Sáng kiến kinh nghiệm Phương pháp tiến hành thí nghiệm Hóa học ở trường THCS

Những năm gần đây định hướng đổi mới phương pháp dạy học đã được thống nhất theo tư tưởng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh dưới sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên: Học sinh tự giác chủ động tìm tòi phát hiện kiến thức thông qua tranh ảnh, mô hình, mẫu vật, thí nghiệm,. để giải quyết nhiệm vụ nhận thức và có ý thức vận dụng linh hoạt sáng tạo các kiến thức kỹ năng đã thu nhận được. Trong đó việc tiến hành các thí nghiệm trong giảng dạy là một trong những phương pháp cơ bản của quá trình dạy học. Đối với bộ môn hoá học, thí nghiệm giữ vai trò đặc biệt quan trọng như một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học. Thông qua thí nghiệm học sinh nắm kiến thức một các hứng thú vững chắc và sâu sắc hơn. Thí nghiệm hoá học được sử dụng với tư cách là nguồn gốc, là xuất sứ của kiến thức để dẫn đến lý thuyết hoặc với tư cách kiểm tra giả thuyết. Thí nghiệm hoá học còn có tác dụng phát triển tư duy, giáo dục thế giới quan di vật biện chứng và củng cố niềm tin khoa học của học sinh, giúp học sinh hình thành những đức tính tốt của người lao động mới: thận trọng, ngăn nắp, trật tự, gọn gàng. Vì vậy khuynh hướng chung của việc cải cách bộ môn hoá học ở trong nước và trên thế giới là tăng tỷ lệ giờ cho các thí nghiệm và nâng cao chất lượng các bài thí nghiệm. Để đạt được điều đó người giáo viên cần phải có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị thí nghiệm, biết cách tiến hành thí nghiệm sao cho thí nghiệm phải thành công và đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy.

 

doc16 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 3490 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Phương pháp tiến hành thí nghiệm Hóa học ở trường THCS", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
m hoá học được sử dụng với tư cách là nguồn gốc, là xuất sứ của kiến thức để dẫn đến lý thuyết hoặc với tư cách kiểm tra giả thuyết. Thí nghiệm hoá học còn có tác dụng phát triển tư duy, giáo dục thế giới quan di vật biện chứng và củng cố niềm tin khoa học của học sinh, giúp học sinh hình thành những đức tính tốt của người lao động mới: thận trọng, ngăn nắp, trật tự, gọn gàng... Vì vậy khuynh hướng chung của việc cải cách bộ môn hoá học ở trong nước và trên thế giới là tăng tỷ lệ giờ cho các thí nghiệm và nâng cao chất lượng các bài thí nghiệm. Để đạt được điều đó người giáo viên cần phải có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị thí nghiệm, biết cách tiến hành thí nghiệm sao cho thí nghiệm phải thành công và đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy.
Xuất phát từ yêu cầu đó, tôi quyết định nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm: “Phương pháp tiến hành thí nghiệm hoá học ở Trường THCS” nhằm đưa ra một số giải pháp giúp cho việc dạy học thí nghiệm hoá học đạt kết quả tốt hơn.
II- Phạm vi nghiên cứu:
Chuyên đề này giúp cho việc dạy và học môn hoá học ở trường THCS.
III- Phương pháp nghiên cứu:
- Qua thực tiễn dạy và học môn hoá học tại trường THCS Gia Khánh – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc.
- Thông qua việc nghiên cứu tài liệu.
Phần II: Nội dung
I- Vị trí và vai trò của thí nghiệm trong dạy và học môn hoá học ở trường THCS.
Hoá học là môn khoa học thực nghiệm cho nên:
- Thí nghiệm hoá học giữ vai trò đặc biệt quan trọng như một bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học.
- Thí nghiệm hoá học là cơ sở của việc học hoá học và để rèn luyện kỹ năng thực hành.
- Do đó, sử dụng thí nghiệm để dạy và học hoá học là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học ở trường THCS hiện nay.
II- Phân loại hệ thống thí nghiệm hoá học ở trường THCS.
Trong dạy học hoá học ở trường phổ thông người ta phân loại các thí nghiệm như sau: Thí nghiệm biểu diễn của giáo viên và thí nghiệm của học sinh.
1- Thí nghiệm biểu diễn của giáo viên:
Thí nghiệm biểu diễn làm cơ sở để cụ thể hoá những khái niệm về chất và phản ứng hoá học. Trong thí nghiệm biểu diễn giáo viên là người thực hiện các thao tác, điều khiển các quá trình biến đổi của chất, học sinh là người theo dõi, quan sát các quá trình đó.
2- Thí nghiệm của học sinh:
Thí nghiệm của học sinh chia thành 3 dạng:	
- Thí nghiệm để nghiên cứu bài mới
- Thí nghiệm thực hành.
- Thí nghiệm ngoại khoá.
Trong đó, học sinh tự tiến hành làm thí nghiệm, tự theo dõi và quan sát những hiện tượng xảy ra trong quá trình làm thí nghiệm, từ đó biết giải thích hiện tượng và đưa ra kết luận.
Như vậy, vai trò của các loại thí nghiệm trong giờ hoá học có thể khác nhau. Chúng có thể dùng để minh hoạ các kiến thức do giáo viên trình bày, có thể có nguồn kiến thức mà học sinh tiếp thu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong qúa trình quan sát thí nghiệm. Vì vậy các thí nghiệm biểu diễn có thể tiến hành bằng hai phương pháp chính: phương pháp minh hoạ và phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên phương pháp nghiên cứu có giá trị lớn hơn vì nó có tác dụng kích thích học sinh làm việc tích cực hơn và đặc biệt tạo điều kiện phát triển khả năng nhận thức của học sinh.
III- Phương pháp tiến hành thí nghiệm hoá học ở trường THCS:
A- Thí nghiệm biểu diễn của giáo viên:
Khi tiến hành thí nghiệm biểu diễn, GV cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
1- Bảo đảm an toàn thí nghiệm:
An toàn thí nghiệm là yêu cầu trước hết đối với mọi thí nghiệm. Để đảm bảo an toàn thí nghiệm, giáo viên phải xác định ý thức trách nhiệm cao về sức khoẻ và tính mạng của học sinh. Do đó giáo viên cần phải:
- Nắm chắc kỹ thuật và phương pháp tiến hành thí nghiệm. Chẳng hạn, trước khi đốt hiđrô, metan, axêtilen... đều phải thử độ tinh khiết của chúng.
- Khi làm việc với các chất độc hại phải có biện pháp bảo hiểm.
- Không dùng quá liều lượng các hoá chất dễ cháy và dễ nổ đã ghi trong các tài liệu hướng dẫn.
- Các thí nghiệm tạo thành chất độc bay hơi cần tiến hành trong tủ phòng độc hoặc ở cuối chiều gió để tránh tạt khí về phía học sinh.
2- Bảo đảm kết quả thí nghiệm:
Kết quả tốt đẹp của thí nghiệm tác động trực tiếp đến chất lượng dạy học và củng cố niềm tin của học sinh vào khoa học. Do đó, muốn đảm bảo kết quả thí nghiệm, giáo viên cần phải:
- Nắm vững kỹ thuật tiến hành thí nghiệm.
- Phải thử nghiệm nhiều lần trước khi biểu diễn trên lớp.
- Các dụng cụ và hoá chất phải được chuẩn bị chu đáo, đồng bộ.
- Nếu chẳng may thí nghiệm không thành công, giáo viên cần bình tĩnh kiểm tra lại các bước tiến hành, tìm nguyên nhân và giải thích cho học sinh.
3- Bảo đảm tính trực quan:
Trực quan là một trong những yêu cầu cơ bản của thí nghiệm biểu diễn. Để đảm bảo tính trực quan, khi chuẩn bị thí nghiệm, giáo viên cần phải:
- Lựa chọn các dụng cụ và sử dụng lượng hoá chất thích hợp.
- Các dụng cụ thí nghiệm cần có kích thước đủ lớn để học sinh ngồi ở cuối lớp có thể quan sát được, có màu sắc hài hoà.
- Bàn biểu diễn thí nghiệm phải có độ cao cần thiết, các dụng cụ thí nghiệm cần được bố trí sao cho mỗi học sinh ngồi trong lớp có thể nhìn rõ.
- Đối với các thí nghiệm có kèm theo sự thay đổi màu sắc, có khí sinh ra (như clo, nitơ đioxit...) hoặc có các chất kết quả tạo thành thì nên dùng phông đặt ở phía sau các dụng cụ thí nghiệm.
Trong quá trình tiến hành thí nghiệm cần có biện pháp tích cực nhằm thu hút sự chú ý của học sinh vào việc quan sát và giải thích các hiện tượng xảy ra, như đặt câu hỏi ở các giai đoạn khác nhau của thí nghiệm để học sinh chú ý quan sát, nhận xét và trả lời. Cần hướng sự chú ý của học sinh vào sự quan sát những hiện tượng cơ bản nhất của thí nghiệm có liên quan đến nội dung bài học.
B- Thí nghiệm của học sinh:
1- Thí nghiệm để nghiên cứu bài mới:
- Việc tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm để nghiên cứu bài mới có thể thực hiện bằng 2 cách: toàn lớp cùng làm một thí nghiệm hoặc từng nhóm làm những thí nghiệm khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào tình hình trang bị cơ sở vật chất và thiết bị, dạy học ở mỗi trường.
- Thí nghiệm của học sinh có thể tiến hành theo phương pháp minh hoạ và phương pháp nghiên cứu.
Ví dụ: Để nghiên cứu tính khử của hiđrô có thể tiến hành thí nghiệm khử đồng (II) ôxit nhờ hiđrô bằng 2 phương pháp sau:
* Phương pháp minh hoạ: Giáo viên cho học sinh biết rằng hiđrô không những chỉ hoá hợp với oxi tự do mà có thể chiếm oxi có trong một số hợp chất, ví dụ oxit. Nếu cho hiđrô đi qua bề mặt đồng (II) oxit nung nóng thì đồng (II) oxit màu đen được chuyển thành đồng đơn chất màu đỏ. Học sinh thành lập phương trình hoá học, sau đó giáo viên cho học sinh tiến hành thí nghiệm mà giáo viên vừa mô tả và hướng dẫn phương pháp tiến hành.
Sau khi làm thí nghiệm, học sinh thấy những điều giáo viên trình bày được khẳng định về mặt thực nghiệm.
* Phương pháp nghiên cứu: Sau khi học sinh nhắc lại những tính chất hoá học của hiđrô, giáo viên đặt vấn đề: hiđrô có thể chiếm oxi của các oxit không và tiến hành thí nghiệm để giải quyết vấn đề đó.
Với sự chuẩn bị đầy đủ hoá chất và dụng cụ thí nghiệm cần thiết, giáo viên hướng dẫn học sinh phương pháp lắp dụng cụ thí nghiệm để điều chế hiđrô và thực hiện phản ứng của nó với đồng (II) oxit.
Trong khi tiến hành thí nghiệm, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát hiện tượng này xảy ra trong dụng cụ, đặc biệt là quan sát màu sắc của đồng (II) oxit nung nóng và các giọt nước đọng trên thành ống nghiệm.
Sau thí nghiệm, bằng đàm thoại cho học sinh thấy là đồng (II) oxit màu đen biến thành đồng màu đỏ và trên thành ống nghiệm xuất hiện những giọt nước. HS viết phương trình hoá học và rút ra kết luận rằng hiđro hoá hợp với oxi bằng cách chiếm oxi của đồng (II) oxit, tạo thành nước và đồng được giải phóng ra dưới dạng đồng kim loại màu đỏ.
Thực tiến chỉ ra rằng tiến hành thí nghiệm bằng phương pháp nghiên cứu kích thích hoạt động tích cực của học sinh trong giờ hoá học hơn và tạo điều kiện giúp các em phát triển kỹ năng làm việc độc lập.
2- Thí nghiệm thực hành:
Đây là hình thức thí nghiệm do học sinh tự làm lấy khi hoàn thiện kiến thức nhằm minh hoạ, ôn tập, củng cố kiến thức đã học và rèn luyện kỹ năng kỹ xảo cho học sinh.
a- Chuẩn bị của giáo viên và học sinh:
* Chuẩn bị của giáo viên:
- Nghiên cứu kỹ nội dung thí nghiệm để đảm bảo thành công khi hướng dẫn học sinh.
- Dự toán trước những khó khăn xảy ra và đề ra các biện pháp khắc phục những sự cố khi học sinh tiến hành thí nghiệm.
- Chuẩn bị dụng cụ hoá chất thí nghiệm cho từng nhóm học sinh.
- Lập kế hoạch thời gian cho từng thí nghiệm.
* Chuẩn bị của học sinh:
- Học sinh đọc trước nội dung để nắm được mục đích của thí nghiệm, biết mình cần làm gì và làm như thế nào để giải thích các hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm từ đó rút ra được các kết luận đúng đắn.
b- Tiến hành thí nghiệm:
- Giáo viên chia nhóm học sinh, phát dụng cụ thí nghiệm cho từng nhóm.
- Giáo viên kiểm tra việc chuẩn bị của học sinh: yêu cầu học sinh giải thích ngắn gọn quá trình tiến hành thí nghiệm, cách quan sát và ghi chép để viết tường trình thí nghiệm.
- Giáo viên lưu ý hướng dẫn học sinh những kỹ thuật cơ bản trong phòng thí nghiệm hoá học. Đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn trong phòng thí nghiệm.
- Khi học sinh tiến hành thí nghiệm giáo viên theo dõi việc làm của các nhóm học sinh, uốn nắn những sai sót khi cần thiết nhưng tránh không làm thay cho học sinh.
- Cuối giờ thực hành mỗi học sinh phải hoàn thành bản tường trình thí nghiệm. Nội dung tường trình thí nghiệm bao gồm:
+ Tên thí nghiệm
+ Mô tả cách tiến hành thí nghiệm.
+ Mô tả những hiện tượng đã quan sát được, nhận xét.
+ Giải thích và kết luận. Viết các phương trình hoá học xảy ra.
- Sau cùng giáo viên hướng dẫn học sinh rửa sạch các dụng cụ thí nghiệm, sắp xếp ngăn nắp các hoá chất và dụng cụ vào nơi đã quy định.
3- Thí nghiệm ngoại khoá:
Thí nghiệm ngoại khoá bao gồm: các thí nghiệm ngoài lớp học thực hiện ở trường dưới hình thức các tổ ngoại khoá hóa học và thí nghiệm thực hành quan sát ở nhà.
* Thí nghiệm ngoài lớp học thực hiện ở trường bao gồm: 
- Các thí nghiệm hoá học vui giúp học sinh hứng thu áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sinh động của các buổi hội vui, các chuyên đề hoá học.
Ví dụ: Thí nghiệm “Trứng chui vào lọ”, “Mực bí mật”, “Sự cháy không cần diêm”.
- Các thí nghiệm đòi hỏi thời gian nhất định mà trong giờ học các em không có điều kiện thực hiện, như làm giấm ăn, lên men rượu, nấu xà phòng từ xút và dầu thực vật, chế tạo chất thơm...
- Thí nghiệm thu hồi các hoá chất từ các sản phẩm phụ của các thí nghiệm trong lớp học.
- Thí nghiệm nhận biết và thử tính chất của các chất như: nhận biết các hợp chất polime, phân hoá học, cao su...
* Thí nghiệm thực hành và quan sát ở nhà:
Tiến hành thí nghiệm thực hành ở nhà cũng là một hình thức làm việc độc lập, tích cực của học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự giác và hứng thú đối với môn hoá học. Học sinh có thể tiến hành nhiều thí nghiệm loại này bằng cách sử dụng các dụng cụ và hoá chất đơn giản như: sản xuất vôi sống, chế tạo vữa xây nhà, sự ăn mòn kim loại và cách chống ăn mòn, những thí nghiệm nhận biết và chuyển hoá gluxit...
IV- Vận dụng thực tiễn:
A- Ví dụ 1: Bài 15 - Định luật bảo toàn khối lượng
1- Mục đích thí nghiệm:
Thí nghiệm dùng để nghiên cứu do giáo viên biểu diễn để đưa ra nội dung định luật bảo toàn khối lượng.
2- Chuẩn bị của giáo viên:
- Dụng cụ thí nghiệm:
+ Cân và bộ quả cân: 1
+ Cốc 100ml: 2
- Hoá chất:
+ Dung dịch bari clorua BaCl2
+ Dung dịch natri sunfat Na2SO4
3- Tiến hành thí nghiệm:
Đặt trên đĩa cân A hai cốc (1) và (2) chứa dụng dịch bari clorua BaCl2 và dung dịch natri sunfat Na2SO4. Đặt quả cân lên đĩa cân B cho đến khi cân thăng bằng. Hướng dẫn học sinh quan sát vị trí của kim cân (hình a). Đổ hoá chất từ cốc (1) vào cốc (2) rồi lắc nhẹ cho 2 dung dịch trộn lẫn vào nhau (hình b).
4- Yêu cầu học sinh quan sát hiện tượng và nhận xét:
Trong cốc (2) xuất hiện chất màu trắng không tan. Đó là bari sunfat BaSO4. Có một phản ứng hoá học đã xảy ra:
Bari clorua + Natri sunfat đ Bari sunfat + Natri clorua.
Trước và sau phản ứng hoá học xảy ra, kim của cân vẫn giữ nguyên vị trí chứng tỏ khối lượng các chất không thay đổi. Từ đó giáo viên có thể dẫn dắt học sinh phát biểu nội dung định luật bảo toàn khối lượng.
5- Chú ý:
- Để đảm bảo kết quả thí nghiệm chính xác hơn ta phải sử dụng cân điện tử.
- Có thể sử dụng các hoá chất khác như đồng sunfat và Natri hiđrôxit để tiến hành thí nghiệm trên.
- Có thể chứa hoá chất thứ nhất trong một cốc thuỷ tinh, chứa hoá chất thứ hai trong một ống nhỏ giọt, ống này được xuyên qua một lỗ ở giữa tấm bìa đậy trên miệng cốc. Khi tiến hành thí nghiệm ta bóp nhẹ quả cao su của ống nhỏ giọt để hoá chất chảy xuống cốc. Hướng dẫn học sinh quan sát hiện tượng xảy ra trong cốc, vị trí của kim cân và rút ra nhận xét.
B- Ví dụ 2: Bài 33 - Điều chế Hiđro – phản ứng thế
1- Mục đích thí nghiệm:
Đây là thí nghiệm dùng để nghiên cứu do học sinh tự làm để nắm được phương pháp điều chế hiđro trong phòng thí nghiệm.
2- Chuẩn bị:
Dụng cụ thí nghiệm và hoá chất cho từng nhóm học sinh như sau:
- Dụng cụ thí nghiệm: 
+ ống nghiệm: 2
+ Nút cao su kèm ống dẫn thuỷ tinh thẳng đầu vuốt nhọn: 1
+ Giá để ống nghiệm: 1
+ Dụng cụ điều chế chất khí từ chất rắn và chất lỏng: 1
+ ống cao su: 1
+ ống dẫn thuỷ tinh uốn cong: 1
- Hoá chất:
+ Dung dịch axit clohiđric HCl
+ Kẽm viên Zn.
3- Tiến hành thí nghiệm:
Điều chế hiđro trong ống nghiệm và tiến hành thí nghiệm khí hiđro cháy trong không khí (hình b).
- Giáo viên hướng dẫn học sinh: Đặt một ống nghiệm trên giá để ống nghiệm. Cho vào ống nghiệm khoảng 2-3 hạt kẽm, rót tiếp vào ống nghiệm chứng 2-3ml dung dịch axit clohiđric HCl loãng. Nhận xét hiện tượng.
Đậy ống nghiệm bằng nút cao su có ống dẫn khí đầu vuốt nhọn xuyên qua. Thử độ tinh khiết của hiđrô để khẳng định dòng khí hiđro không có lẫn oxi (hoặc chờ khoảng 1 phút cho khí hiđro đẩy hết không khí ra khỏi ống nghiệm).
Đưa que đóm đang cháy vào đầu ống dẫn khí. Hướng dẫn học sinh quan sát hiện tượng xảy ra. Nhỏ một giọt dung dịch vừa mới tạo thành trong ống nghiệm lên mặt kính đồng hồ và đem cô cạn. Nêu hiện tượng.
4- Quan sát hiện tượng:
- Trong ống nghiệm có các bọt nhỏ xuất hiện trên bề mặt mảnh kẽm rồi thoát ra khỏi chất lỏng, mảnh kẽm tan dần.
- Đưa que đóm vào đầu ống dẫn khí, khí thoát ra cháy trong không khí với tiếng “pép” nhỏ và có ngọn lửa màu xanh nhạt, đó là hiđro.
- Cô cạn một giọt dung dịch tạo thành trong ống nghiệm, được chất rắn màu trắng, đó là kẽm clorua ZnCl2.
Phương trình hoá học: Zn + 2HCl đ ZnCl2 + H2ư
5- Chú ý:
Do khí hiđro nhẹ hơn không khí nên có thể lắp dụng cụ đơn giản để điều chế và thu khí hiđro và ống nghiệm bằng cách đẩy không khí ra khỏi ống nghiệm như hình dưới đây.
C- Ví dụ 3: Thí nghiệm ngoại khoá: 
1- Mục đích thí nghiệm
- Điều chế hiđrô trong dụng cụ điều chế chất khí từ chất rắn và chất lỏng.
- Điều chế ôxi từ thuốc tím và chứa trong túi polietilen.
2- Chuẩn bị dụng cụ và hoá chất thí nghiệm:
- Dụng cụ thí nghiệm:
+ Dụng cụ điều chế chất khí từ chất rắn và chất lỏng: 1
+ ống dẫn cao su: 2
+ Nút cao su 2 lỗ: 1
+ Nút cao su 1 lỗ: 1
+ Kẹp Mo: 2
+ Chậu thuỷ tinh: 1
+ Túi polietilen: 1
- Hoá chất: 
+ Kẽm viên
+ Dung dịch HCl loãng
+ Oxi được điều chế sẵn và chứa trong túi polietilen.
+ Nước xà phòng đặc.
3- Tiến hành thí nghiệm:
Giáo viên hướng dẫn học sinh tiến hành như sau:
Nối các ống dẫn khí với 2 ống thuỷ tinh hình chữ L được luồn qua nút cao su có 2 lỗ. Đậy một nắp chai nhựa đã đục thủng một lỗ có đường kính khoảng 10mm vào nút cao su trên và đặt trong chậu nước xà phòng (Hình bên)
Mở các kẹp K1 và K2. Đốt bọt khí nổi lên trên mặt nước xà phòng. Quan sát hiện tượng xảy ra và giải thích.
D- Ví dụ 4: Bài 3: Tính chất hoá học của nhôm và sắt.
1- Mục tiêu: 
Đây là thí nghiệm thực hành của học sinh để củng cố kiến thức về tính chất hoá học của nhôm và sắt, rèn luyện kỹ năng tiến hành thí nghiệm cho học sinh với lượng nhỏ hoá chất, cách lắp dụng cụ, quan sát hiện tượng và nhận xét.
2- Chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm và hoá chất cho mỗi nhóm thực hành:
- Dụng cụ thí nghiệm.
+ ống nghiệm: 3	+ Đèn cồn: 1
+ Cặp ống nghiệm: 1 	+ Thìa xúc hoá chất: 1
+ Giá để ống nghiệm: 1	+ ống hút nhỏ giọt: 1
- Hoá chất: 
+ Bột nhôm Al
+ Bột Lưu huỳnh S
+ Bột sắt Fe
+ Dung dịch Natri hyđroxit NaOH
3- Tiến hành:
Giáo viên chia số học sinh trong lớp ra thành từng nhóm thực hành, mỗi nhóm từ 4 – 5 em để tiến hành thí nghiệm.
TN 1: Tác dụng của nhôm với oxi
a. Chuẩn bị và tiến hành thí nghiệm:
Cắt một miếng bìa hình chữ nhật có kích 
thước khoảng 3cm x 10cm rồi cho vào
một đầu tờ bìa 1 thìa bột nhôm. Khum dọc
tờ bìa rồi lắc nhẹ bột nhôm trên ngọn lửa
đèn cồn (Hình bên) 
b. Quan sát hiện tượng xảy ra và nhận xét
Nhôm cháy sáng trong oxi của không khí
Tạo thành chất rắn màu trắng. Đó là nhôm
oxit Al2O3. Phương trình hoá học:
 4Al(r) + 3O2(k) t° 2Al2O3(r)
Trong phản ứng trên nhôm giữ vai trò chất oxi hoá
TN2: Tác dụng của sắt với lưu huỳnh
a. Chuẩn bị và tiến hành thí nghiệm:
Lấy vào tờ giấy sạch một lượng nhỏ bột sắt và bột lưu huỳnh theo tỉ lệ 7:4 về khối lượng. Trộn thật đều hỗn hợp hai bột trên rồi cho vào ống nghiệm chịu nhiệt độ cao.
Dùng cặp gỗ cặp ống nghiệm đun trên ngọn lửa đèn cồn. Lưu ý để đáy ống ở điểm nóng nhất của ngọn lửa đèn cồn (1/3 chiều cao ngọn lửa tính từ trên xuống)
b. Quan sát hiện tượng và giải thích
Bột sắt có màu ghi xám, bột lưu huỳnh có màu vàng, hỗn hợp bột sắt và bột lưu huỳnh có màu ghi ngả vàng.
Đun nóng mạnh đáy ống nghiệm cho đến khi một phần hỗn hợp nóng sáng lên thì ngừng đun, toàn bộ hỗn hợp tiếp tục tự nóng sáng lên và chuyển dần thành cahát rắn màu xám. Đó là sắt sunfua. Phương trình hoá học:
Fe + S t° FeS
c. Chú ý:
Thí nghiệm chỉ thành công khi dùng bột sắt còn mới chưa bị oxi hoá ngoài không khí (có màu ghi sáng) và được trộn đều với bột lưu huỳnh theo đúng tỉ lệ.
Trong quá trình đun nóng hơi lưu huỳnh bay lên rất độc, giáo viên nhắc học sinh hướng miệng ống nghiệm về phía không có người và xuôi chiều gió để không hít phải hơi lưu huỳnh.
TN 3: Nhận biết mỗi kim loại Al, Fe được đựng trong hai lọ không dán nhãn.
a. Chuẩn bị và tiến hành thí nghiệm
Đánh số thứ tự cho hai lọ đựng bột kim loại.
Cho vào ống nghiệm (1) nửa thìa thuỷ tinh bột kim loại được lấy từ lọ thứ nhất. Cho vào ống nghiệm (2) nửa thìa thuỷ tinh bột kim loại được lấy từ lọ thứ hai.
Nhỏ vào mỗi ống nghiệm 5 giọt dung dịch NaOH.
b. Quan sát hiện tượng xảy ra
Từ một trong hai ống nghiệm nói trên có khí không màu thoát ra, bột kim loại tan dần. Như vậy bột kim loại chứa trong ống nghiệm này là Al, vì chỉ Al có phản ứng với kiềm. Căn cứ vào số thứ tự đã ghi trên ống nghiệm và trên thành lọ ta nhận biết được lọ chứa bột Al, lọ còn lại chứa bột Fe.
4- Nội dung tường trình thí nghiệm:
1. Họ và tên học sinh:	 lớp 	
2. Tên bài thực hành: Tính chất hoá học của nhôm và sắt
3. Nội dung tường trình:
a. Trình bày tóm tắt cách tiến hành thí nghiệm, hiện tượng quan sát được, viết phương trình hoá học các thí nghiệm:
TN1: Tác dụng của nhôm với oxi
TN2: Tác dụng của sắt với lưu huỳnh
b. Trình bày cách nhận biết mỗi kim loại: Al, Fe được đựng trong hai lọ không dán nhãn.
Phần III: kết luận
- Hầu hết các tiết dạy hoá học ở trường THCS có nội dung thí nghiệm thực hành cho nên đề tài thường xuyên được áp dụng trong quá trình dạy và học Hoá học.
- Trong đổi mới phương pháp dạy học môn Hoá học ở Trường THCS thì việc sử dụng thiết bị thí nghiệm có hiệu qủa là một trong những mục tiêu quan trọng vì thế đề tài đã được áp dụng có hiệu qủa trong quá trình giảng dạy môn hoá học ở trường THCS.
- Phương pháp tiến hành thí nghiệm hoá học ở trường THCS giúp cho việc hình thành cho học sinh một số kỹ năng tiến hành thí nghiệm đơn giản thông qua đó giúp học sinh nắm vững kiến thức, giúp các em có niềm tin vào khoa học, hứng thú say mê yêu thích môn học hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Sách giáo khoa và sách giáo viên Hoá học lớp 8.
2. Sách giáo khoa và sách giáo viên Hoá học lớp 9.
3. Tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị thí nghiệm Hoá học lớp 8.
4. Phương pháp tiến hành thí nghiệm hoá học.
 Gia Khánh, ngày 10 tháng 10 năm 2008
Người viết
Trần Thị Lan

File đính kèm:

  • docG SKKN Hoa Hoc lan.doc
Sáng Kiến Liên Quan