Sáng kiến kinh nghiệm Một số giải pháp giúp học sinh Lớp 7 làm tốt kiểu bài biểu cảm

Dạy Tập làm văn là dạy về phương pháp làm văn tức là trước khi giúp học sinh tự tạo lập 1 văn bản theo yêu cầu, người dạy cần phải trang bị cho họ những tri thức đặc trưng nhất về kiểu văn bản, cách làm bài, và cần thiết phải đưa ra được các cách lập ý phù hợp với kiểu văn bản, từ đó giúp học sinh tự tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề. Nhưng thực trạng chung của hầu hết giáo viên chúng ta khi giảng dạy Tập làm văn là ít chú trọng cái gốc kiến thức căn bản này, thường chủ yếu rèn kĩ năng cho học sinh sau khi các con đã tạo lập xong văn bản, hoặc cá biệt lại có quan điểm áp đặt tư duy, cảm xúc cho học sinh theo các bài làm mẫu của giáo viên nên học sinh nhiều khi chỉ nhìn thấy cái cụ thể mà không có tầm khái quát, không có khả năng chủ động, linh hoạt trong kiểu văn bản cần tạo lập.

Dạy văn biểu cảm không đơn giản chỉ là dạy học sinh một kiểu làm văn mà hơn thế nữa còn là dạy học sinh biết cách bộc lộ và chia sẻ tình cảm, cảm xúc của mình với thế giới xung quanh bằng lời văn. Học sinh có được sống thực trong những cảm xúc, cảm giác của mình thì tình cảm, cảm xúc mới từ lời văn truyền đến và lay động trái tim người đọc. Bởi vậy ngoài những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, người giáo viên phải hướng dẫn được cho học sinh cách để biết tự đánh thức những suy tưởng, tình cảm trong con người mình. Muốn thế, trong quá trình dạy văn biểu cảm, không chỉ cần tích hợp với những văn bản văn học mà học sinh đã học, mà còn phải tích hợp, liên hệ với thực tế đời sống của học sinh. Thế nhưng thực trạng là một số giáo viên thường chỉ dạy được cái “ý” mà không chú trọng đến cái “tình” của văn biểu cảm, họ cho rằng chỉ cần truyền tải được những nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa là đã có thể giúp học sinh tạo lập được văn bản biểu cảm. Chính vì không coi trọng việc bồi dưỡng cảm xúc cho học sinh nên bài làm của các em thường chỉ dập khuôn, máy móc, rất khô khan, gượng gạo. Học sinh làm bài như là để trả bài cho thầy cô, chứ không hề có hứng thú, say mê sáng tạo. Thậm chí, một số học sinh còn không thể phân biệt văn biểu cảm với văn miêu tả, văn tự sự; viết văn biểu cảm mà chỉ lan man kể lể sự việc hoặc ôm đồm tả cả những chi tiết vụn vặt, không cần thiết khiến bài văn trở nên vụng về, lủng củng, không thể đạt được mục đích biểu cảm. Niềm yêu thích với bộ môn Văn, vì thế mà cũng bị giảm sút rất nhiều.

 Viết văn biểu cảm cũng giống như công việc của các nhà thơ mà bí quyết chỉ đơn giản là “Hãy gõ vào tim anh / Thiên tài là ở đó.” Vậy làm thế nào để hình thành được cảm xúc cho học sinh? Có thể nói cảm xúc chỉ hình thành qua những trải nghiệm đích thực. Biểu cảm về một loài cây, các em phải trông thấy, gắn bó, biết được đặc điểm sinh trưởng, phát triển của loài cây. Biểu cảm về vùng đất nơi em sinh ra và lớn lên, các em phải thâm nhập vào đời sống, thấy được những nét đẹp riêng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người thì mới có thể yêu mến, tự hào về quê hương của mình. Thế nhưng, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo với bộ môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục hiện hành hầu như rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có hoạt động. Ngay kể cả ở gia đình, học sinh thành phố hiện nay cũng ít có cơ hội được trải nghiệm thực tế, giao hòa với tự nhiên nên cảm xúc rất nghèo nàn khiến các em không có khă năng hành văn.

 

docx52 trang | Chia sẻ: thuydung3ka2 | Ngày: 01/03/2022 | Lượt xem: 1488 | Lượt tải: 2Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số giải pháp giúp học sinh Lớp 7 làm tốt kiểu bài biểu cảm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
lẽ, từ lâu, tôi đã coi phượng như một người bạn tri kỉ, gắn bó với tôi đến suốt cuộc đời học trò thương mến.
	Loài phượng không giống như loài cây hoa hồng, hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ; cũng không giống như các loài cây hoa sữa, nồng nàn, ngát hương khiến cho lòng người ngây ngất. Phượng chỉ có chút hương thơm nhè nhẹ tưởng chừng như có như không, nhưng lại mang nặng những tâm tình của phượng gửi vào trong gió để gió mang đi xa. Khi phượng đẹp nhất, cũng là lúc phượng buồn, phượng nghĩ đến lúc phải chia tay các bạn học sinh. Khi tiếng ve đầu tiên của mùa hè xuất hiện trên khắp các con đường đến tận các ngõ nhỏ, đâu đâu cũng có tiếng nói chuyện nô nức của các bạn học sinh háo hức cho những dự định của mùa nghỉ hè sắp tới, hay những tiếng than thở, buồn phiền của các bạn học sinh khi phải xa các bạn, xa thầy cô và xa mái trường thân yêu. Trên con đường đi học về, tôi luôn thấy những hàng hoa phượng nở đỏ rực. Những du khách nước ngoài khi đi qua thấy những hàng cây phượng luôn trầm trồ khen ngợi. Cũng đúng thôi, cây phượng luôn mang một vẻ đẹp rực rỡ đến chói lòa, lấn át tất cả các vẻ đẹp khác. Vẻ đẹp của phượng là khi phượng dịu dàng trong những buổi chiều hè nắng tắt, phượng xinh xắn, dễ thương trong những buổi sáng đẹp trời. Và tôi yêu vẻ đẹp đó!
	Đối với cuộc sống của mọi người phượng là vậy, còn đối với học sinh phượng lại mang tâm trạng khác. Phượng buồn vì sẽ phải xa các bạn học sinh, phượng nhớ đến những lúc được vui chơi cùng với các bạn, giúp ích cho các bạn bằng những lần che nắng. Mỗi lần các bạn ngồi ôn bài, phượng lại bùi ngùi cảm xúc! Ngày chia tay, chắc chắn trong lòng các bạn học sinh sẽ là những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vui vì những dự định của kì nghỉ hè sắp tới, buồn vì phải xa thầy cô, xa các bạn và mái trường. Nhiều suy nghĩ quá khiến cho họ quên mất phượng rồi sao? Phượng vẫn đứng đấy, trông theo bóng dáng các bạn học sinh, vừa buồn, vừa nhớ. Phượng vẫn đứng đấy, vẫn đợi đến khi các bạn học sinh quay lại, sẽ cười và vui chơi với phượng. Chỉ mong thời gian sẽ trôi qua thật nhanh, thật nhanh
	Trong tôi, có lẽ, tôi cũng chỉ mong thời gian sẽ trôi đi thật nhanh, để tôi lại được gặp phượng lần nữa. Lấy một chùm phượng ém vào trang vở, tôi muốn khắc ghi hình ảnh của phượng mãi trong tâm trí, không bao giờ quên!
	Loài cây phượng là vậy đấy, là loài cây “hoa học trò” mà tôi yêu quý nhất, là loài cây mà tôi sẽ luôn coi như một người bạn thân thiết nhất trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Hình ảnh rực rỡ mà chói lòa, dịu dàng mà đằm thắm của hoa phượng sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi, không bao giờ tôi quên.
	 (Bài làm của Phùng Khánh Linh – học sinh lớp 7A)
	Bài làm số 2
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu ”
Mỗi lần nghe những giai điệu du dương, quen thuộc ấy, tôi lại nhớ đến cây phượng bởi phượng chính là chứng nhân cho biết bao kỉ niệm vui buồn thời học trò tươi đẹp của tôi.
	Mùa xuân qua đi, mùa hè đã đến từ lúc nào. Mùa hè đến một cách nhanh chóng và thầm lặng, làm người ta không hề hay biết. Nhưng tôi đã cảm nhận được sự trẻ trung, tươi mới của mùa hè qua cây phượng đang lung linh dưới ánh nắng rực rỡ. Nhìn cây phượng như một chiếc ô khổng lồ, như một nàng tiên xinh đẹp hứng từng giọt nắng vàng ươm như giọt mật tiếp thêm sức sống mãnh liệt tạo sự râm mát, dễ chịu cho con người. Thân cây xù xì in bao dấu tích của thời học trò trẻ trung, vui tươi, sống động, hồn nhiên và trong sáng. Rễ cây ngoằn ngoèo, có cái trồi lên mặt đất như những con rắn hổ mang bò trên mặt đất tìm kiếm sự sống của mùa hè. Lá phượng nhỏ như lá me non, mượt mà như đuôi chim phượng, mang một màu xanh lục trông thật đẹp mắt. Tôi thích nhất là được ngắm nhìn màu đỏ của hoa phượng. Đã vào hè, đây là thời điểm hoa phượng nở rộ nhất, để lại trong lòng người bao cảm giác kì lạ, bâng khuâng, xao xuyến. Hoa phượng đẹp, mềm mịn, đỏ rực như những đốm lửa đang cháy cho sự kiêu hãnh của mùa hè.
	Phượng nở không những là dấu ấn của mùa thi mà còn gợi cảm xúc cho những hàng lưu bút, nhật kí – là món quà lưu niệm nho nhỏ của những cô cậu học trò đang tuổi đến trường. Phượng là nhân chứng cho thời thanh xuân tươi đẹp nhất, là nhân chứng của tình bạn đẹp đẽ thời học trò áo trắng. Không những thế, phượng còn tô điểm cho đường phố thêm rạng ngời, muôn sắc; tạo bầu không khí trong lành, mát rượi mà bất cứ ai đi qua cũng không khỏi đắm say.
	Phượng gắn bó thân thiết với tôi trong suốt quãng thời gian cắp sách đến trường. Phượng báo tin hè về. Phượng gọi dậy trong tôi bao hoài niệm. Nhớ những ngày hè cùng bố mẹ đi du lịch, những ngày về quê đi thăm ông bà, bát ngát sông rộng, trời cao. Chao ôi là thích thú! Nhưng rồi mỗi khi đi qua đâu đó, thấy sắc hoa thắm đỏ, lòng tôi lại bồi hồi nhớ bạn, nhớ thấy cô, nhớ phượng. Lại muốn được đến trường, cùng đứa bạn thân nhặt từng cánh hoa đỏ chói, ép vào trang vở. Những lời hát ngô nghê, trong trẻo giữa giờ. Trò đùa quỷ quái của lũ bạn thân. Tất cả tuổi thơ của tôi đều được ghi dấu bởi sắc màu của hoa phượng!
	Hè về là phượng nở, là cả một khoảng trời tuổi thơ đỏ thắm rạo rực, là nỗi nhớ mà tôi đã dành trọn cho những năm tháng học trò đầy cảm xúc. Phượng để lại vấn vương, nỗi xao xuyến cho tôi về cuộc đời học hò mà có lẽ không bao giờ quên!
	(Bài làm của Trần Minh Thảo Nhi – Học sinh lớp 7A)
Đề bài: Cảm nghĩ về người thân ( Ông, Bà, bố, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô)
Bài làm số 1
	“Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Mỗi lần nghe câu hát ấy vang lên, tôi lại nghĩ đến người mẹ yêu dấu của tôi. Mẹ là người có công lao sinh thành, nuôi nấng, chở che tôi; mẹ là niềm vui, niềm hạnh phúc, là lẽ sống của đời tôi.
	Mẹ tôi đã gần 40 tuổi. Mẹ có dáng người cao gầy và mảnh dẻ. Làn da mẹ nâu rám nắng do những lần làm việc vất vả ngoài trời. Vì mẹ luôn lo lắng, suy nghĩ để chăm sóc cho các thành viên trong gia đình nên tóc mẹ đã lấm tấm vài sợi bạc. Tôi thương mẹ lắm!
	Ở mẹ, tôi yêu nhất là đôi mắt. Đôi mắt mẹ sâu, lắng đọng biết bao tình cảm yêu thương. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, tôi luôn biết mẹ yêu tôi đến nhường nào. Lúc tôi buồn, đôi mắt mẹ lại ánh lên những tia sáng hy vọng. Cũng có khi tôi mắc lỗi, đôi mắt mẹ, tôi chẳng dám nhìn vào nhưng cũng hiểu nó u sầu và thất vọng ra sao. Đôi mắt là cánh cửa tâm hồn mà mẹ luôn dang rộng để đón tôi bước vào. Tôi yêu mẹ, yêu cả ánh mắt, nụ cười của mẹ. Nụ cười của mẹ ấm áp như những tia nắng mùa xuân, hiền hòa như một ánh trăng ngần, đẹp như bình minh rực rỡ. Mẹ cười với tôi khi thấy tôi hạnh phúc, khi thấy tôi làm được nhiều việc có ích cho cuộc sống,.. . Nụ cười ấy tự bao giờ đã ghi dấu chẳng thể phai nhòa trong tâm trí tôi. Có phải ngoài đôi mắt của mẹ mà thượng đế đã ban tặng cho tôi, ngài còn ưu ái thêm cho cho tôi nụ cười của mẹ? Nụ cười ấy là nguồn động viên giúp tôi vượt lên những khó khăn, là cái nôi cho tâm hồn tôi dịu lại. Con người cười khi có niềm vui riêng, còn mẹ, mẹ cười khi thấy tôi hạnh phúc, trưởng thành. Ôi! Bao nhiêu lời lẽ đẹp nhất cũng không thể nói hết về nụ cười thiên sứ của mẹ.
	Nhưng tôi yêu mẹ không chỉ vì ánh mắt, nụ cười của Người mà còn bởi những điều tốt đẹp nhất mà mẹ đã mang đến cho gia đình. Tôi yêu thương và kính trọng mẹ vì mẹ là người phụ nữ nhân hậu, đảm đang. Mẹ tôi mang trong mình phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam truyền thống đảm đang, nhân hậu, thật thà. Hiếm khi mẹ tôi to tiếng với ai trong nhà. Nếu không may mắc lỗi, mẹ nhẹ nhàng khuyên nhủ. Mẹ thủ thỉ tâm tình với tôi chỉ ra điều hay, lẽ phải. Nhờ vậy, tôi dễ tiếp thu khuyết điểm để từ đó mà khắc phục. Với bà con hàng xóm, mẹ chưa bao giờ nặng lời với ai. Mẹ là trung tâm đoàn kết của cả nhà. Thỉnh thoảng, mẹ bị ốm nhưng mẹ chẳng bao giờ nghỉ ngơi. Gần như mọi việc trong nhà đều đặt lên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Tôi thương mẹ nhiều lắm, mẹ phải vất vả làm việc để nuôi tôi khôn lớn, chăm sóc cho cả gia đình.
	Tôi càng yêu thương và kính trọng mẹ vì mẹ là người giàu tình thương. Mẹ yêu thương tất cả thành viên trong gia đình. Mẹ chăm sóc ông bà từng li từng tí. Mẹ dậy sớm, pha trà cho ông, lấy cái kính, tờ báo đặt sẵn trên bàn cạnh cái ấm trà. Mẹ cùng bà đi chợ, nói chuyện vui vẻ. Mẹ luôn quan tâm hết mực đến tôi. Mẹ chăm lo cho tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ. Tôi còn nhớ mấy năm trước, tôi bị sốt cao, mẹ thức trắng đêm lo cho tôi từ viên thuốc đến thìa cháo. Lúc ấy, tôi thương mẹ lắm, tôi tự trách mình đã không bảo vệ sức khỏe cho tốt để mẹ mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ đến như vậy.
	Mẹ là tấm gương sáng để tôi học tập và noi theo. Với tôi, mẹ là người mẹ, người phụ nữ tốt nhất thế gian. Tôi luôn yêu thương, kính trọng mẹ. Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm. Và như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
	“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
	 Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”!
	(Bài làm của em Bùi Vân Anh – học sinh lớp 7A)
Bài làm số 2
“ Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi ”
	Tuổi thơ ai chưa từng nghe câu này ? Tuổi thơ ai mà chưa từng xúc động ? Có lẽ, ai cũng từng nghe, đây là lời ru rất quen thuộc khi ai còn bé mà mẹ ru ngủ. Tôi gắn bó cùng lời ru ấy và phải chăng lời ru đó làm tôi thấu hiểu hơn về tình yêu cao cả của mẹ ? Tôi yêu mẹ rất nhiều!
	Thời gian cứ vùn vụt trôi qua, đếm trên đầu ngón tay, tôi ngẩn ngơ về tuổi tác của mẹ. Mẹ tôi năm nay đã gần 50 tuổi. Nhưng cho dù tuổi mẹ đã đến “già”, cho dù mẹ thay đổi thì mẹ lúc nào cũng “trung thành” với bộ áo màu xanh công nhân mỗi tối về lại dính đầy bụi bặm, đó có phải mẹ quá vất vả không ? Tuy vất vả, đôi mắt đã quầng sâu bởi lam lũ, mệt mỏi nhưng đôi mắt ấy vẫn nhìn tôi, nhìn mọi người âu yếm. Đôi mắt luôn luôn ẩn chứa cả biển trời yêu thương với anh em tôi. Đôi mắt biết cười, biết sáng lên, biết hạnh phúc mỗi khi tôi được điểm tốt. Đôi khi, tôi làm mẹ buồn, đôi mắt như cũng buồn theo, đỏ hoe như sắp khóc, làm tôi thêm ân hận. Ôi, đôi mắt ấy làm tôi bừng tỉnh, làm tôi thêm hiểu hơn về cuộc đời này!
	Tôi yêu đôi mắt đen đầy tình thương của mẹ. Tôi cũng yêu mái tóc của mẹ. Mái tóc đó màu đen óng ả ngày nào đã biến đi đâu mất, giờ để lại mái tóc lấm tấm những sợi bạc. Có lẽ, những sợi tóc bạc trắng như chứng kiến cả cuộc đời vất vả, vật lộn của mẹ để chăm lo gia đình mà làm mẹ mất đi cả tuổi thanh xuân? Mẹ khổ, mẹ vất vả, mẹ tần tảo đến vậy sao? Tôi thực không biết. Tôi thực không biết mái tóc mẹ đã dần bạc trắng, tôi tưởng khi tôi lớn lên, mẹ sẽ được tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, an nhàn bên gia đình, nhưng không, tôi đã lầm. Tôi cũng rất yêu bàn tay của mẹ. Bàn tay chai sạn, ai cũng từng nói thế, vì mẹ làm việc rất mệt nhọc. Nhưng, mỗi khi mẹ dành thời gian bên tôi, khoảnh khắc ấy thật đẹp. Đầu tôi rối bù, mái tóc đen bết lại, lúc ấy khi mẹ chải, tóc đã mềm mượt. Thử tưởng tượng lúc ấy, bàn tay nẹ mềm mại, nhẹ nhàng gỡ tóc rối, chải đầu từ tốn. Rồi mẹ hỏi tôi, nói chuyện với tôi bằng giọng nói trong trẻo như tiếng hót của chú chim, ấm áp như nắng mùa thu. Khi mẹ chải xong, tôi soi gương rồi cười. Mái tóc đen trở nên mượt mà, tôi nghĩ rằng, mẹ là cô tiên, làm phép với cái đầu rối của tôi.
“Mẹ à! Đôi khi con có lỗi với mẹ.” - những trăn trở, suy nghĩ của tôi chợt hiện lên. Có ngày, tôi đã vi phạm lỗi lầm khiến mẹ buồn, mẹ đau đớn. Đêm đêm, chưa ngủ, tôi bỗng thấy cái bóng gầy gò, xiêu vẹo chợt hiện lên. Rón rén sang phòng bên cạnh, mẹ khóc nức nở, mẹ ngồi xuống nền đất lạnh. Tôi hối hận nhìn mẹ, lòng như bị thắt lại, tôi vội vã đến bên mẹ, đỡ mẹ dậy. Mẹ nhìn tôi, mẹ cười. Tiếng cười của mẹ át cả tiếng mưa, tiếng cười làm tôi như được tha thứ. Mệt quá, tôi gục bên mẹ. Mẹ hôn nhẹ vào trán tôi rồi đặt tôi vào giường. Mẹ hát ru tôi:	
“Bước chân bé nhỏ
 	Bước đi theo cha
	Dấu chân lần đầu tiên trên đường đời.”
	Khi tôi còn bé, mẹ tôi dạy tôi cách bò, cách ngồi, cách đi. Mẹ luôn cổ vũ tôi không ngừng. Mẹ đỡ tôi, mẹ dắt tôi tập đi. Rồi từ từ buông tay mẹ, tôi chập chững vài bước. Nhìn theo chân bước tôi đi, mẹ hạnh phúc. Có lẽ bước chân ấy là bước chân đầu tiên tôi bước trên đường đời. Có lẽ bước chân là nơi in dấu bao kỉ niệm về tuổi thơ. Có lẽ dõi theo bước chân ấy còn có mẹ. Mẹ đã chắp cánh cho tôi bay thật cao, thật xa để tôi có thể chạm tới ước mơ, khát vọng
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”
	Vâng, lòng mẹ mênh mông như biển rộng. Từng ngày, từng ngày, biển cứ mãi dài, dài đến vô tận. Cho dù, con có biết ơn, có làm mẹ vui để bồi đắp cho tình cảm vô bờ bến của mẹ thì không đủ lấp đầy biển. Nhưng, có một ngày, con không lấp đầy biển thì mẹ đã đi xa.Trong giấc mơ đó, con khóc, con níu kéo, con cố giữ tay mẹ rồi mẹ chỉ nở nụ cười buồn, giọt nước mắt chợt rơi. Mẹ từ từ biến mất làm con gào thét cũng không thấy mẹ trở về. Con thẫn thờ, con gục đầu chỉ muốn thoát khỏi giấc mơ khủng khiếp về mẹ. Rồi khi con tỉnh giấc, con tìm thấy bóng mẹ thì mẹ đã tạm biệt con rồi. Giá như con có phép lạ, con sẽ làm mẹ trở về thì hay biết mấy. Nhưng không, con khóc lóc thì chẳng có ích gì! Dù xa mẹ, con chỉ là đứa bé tội nghiệp mà thôi!
 	 (Bài làm của Trần Ngọc Minh – học sinh lớp 7A)
Đề bài: Quê hương trong trái tim tôi.
Bài làm
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Những câu thơ cứ vang lên, cứ vang lên để lại trong tôi cảm xúc khó phai về miền quê của tôi. Hai tiếng ấy “Quê hương” cứ in đậm trong lòng tôi, giúp tôi như thêm yêu quý, như thêm trân trọng, như thêm kính trọng “mảnh đất quê hương năm tấn: Thái Bình”- quê nội của tôi.
Từ những ngày ở trên thành phố, tôi luôn trông ngóng về quê. Quê tôi cũng gần lắm, chỉ cần bắc qua cầu Tân Đệ là tới, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác xa quê vời vợi mà nhớ da diết. Những lúc nghỉ hè được bố mẹ cho về quê, tôi chỉ muốn được kéo dài để tôi có thể nhớ hình bóng quê hương nhiều hơn.
Quê tôi đẹp lắm! Mảnh đất Thái Bình yêu dấu! Đẹp từ những cánh đồng trù phú, đẹp từ con sông hiền hòa, đẹp từ nụ cười, tính tình người dân nơi đây. Tôi khá tự hào mà nói, quê tôi thật ấn tượng từ cánh đồng lúa đang vụ mùa thu hoạch. Nhìn từ xa, cánh đồng chẳng khác gì tấm lụa vàng óng ánh dát vàng dát bạc cứ trải dài cứ như vô tận.
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
	Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông
	Ồ, lớn quá, rộng quá! Ngó bên nào tôi cũng thấy ánh vàng của lúa. Lúa vàng tươi, trĩu nặng những hạt thóc đang háo hức chờ đợi các bác nông dân thu hoạch. Tôi đang say mê ngắm vẻ đẹp của cánh đồng trù phú, mênh mông, bát ngát của nó làm tôi nhớ tới công sức của các bác nông dân. Từng tấc đất màu mỡ, từng bông lúa cứ dần dần mọc lên là bấy nhiêu giọt mồ hôi được đổ xuống đồng. Các bác nông dân làm việc vất vả quá! Nhưng bao sự nhọc nhằn, bao công lao của mọi người được trả, cánh đồng như thầm cảm ơn mọi nỗ lực để bông lúa được lên cao, lên cao Các bác rất vui vẻ! Tuy cái trán ướt đẫm mồ hôi do cái nắng gay gắt của trưa hè, nhưng ai ai cũng hạnh phúc vì một vụ mùa tốt. Tôi cảm ơn các bác vì tấm lòng lao động của mình.
Dòng sông nhẹ nhàng vắt qua cánh đồng, ru bóng mây trời. Dòng sông quê tôi lúc nào cũng khoác trên mình chiếc áo xanh thẳm, đẹp như một cô thiếu nữ. Thỉnh thoảng, dòng sông cứ ngân lên khe khẽ. Có lẽ, sông đang hát chăng? Đó có phải là tiếng hát của quê hương, câu hò trên đê, ngọt ngào như lời ru của mẹ, đôi lúc đau khổ khi ai rời xa quê hương, mà xa mãi mãi, không bao giờ trở lại không? Sông ơi, sông có chăng đang cũng đứng đợi người thương của mình, ngày nào cũng vậy có đúng không? Tiếng khóc đau khổ của sông cứ theo tiếng gió, ai nghe mà xào xạc, cũng đồng cảm với sông. Rồi lũy tre xanh cũng đang rì rào thương cảm cho sông. Rồi những chú cá cũng ngừng bơi lội để nghe sông hát. Buồn thay cho ai đứng đợi người thương mà không bao giờ trở về. Sông đã thay lời nói của ai để nói ra bao nhiêu cảm xúc của họ khi đã xa quê hương.
Rồi từ phía xa xa, những cô câu học trò đang tung tăng bước trên đường trở về nhà. Cô cậu tươi cười, hạnh phúc khi được mặc cái bộ áo trắng cùng chiếc quần của nhà trường, tung tăng cầm chiếc cầm chiếc cặp sách. Có phải ai cũng khát khao, cũng ước ao có được đồ vật đó không? Một món quà giản dị đã đủ để tôi hiểu hơn về tấm lòng hiếu học của họ. Ánh nắng chiều dần dần tắt hẳn, mặt trời dần dần khuất sau lũy tre, đã đến lúc của bữa cơm chiều. Khói cơm chiều nghi ngút, mời gọi tôi về nhà thưởng thức món ăn giản dị mà đầm ấm của miền quê. Bữa cơm đạm bạc chỉ có món rau, món thịt mà tôi ăn cứ thấy ngon hơn hàng ngày. Cái buổi chiều xế tà tĩnh lặng chỉ có tiếng loa phường thông báo, cùng với không khí ấm áp của bữa cơm gia đình làm tôi yêu hơn cái miền quê lúc nào không biết.
Quê hương mỗi người chỉ một
 Như chỉ là một mẹ mà thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Đúng vậy, ai là người không nhớ quê hương? Ai mà không nhớ cái buổi trưa hè nắng gắt, tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt đung đưa, lời mẹ ru ngọt ngào, cùng chiếc quạt nan phe phẩy đã đưa ta đến giấc ngủ ngon lành. Rồi những lúc thả diều cùng với bạn bè, cái tuổi thơ ấy còn in đậm mãi. Cảm ơn quê hương rất nhiều.
Tôi rất yêu quê hương. Tôi sẽ cố gắng học giỏi để xây dựng quê hương một ngày giàu đẹp. Cảm ơn bao kỷ niệm của tuổi thơ bên quê hương, hình ảnh miền quê sẽ in đậm trong tâm trí, trong trái tim tôi.
(Bài làm của Trần Ngọc Minh – học sinh lớp 7A)
Một số sáng tác thơ của học sinh lớp 7A
TẾT VỀ
	Tết về rồi thích quá ta!
	Chú chim non mãi hát ca trên cành
	Đào khoe sắc giữa trời xanh
	Cánh hoa – thiếu nữ mỏng manh sắc hồng.
	Hoa mai vàng, đẹp từng bông
	Tươi vui cầu chúc thành công tới người.
	Bánh chưng xanh tặng bao người
	Ai thử một miếng, mỉm cười khen ngay
	Tết này Tết thật là hay!
	Cầu cho năm mới, lộc “bay” vào nhà !
	(Trần Ngọc Minh)
XUÂN
	Xuân về xanh biếc chồi cười
	Hoa đào đỏ thắm, mai tươi nắng vàng
	Nhà em đẹp đẽ khang trang
	Bánh chưng thơm phức, em mang biếu bà.
	(Vũ Thu Hương)
 	 XUÂN VỀ
	Mùa xuân đến thật nhẹ nhàng
	Vui chung cùng với bản làng quê hương
	Hoa đào nở rộ sắc hương
	Khiến ai cũng phải vấn vương trong lòng
	Màu đào lẫn với màu mai
	Bao nhiêu đứa trẻ gái trai nô đùa
	Cầm tay bố mẹ đi chùa
	Ấm no, hạnh phúc, vui đùa sớm mai.
	Xuân này gắn với thứ gì?
	Thanh bao đỏ thắm lì xì trên tay.
	(Nguyễn Thành Tân)
HOA HỌC TRÒ
	Hè về phượng nở đầy sân
	Mấy cô thiếu nữ tần ngần đứng trông
	Rực trời một sắc màu hồng
	Mai sau khôn lớn nhớ công cô thầy.
	(Trần Minh Thảo Nhi)
HOA PHƯỢNG
	Rực trời đỏ lửa trước sân
	Chẳng kiêu sa cũng bội phần đẹp tươi
	Chỉ ăn sương, hứng gió trời
	Cho ta sống lại một thời ấu thơ
	Phượng ơi, phượng vẫn cứ chờ
	Qua năm qua tháng, phượng chờ ai đây?
	(Trần Minh Phương)
QUÊ TÔI
	Thái Bình quê lúa của tôi
Có dòng sông chảy, nước trôi hiền hòa.
	Ven sông mùa cải nở hoa
Gần xa khách đến xem hoa nói cười.
	(Nguyễn Xuân Hoàng)
THU MANG NIỀM VUI
	Thu sang cho lá rơi vàng
Cho hoa sữa nở trắng hàng cây xanh
	Cho mặt nước thêm long lanh
Con cá khuấy động lanh chanh đớp mồi
	Trăng rằm đã sáng lên rồi
Trẻ con tụ tập cùng ngồi hát ca
	Nào chè, nào bưởi, nào na
Cùng nhau phá cỗ, hò la khắp nhà.
	(Trần Minh Giang)	
MINH HỌA HÌNH ẢNH CÁC EM HỌC SINH TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG TRONG CÁC TIẾT HỌC TẬP LÀM VĂN
Hình ảnh học sinh tích cực, hào hứng trong các giờ học Tập làm văn.
Hình ảnh học sinh tích cực thảo luận nhóm trong giờ học làm văn biểu cảm
Hình ảnh học sinh tự tin trình bày bài nói trong giờ Tập làm văn.
PHẦN IV: CAM KẾT KHÔNG SAO CHÉP HOẶC VI PHẠM BẢN QUYỀN
	Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong quá trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn 7 ở trường THCS Tống Văn Trân, xin được chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp và xin được tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ bất cứ ai quan tâm đến sáng kiến này. 
Sáng kiến là trải nghiệm và cũng là tâm huyết của tôi!
 	Tôi xin cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền.
 	 Tôi xin chân thành cảm ơn!
 Nam Định, ngày 13 tháng 5 năm 2018
CƠ QUAN ĐƠN VỊ
ÁP DỤNG SÁNG KIẾN
(xác nhận)
.......................................................................
...........................................................
.......................................................................
...........................................................
 TÁC GIẢ SÁNG KIẾN
 Phan Thị Lệ Phương
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP NAM ĐỊNH
(xác nhận, đánh giá, xếp loại)

File đính kèm:

  • docxsang_kien_kinh_nghiem_mot_so_giai_phap_giup_hoc_sinh_lop_7_l.docx
Sáng Kiến Liên Quan