. Đặc biệt, GV cần nêu rõ với những phụ huynh có con em còn đọc sai chuẩn, đọc ngọng, đọc ê a, ngắc ngứ, đọc chưa hay để gia đình cùng phối kết hợp với giáo viên sửa chữa và rèn luyện cho các em, khuyến khích các em tích cực luyện đọc ở nhà. Hàng tháng giáo viên thông báo kết quả học tập ở lớp cho gia đình biết qua sổ liên lạc. Giáo viên nêu rõ sự tiến bộ của học sinh về các kĩ năng để động viên, khích lệ các em có hứng thú học tốt ở tất cả các môn học. 
 Vậy muốn học sinh học tốt, giáo viên không những có phương pháp dạy tốt mà cần có thái độ cởi mở, dẫn dắt học sinh. Kiên trì uốn nắn, sửa lỗi cho học sinh một cách cụ thể, không nên nóng vội. Cần động viên, khích lệ các em tiếp thu bài một cách nhanh nhất để nâng cao chất lượng rèn kĩ năng đọc cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất và giờ học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên. 
	IV- QUI TRÌNH DẠY TẬP ĐỌC
	Thực hiện như SGV lớp 3 chương trình hiện hành.
	Tuy nhiên GV cần linh hoạt điều chỉnh nội dung hoạt động, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học cho phù hợp với từng bài đọc và với đối tượng học sinh của lớp.
	V- CÁCH TRÌNH BÀY BẢNG
	Tên môn học: Tập đọc
	Tên bài học:......................................
 Nội dung của bài ...................................
Luyện đọc đúng
- Từ cần luyện đọc đúng
- Câu, đoạn cần luyện đọc đúng
Tìm hiểu bài
- Từ ngữ trọng tâm
- Các ý chính của đoạn (nếu có)

File đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_ren_ki_nang_doc_dung_doc_hay_doc_hieu.doc
Sáng Kiến Liên Quan