Sáng kiến kinh nghiệm Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong nhà trường THCS

 Đội ngũ giáo viên (GV) có vai trò rất quan trọng việc thực hiện nhiệm vụ Giáo dục của Đảng. Họ là những người thực thi những nhiệm vụ, các kế hoạch của đơn vị, họ quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của một nhà trường. Bàn về vị trí vai trò của người thầy giáo, trong sự nghiệp giáo dục, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết “Thầy giáo là nhân vật trung tâm trong nhà trường, là người quyết định đào tạo nên những con người mới XHCN”. Thủ tướng còn chỉ rõ thêm “ Vấn đề lớn nhất trong giáo dục của ta hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ GV dần dần trở thành một đội quân đủ năng lực, đủ tư cách làm tròn sứ mệnh của mình. Chất lượng giáo dục trước mắt và tương lai tuỳ thuộc vào đội ngũ này. Cho nên lo cho chất lượng, lo cho CCGD thì khâu quan trọng bậc nhất là lo cho đội ngũ GV. Phải thực sự lo và có một biện pháp từ Bộ đến địa phương. Bộ phải coi đây là công tác trọng yếu nhất, phải kiên trì làm trong nhiều năm, phải làm cho GV có đạo đức tốt hơn, có ý thức với nghề, có tâm hồn với trẻ. Không có GV tốt thì không có nhà trường tốt, không có giáo dục tốt thì không có chất lượng cao. Muốn đạt được như vậy điều quan trọng trước tiên là phải lo bồi dưỡng đội ngũ GV của ta làm sao để có đủ trình độ về chính trị, nghiệp vụ văn hoá để ngày mai dạy tốt hơn bây giờ”.

 Nghị quyết TƯ 2 khoá VIII của Đảng đã khẳng định “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Vấn đề trên đòi hỏi chúng ta - Những nhà làm công tác quản lý phải nhận thức sâu sắc là phải bồi dưỡng đội ngũ GV mới đáp ứng được công cuộc CNH - HĐH đất nước.

 Nghị quyết thứ lần thứ 2 BCH TƯ Đảng khoá VIII đã chỉ rỏ: “ Đội ngũ GV vừa thiếu, vừa yếu, nhìn chung chất lượng GV chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GD - ĐT trong giai đoạn mới”.

 

doc8 trang | Chia sẻ: lacduong21 | Lượt xem: 1624 | Lượt tải: 5Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong nhà trường THCS", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ
 giáo viên trong nhà trường THCS
I - Đặt vấn đề 
 Đội ngũ giáo viên (GV) có vai trò rất quan trọng việc thực hiện nhiệm vụ Giáo dục của Đảng. Họ là những người thực thi những nhiệm vụ, các kế hoạch của đơn vị, họ quyết định chất lượng giáo dục đào tạo của một nhà trường. Bàn về vị trí vai trò của người thầy giáo, trong sự nghiệp giáo dục, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết “Thầy giáo là nhân vật trung tâm trong nhà trường, là người quyết định đào tạo nên những con người mới XHCN”. Thủ tướng còn chỉ rõ thêm “ Vấn đề lớn nhất trong giáo dục của ta hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ GV dần dần trở thành một đội quân đủ năng lực, đủ tư cách làm tròn sứ mệnh của mình. Chất lượng giáo dục trước mắt và tương lai tuỳ thuộc vào đội ngũ này. Cho nên lo cho chất lượng, lo cho CCGD thì khâu quan trọng bậc nhất là lo cho đội ngũ GV. Phải thực sự lo và có một biện pháp từ Bộ đến địa phương. Bộ phải coi đây là công tác trọng yếu nhất, phải kiên trì làm trong nhiều năm, phải làm cho GV có đạo đức tốt hơn, có ý thức với nghề, có tâm hồn với trẻ. Không có GV tốt thì không có nhà trường tốt, không có giáo dục tốt thì không có chất lượng cao. Muốn đạt được như vậy điều quan trọng trước tiên là phải lo bồi dưỡng đội ngũ GV của ta làm sao để có đủ trình độ về chính trị, nghiệp vụ văn hoá để ngày mai dạy tốt hơn bây giờ”.
 	 Nghị quyết TƯ 2 khoá VIII của Đảng đã khẳng định “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Vấn đề trên đòi hỏi chúng ta - Những nhà làm công tác quản lý phải nhận thức sâu sắc là phải bồi dưỡng đội ngũ GV mới đáp ứng được công cuộc CNH - HĐH đất nước.
 	 Nghị quyết thứ lần thứ 2 BCH TƯ Đảng khoá VIII đã chỉ rỏ: “ Đội ngũ GV vừa thiếu, vừa yếu, nhìn chung chất lượng GV chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GD - ĐT trong giai đoạn mới”. 
 	 Đội ngũ GV Trường THCS Văn Thuỷ cũng nằm trong nhận định đó: Vừa thiếu vừa không đồng bộ, nguồn đào tạo đa dạng. Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học kỷ thuật, trước sự đòi hỏi ngày càng cao của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, đội ngũ GV gặp rất nhiều khó khăn trước nhiệm vụ được giao. Vậy cần phải làm gì đây để có một đội ngũ có trình độ chuyên môn vững vàng? Từ vai trò vị trí của người GV, từ thực tế của trường, từ sự băn khoăn của bản thân, tôi chọn đề tài “Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ GV trong nhà trường THCS ”.
II. Tình hình đội ngũ trường THCS Văn Thuỷ:
*Tổng số cán bộ giáo viên 22 (Nữ: 12). Trong đó:
- 2 cán bộ quản lý, 4 nhân viên (2 nhân viên hợp đồng ngắn hạn), 16 giáo viên (3 GV mới vào biên chế đang thời kỳ tập sự).
- Tuổi đời cao nhất: 53. Tuổi đời thấp nhất 29. Bình quân tuổi đời: 32,5. 
- Tuổi nghề cao nhất: 29. Tuổi nghề thấp nhất: < 1. Bình quân tuổi nghề: 10,4
- Trình độ đào tạo: 4 Đại học, 14 CĐSP và 4TC.
- Trình độ Tin học: 21/22 có chứng chỉ A và chứng chỉ B Tin học.
- Trình độ Ngoại ngữ: 6/22 có chứng chỉ ngoại ngữ trở lên.
- Đảng viên: 10/22. Trong đó có 2 Đảng viên đạt trình độ TCCT.
- Năng lực sư phạm: + Tốt: 6 đạt 27,3%
 + Khá: 10 đạt 45,5%
 + TB: 4 đạt 18,2%
 + TB yếu: 2 đạt 9%
* Một số nhận định về đội ngũ:
- Thuận lợi:
 Đội ngũ có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm , yêu nghề, nhiệt tình công tác, hầu hết được đào tạo chính quy và phần lớn đạt chuẩn trở lên, có chí tiến thủ, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Khó khăn:
+ Trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, số lớp ít (8 lớp, 2 lớp/ khối) nên cường độ làm việc của GV lớn, nhất là khâu soạn bài. Cơ cấu đội ngũ không đồng bộ, một số GV không thuộc hệ đào tạo phải dạy chéo môn ( Môn Thể dục)
+ Một số GV mới ra trường chưa được bồi dưỡng thay sách, loại hình đào tạo đa dạng nên gặp nhiều trở ngại trong công tác dạy học.
+ Một số GV lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo, chủ nghĩa kinh nghiệm còn nặng, ít có nhu cầu học tập nâng cao kiến thức, do đó thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông còn hạn chế.
III-Xác định tiêu chuẩn nội dung và hình thức bồi dưỡng của người GV trong nhà trường THCS.
1-Tiêu chuẩn của người giáo viên trong xã hội hiện nay:
 - Trước tiên người GV phải là người công dân tốt, có đầy đủ phẩm chất “Tài và Đức”. Đây là hai mặt để tạo nên nhân cách con người phát triển toàn diện. Người GV phải có trình độ sư phạm tối thiểu: CĐSP trở lên đối với bậc THCS và phải phấn đấu để nâng chuẩn từ CĐSP lên Đại học, trên Đại học.
- Người GV phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, nên phải là người có đạo đức tư tưởng trong sáng, có tác phong mẫu mực, có lối sống lành mạnh, nhận thức đúng đắn đường lối của Đảng nhất là lĩnh vực giáo dục, vận dụng quan điểm chính thống vào giảng dạy, kiên định đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Thông qua các buổi học Nghị quyết, nghe thời sự, đọc báo, tài liệu để từng bước nâng cao nhận thức của bản thân . Có thể nói tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá GV là sự tiến bộ của học sinh.
2-Nội dung cần bồi dưỡng:
2.1. Bồi dưỡng về tư tưởng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp
- Về tư tưởng chính trị, đạo đức: Bồi dưỡng GV có ý thức tuyệt đối trung thành với đường lối của Đảng, phải yêu lao động, trọng lẽ phải, không ngừng học tập tu dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng GV có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống trong sáng, giản dị, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
- Về phẩm chất nghề nghiệp: Bồi dưỡng cho GV có lí tưởng nghề nghiệp đúng đắn; bồi dưỡng lòng yêu nghề, mến trẻ; bồi dưỡng tinh thần “Dân chủ - kỉ cương- tình thương - trách nhiệm”, thực hiện tốt cuộc vận động “ Hai không” với 4 nội dung.
2-2 Bồi dưỡng về văn hoá chuyên môn nghiệp vụ .
- Kho tàng tri thức của nhân loại là vô tận và luôn có sự đổi mới. Tri thức là chìa khoá vạn năng giúp con người mở cửa cuộc đời. Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học kỉ thuật và công nghệ đang diễn ra như vũ bảo, đội ngũ giáo viên là người đi dạy người khác mà không tự bồi dưỡng, không bổ sung chuyên môn nghiệp vụ cho mình thì sẽ bị mai một kiến thức và tụt hậu. 
- Năng lực chuyên môn của GV được thể hiện qua việc: 
+ Nắm chương trình, SGK từng môn, từng lớp, nắm chuẩn kiến thức, kỉ năng từng môn, từng chương, từng phần .
+ Xác định đúng, đủ mục tiêu bài dạy.
+ Truyền thụ rỏ ràng chính xác , có hệ thống kiến thức cơ bản bài dạy.
+ Tổ chức và sử dụng phương pháp dạy học, phương tiện dạy học hiện đại, linh hoạt phù hợp với nội dung bài học và đặc trưng bộ môn.
+ Đánh giá đúng khả năng của học sinh, chấm bài, cho điểm đánh giá học sinh chính xác, công bằng, khách quan.
- Hoạt động nghiệp vụ của GV được thể hiện qua 3 khâu cơ bản: Soạn bài- lên lớp- chấm chữa, đánh giá xếp loại học sinh. Ba khâu này tạo thành một chu trình khép kín công việc của người thầy. Vì thế, khâu nào cũng rất quan trọng không thể xem nhẹ. Vì vậy, người cán bộ quản lí phải biết tiếp sức cho GV cả 3 khâu: Soạn bài ( thiết kế xây dựng bài soạn điển hình cho từng kiểu dạng bài), lên lớp ( qua thao giảng dự giờ), chấm chữa xếp loại học sinh ( qua việc kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn). Muốn tiếp sức bồi dưỡng kịp thời cho đội ngũ, người cán bộ quản lí phải làm tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học.
IV.Một số giải pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GV của người cán bộ quản lí.
1-Xác định đúng tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng cán bộ GV.
 Đội ngũ GV là lực lượng lao động chủ yếu, giử vai trò quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công của nhà trường. Thế nhưng trên thực tế đội ngũ GV nói chung còn gặp khó khăn và nhiều mặt hạn chế trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục . Trước tình hình đó, việc chăm lo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GV có đủ phẩm chất năng lực công tác là vấn đề quan trọng đối với người Hiệu trưởng trong nhà trường THCS nói riêng, trong nhà trường phổ thông nói chung. Đối tượng quản lí của Hiệu trưởng là GV, là “Con người” một yếu tố năng động nhất, quyết định nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Có thể khẳng định: Xây dựng bồi dưỡng đội ngũ GV là công tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của người Hiệu trưởng (HT).
2-Lập kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ GV:
 HT phải biết nghiên cứu, phân tích, điều tra nắm tình hình, đánh giá phân loại giáo viên với các công việc cụ thể: Ngay từ đầu năm học điều tra để nắm đội ngũ GV, để phân loại chi tiết cụ thể chất lượng đội ngũ GV. Qua đó, Ban giám hiệu (BGH) lập danh sách từng GV cần bồi dưỡng những mặt nào? Từ đó, lập kế hoạch bồi dưỡng từng mặt: tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ chuyên môn... Đồng thời, sau khi đã nắm được mặt mạnh, mặt hạn chế của đội ngũ để xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn hay dài hạn cho từng giai đoạn, từng học kì , từng năm.
3-Phối hợp sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ GV.
 	 Người HTphải biết dựa vào tổ chức nồng cốt là chi bộ Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên để tổ chức tốt các phong trào thi đua tu dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ GV, bồi dưỡng cho đội ngũ GV về tư tưởng, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc học tập nghiên cứu, nghe báo cáo sinh hoạt tập thể, duy trì tốt phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “ Dân chủ - kỉ cương - tình thương - trách nhiệm”, 
“ Dạy tốt, học tốt”. Người HT phải biết kết hợp các đoàn thể để bồi dưỡng đạo đức, tác phong, nâng cao tầm hiểu biết cho đội ngũ GV.
4-Thực hiện nề nếp sinh hoạt chuyên môn và đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng cho đội ngũ.
4-1:Thực hiện có nề nếp sinh hoạt chuyên môn ở HĐSP và tổ chuyên môn: 
 Tổ chuyên môn đóng vài trò hết sức quan trọng trong nhà trường nếu được sinh hoạt tốt thì rất có tác dụng thiết thực trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, nếu sinh hoạt qua loa, chiếu lệ thì sẽ trở thành hình thức, ít hiệu quả. Trước đây, sinh hoạt chuyên môn thường nặng về đánh giá kiểm điểm, như vậy không đem lại hiệu quả thiết thực cho GV và lảng phí thời gian .
 	 Để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, là người HT phải biết định rỏ cụ thể nội dung sinh hoạt chuyên môn, giành thời gian ưu tiên cho việc giải quyết những vướng mắc trong chuyên môn, tổ chức đúc rút kinh nghiệm về xây dựng giáo án bài soạn, về dự giờ thăm lớp, thao giảng giờ dạy. Nội dung sinh hoạt tổ cần đi sâu ôn lại, có dạy minh hoạ lại các chuyên đề, từ đó góp ý hoàn chỉnh chuyên đề rồi mới áp dụng đại trà.
4-2: Đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng - Tự bồi dưỡng cho đội ngũ:
- Bồi dưỡng theo chuyên đề do Phòng GD-ĐT tổ chức
- Tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm và tham gia hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học từng bộ môn, để nắm bắt một cách tường minh về phương pháp giảng dạy .
- Sau mỗi lần tiếp thu chuyên đề về trường, BGH cùng tổ trưởng đi sâu nghiên cứu kỉ chuyên đề, bàn bạc và thống nhất phương án triển khai, đồng thời cử GV dạy giỏi hoặc giáo viên có năng lực khá dạy mẫu, để đội ngũ nắm bắt cụ thể hơn về tinh thần của chuyên đề.
- Mỗi một chuyên đề như vậy yêu cầu GV xem xét nghiên cứu và qua thực tế để rút ra những ưu điểm và tồn tại . Đây cũng là hình thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho mỗi GV.
- Mặt khác, HT còn mời các chuyên viên, màng lưới chuyên môn nghiệp vụ của Phòng GD-ĐT về bồi dưỡng thêm cho đội ngũ GV.
- Những đồng chí chưa đạt chuẩn, HT lập danh sách đề nghị với Phòng GD-ĐT cử đi học các lớp chuẩn hoá tại chức hoặc từ xa. Những GV dạy giỏi, những GV có năng lực đã đạt chuẩn đào tạo thì đề nghị Phòng GD-ĐT cho đi học để nâng chuẩn đào tạo để có kế hoạch tạo nguồn lâu dài.
 Từ những việc làm đó, HT đã kích thích động viên đội ngũ GV hăng say thi đua có ý thức trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của mình.
5- Đẩy mạnh dự giờ thăm lớp và thao giảng cho đội ngũ GV:
5-1: Tổ chức thường xuyên dự giờ thăm lớp đúc rút kinh nghiệm giờ dạy:
Đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường. Hàng tuần, HT đều có lịch dự giờ GV, bố trí P.HT, tổ trưởng chuyên môn và GV có năng lực khá giỏi dự giờ ( Có thể báo trước hoặc báo trước 15 phút) để nắm bắt tình hình giảng dạy của đội ngũ. Qua dự giờ nhằm đúc rút kinh nghiệm chỉ ra mặt mạnh - yếu để đội ngũ khắc phục phát huy. Trong lĩnh vực này, nhà trường ưu tiên dự giờ nhiều đối với GV yếu, GV mới ra nghề và GV khá giỏi để tiếp sức cho đội ngũ và xây dựng GV dạy giỏi.
5-2: Thao giảng
Nhà trường tổ chức thường xuyên hoạt động này nhân các ngày lễ lớn. Qua thao giảng đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong nhà trường, là dịp để đội ngũ GV “Thi tài, đua sức”. Qua đó, nhà trường nắm bắt những thành công, những hạn chế của đội ngũ để góp ý giúp đỡ. Những tiết thao giảng này, người lên lớp chủ yếu là GV có năng lực nên rất có ý nghĩa đối với GV mới ra trường, GV có tay nghề còn non.
6- Duy trì tốt hoạt động SHCM liên trường:
- Xác định đây là chủ trương đúng đắn của Phòng GD-ĐT nên trường đã nghiêm túc thực hiện khá tốt. Đặc thù trường có số lớp ít, GV trong một khối ít nên rất hạn chế về trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ. Qua sinh hoạt chuyên môn (SHCM) liên trường nhằm tháo gỡ những vứng mắc khó khăn và học tập kinh nghiệm của trường bạn. Do vậy, ngoài lịch của Phòng, trường chủ động liên hệ với trường bạn cùng hợp tác tổ chức SHCM các trường trong cụm để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ.
7- Làm tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học:
- Đây là hoạt động không thể thiếu trong một nhà trường góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng GV. Kiểm tra không ngoài mục đích là để nắm bắt tình hình đội ngũ, đánh giá chất lượng đội ngũ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng cho họ, tiếp sức cho họ hoàn thành nhiệm vụ. HT phải làm tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học. Cụ thể:
+Lên kế hoạch kiểm tra (Năm, tháng, tuần) phù hợp tình hình thực tại của đơn vị. Kế hoạch kiểm tra phải bám sát Hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Ngành.
+ Thành lập Ban kiểm tra nội bộ trường học, phân công rõ người, rõ việc và thực hiện kiểm tra theo kế hoạch.
+ Kiểm tra phải thực hiện theo một chu trình khép kín: Thông báo kế hoạch kiểm tra - Kiểm tra - Xữ lý thông tin kiểm tra - Trả thông tin cho đối tượng kiểm tra - Thông báo kết quả kiểm tra trong HĐSP.
8- Làm tốt công tác thi đua khen thưởng:
- Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo chất xúc tác cho đội ngũ luôn luôn tự học, tự rèn, tự phấn đấu để nâng cao trình độ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao người HT phải làm tốt công tác thi đua khen thưởng trong đơn vị.
- Xây dựng tiêu chí thi đua sát đúng phù hợp đồng thời định ra mức thưởng hợp lý.
- Công tác thi đua phải đảm bảo công bằng, khách quan, công khai dân chủ.
V- Kết quả:
- Qua nhiều năm tích cực bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, nhất là năm học vừa qua, đội ngũ GV trường THCS Văn Thuỷ ngày càng vững vàng đạt các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của một nhà giáo.
- Về phẩm chất: Tất cả CB -GV-NV có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong lối sống trong sáng lành mạnh, chấp hành tốt mọi đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đảm bảo danh dự uy tín của người thầy.
- Về năng lực, tay nghề: 100% đội ngũ đạt TB trở lên, không có GV yếu. Số GV khá giỏi ngày càng tăng. Năm học 2007-2008 trường xây dựng đạt thêm 2 GV dạy giỏi cấp Huyện. Đến nay, trường đã bồi dưỡng được 8 GV dạy giỏi cấp huyện, trong đó có 1 GV dạy giỏi cấp tỉnh. Số GV đạt khá giỏi theo đánh giá xếp loại của trường đạt 95,5%. Trường có một đội ngũ bồi dưỡng HS giỏi, bồi dưỡng HS năng khiếu khá vững vàng hàng năm đều có giải đồng đội và nhiều giải cá nhân. Đặc biệt, năm học này trường đạt thành tích khá cao về các Hội thi. Thi HS giỏi huyện trường đạt 1 giải ba và 3 giải KK. Thi năng khiếu, trường đạt giải ba đồng đội về Hội thi “Phòng chống ma túy”, giải ba đội bóng chuyền nữ, 3 giải nhất, 1giải nhì và 2 giải ba HKPĐ huyện; 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc HKPĐ tỉnh và 1 huy chương vàng HKPĐ cấp quốc gia tại khu vực miền Trung. Hội thi cấp xã đạt giải ba đội bóng chuyền nữ và giải nhất thi kể chuyện về “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
- Kết quả bồi dưỡng thường xuyên: 100% đạt TB trở lên. Trong đó trên 70% khá giỏi.
- Trong năm, trường đã tạo điều kiện cho 2 đ/c đi học Đại học tại chức, 1 đ/c đi học Cao đẳng, 1 đ/c đi học TCCT. Đến nay, trường đã có: 5 đại học, 15 cao đẳng và 2 Trung cấp. Đã kết nạp thêm 1 Đảng viên nữa là 10 đ/c. Trong đó, ba Đảng viên có trình độ TCCT.
- Trong năm học này, Phòng thanh tra chuyên đề trường về thực hiện cuộc vận động “Hai không” và xây dựng chuẩn quốc gia. Kết quả, Ngành nhận xét, đánh giá khá tốt về kế hoạch, triển khai thực hiện của nhà trường, của GV, không có CB-GV-NV bị nhắc nhở phê bình.
- Kết quả thi đua cuối năm, trường có: 5 CSTĐ cơ sở đạt 22,7%%, 11 LĐTT đạt 50%, 6 HTNV đạt 27,3%. Trường tự nhận đạt danh hiệu tập thể lao động Tiên tiến. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đều đạt danh hiệu vững mạnh, riêng Liên đội được Hội đồng đội huyện xếp loại vững mạnh xuất sắc.
- Xếp loại năng lực sư phạm đội ngũ: 
+ Loại tốt: 6 đạt 27,3%
+ Loại khá: 15 đạt 68,2%
+ Loại TB: 1 đạt 4,5%
+ Không có yếu.
- Xếp loại công chức:
+ Loại xuất sắc: 6 đạt 27,3%
+ Loại khá: 15 đạt 27,3%
+ Loại TB: 1 đạt 4,5%. Không có kém.
- Nhờ vậy, chất lượng dạy học đạt chỉ tiêu giao của PGD, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%.
VI- Bài học kinh nghiệm:
 Qua thực tiễn bồi dưỡng đội ngũ chúng tôi rút ra những bài học sau:
Để nâng cao chất lượng đội ngũ người cán bộ quản lý phải:
- Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
- Có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với tình hình điều kiện của đội ngũ.
- Tiến hành thường xuyên tạo nên nề nếp ổn định. Nội dung bồi dưỡng, kết quả bồi dưỡng phải được kiểm tra theo dõi chặt chẽ.
- Coi trọng vai trò tự bồi dưỡng của cá nhân và tổ chuyên môn.
- Quan tâm xây dựng lực lượng nồng cốt, hạt nhân của chuyên môn để đảm đương các công việc trọng yếu của nhà trường vừa lấy đó làm mới cho phong trào tự học, tự bồi dưỡng cho đội ngũ.
- HT tham mưu tích cực cho Ngành trong việc giới thiệu GV đi học. Đồng thời Ngành phải tạo mọi điều kiện bố trí đội ngũ đi học để đạt chuẩn và nâng chuẩn đào tạo.
VII- Kết luận:
 Là người HT cần quán triệt và nhận thức đúng đắn về công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ GV trong nhà trường phổ thông. Xác định công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ GV là hướng đi đúng đắn và đóng vai trò quan trọng của người HT. Nếu chúng ta không có kế hoạch bồi dưỡng thì không có một đội ngũ đủ mạnh cả về lượng lẫn về chất. Công việc này khó khăn, gian khổ, lâu dài thường xuyên, đòi hỏi người Hiệu trưởng linh hoạt, sáng tạo, kiên trì và phải biết vận dụng sức mạnh tổng hợp trong quá trình bồi dưỡng. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ là trách nhiệm của các cấp, trong đó vai trò của người Hiệu trưởng là điều kiện tiên quyết.
 Văn Thuỷ, ngày 20 tháng 5 năm 2008
 	 Người viết
Lê Quý Thành

File đính kèm:

  • docMOT SO GIAI PHAP DE NANG CAO CHAT LUONG DOI NGU_Le Quy Than_THCS Van Thuy.doc
Sáng Kiến Liên Quan