Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng và nâng cao hiệu quả câu đó trong công tác giảng dạy ở nhà trường

 Câu đố là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt dân gian của dân tộc. Đố - giải, ngược lại, giải xong lại đố là nguồn kiến thức không bao giờ cạn nhằm nâng cao năng lực tư duy cho nhân dân và được nhân dân rất ưa chuộng. Có thể nói một cách ngắn gọn, câu đố là sự thu nhập những giá trị dân gian hay nhất, giá trị nhất từ các thể loại dân gian khác như: Tục ngữ, ca dao, dân ca Câu đố không chỉ có giá trị về mặt nhận thức mà nó còn hấp dẫn người đọc ở tính chất trữ tình, truyền cảm. Có lẽ nhờ vậy mà câu đố đã đi vào từng ngõ ngách của các gia đình Việt Nam, vào trong tư duy của các em bé ngây thơ đến cụ già đầu bạc. Câu đố trở thành một bộ phận quan trọng, gần gũi nhất với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân ta.

Đối với trẻ thơ nhất là lứa tuổi học sinh Tiểu học thì câu đố càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc bồi dưỡng và nâng cao trí tuệ, tình cảm cho các em. Nó như chất men say làm kích thích trí tò mò, say mê hiểu biết của học sinh.

Vì vậy, câu đố là một phương tiện nhận thức đặc biệt, nhất là đối với học sinh Tiểu học. Cho nên bản thân người giáo viên Tiểu học phải xác định và hiểu rõ mặt giá trị này của câu đố. Trên cơ sở đó mới có thể phát huy được năng lực sư phạm của mình vào việc vận dụng và nâng cao hiệu quả câu đố trong công tác giảng dạy ở nhà trường. Để từ đó có thể bồi dưỡng cho học sinh vốn hiểu biết cũng như những tố chất tình cảm cần thiết của một con người. Đó chính là lý do khiến tôi chọn sáng kiến kinh nghiệm này.

 

doc19 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 4882 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng và nâng cao hiệu quả câu đó trong công tác giảng dạy ở nhà trường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ễ nhận biết đối với học sinh Tiểu học. Ngôn từ bình dị, giản đơn , cách sử dụng vần điệu hoặc âm thanh cũng không theo một quy luật cứng nhắc nào cả là một trong những đặc điểm về hình thức của câu đố. Cách gieo vần trong những câu đố rất linh hoạt thu hút được sự hấp dẫn đối với trẻ, dễ đọc và dễ nhớ:
Mẹ bò dưới đất
ấp ổ trứng tròn
Chẳng thấy nở con
Mà toàn là củ
 ( Cây khoai lang)
Bên cạnh những câu đố được sáng tác theo thể thơ bốn chữ, thơ sáu chữ, trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học còn xuất hiện những câu đố được làm theo thể thơ lục bát âm điệu ngọt ngào, sâu sắc với lối sử dụng vần bằng nhẹ nhàng, uyển chuyển giúp cho các em dễ nhớ và dễ thuộc:
Hai cây cùng có một tên
Cây xòe mặt nước, cây lên chiến trường
Cây này bảo vệ quê hương
Cây kia hoa nở ngát thơm mặt hồ
 ( Khẩu súng - Hoa súng)
Hoa gì đơm lửa rực hồng
Lớn lên hạt ngọc đầy trong bị vàng
 ( Hoa lựu)
Có thể nói, các thể thơ ca dân tộc xuất hiện trong câu đố, đặc biệt là thể thơ bốn chữ và thể thơ lục bát có sức hấp dẫn và lôi cuốn kì lạ đối với các em. Ngôn từ dùng trong những câu đố này là vốn ngôn ngữ thường dùng, cách diễn tả cũng là cách diễn tả quen thuộc, hồn nhiên, tươi vui và dí dỏm. Từ việc mô tả những đồ dùng, loài vật xung quanh đến những hình ảnh, nhân vật lịch sử xa xôi trong quá khứ đều được nói ra bằng những từ ngữ giản đơn nhưng sâu sắc, hiệu quả. Làm cho các em hiểu được, rung cảm được, đem lại một lợi ích về tâm hồn, tư tưởng.
Cách gợi mở trí tuệ
a. Miêu tả trực tiếp vật đem ra đố.
Do đặc điểm của học sinh Tiểu học nên phần lớn các câu đố trong chương trình đều dùng phương pháp miêu tả trực tiếp đặc điểm, hình dáng, chức năng, nguồn gốc,của sự vật hiện tượng. Đây là câu đố về cây gạo:
Cây gì hoa đỏ như son
Tên gọi như thể thổi cơm ăn liền
Tháng ba đàn sáo huyên thuyên
Ríu rít đến đậu đầy trên lá cành.
Cây gạo trong câu đố này hiện lên thật đẹp và sống động với những đặc điểm riêng biệt về màu đỏ của hoa, về tên gọi cùng hình ảnh đàn chim sáo ríu rít bay về khi tháng ba tới.
Câu đố về cái thang lại hiện lên với hình dáng lênh khênh cao lớn nhưng không tự mình đứng được mà phải tựa vào vật khác:
Cái gì cao lớn lênh khênh
Đứng mà không tựa ngã kềnh ra ngay
Ngoài ra nhiều câu đố nêu rõ hình thức và công dụng của sự vật . Đố về cái thước kẻ:
Vừa dài mà lại vừa vuông
Giúp nhau kẻ chỉ vạch đường thẳng ngay.
 .
b.Miêu tả gián tiếp vật đem ra đố
Bên cạnh những câu dố dùng hình thức miêu tả trực tiếp - tả chân - các sự vật, hiện tượng thì còn có những câu đố được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản là phải giấu tên sự vật rồi hình tượng hóa và phóng đại sự vật với nhiều liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Tạo cho học sinh cảm giác thích thú, góp phần rèn luyện óc sáng tạo và tư duy tưởng tượng cho các em . Nhân hóa là một phương pháp cơ bản được sử dụng trong các câu đố ở Tiểu học.Ví dụ như câu đố về “ bóng điện”, từ một sự vật vô tri đã hóa thân thành một con người có đầu, có tóc qua bốn câu thơ ngộ nghĩnh:
Đầu thì trọc lốc
Tóc thì mọc trong
Hai dây thòng lòng
Có trong nhà bạn
“ Bút chì” lại được phác họa lên với các bộ phận : Ruột, mũi, chân và trở thành một con người kì lạ:
Ruột dài từ mũi đến chân
Mũi mòn ruột cũng dần dần mòn theo.
Cứ như vậy, khi là một con người ngộ ngĩnh với “ cái đầu trọc lốc”, khi là một con người kì lạ với “ ruột dài”, “ mũi mòn” phương pháp nhân hóa làm cho câu đố vô cùng sinh động, dí dỏm, đưa đến các sự vật từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động.
Câu đố ở Tiểu học còn dùng phương pháp động vật hóa:
Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm
 ( Bát đĩa rửa xong xếp lên chạn)
Không gần gũi lao động, không yêu lao động, không gắn bó thân thiết với làng quê Việt Nam, không có tài quan sát thì làm sao mà những chiếc bát cái đĩa vô tri lại trở thành một đàn cò sống động như thế được. ở đây có sự phối hợp đầy đủ hình nét, màu sắc của một đàn cò đang say giấc để tả những chiếc bát bằng sứ khi rửa xong được xếp vào chạn.
Ngoài các biện pháp nghệ thuật nêu trên, trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học còn có những câu đố sử dụng phương pháp thực vật hóa:
Là cây mà chẳng có cành
Có quả mà lại rành rành không hoa
Còn dây thì vươn rất xa,
Xin bạn đoán thử xem là cây chi.
 ( Cây cột điện)
Như vậy câu đố trong chương trình Tiếng việt Tiểu học không chỉ đa dạng về nội dung, sâu sắc về giá trị tư tưởng mà còn khá gần gũi độc đáo trong cách gợi mở trí tuệ đối với học sinh. Các câu đố dù được xây dựng bằng phương pháp miêu trực tiếp hay gián tiếp thì nó vẫn luôn luôn tạo ra sự linh hoạt, hấp dẫn, phù hợp với sự hiểu biết và tư duy của các em. Mỗi lần các em đọc rồi suy nghĩ để tìm lời giải của một câu đố là mỗi lần các em đang rèn luyện tư duy của mình. Và mỗi lần các em tìm được lời giải là mỗi lần các em đã tích lũy thêm được cho mình một chút kiến thức, góp phần hình thành một trí tuệ thông minh, một óc quan sát và phán đoán nhanh nhẹn
Chương II:
Một số đề xuất về phương pháp giảng dạy
Giảng dạy câu đố không chỉ làm cho học sinh Tiểu học hiểu được nội dung của câu đố, hiểu được đối tượng phản ánh trong câu đố mà người giáo viên cần phải làm cho học sinh cảm thụ được cái hay, cái đẹp có trong câu đố. Cảm thụ được cái hay cái đẹp đó mới có thể làm cho tâm hồn các em luôn phong phú, giúp các em có thái độ yêu gét rõ ràng, từ đó mới đạt được chất lượng giáo dục về tư tưởng. Muốn làm được điều đó thì người giáo viên trước hết phải hiểu biết và yêu câu đố, biết rung cảm với những lời nói hay, những tình cảm đẹp trong câu đố.
Đối với lớp 1 và lớp 2 hiện nay khi đưa ra câu đố trong những bài chính tả hoặc bài học vần thì bên cạnh phần đố còn có những tranh minh họa cho lời giải của câu đố. Vậy làm thế nòa để có thể phát huy được tác dụng của những bức tranh minh họa này. Câu hỏi đó sẽ gợi cho mỗi giáo viên một cách suy nghĩ riêng và mỗi giáo viên sẽ tìm ra một phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Tuy nhiên, tôi cũng mạnh dạn đưa ra một vài ý kiến về việc giảng dạy những bài học có nội dung liên quan đến câu đố trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học như sau:
1. Một số suy nghĩ về cách sử dụng đồ dùng và khai thác đồ dùng trực quan vào những bài học có câu đố ở lớp 1 và 2 hiện nay.
Đối với câu đố - một loại hình sáng tạo nghệ thuật dân gian mang tính trí tuệ cao thì việc sử dụng đồ dùng trực quan trong khi giảng dạy là một việc làm cần thiết, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhất là đối với lứa tuổi học sinh ở lớp 1 và lớp 2. Vì ở lứa tuổi này các em mới bước đầu làm quen với hoạt động học, lượng tri thức thực tiễn mà các em tiếp thu được trước đó không nhiều. Dó đó, để cho những kiến thức thực tế qua câu đố đi vào tư duy của các em được dễ dàng hơn thì người giáo viên nên sử dụng đồ dùng trực quan trong bài giảng có liên quan đến câu đố.
Với những câu đố mà trong sách giáo khoa đã có tranh minh họa thì giáo viên có thể sử dụng phương pháp gợi mở - vấn đáp - kết hợp với giảng giải để khai thác nội dung của bức tranh đó.
Ví dụ 1: Khi dạy bài học vần số 58( TV1/1) có câu nói ứng dụng là câu đố về cái thang. Mục đích của bài học này chủ yếu là để học sinh đọc được câu ứng dụng:
Cái gì cao lớn lênh khênh
Đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra?
Giáo viên có thể mở rộng hiểu biết cho các em bằng cách gợi mở để học sinh hiểu được nội dung của những câu đố này. Giáo viên cho học sinh quan sát tranh vẽ trong sách giáo khoa và đặt câu hỏi gợi mở:
+ Bức tranh vẽ những gì? ( Bức tranh vẽ hai em bé nắm tay nhau, một cái thang và một cây rơm)
+ Trong những sự vật đó thì sự vật nào có thể tự đứng được, sự vật nào phải tựa vào vật khác? ( Cái thang phải tựa vào cây rơm)
+ Vậy lời giải của câu đố này là cái gì? ( Cái thang)
Sau khi tìm lời giải của câu đố thì giáo viên có thể liên hệ thêm cho học sinh biết về những tác dụng của chiếc thang đối với cuộc sống con người.
Ví dụ 2: Dạy bài chính tả “ Câu đố” về con ong ( TV1/11)
Trước hết giáo viên phải cho học sinh đọc câu đố rồi sau đó sử dụng tranh minh họa như những gợi ý để học sinh tự giải đố . Giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi sau:
+ Bức tranh vẽ cảnh gì?( Vẽ một con vật nhỏ có cánh đang bay trên một bông hoa)
+Trong cuộc sống, các em đã gặp những con vật có hình dáng giống con vật trong tranh vẽ mà lại tìm hoa hút mật chưa? Đó là con gì vậy? ( Con ong)
Sau khi đã tìm ra lời giải thì giáo viên phải biết liên hệ mở rộng thêm để giáo dục cho học sinh những giá trị tư tưởng của câu đố này. Có thể đặt ra câu hỏi để học sinh liên hệ như sau:
+ Con ong là một con vật có ích hay có hại?
+ Chúng ta cần phải học tập con ong này điều gì?
Bên cạnh những câu đố có vẽ sẵn tranh minh họa trong sách giáo khoa thì còn có những câu đố lời đố không có tranh minh họa ( chủ yếu ở lớp 2) thì giáo viên trước khi giảng dạy trên lớp cần tìm hiểu kĩ về nội dung của câu đố. Nếu thấy sự vật được phản ánh trong câu đố khá xa lạ với đối tượng học sinh của mình thì giáo viên cần chuẩn bị thêm những tranh ảnh minh họa về nội dung câu đố nhằm giúp cho học sinh có thể giải đố và hiểu về sự vật, hiện tượng được phản ánh trong câu đố một cách rõ ràng và sâu sắc hơn.
Ví dụ : Câu đố về cánh buồm ( TV1/II):
Cũng gọi là là cánh như chim
Những ngày lặng gió nằm im khoang thuyền.
Chờ cơn gió lộng kéo lên
Cho thuyền rời bến tới miền khơi xa.
Đối với học sinh miền núi thì cánh buồm là một vật khá xa lạ mà thường ngày các em chỉ được thấy qua sách báo, tranh ảnh. Thậm chí ở một số nơi vùng cao có em lớp 1 còn chưa được nhìn thấy cánh buồm bao giờ, không biết cánh buồm là gì? Vì vậy đối với những đối tượng học sinh này thì tranh ảnh minh họa về cánh buồm kết hợp với sự giảng giải sơ lược của giáo viên về tác dụng và cấu tạo của cánh buồm đóng một vai trò vị trí quan trọng trong việc cung cấp tri thức, hiểu biết cho các em.
Như vậy, tùy theo từng nội dung, yeu cầu của bài học của đối tượng học sinh mà giáo viên cần sử dụng đồ dùng trực quan cho phù hợp và hiệu quả. Đồ dùng trực quan ở đây không nhất thiết là tranh ảnh minh họa mà có thể là những đồ vật, cây quả thật có sẵn trong cuộc sống. 
2. Phát huy hiệu quả của câu đố vào việc vận dụng câu đố trong những trò chơi “Đố vui” dành cho học sinh Tiểu học.
Câu đố ở Tiểu học phần lớn để cho các em tự tìm tòi suy nghĩ theo lối tư duy riêng của từng học sinh, phần lớn không có sự giảng giải, gợi mở trực tiếp, cụ thể của giáo viên. Vì thế, để nâng cao vai trò hiệu quả giáo dục cũng như giá trị tư tưởng của câu đố đối với học sinh Tiểu học thì người giáo viên cần phải phát huy hơn nữa khả năng vận dụng sáng tạo linh hoạt của câu đố vào trong giờ dạy của mình. Không chỉ trong tiết học Tiếng Việt nói riêng mà có thể đưa câu đố vào trong các môn học khác ( đặc biệt môn Tự nhiên và Xã hội) hoặc đưa câu đố vào trong những chương trình hoạt động ngoại khóa thông qua việc cho học sinh chơi
 “ Đố vui”.
a. Môn Tự nhiên và Xã hội ở Tiểu học cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh con người. Mà trong kho tàng câu đố của người Việt lại có rất nhiều những câu đố hay, sinh động về các loại con vật, cây quả xung quanh. Chính vì vậy, nếu ta vận dụng đưa câu đố vào trong những bài dạy Tự nhiên và Xã hội nhất là những bài có chủ đề về động vật và thực vật thì không những thu hút được sự thích thú của học sinh mà còn phát huy được tác dụng giáo dục của câu đố cũng như nâng cao được hiệu quả của giờ học.
Ví dụ: Khi dạy bài “ Cây rau” (Tự nhiên và Xã hội 1 ) thì giáo viên có thể liên hệ thêm một số câu đố về cây rau như :
Cây xanh, lá đỏ, hoa vàng
Hạt đen, rễ trắng, đố chàng cây chi?
 ( Cây rau sam)
Có thân mà chẳng có lòng,
Người trong thiên hạ Tây Đông đều dùng.
Những người nghèo khổ nói chung
Bạn bầu hôm sớm khắp cùng nước non.
 ( Rau muống)
+ Dạy bài : “Com gà” ( Tự nhiên và Xã hội lớp 1) , giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi đố vui bằng cách đưa ra những câu đố về con gà để đố học sinh:
Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên
Nửa đêm thức giấc kêu lên khắp làng.
 Hay 
Có mào, có cựa
Tiếng tựa như kèn
Mà nhắc đến tên
Tai nghe như trống
+ Dạy bài Hoa Tự nhiên và Xã hội lớp 3, giáo viên có thể đưa ra một số câu đố :
Hoa gì chào đón mùa xuân
Rung rinh cánh đỏ nhị vàng đẹp tươi
 ( Hoa đào)
Không đem mua được kẹo
Mà vẫn gọi “ đồng tiền”
Những cánh nhỏ dịu hiền
Rực tươi, bao màu sắc
 ( Hoa đồng tiền)
Hoa gì chùm nhỏ màu xanh
Mùa hè thêm ngọt bát canh cua đồng?
 (Hoa thiên lý)
+ Dạy bài Quả ( Tự nhiên và Xã hội lớp 3), giáo viên có thể đưa ra các câu đố để đố học sinh như:
Trên trời có giếng nước trong
Con kiến chẳng lọt con ong chẳng vào
 ( Quả dừa)
 Hay
Sông không đến bến không vào
Lơ lửng giữa trời làm sao có nước
Còn đây là quả đu đủ:
Tên em không thiếu chẳng thừa
chín vàng ngon ngọt rất vừa lòng anh
Quả gì năm múi năm khe
Quả gì nứt nẻ như đe thợ rèn
Quả gì kẻ ước người ao
Quả gì sáng tỏ như sao trên trời?
 ( quả khế, quả mãng cầu, quả mơ, quả mai)
+ Khi dạy bài Tự nhiên và Xã hội có chủ đề về Động vật thì giáo viên có thể sử dụng những câu đố về con vật có liên quan đến nội dung của bài đó. Dạy về con trâu có thể đưa ra câu đố về con trâu:
Con gì nhỏ hơn con voi
Lớn hơn con ngựa mà coi hiền lành
Thói quen tắm gội ao sình
Mưa mừng, nắng giận bẩm sinh khác thường?
( Con trâu)
Hay đây là con khỉ thật đáng yêu:
Con gì nhảy nhót leo trèo
Mình đầy lông lá nhăn nheo làm trò
Vừa bằng hạt đỗ ăn giỗ cả làng
Còn đây là con tôm:
Dao cắm ở trên đầu.
Mình lại ngắn hơn râu
đến khi cho vào lửa
Toàn thân lại đỏ au
 ( Con tôm)
Còn đây là con cá:
Quê nó ở Biển Đông,
Nay ta đưa vào đồng,
Nó ấp trứng trong miệng,
Nó nuôi con trong mồm,
Bữa ăn có nó ngon cơm.
đố ai biết nó là con vật gì?
 ( Cá rô phi)
b. Bên cạnh việc vận dụng câu đố vào trong môn học Tự nhiên - Xã hội. Chúng ta có thể đưa câu đố vào các hoạt động ngoại khóa bằng cách tổ chức cho học sinh chơi đố vui theo chủ đề.
Vui chơi là một hoạt động cần thiết, góp phần phát triển nhân cách của con người ở mọi lứa tuổi, nhất là đối với học sinh Tiểu học. Có thể khẳng định hoạt động vui chơi là điều kiện, là môi trường, là giải pháp, là cơ hội thuận lợi nhất ỏ Tiểu học góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục và tạo điều kiện để trẻ phát triển được các yếu tố tâm lực, trí lực, thể lực một cách tổng hợp.
Hoạt động vui chơi bằng câu đố sẽ kích thích vào sự phát triển trí tuệ của trẻ. ở các em, sẽ dần dần hình thành khả năng phân tích, phát hiện và cảm nhận về thế giới xung quanh, càng ngày càng tích lũy thêm những hiểu biết mới và làm sâu sắc thêm những kiến thức đã có của bản thân. Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thi đố vui theo chủ đề về cây cối, động vật, về đồ dùng, về lịch sử, về địa lí, Dưới hình thức: Đội này hỏi - Đội kia trả lời. Kết quả thi xem ai là người biết được nhiều câu đố nhất, ai là người có câu đố hay nhất, đội nào giải được nhiều câu đố nhất
Khi tổ chức cho học sinh chơi đố vui, giáo viên cần phải chuẩn bị sưu tập thêm nhiều câu đố có tính chất vui nhộn, ngộ nghĩnh về chủ đề đố vui đó, để tạo cho không khí cuộc thi thêm sôi nổi, hào hứng. Tổ chức cho các em vui chơi cũng tương tự như tổ chức một giờ học trên lớp, do đó giáo viên cần có sự chuẩn bị chu đáo. Giáo viên không những phải có lòng say mê, óc sáng tạo, có kiến thức, hiểu biết về câu đố mà còn phải có tâm hồn tươi trẻ, biết nhập vai khi cần thiết để cùng các em giải quyết tốt các tình huống bất ngờ nảy sinh trong quá trình vui chơi.
Phần III: kết luận
1. Câu đố là một thể loại quan trọng:
Câu đố là một thể loại quan trọng trong nền văn học dân gian Việt Nam. Đóng vai trò là một phương tiện nhận thức đặc biệt, tinh tế và linh hoạt. Câu đố đã đem lại cho người dân Việt nhiều phút vui vẻ yêu đời. Bên cạnh đó, câu đố còn có tác dụng kích thích óc suy xét, bồi dưỡng tri thức về thế giới khách quan cho nhân dân. Có thể nói câu đố là bài học thường thức về các sự vật và sự việc trong lao động và đời sống, trình bày theo phương pháp trực quan và mô tả một cách sinh động, do đó dễ nhớ và gây được nhiều hứng thú. Chính vì vậy câu đố rất phù hợp với sự phát triển của thiếu nhi, thỏa mãn óc tò mò lòng khát khao hiểu biết của các em, giúp các em dần dần chiếm lĩnh được kho tàng kinh nghiệm, kho tàng tri thức của ông cha ta một cách tự giác và tích cực.
2. Trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học câu đố được đưa vào với số lượng không nhiều nhưng lại khá phong phú về nội dung biểu hiện và đề tài phản ánh. Dưới hình thức như những văn bản thơ đặc biệt, dễ thuộc và dễ nhớ, các câu đố ở Tiểu học đã đề cập tới nhiều khía cạnh, đặc điểm khác nhau của con người, thiên nhiên, sự vật, cỏ cây, hoa lá, muôn loàiCó câu đố ngắn gọn, đơn giản với cách miêu tả trực tiếp những đặc điểm, hình dáng, tính chất của vật đố nhưng cũng có không ít những câu ẩn dụ kín đáo, khó hiểu với sự so sánh, liên tưởng độc đáo bất ngờ.
3. Câu đố trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp vốn tri thức cho học sinh, dạy cho các em những hiểu biết thường thức trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, giúp các em suy nghĩ, tìm tòi, rèn luyện tư duy trí tuệ. Ngoài ra, hệ thống câu đố còn giúp người giáo viên có thêm điều kiện giáo dục, phát triển trí tuệ và nhân cách học sinh bằng những phương pháp tiếp cận và truyền đạt mới, khác hẳn các bài tập luyện từ và câu, tập làm văn
Như vậy việc tìm hiểu hệ thống câu đố trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học có vai trò rất lớn. Trước hết nó giúp ta hiểu sâu và rõ hơn về quy mô, số lượng cũng như nội dung và tư tưởng của câu đố. Từ đó, ta có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của câu đố. ở Tiểu học, câu đố không chỉ hay và độc đáo trong cách thể hiện nội dung, đề tài phản ánh và cấu tạo ngôn từ mà nó còn sâu sắc trong cách giáo dục cho học sinh những thái độ, tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống như: Lòng yêu thương loài vật, biết quý trọng những vật dụng do con người làm ra, yêu thiên nhiên đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông.Câu đố không chỉ là phương tiện để rèn luyện tư duy, óc phán đoán, trí tưởng tượng cho trẻ mà thông qua câu đố, tâm hồn trẻ sẽ lớn dần lên bởi những tình cảm cao quý và tốt đẹp.
4. Từ việc tìm hiểu hệ thống câu đố đến việc nghiên cứu để tìm ra cách giảng dạy phù hợp là một việc làm rất cần thiết đối với người giáo viên Tiểu học. Phải làm sao để có thể phát huy được vai trò tích cực của câu đố, nhằm mang lại cho các em hơi thở của cuộc sống, giúp cho tinh thần của các em sảng khoái hơn, bớt được những căng thẳng, lo âu sau những thời gian dài học tập.
5. Người giáo viên khi giảng dạy câu đố ở Tiểu học không phải chỉ giúp học sinh hiểu được nội dung của câu đố, hiểu được những đặc điểm, hình dáng, bản chất, đặc trưngcủa các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, mà quan trọng hơn là người giáo viên phải bồi dưỡng được cho các em những tình cảm đạo đức cần thiết của một người “ con ngoan, trò giỏi”.
Với tư cách là một loại hình văn học dân gian mang tính trí tuệ cao nhưng lại khá thu hút, hấp dẫn bởi tính chất độc đáo và dí dỏm, câu đố đã được các em học sinh Tiểu học đón nhận một cách thích thú, trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu được. Do đó, việc phát huy vai trò, hiệu quả giáo dục của câu đố là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi người giáo viên khi giảng dạy những bài học có nội dung liên quan tới câu đố phải làm sao cho giờ giảng của mình trở nên sống động, vận dụng một cách linh hoạt hình thức dạy học tích cực: “học mà chơi, chơi mà học” nhằm nâng cao hứng thú và chất lượng học tập của học sinh.
Để giảng dạy tốt những bài học có nội dung liên quan đến câu đố trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học tôi xin mạnh dạn đưa ra một số đề xuất:
- Người giáo viên phải yêu và hiểu biết về câu đố.
- Có những định hướng về nội dung nhận thức và giá trị giáo dục của từng câu đố.
- Phát huy vai trò, hiệu quả giáo dục của câu đố vào việc vận dụng linh hoạt câu đố trong môn học khác và trong các chương trình hoạt động ngoại khóa, trò chơi đố vui.
Do năng lực và thời gian có hạn nên sáng kiến kinh nghiệm của tôi không tránh khỏi những hạn chế. Rất mong các thầy cô giáo góp ý để sáng kiến của tôi được hoàn thiện hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!
 Phú Hộ, , ngày tháng năm 2011
 Giáo viên
 Phạm Thị Nhâm

File đính kèm:

  • docSKKN_MON_TIENG_VIET.doc
Sáng Kiến Liên Quan