Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng làm văn biểu cảm

Tập làm văn là một trong ba phân môn của bộ môn Ngữ Văn. Đây là phân môn thực hành sử dụng tiếng Việt (rèn kĩ năng thực hành nói, viết, tạo lập văn bản tiếng Việt ).Trong các văn bản và phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, nghị luận, thuyết minh, điều hành thì biểu cảm đóng vai trò rất quan trọng. Yếu tố biểu cảm luôn cần thiết cho các loại văn bản. Về văn bản biểu cảm chủ yếu được học ở lớp 7 còn yếu tố biểu cảm trong các kiểu văn bản thì được học ở tất cả các khối lớp 7, 8, 9. Để làm được bài văn biểu cảm đòi hỏi mỗi ngườ i phải tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới nhân sinh. Văn biểu cảm thường trình bày trực tiếp cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người nên xúc động trữ tình bao giờ cũng mang thời hiện tại, đòi hỏi người viết phải thể hiện chân thực rung động để tạo nên sức mạnh truyền cảm tới người đọc. Thực tế giảng dạy cho thấy, phần đông học sinh không có khả năng diễn tả tình cảm, cảm xúc của mình mà thường là nói theo tài liệu, nói lại những gì thầy cô thuyết giảng. Các em hiểu bài, nắm vững lí thuyết, phương pháp tiến hành nhưng để tạo lập được một văn bản biểu cảm thực sự có ấn tượng lại là điều không mấy dễ dàng. Các em thường ngại nói, ngại bày tỏ và cũng có thể là không đủ sức diễn tả tình cảm, cảm xúc của mình. Chính vì vậy, bài làm văn biểu cảm của học sinh thường là khô khan, công thức, sức sáng tạo và dấu ấn cá nhân mờ nhạt. Ngôn từ trong bài văn biểu cảm thiếu sức gợi và sự lay động Nói tóm lại là yêu cầu biểu cảm chưa được đáp ứng đúng mức.

doc12 trang | Chia sẻ: sangkien | Lượt xem: 8572 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng làm văn biểu cảm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Những bài văn biểu cảm làm tại lớp của các em đạt kết quả tương đối khả quan (đạt 85 – 95% ) trong đó 50 - 60% bài làm đạt điểm khá -giỏi.
Tôi xin mạnh dạn trình bày một số việc đã tiến hành nhằm mục đích rèn kĩ năng làm văn biểu cảm cho học sinh. 
II, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH:
Cũng như tất cả các thể loại khác, khi giảng dạy nội dung này cần làm rõ các mặt: kiến thức lí thuyết – kĩ năng thực hành. Trong đó kĩ năng thực hành đóng vai trò quan trọng bởi phân môn tập làm văn bản thân nó là một môn mang tính thực hành tổng hợp.
1, Khái niệm về văn biểu cảm
Với nội dung này cần khắc sâu các ý:
Văn biểu cảm (còn gọi là văn trữ tình) là kiểu văn bản có nội dung biểu đạt tư tưởng, tình cảm bộc lộ cảm xúc của người viết, thường là những ấn tượng thầm kín, sâu sắc về con người, về sự vật, về những kỉ niệm, những hồi ức khó quên trong cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, văn biểu cảm có khả năng khơi gợi những cảm xúc chân thành ở người đọc, tạo sự đồng cảm giữa người đọc và người viết. Như vậy văn biểu cảm ra đời là để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người khi vui, khi buồn, khi hạnh phúc hay khổ đau bao giờ con người cũng muốn được thổ lộ, giãi bày chia sẻ.
Để học sinh nhớ khái niệm một cách có cơ sở, giáo viên đưa ra các ví dụ (ngoài các ví dụ SGK ) phân tích, hướng dẫn để các em hiểu phương thức biểu cảm trong ví dụ đó:
 “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
 Mặt trời chân lí chói qua tim
 Hồn tôi là một vườn hoa lá
 Rất đậm hương và rộn tiếng chim ”
 ( Từ ấy – Tố Hữu )
Nêu câu hỏi : ? Đoạn thơ thể hiện tình cảm của tác giả Tố Hữu như thế nào?
Trả lời: Đó là niềm sung sướng, hạnh phúc, say mê lí tưởng cách mạng của người thanh niên khi bắt gặp ánh sáng cách mạng.
Giáo viên khái quát: Mục đích của văn biểu cảm là biểu hiện, thể hiện thế giới tình cảm, cảm xúc và cách đánh giá của con người đối với tình cảm của chính mình và đồng loại, với cuộc sống, thế giới xung quanh. Trong phần cung cấp kiến thức về khái niệm văn biểu cảm cần chỉ rõ: Giữa các kiểu văn bản( tự sự – miêu tả và biểu cảm ) không hoàn toàn độc lập và đối lập nhau.
Ranh giới giữa các văn bản chỉ là tương đối. Học sinh thấy được sự đan xen kết hợp giữa các kiểu văn bản này nhưng vẫn phải xác định chính xác yêu cầu của mỗi kiểu văn bản và phương thức biểu đạt cho từng văn bản cụ thể. Từ đó các em có ý thức kết hợp các kiểu văn bản của mình để được một văn bản có giá trị biểu đạt phong phú phù hợp với yêu cầu giao tiếp của văn bản .
Giáo viên nhấn mạnh : Văn bản biểu cảm là văn bản đặc biệt gần gũi, gắn bó mật thiết với các môn nhóm nghệ thuật. Chính vì thế, hiệu quả tác động đến thế giới tình cảm, tư tưởng của con người là rất lớn.
Trên cơ sở học sinh nắm vững khái niệm văn biểu cảm, giáo viên hướng dẫn cho các em thực hành nhận biết các văn bản biểu cảm đã học trong chương trình và có thể đưa thêm một số văn bản khác để các em có cơ hội làm quen với văn biểu cảm .
2, Về đặc điểm của văn biểu cảm:
Khác với văn miêu tả là nhằm mục đích tái hiện đối tượng được miêu tả - Khi cung cấp nội dung này cần phân biệt để học sinh nhận rõ văn biểu cảm với các phương thức bểu đạt gần gũi như miêu tả. Trong miêu tả, đối tượng miêu tả là con người, phong cảnh, đồ vật. Con người cũng bộc lộ tư tưởng cảm xúc nhưng đó không phải là nội dung chủ yếu của phương thức biểu đạt ấy. Ngược lại trong văn biểu cảm, người ta cũng miêu tả cảnh vật, đồ vật, con người song chủ yếu là để bộc lộ tư tưởng tình cảm. Chính vì vậy người ta không miêu tả một đồ vật, cảnh vật con người ở mức cụ thể hoàn chỉnh mà chỉ chọn những chi tiết, thuộc tính, sự vật nào có khả năng gợi cảm để bộc lộ cảm xúc tư tưởng mà thôi.
Giáo viên đưa ra đoạn văn :
 “ Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại cây gạo như một tháp đèn khổng lồ: Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen Đàn đàn, lũ lũ, bay đi, bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau trò chuyện trêu ghẹo và tranh cãi nhau ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy ! ”
 ( Cây gạo – Vũ Tú Nam )
Yêu cầu :? Chỉ ra các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn trên. 
- Yếu tố miêu tả :- Cây gạo như một tháp đền khổng lồ
 - Chào mào, sáo sậu
- Biểu cảm: Cái tình của tác giả là tấm lòng đắm say, và thái độ và tình cảm trân trọng mến yêu với vẻ đẹp.
Giáo viên chốt lại: Phải yêu quê hương và gắn bó với cảnh vật làng quê này đến thiết tha sâu nặng lắm nhà văn Vũ Tú Nam mới miêu tả được cảnh đẹp làm rạo rực lòng người đến như vậy.
Như vậy, văn tự sự miêu tả muốn hay, người viết không chỉ có tài quan sát và thể hiện bằng các từ ngữ hình ảnh, bằng lối so sánh, ví von độc đáo mà còn phải có cái tình. Cái tình ấy có thể là tấm lòng say đắm, là thái độ tình cảm chân trọng mến yêu đối với cái đẹp, cái trong sáng, cao thượngnhưng cũng có thể là sự căm ghét, khinh bỉ đối với cái ác cái xấu cái lố lăng kệch cỡm ở đời. Không có cái tình mọi sự miêu tả dù ngôn ngữ có sắc sảo phong phú đến bao nhiêu cũng không để lại cho người đọc bất kì sự cảm nhận nào. Bài văn ấy sẽ chỉ là cái xác không hồn, không gây được xúc động.
*Phân biệt biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp
- Biểu cảm trực tiếp: Trong một văn bản, người viết công khai thổ lộ tình cảm, tư tưởng của mình trước sự vật sự việc, con người khi đó họ đang biểu cảm một cách trực tiếp. Cách biểu cảm này thường xuyên được dùng trong các tác phẩm trữ tình nhất là thơ.
- Biểu cảm gián tiếp: Thái độ và tình cảm của người viết thể hiện một cách gián tiếp thông qua cách nhìn nhận sự vật, cách dùng từ ngữ ví von so sánh. 
Sau khi cho học sinh nắm được biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp cho học sinh nhận biết hiểu được biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp ở một số dẫn chứng cụ thể.
Ví dụ 1 : “ Ông Nghị chéo đôi đũa vào mâm, bưng bát nước canh húp đánh soạt. Rồi ông vừa nhai vừa nuốt, vừa giục thằng nhỏ lấy tăm. Ông bà Nghị, mỗi người nhúng ba ngón tay vào chậu, vuốt qua hai mép một lượt, rồi cùng uống nước xỉa răng Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tích nước uống một hớp lớn, súc miệng òng ọc mấy cái rồi nhổ toẹt xuống nền nhà”. 
Nêu câu hỏi : ? Thái độ của tác giả với Nghị Quế ?
- Mặc dù không thể hiện trực tiếp nhưng người đọc vẫn nhận ra được thái độ châm biếm, giễu cợt và lòng căm ghét của Ngô Tất Tố với tên Nghị Quế trọc phú và thói trưởng giả vô học của y. Đó là cách biểu cảm gián tiếp .
Ví dụ 2: “  Buồn trông con nhện chăng tơ,
 Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ đợi ai !
 Buồn trông chênh chếch sao mai,
 Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ”.
 (Ca dao)
Học sinh có thể nhận biết ngay đây là cách biểu cảm trực tiếp của nhân vật trữ tình: Nỗi buồn cứ như dâng lên cùng cảnh vật.
Dù là biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp giáo viên cần hết sức chú ý tới các yếu tố: sự việc và con người trong văn biểu cảm. Không thể quá nghiêng về yếu tố sự vật hoặc chỉ chú trọng tới yếu tố con người. Trong 2 yếu tố này, yếu tố con người được chú ý hơn, bởi lẽ con người mới là nhân vật chính tạo nên những cảm xúc, những tình cảm trong một bài văn biểu cảm. Văn biểu cảm có quan hệ với văn tự sự, miêu tả. Chỉ có điều, trong văn biểu cảm, người viết không nhằm tả, mà thông qua kể, tả để bộc lộ cảm xúc, thái độ, tình cảm với sự việc, với con người. Kết hợp hài hoà giữa các phương thức tả, kể, biểu cảm sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành tạo lập văn bản đạt hiệu quả cao.
3,Cách tiến hành làm bài văn biểu cảm .
Trước khi hướng dẫn học sinh phương pháp tiến hành làm bài văn biểu cảm cần cho các em hiểu được một số điểm cơ bản về đề văn biểu cảm: đề văn biểu cảm thường ngắn gọn, rõ ràng, nêu ra đối tượng biểu cảm và định hướng tình cảm. Có trường hợp, đối tượng biểu cảm và định hướng tình cảm được tách bạch rạch ròi.
Ví dụ : “ Cảm nghĩ về dòng sông quê hương ” 
- Đối tượng biểu cảm là: dòng sông quê hương. 
- Định hướng tình cảm là: cảm nghĩ.
Cũng có trường hợp, đề văn biểu cảm chỉ nêu chung, buộc người viết phải tự xác định đối tượng biểu cảm và định hướng tình cảm.
Ví dụ: “ Cánh diều tuổi thơ ”
- Đối tượng biểu cảm là: Cánh diều tuổi thơ.
- Từ đối tượng ấy để tìm định hướng tình cảm là: Tình yêu, nỗi nhớ dành cho một hình ảnh quen thuộc gắn bó với bao kí ức tuổi thơ, qua đó gửi gắm những ước mơ, hoài bão.
*Tiến hành làm bài văn biểu cảm.
+ Bước 1: Xác định yêu cầu và tìm ý :
 Phải căn cứ vào các từ ngữ và cấu trúc của đề bài để xác định nội dung, tư tưởng, tình cảm mà văn bản cần hướng tới. Từ đó đặt câu hỏi tìm ý:
? Nội dung văn bản nói về điều gì ? Qua đó cần bộc lộ thái độ, tình cảm 
gì ?
+ Bước 2: Xây dựng bố cục.
Bố cục của văn bản biểu cảm cũng bao gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài .Tuy nhiên việc sắp xếp ý để tạo thành một bố cục hoàn chỉnh phụ thuộc vào mạch cảm xúc của người viết, không thể máy móc áp đặt một kiểu nào. Nhưng dù sao thì phần mở bài và kết bài cũng thường là những câu văn nêu cảm nhận chung hoặc nâng lên thành tư tưởng, tình cảm khái quát. Các ý lớn nhỏ trong phần thân bài phải được sắp xếp hợp với diễn biến tâm lí của con người trước từng sự việc, từng đối tượng .
+ Bước 3: Hoàn thành văn bản.
Đây là bước hết sức quan trọng. Trên cơ sở dàn bài đã xây dựng, người viết triển khai thành bài văn hoàn chỉnh. Cần lưu ý cho học sinh là trong quá trình diễn đạt phải biết kết hợp với các phương thức biểu đạt khác như miêu tả tự sự, nghị luận, đồng thời phải biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc như: nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, nói quáCâu văn phải có sự biến hoá linh hoạt. Lời văn giàu cảm xúc với vốn từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm.
Trong xây dựng bố cục cũng hết sức lưu ý đến các phương pháp lập ý của bài văn biểu cảm. Dàn ý trong bài văn biểu cảm không nên máy móc, rập khuôn, bởi tình cảm của con người vốn dĩ rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Người viết phải tuỳ thuộc vào từng đối tượng biểu cảm, tuỳ thuộc vào quy luật tình cảm cũng như thói quen suy nghĩ, biểu cảm của con người để tìm cách lập ý.
Giáo viên đưa ra một số phương pháp lập ý cơ bản, phân tích để học sinh tiếp cận, hiểu và vận dụng trong quá trình làm bài.
1, Liên hệ hiện tại với tương lai: Là hình thức dùng trí tưởng tượng để liên tưởng tới tương lai, mượn hình ảnh tương lai để khơi gợi cảm xúc về đối tượng biểu cảm trong hiện tại. Cách biểu cảm này tạo nên mối liên hệ gắn kết rất tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa hiện tại với tương lai.
2, Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại: Là hình thức liên tưởng tới kí ức trong quá khứ, gợi sống dậy những kỷ niệm để từ đó suy nghĩ về hiện tại. Đây cũng là hình thức lấy quá khứ soi cho hiện tại khiến cho cảm xúc của con người trở nên sâu lắng hơn. Cách biểu cảm này sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết rất nhuần nhuyễn và tự nhiên giữa quá khứ và hiện tại.
3,Tưởng tượng tình huống hứa hẹn, mong ước: Là hình thức liên tưởng phong phú, từ những hình ảnh thực đang hiện hữu để đặt ra các tình huống và gửi gắm vào đó những suy nghĩ, cảm xúc về đối tượng biểu cảm cũng như những ước mơ, hi vọng. Cách biểu cảm này đòi hỏi người viết văn biểu cảm phải có trí tượng phong phú.
4, Quan sát, suy ngẫm: Là hình thức liên tưởng dựa trên sự quan sát những hình ảnh hiện hữu trước mắt để có những suy ngẫm về đối tượng biểu cảm. Cách lập ý này thường tạo nên những cảm xúc chân thực, sâu sắc.
* Sử dụng các yếu tố: Miêu tả, tự sự trong văn biểu cảm. 
Trong văn biểu cảm, các yếu tố tự sự và miêu tả đóng vai trò rất quan trọng. Mối quan hệ này được hình thành trên cơ sở sự tác động qua lại tất yếu giữa các phương thức biểu đạt. Hơn nữa, mọi cảm xúc của con người đều hướng về cuộc sống. Đó là những sự việc, những hình ảnh, những cảnh đời. Nếu không kể lại, không tả lại thì không thể giúp người khác hiêủ được cảm xúc của mình.
Giáo viên đưa ra các ví dụ là các văn bản học sinh đã tìm hiểu được trong chương trình:
“ Bánh trôi nước ” của Hồ Xuân Hương 
? Học sinh phát hiện yếu tố miêu tả trong bài thơ? 
- Miêu tả bánh trôi nước : Hình dáng màu sắc. Miêu tả cách thức làm bánh
- Hồ Xuân Hương gửi vào đó tình cảm của mình: Đó là thái độ trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ đồng thời lên tiếng tố cáo xã hội lúc bấy giờ chà đạp nhân phẩm người phụ nữ.
Hay trong tác phẩm “ Qua Đèo Ngang ” của Bà Huyện Thanh Quan.
Giáo viên nêu câu hỏi:
? Yếu tố miêu tả góp phần bộc lộ tình cảm của nhà thơ như thế nào?
Học sinh có thể trả lời:
- Cảnh Đèo Ngang được miêu tả vào thời điểm “ chiều tà,bóng xế ” gợi nỗi buồn hiu hắt và đó cũng chính là tâm trạng của nhà thơ.
- Âm thanh khắc khoải của tiếng chim cuốc, chim đa đa, chính là nỗi lòng nhớ nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan.
- Cảnh trời mây non nước mênh mông, bao la đối lập với sự nhỏ bé của con người càng cực tả nỗi cô đơn trống vắng của tác giả .
Giáo viên lưu ý: Tuy nhiên, cũng không quá lạm dụng các yếu tố tự sự, miêu tả. Bởi nếu chúng ta sử dụng không hợp lý sẽ biến bài biểu cảm thành bài văn tự sự, bài văn miêu tả, tức là lạc thể loại. Phải xác định rõ yếu tố tự sự, miêu tả không phải là mục đích chính mà văn bản hướng tới. Nó chỉ đóng vai trò khơi gợi cảm xúc, diễn tả cảm xúc và thể hiện sự chi phối của cảm xúc.
Để củng cố kĩ năng sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm, giáo viên có thể đưa ra bài tập vận dụng.
? Xác định câu tự sự, câu biểu cảm trong đoạn văn sau. Cho biết đoạn văn được viết theo phương thức biểu đạt nào ? 
“Cốm không phải là thức quà của người ăn vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ, trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm trong lá sen ”.
 (Thạch Lam)
 Học sinh chỉ ra :
-Tự sự : “ Cốm không phải ngẫm nghĩ ”
- Biểu cảm : “Lúc bấy giờ ủ trong lá sen ”
Giáo viên nhấn mạnh: trong văn biểu cảm thì bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học là đối tượng biểu cảm đặc biệt, vì tác phẩm văn học bao giờ cũng là một sản phẩm tinh thần mang tính nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ. Khi biểu cảm về tác phẩm văn học đòi hỏi chủ thể tinh thần phải huy động cả tâm hồn, trí tụê để cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái giá trị cao quý (về cả nội dung và nghệ thuật ) của tác phẩm văn học, đồng thời phải lĩnh hội và thể hiện những thông điệp mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của mình.
 Quá trình biểu cảm tập trung vào cả hai giá trị của tác phẩm văn học:
- Nêu cảm nghĩ về giá trị nội dung: Là những rung động, những ấn tượng sâu sắc, những cảm nghĩ về chủ đề tư tưởng của tác phẩm, về những tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa sau các chi tiết, các hình ảnh. Từ đó suy ngẫm về bức thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó.
- Nêu cảm nghĩ về giá trị nghệ thuật: là những phát hiện về các nét nghệ thuật độc đáo, sáng tạo của tác phẩm (ngôn ngữ, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật ) những cảm nhận về tài năng nghệ thuật của tác giả.
Từ đó giáo viên đặc biệt nhấn mạnh với các em các bước làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học:
1.Mở bài : - Giới thiệu tác phẩm (thể loại, đề tài, tác giả )
 - Giới thiệu hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm. 
 - Nêu cảm nhận chung về tác phẩm.
2.Thân bài : Nêu những cảm xúc suy nghĩ do tác giả gợi lên. Có nhiều trình tự nêu cảm xúc có thể vận dụng:
- Trình tự 1: Nhận xét khái quát về giá trị của tác phẩm ( cả giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật ).Trên cơ sở đó, chọn một số chi tiết, hình ảnh đặc sắc để nêu cảm nghĩ. Trình tự này thường sử dụng ở những bài văn biểu cảm về tác phẩm tự sự .
- Trình tự 2: Nêu cảm nghĩ thứ tự các phần, các ý hoặc theo mạch cảm xúc của tác phẩm. Ở mỗi phần, cảm nghĩ phải tập trung cho cả nội dung lẫn nghệ thuật. Trình tự này thường sử dụng ở những bài văn biểu cảm về tác phẩm trữ tình.
3. Kết bài: Khẳng định lại ấn tượng chung về tác phẩm.
- Trong quá trình nêu cảm nghĩ, phải bám sát các chi tiết, hình ảnh, có dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu tránh tình trạng nêu cảm nghĩ chung chung.
- Để cảm nghĩ về tác phẩm văn học thêm sâu sắc, có thể liên hệ tới hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, liên hệ, sánh với những tác phẩm khác cùng chủ đề (có thể cùng tác giả hoặc khác tác giả ) 
- Cảm nghĩ phải sâu sắc, chân thành. Tránh tình trạng bắt chước một cách sống sượng, sáo mòn, giả tạo.
Để giúp các em định hướng cảm xúc của mình về một tác phẩm văn học,giáo viên có thể nêu một số câu hỏi, học sinh phát hiện tạo cơ sở lập ý cho bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học.
? Em hãy đọc bài thơ “ Cảnh khuya ” và cho biết:
? Bài thơ là sáng tác của ai? Được viết trong hoàn cảnh nào?
Học sinh trả lời :
- Tác giả Hồ Chí Minh 
- Hoàn cảnh sáng tác:tại Việt Bắc những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
? Bài thơ viết về cảnh vật gì? Nhà thơ thể hiện cảm xúc và tình cảm gì? những câu thơ nào cho em biết điều đó?
Học sinh phát hiện:
- Cảnh đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc thật yên tĩnh, trong trẻo, tràn đầy sức sống.
- Cảm xúc tràn ngập trong Bác đó là: Sự say đắm thiên nhiên hoà hợp với thiên nhiên nhưng cũng là tâm trạng lo âu của vị lãnh tự yêu nước, lo cho đất nước. 
- Những câu thơ diễn tả tâm trạng đó là :
 “ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
 Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà ”
? Xác định phương hướng biểu đạt trong tác phẩm? 
- Kết hợp hai phương thức: Miêu tả với biểu cảm.
? Thể loại? Nghệ thuật? 
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. 
- Ngôn từ , hình ảnh giàu sức biểu cảm.
? Theo em, ý nghĩa của bài thơ là gì ? Bài thơ để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất như thế nào ?
Học sinh trả lời: - Bài thơ giúp người đọc cảm nhận tâm hồn say đắm với thiên nhiên và tấm lòng lo cho đất nước của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. 
? Em liên tưởng tới tác phẩm nào nói về tình yêu thiên nhiên hoặc nỗi lòng lo nước của Bác? Hãy chỉ ra một số dẫn chứng minh hoạ?
Học sinh trả lời : - Trong bài “ Đêm nay Bác không ngủ ” – Minh Huệ viết:
 “ Đêm nay Bác không ngủ 
 Vì một lẽ thường tình 
 Bác là Hồ Chí Minh ”
Hoặc các em có thể khái quát: Thơ Bác tràn ngập ánh trăng, trăng trong thơ Người đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, hoà hợp với con người. Trong bài thơ “Rằm tháng giêng ” Bác viết:
 “ Giữa dòng bàn bạc việc quân
 Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền ”
Giáo viên bổ sung: Một số bài thơ của Bác nói về cảnh thiên nhiên, đặc biệt là về ánh trăng : “ Đi thuyền trên sông Đáy ”, “ Ngắm trăng ”, một số bài “ Vô đề”  
Như vậy, trên cơ sở kiến thức các em đã tìm hiểu ở phần văn học, học sinh xác định đúng, vận dụng cụ thể vào bài làm văn biểu cảm về tác phẩm văn học.
Một điểm cần lưu ý nữa là, muốn thể hiện tốt bài văn biểu cảm, vốn từ ngữ của các em phải được trau dồi thường xuyên, về phần này giáo viên chú ý kết hợp giảng dạy, cung cấp cho các em ở các giờ luyện tập sử dụng từ. Khi vốn từ phong phú, học sinh có thể chủ động linh hoạt trong quá trình tạo lập văn bản.
III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC – BÀI HỌC RÚT RA 
Như trên đã trình bày, để giúp học sinh tạo lập một văn bản biểu cảm thực sự có ấn tượng, giáo viên phải hết sức chú trọng đến việc rèn kỹ năng làm bài, cần hết sức tránh lối dạy áp đặt, khuôn mẫu. Bởi cảm xúc của con người không phải là một cái gì đó có thể sao chép, thụ động. Khi hướng dẫn học sinh làm bài cần lưu ý: Không nên phức tạp hoá vấn đề mà luôn phải suy nghĩ để tìm ra con đường ngắn nhất, rõ ràng rành mạch nhất. Ở từng bước tiến hành bài làm đều có thể cụ thể bằng những “ công thức ” có tính chất định hướng. Có như vậy, các em mới lắm chắc bản chất vấn đề, tạo thói quen độc lập suy nghĩ, hoàn toàn chủ động trước mọi đối tượng cần trình bày cảm xúc và đặc biệt là tạo lập được những văn bản biểu cảm có giá trị. Qua quá trình trực tiếp giảng dạy, theo dõi sự nhận thức của từng đối tượng học sinh, tôi đã chủ động áp dụng một số phương pháp giảng dạy nhằm rèn luyện kỹ năng làm bài văn biểu cảm cho các em và đẫ đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những ý kiến mang tính chất cá nhân, vì vậy tôi rất mong muốn nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của đồng nghiệp.
 Xin chân thành cảm ơn!

File đính kèm:

  • docSKKN_Ren_ky_nang_lam_van_bieu_cam.doc
Sáng Kiến Liên Quan